Là địa phương trọng điểm về ma túy của tỉnh Hòa Bình, vấn nạn ma túy đặt ra cho cấp ủy, chính quyền huyện Mai Châu nhiều thách thức. Theo số liệu cơ quan chức năng cung cấp, ở một số xã, tỷ lệ nam giới bị kết án tù tăng cao. Trong số đó nhiều người là "rường cột" trong gia đình. Ma túy khiến cuộc sống người dân chao đảo, gánh nặng cơm áo, gạo tiền dồn cả lên vai người phụ nữ.
Khi người phụ nữ là trụ cột gia đình..
Mặc dù nằm sát mép quốc lộ 6 lên Tây Bắc nhưng Bò Liêm lặng lẽ, u tịch từ trong những nếp nhà. Mặc dù đã được Chủ tịch UBND xã Tân Sơn Hà Văn Thươm phác thảo tình hình từ trước nhưng chúng tôi vẫn thực sự xót xa khi được chứng kiến, nghe tâm sự của những người đàn bà cô đơn nơi đây.
Gia đình đầu tiên mà chúng tôi tìm đến là hộ ông Bàn Văn Sông. Căn nhà gỗ đơn sơ cửa đóng, then cài. Phía trước nhà là khu vườn tạp và một cái chuồng lợn trống huơ, trống hoác. Chủ tịch Thươm lắc đầu nói với chúng tôi: Hai vợ chồng ông Sông đã ở cái tuổi lẽ ra được nghỉ ngơi nhưng chắc vẫn phải lên nương làm lụng kiếm cái ăn. Trụ cột của gia đình là con trai Bàn Văn Xuân hiện đang phải chịu án phạt tù vì tội buôn bán ma túy. Vợ của Xuân là Triệu Thị Sáng cũng đã từng phải bóc lịch trong tù 5 năm vì tội bán lẻ ma túy. Con trai của Xuân và Sáng cũng theo con đường của bố, mẹ mà vào tù.
Không gặp được ông Sông, chúng tôi đến nhà ông Phó Chủ tịch UBND xã Tân Sơn. Con trai của vị Phó Chủ tịch cũng đang phải chịu án phạt tù vì liên quan đến ma tuý. Bên bếp lửa bập bùng, 3 người phụ nữ đã luống tuổi cùng ngồi với nhau tâm sự chuyện đời, chuyện cơn bão ma tuý đã quần nát bản nhỏ vốn trước đây yên bình như thế nào. Không hề giấu giếm, một phụ nữ tên Ngần Thị Thảo vừa gắp thanh củi bỏ vào bếp, vừa hạ giọng: Nhà bà ở phía bên kia đường. Năm nay bà đã ngoài 70 tuổi rồi mà vẫn phải một mình nuôi 2 đứa cháu nội. Con trai bà dính vào ma tuý phải đi tù. Về được một thời gian đổ bệnh chết rồi.
Con dâu tần tảo sớm hôm đi làm thuê nuôi con cũng kiệt sức, lao lực mà bỏ đi theo chồng. Con trai mất năm trước, con dâu mất năm sau. Ba bà cháu ăn rau, cháo sống dựa vào nhau cho qua ngày. Thương các cháu không được đi học như các bạn cùng trang lứa. Thằng lớn năm nay 16 tuổi. Thiếu cái ăn, cháu phải đi làm thuê lọc bột dong riềng ở Mộc Châu (Sơn La) từ năm lên 14. Đấy cũng là nơi mẹ cháu đi làm thuê trước đây.
Tuyên truyền, vận động nhân dân nói không với ma túy. |
Ở bản nhỏ chỉ có 52 hộ nhưng hoàn cảnh như bà Thảo không hiếm. Số gia đình còn có đàn ông trụ cột trong nhà đếm chưa hết các đầu ngón tay. Bà Thảo vừa kể, vừa chìa 2 bàn tay ra đếm: Chú Phong, chú Quyền, Thổn, ông Thông, chú Xâm, chú Đức, cuối cùng là chú Quang. Cả bản chỉ còn có 7 người đều đã cao tuổi. Bây giờ, trong bản chủ yếu là đàn bà, trẻ con thôi. Mọi công to, việc lớn từ lên nương, cúng giỗ đến đào huyệt đều do bàn tay cánh nữ làm hết.
Trung bình mỗi năm, bản có 4-5 người chết vì nghiện ma tuý, HIV/AIDS. Năm nhiều lên đến 7 người, đều đang ở cái tuổi ăn, tuổi làm từ 25 đến 35 tuổi. Nhà ông Thông có 4 đứa con: Hải, Tâm, Tuấn, Tú đều chết vì ma tuý. Có một năm ông ấy phải 3 lần chôn con. Chị Bàn Thị Hợi ngồi bên cạnh tôi đây cũng một mình nuôi 2 đứa con thơ. Chồng chị đã chết vì lên cơn nghiện. Còn nhiều, nhiều hoàn cảnh như thế nữa! Nhóm lửa sưởi ấm đấy nhưng cứ thấy lạnh ở trong lòng.
Cách nhà ông Phó Chủ tịch xã chừng 100m là chi trường mầm non Bò Liêm. Ngôi trường nhỏ đã được xây từ năm 2000 nhưng khuôn viên nhỏ hẹp. Nơi đây đang chăm sóc, dạy dỗ 7 cháu, lứa tuổi từ 2-4. Cô giáo Hà Thị Liên, 16 năm gắn bó với chi trường chia sẻ: Nhìn các cháu nô đùa hồn nhiên, vui tươi thế nhưng có đến 4 cháu không có bố ở nhà. Cháu thì bố đang đi tù, cháu thì bố đã chết đều liên quan đến ma tuý. Có cháu sinh ra không biết mặt bố. Mẹ các cháu đều phải đi làm thuê nên thường là bà đến đón về. Đáng ngại nhất là tình hình ANTT ở đây. Cứ nhìn cái nhà vệ sinh của chi trường toàn giấy bạc để hít hêrôin mới thấy sợ. Cô giáo còn chẳng dám đi vệ sinh nữa. Các cháu đành đi vào bô ở ngay trong lớp học để đảm bảo an toàn. Cứ hở cái gì ra bên ngoài là mất, ngay cả những thứ nhỏ nhặt như đôi dép, tiô hút nước. Vì vậy, tất thảy mọi thứ đều phải cho vào trong lớp học, bếp ăn và khoá lại. Chỉ còn duy nhất một thứ là chiếc cầu trượt làm bằng bê tông là có thể để ở ngoài.
Là xã tập trung đông người dân tộc Mông sinh sống, Hang Kia và Pà Cò nắm giữ nhiều kỷ lục buồn về ma túy mà không địa phương nào muốn có. Trong vài năm trở lại đây, đã có hàng trăm con em người Mông liên quan đến ma túy, trong đó có hàng chục án tử hình, chung thân và hàng trăm người dân đi tù về ma túy. Có mặt tại địa phương, chúng tôi không khỏi xót xa trước nghịch cảnh các gia đình chỉ toàn phụ nữ, em nhỏ, thiếu vắng bóng dáng người đàn ông.
Từ xa xưa, người Mông ở Hang Kia, Pà Cò có truyền thống hút thuốc phiện. Khi cây anh túc bị triệt phá, một số người dân hám lời chuyển sang mua bán, vận chuyển. Là địa phương tiếp giáp với biên giới Việt - Lào và khu vực "tam giác vàng", nên việc di chuyển, băng rừng, lấy "hàng trắng" khá dễ dàng. Theo người dân địa phương, nếu xuất phát từ chiều hôm trước, đến sáng hôm sau là có mặt tại biên giới và quay trở về. Vì lẽ đó mà nhiều người dân dù biết ma túy là phạm pháp song vẫn nhắm mắt, làm liều, thậm chí sẵn sàng đánh đổi cả tính mạng để vận chuyển ma túy.
Cụ Vàng A Tình, người cao tuổi xã Hang Kia cảm thấy đau đớn khi nhìn thấy những con em người Mông, thế hệ tương lai của địa phương vướng vòng lao lý. Cụ Tình chia sẻ: ở đây cuộc sống vẫn còn nhiều khốn khó. Nguồn thu nhập, cuộc sống của đa phần người dân chủ yếu từ lúa, ngô, dong riềng và các loại cây ăn quả như mận, đào... Đất canh tác ít, chủ yếu là núi đá chênh vênh nên phần nhiều các hộ dân còn nghèo.
Dù vậy, trái với những nhọc nhằn lam lũ, ở Hang Kia cũng không khó để tìm thấy một cuộc sống sang giàu. Cuộc sống đó ai cũng hiểu nó đến từ đâu và đó cũng là bước khởi đầu của tội lỗi. "Mình có nói, có khuyên giải thì cái bụng nó không nghe. Nó thích nghe lời kẻ xấu, thích cuộc sống giàu sang, nhàn hạ. Trồng ngô, trồng sắn cả năm không bằng một chuyến buôn ma túy. Vậy thì.., khó tuyên truyền, giải thích lắm" - Cụ Vàng A Tình khép lại câu chuyện bằng tiếng thở dài. Chúng tôi cảm nhận sự bất lực của cụ, cũng như của chính quyền, địa phương khi ma túy ăn quá sâu vào tiềm thức người dân nơi đây.
Giữ cho nụ cười trẻ nhỏ luôn nở trên môi. |
"Mong mọi người đừng dính vào ma tuý"
Đó là lời tâm sự của bà Ngần Thị Thảo khi chia tay chúng tôi. Bà bộc bạch: "Chẳng thấy của cải, tài sản đâu, chỉ thấy sự kiệt quệ, tiều tuỵ, tang tóc. Con mất cha, mẹ mất con, bản làng vắng đàn ông. Gia đình nhà tôi đã khổ. Đến như ông Hà Ngọc Long ở bản Bò Báu bên cạnh có con đi buôn ma tuý mua cả xe ôtô tiền tỉ cho người yêu đấy mà ông bố vẫn phải sống trong căn nhà ẩm mốc, lụp xụp. Khi thằng Lương con ông ấy lĩnh án tử hình vì buôn ma tuý còn để lại cho ông món nợ hàng trăm triệu đồng. Chạy vạy, vay mượn anh em, bạn bè mà vẫn chưa trả xong".
Về hậu quả của ma tuý, có lẽ Chủ tịch UBND xã Tân Sơn Hà Văn Thươm là thấu hiểu nhất. Hơn 10 năm làm Chủ tịch, ông vẫn không thể tưởng tượng nổi ma tuý lại tàn phá làng bản ghê gớm và nhanh đến vậy. Ma tuý mới tràn về xã từ cuối năm 2005 mà đến nay cứ khoảng hơn 10 hộ lại có 1 hộ dính đến ma tuý. Trong đó, tập trung ở bản Bò Liêm. Ma tuý như một cơn bão vò nát cuộc sống của bản làng vốn êm ả, thanh bình. Ông Thươm lo ngại: “Chúng phải đền tội vì ma tuý là phải. Nhưng chỉ thương lũ trẻ bơ vơ, thiếu hơi ấm người cha rồi còn tương lai chúng nó. Nhà trường dạy dỗ liệu đã đủ?! Tân Sơn là một xã nghèo. Xã có 3 bản.
Năm 2012, thu nhập bình quân đầu người toàn xã mới đạt 7,1 triệu đồng. Bản Bò Liêm là nghèo nhất và phức tạp về ma tuý nhất. Nơi đây tập hợp các dân tộc Thái, Dao, Kinh, Mường từ các nơi về lập nghiệp. Trước tình hình đó, xã đã phối hợp với huyện liên tục xuống bản để tuyên truyền. Các hội, đoàn thể như thanh niên, phụ nữ cùng vào cuộc vận động nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật. Công an xã cũng gọi hỏi, răn đe. Nhưng vì lợi nhuận, không ít người vẫn lao như con thiêu thân vào con đường phi pháp, vào cái chết trắng. Chỉ có những người đàn bà cô độc còn lại trong bản mới thấu hiểu được hậu quả, sự tàn phá ghê gớm của ma tuý và căm phẫn những kẻ đã gieo rắc nó”.
Địa hình hiểm trở, đất sản xuất ít, thời tiết lại khắc nghiệt nên Tân Sơn và một số xã khác của huyện Mai Châu còn gặp nhiều khó khăn. Vẫn chỉ cây ngô, cây lúa, con trâu, con bò nên cái nghèo cứ quanh quẩn. Gia đình ông Chủ tịch xã cũng mạnh dạn trồng thử su su. Ngọn tốt, quả to nhưng chẳng thương lái nào đến mua vì chỉ có duy nhất gia đình nhà ông trồng. Ông hy vọng rằng, dự án nuôi cá hồi sắp tới sẽ là nét mới, đem đến sự đổi thay cho bản làng nơi đây.
Đề án 1081 của UBND tỉnh Hòa Bình triển khai được 4 năm, qua đó góp phần củng cố hệ thống chính quyền, nâng cao đời sống nhân dân 2 xã người Mông Hang Kia, Pà Cò. Những con đường trải nhựa tới từng thôn, bản, các mặt hàng tiêu dùng cung ứng đủ cho nhân dân địa phương. Trạm phát sóng FM, bưu điện, trường họp, trạm quân dân y kết hợp được củng cố hơn. Nhờ tích cực vận động, tuyên truyền mà số người liên quan đến ma túy giảm dần. Nhịp sống bình yên trở lại với bản Mông.
Dẫu biết rằng, tương lai phía trước còn nhiều khó khăn, thử thách, song chúng tôi tin rằng chính quyền địa phương đủ sức đẩy lùi "cơn bão đen", biến nó trở thành cơn gió nhẹ, làm tươi mới cuộc sống này. Để cho những gia đình không rơi vào nghịch cảnh vắng bóng đàn ông, để giữ nụ cười trẻ nhỏ luôn nở trên môi.
.