Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201412/yeu-nhu-chien-si-cam-tu-quan-565695/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201412/yeu-nhu-chien-si-cam-tu-quan-565695/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Yêu như… chiến sĩ Cảm tử quân - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 03/12/2014, 15:30 [GMT+7]

Yêu như… chiến sĩ Cảm tử quân

Chiến sĩ cảm tử là những chàng trai, cô gái mới ở tuổi đôi mươi; nhưng vì nợ nước, thù nhà, họ sẵn sàng làm lễ truy điệu sống với lời thề: “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.” Trong những tháng ngày gian khó ấy, biết bao tình yêu lãng mạn nhưng chất chứa cả máu và hoa đã nhen lên. Họ yêu thương trong chờ đợi, có khi cả quãng thời gian làm vợ, làm chồng, những lần họ gặp nhau không quá trên đầu ngón tay. Trong khu tập thể trên phố Lý Nam Đế, người nữ Cảm tử quân năm nào – bà Nguyễn Bích Thảo vẫn còn nhớ mãi tình yêu tuyệt đẹp với người chồng – liệt sĩ, trung tá Đỗ Đình Sửu.
 
Nên duyên từ sự gán ghép của các em thiếu sinh quân
 
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống Cách mạng, ông nội bà Thảo từng tham gia nghĩa quân của cụ Đề Thám. Bố mẹ bà là những người tham gia đóng góp cho kháng chiến ngay từ những ngày đầu. Cả ba chị em bà Thảo, những người con gái “phố Hàng” đều tham gia Cách mạng, người giác ngộ các bà không ai khác, chính là anh trai - nhà văn, nhà báo Như Phong (tên thật là Nguyễn Đình Thạc, người đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007).
 
Trước Cách mạng Tháng Tám, ba chị em gái đã được anh trai giao nhiệm vụ tham gia các hội cứu quốc và bí mật mua vải may cờ, chờ đến ngày tổng khởi nghĩa thì mang ra. Đến khi Pháp chiếm lại Hà Nội, Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, người Hà Nội hầu hết đều đi tản cư. Ba chị em gái bà Thảo đã quỳ lạy xin bố mẹ cho ở lại để chiến đấu bảo vệ Thủ đô. Họ vào Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Thủ đô, chiến đấu tại Liên khu 1 Đồng Xuân. Bà Thảo đã được học lớp hồng thập tự ở Bệnh viện Phủ Doãn và học quân sự ở sân trường Hàng Cót nên được giao nhiệm vụ trực tiếp tham gia cứu thương tại các trận địa. Khi ấy bà Thảo mới mười bảy tuổi.
 
Sau khi viết đơn xin ở lại Thủ đô, gia nhập quân ngũ, bà Thảo và hai chị Nguyễn Thị Tần, Nguyễn Bích Hạnh cùng xin gia nhập đội Cảm tử quân của Trung đoàn Thủ đô. Ngày ấy, để có mặt trong đội Cảm tử quân, ngoài khả năng chiến đấu, những người được xét duyệt phải gan dạ, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh khi nhận nhiệm vụ. Không ai bảo ai, cả ba cô gái “phố Hàng” đều cùng tâm nguyện “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Họ cùng tham gia lễ tuyên thệ sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Thủ đô.
 
Thế rồi chính trong những tháng ngày cảm tử ấy, tình yêu của cô gái Tràng An gan dạ đã được nhen lên. Những cậu thiếu sinh quân thấy chị Thảo dịu dàng, xinh đẹp, thấy anh Sửu hào hoa, chiến đấu kiên trung bèn gán ghép hai người với nhau. Chuyện tưởng chỉ dừng ở sự trêu đùa của những em thiếu sinh quân ấy lại hóa ra...thật. Chính vì gán ghép mà hai người lại lưu tâm đến nhau dù chị Thảo chiến đấu ở Đồng Xuân, anh Sửu lại chiến đấu ở mặt trận Đông Thành. Cứ gán ghép vậy, cứ có tình cảm với nhau vậy chứ anh chị đã bao giờ được gặp mặt nhau đâu.
Vợ chồng bà Thảo – ông Sửu cùng các bạn trong ngày cưới.
Vợ chồng bà Thảo – ông Sửu cùng các bạn trong ngày cưới.
Ông tơ, bà nguyệt của hai người trong những tháng năm khói đạn ấy là những cánh thư tay nhờ các em thiếu sinh quân chuyển hộ. Bà Thảo rưng rưng nhớ lại: “Ngày ấy vì điều kiện chiến tranh nên chúng tôi chỉ biết mặt nhau qua những tấm ảnh, và cảm nhận nhau qua những lá thư tay. Những cánh thư tay ngày đó chính là động lực giúp chúng tôi vượt qua mưa bom bão đạn”.
 
Sáu mươi ngày đêm lấy tình yêu làm động lực quyết chiến với quân thù rồi cũng qua đi, cả chị Thảo, cả anh Sửu đều nóng lòng chờ đợi giây phút được gặp nhau. Thế nhưng trước cái ngày hẹn gặp, chiến sĩ Đỗ Đình Sửu lại nhận nhiệm vụ lên đường đi chiến đấu. Lúc đơn vị hành quân qua bệnh viện nơi Thảo làm việc, anh Sửu chỉ kịp xin chỉ huy chạy lại nói với chị duy nhất một lời từ biệt: “Nếu còn sống, hẹn ngày trở về anh sẽ đến xin cưới Thảo”.
 
Cưới nhau mười ba năm, vợ chồng gặp nhau được sáu lần
 
Cô gái “phố Hàng” giữ vẹn lời hẹn ước, chờ đợi anh bộ đội Đỗ Đình Sửu trong suốt tám năm, dù rằng tám năm trường ấy, ông bặt vô âm tín.
 
Hạnh phúc vỡ òa khi chiến dịch Điện Biên thắng lợi, Trung đoàn Thủ đô trở về. Cuộc hội ngộ của hai trái tim sau tám năm dài xa cách, lời anh bộ đội hứa năm nào đã thành sự thật, đám cưới chỉ có gia đình, mấy người bạn, vài điếu thuốc, bát nước chè xanh. Giản đơn vậy thôi nhưng trong những ngày tháng ấy, được nhìn thấy nhau trở về đã là hạnh phúc lớn nhất rồi.
 
Trước khi thực hiện lời hứa cưới bà, ông đã xin đơn vị 1 tuần phép để lo đám cưới, nhưng chưa đầy ba ngày với hạnh phúc lứa đôi thì ông đã nhận lệnh phải về đơn vị gấp. “Vậy là lại xa nhau suốt mấy năm trời. Lần nào ông bà cũng xa nhau mấy năm mới được gặp nhau” – bà Thảo xa xăm nhớ lại. Chẳng hiểu run rủi thế nào mà tất cả những lần ông Sửu về phép thăm nhà ấy, lần nào vợ chồng gặp nhau cũng không quá được ba ngày là ông lại phải lên đường chiến đấu. Thế mà rồi ba ngày ấy cũng chẳng thể dành cho gia đình trọn vẹn. Gặp một đồng chí bộ đội trong thời chiến là mọi người đã vây lại hỏi han, bắt kể chuyện ăn ở, sinh hoạt ra sao, chiến đấu thế nào, rồi lại đòi đàn đòi hát. Thời gian ông bà gặp nhau đã ngắn lại càng ngắn hơn.
 
Niềm an ủi lớn là khi các con ra đời đã khiến bà vơi bớt nhớ thương. Bốn năm ông Sửu được cử đi học ở Liên Xô, mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều do một tay bà Thảo lo liệu. Lương y tá 38 đồng chẳng thấm tháp gì với bà mẹ một nách bốn con, đã có những lần bà phải bán máu lấy tiền để trang trải cuộc sống. “Khổ nhất là những ngày cả mấy đứa cùng ốm. Chẳng còn cách nào, tôi đành phải mang mấy đứa vào viện cùng. Mẹ đi lo bệnh nhân, con thì nằm trong phòng nghỉ của y tá. Rảnh ra lúc nào lại tất tả chạy đến thăm con. Cũng may là mấy đứa ngoan” – bà Thảo kể.
 
Bao năm tháng khó khăn, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tình cảm đó, những lá thư đều đặn hằng tuần được ông gửi về từ Liên Xô chính là động lực để bà vượt qua. Bà vẫn nhớ từng câu, từng chữ trong thư ông viết: “Rồi thời gian sẽ trôi qua nhanh thôi, anh sẽ trở về gặp Thảo yêu thương của anh và các con”. Lật giở hơn một nghìn lá thư ông bà viết cho nhau, dẫu có đồng cảm thế nào đi nữa, thế hệ trẻ sinh ra trong hòa bình như chúng tôi cũng chẳng thể nào hiểu được sao tình yêu của họ lại bền bỉ và có sức mạnh ghê gớm để vượt qua mọi khó khăn đến thế?!
Nỗi nhớ.
Khi ông về nước, ở nhà cũng chưa quá được ba ngày thì lại có lệnh lên đường đi B. Bà không ngờ được rằng ấy là lần gặp cuối.
 
Ông đi B, vẫn đều đặn một lá thư mỗi tuần, nội dung vẫn là tình yêu mà ông dành cho “Thảo yêu thương của anh” nhưng đã xen những câu chuyện cam go, ác liệt của cuộc chiến. “Nếu tính riêng ở Bắc Quảng Trị thì từ đầu năm đến nay ta đã diệt trên 30.000 lính Mỹ, đặc biệt là bọn lính thủy đánh bộ - bọn hung hăng nhất của đội quân xâm lược Mỹ. Thảo chịu khó nghe đài đọc báo, nếu có những chiến công mới ngày càng lớn hơn ở Bắc Quảng Trị thì Thảo lại càng tự hào vì ở đó có phần đóng góp nhỏ của người mà Thảo yêu nhất”.
 
Năm 1969, khi bà đang chuẩn bị kỳ thi ở lớp học y sĩ thì người thân đến xin nhà trường cho bà về giải quyết việc gia đình. Bà òa khóc khi biết tin ông đã hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân (1968). Nén nỗi đau, bà nói với người thân: “Em không thể về được. Lớp em có gần 100 chị em, đa phần trong số họ đều có chồng đi B. Kỳ thi sắp đến rồi, nếu em về lúc này mọi người sẽ hoang mang lắm, sẽ không ai học được đâu” - bà Thảo kể, giọng nghẹn lại - “Đau khổ lắm cháu ạ, mà không thể tâm sự với ai, đêm về bà chỉ biết khóc một mình. Nhưng rồi nhờ những lá thư lưu giữ của ông mà bà gượng dậy, sống mạnh mẽ để tiếp tục nuôi con”.
 
Cho đến ngày bà biết ông hy sinh, hai vợ chồng được gặp nhau chỉ vỏn vẹn sáu lần.
Hơn bốn mươi năm đã trôi qua, tám mươi tám tuổi, bà Thảo vẫn một mình lặng lẽ trong ngôi nhà tập thể trên phố Lý Nam Đế. Bà không muốn đi đâu cả, bởi mấy chục năm qua, hình ảnh ông và những lá thư ghi đậm tình yêu đã là nguồn sống, là ngọn lửa luôn sưởi ấm trái tim bà!
.

Nguồn: Cstc.cand.com.vn

.