Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201412/nhung-cu-san-hang-doc-571997/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201412/nhung-cu-san-hang-doc-571997/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Những cú 'săn hàng độc' - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 22/12/2014, 15:41 [GMT+7]

Những cú 'săn hàng độc'

Những câu chuyện hậu trường với nhiều pha thót tim phía sau những tin, bài độc quyền trên các ấn phẩm của Báo CAND được kể dưới đây, có thể sẽ làm bạn đọc ngỡ ngàng, thậm chí "khó tin". Nhưng tất cả đều là "có thật". Giống như tên một chuyên mục đứng trên Chuyên đề ANTG Cuối tháng và Giữa tháng đã nhiều năm nay nhưng vẫn được bạn đọc yêu mến: “Những câu chuyện khó tin nhưng có thật”.
 
Vụ án Vũ Xuân Trường: Khi giám thị Hỏa Lò cũng bị… lừa
 
Năm 1997, vụ án đường dây ma túy xuyên quốc gia Vũ Xuân Trường thực sự là một sự kiện đối với xã hội và đối với báo chí. Trong suốt 12 ngày xét xử vụ án này (từ ngày 2 đến ngày 14/5), toàn bộ các tuyến phố xung quanh Tòa án nhân dân TP Hà Nội như Triệu Quốc Đạt, Hỏa Lò, Hai Bà Trưng đều tắc nghẽn bởi dòng người đứng chen chân trên vỉa hè tràn xuống cả dưới lòng đường theo dõi vụ án qua loa truyền thanh truyền từ Hội trường xét xử. Tòa án đã phải dành phòng xét xử lớn nhất của Tòa khi ấy là Phòng 202 nhưng do lượng bị cáo đông, nhân chứng và những người liên quan đông, luật sư đông nên cánh nhà báo cũng chả có chỗ ngồi, tất cả đều phải đứng để tác nghiệp.
 
Các nhà báo khi ấy chỉ được chụp ảnh các bị cáo ở vị trí "đẹp" nhất, cận cảnh nhất là trước vành móng ngựa một lần duy nhất ấy là khi khai mạc phiên tòa và phải xếp hàng lần lượt lên chụp dưới sự giám sát của thẩm phán Nguyễn Văn Hồi - khi ấy là Chánh Văn phòng Tòa. Tất cả các nhà báo xếp hàng ở cửa trước, lần lượt từng người vào hội trường, dừng lại trước vành móng ngựa chừng vài phút để bấm máy rồi đi ra cửa sau. Ai chụp hỏng sẽ không có cơ hội được quay lại vị trí "vàng" đó để chụp lại.
 
Thời ấy, trước và sau phiên tòa, tất cả mọi thông tin liên quan đến Vũ Xuân Trường đều được bạn đọc săn tìm. Sau này, có người thống kê, đã có khoảng 600 bài báo của 70 cơ quan báo chí viết về vụ án Vũ Xuân Trường. Nói dông dài như vậy để thấy được sức nóng của sự kiện này.
 
Chuyên đề ANTG khi ấy vừa mới trình làng được chưa đầy một năm và vụ án Vũ Xuân Trường, tất nhiên, trở thành "điểm nóng" của Tòa soạn. Ngay sau khi quá trình điều tra hoàn tất, ANTG là tờ báo duy nhất vào thời điểm này được tiếp cận với hồ sơ vụ án. Nhưng, với điều kiện chỉ được đọc tại Cơ quan điều tra và không được sao chép dưới bất kỳ hình thức nào.
 
Nhà báo Nguyễn Như Phong (khi ấy là Thư ký Tòa soạn của ANTG, giờ là Tổng Biên tập Báo Năng Lượng Mới) được nhà văn Hữu Ước (khi đó là Tổng Biên tập) cử đi đọc tài liệu và viết bài. Khi sang đến Cơ quan điều tra, ông được đưa vào một căn phòng nhỏ trên tầng 3 với một đống hồ sơ. Như vớ được vàng, ông đọc ngấu nghiến và thấy trang nào cũng giá trị. Nhưng, với thời gian cho phép chỉ khoảng 1 tiếng, nếu chép tay thì dù có viết nhanh như siêu nhân cũng không thể ngốn hết được ngần ấy trang giấy.
 
Đúng là trong cái khó, ló cái khôn. Loay hoay một hồi thì ông tìm ra phương cách. Ông điện thoại về Tòa soạn, gọi người mang dây dù và máy ảnh tới. Và rồi, chiếc máy ảnh đã được thòng dây để kéo lên tầng 3. Sau khi máy bấm choanh choách, ngốn cả chục cuộn phim, chiếc máy ảnh lại được thòng dây thả xuống tầng 1 rồi chuyển thẳng ra cửa hiệu làm ảnh tráng, phóng. Để rồi, từ nguồn tài liệu quý giá đó kết hợp với những câu chuyện khéo léo moi được từ các trinh sát, nhà báo Nguyễn Như Phong đã cho ra lò loạt bài 5 kỳ về vụ án Vũ Xuân Trường với tư liệu độc quyền, thu hút được sự quan tâm đặc biệt của độc giả.
Rất đông người dân đến cổng Tòa án nhân dân TP Hà Nội để theo dõi phiên tòa xét xử vụ án Vũ Xuân Trường.
Rất đông người dân đến cổng Tòa án nhân dân TP Hà Nội để theo dõi phiên tòa xét xử vụ án Vũ Xuân Trường.
Ít lâu sau, phiên tòa được mở. Thông tin về vụ án càng trở nên nóng bỏng. Tổng Biên tập Hữu Ước lệnh, khi phiên tòa đã xử công khai thì tài liệu độc lúc này phải là những tấm hình. Lại là nhà báo Nguyễn Như Phong. Ông lãnh trách nhiệm trước Tổng Biên tập là phải bằng mọi giá chụp được những tấm hình mà các PV báo khác không chụp được.
 
Nhà báo Nguyễn Như Phong kể lại: "Để có những bức hình mà báo khác không có thì quả là cực khó, bởi vì chụp tại Tòa thì ai mà chả có. Nghĩ mãi không biết làm thế nào để có được ảnh độc, tôi quyết định chơi bài liều là sáng sớm ngày mở phiên tòa, sẽ vào Trại giam Hỏa Lò chụp ảnh dẫn giải các bị cáo, mặc dù tôi biết là trong cuộc họp bàn về công tác bảo vệ, anh Phạm Chuyên - Giám đốc Công an Hà Nội khi đó - đã quả quyết là sẽ không cho bất kỳ nhà báo nào vào trong trại giam lấy tin và chụp ảnh".
 
Khoảng hơn 4 giờ sáng ngày mở phiên tòa, nhà báo Nguyễn Như Phong đã có mặt tại Trại Hỏa Lò mới dưới Cầu Diễn. Lúc này, mới tờ mờ sáng nhưng các cán bộ Trại đã tất bật các khâu công việc chuẩn bị cho việc dẫn giải 25 can phạm ra tòa. Sự xuất hiện của nhà báo Nguyễn Như Phong làm Thượng tá Nguyễn Văn Hoắc - lúc đó là Giám thị Trại tạm giam Hà Nội - khó chịu.
 
Nhà báo Nguyễn Như Phong kể: "Thượng tá Hoắc lạnh lùng nhìn tôi và hỏi: Ai cho phép anh vào đây? Tôi đành trí trá nói, anh Chuyên đã đồng ý cho ANTG vào chụp ảnh". Nhưng, Thượng tá Hoắc tất nhiên là không tin vì ông chưa nhận được lệnh đồng ý từ Giám đốc. Vì thế, Thượng tá Hoắc cương quyết cấm không cho nhà báo Nguyễn Như Phong vào phía trong. Cẩn thận, ông còn cử một anh chàng CSBV đứng canh nhà báo Nguyễn Như Phong với mệnh lệnh: "Cậu không được để ông nhà báo này bước vào trong trại và chụp ảnh".
 
Đợi cho Thượng tá Hoắc đi khuất - nhà báo Nguyễn Như Phong kể - ông rút điện thoại ra, bấm số linh tinh, vờ gọi cho Giám đốc Phạm Chuyên, cố nói thật to để cho anh chàng CSBV nghe thấy. Rằng, báo cáo Giám đốc, em đã vào đến Trại như lệnh của anh mà anh Hoắc nhất định không cho chụp ảnh. Anh ấy còn cử người canh em. Anh nói chuyện với đồng chí CSBV đang canh em nhé. Rồi, nhà báo Nguyễn Như Phong dừng lại, chuyển máy cho anh chàng CSBV mà từ lúc vờ bấm máy đến lúc này, ông để ý thấy anh chàng dõi theo rất chăm chú.
 
Nhà báo Nguyễn Như Phong kể: "Khi tôi đưa máy cho anh chàng CSBV bảo, này chú nói chuyện với Giám đốc nhé thì anh ta hoảng hồn, vội xua tay bảo thôi thôi, để cháu vào báo cáo chú Hoắc. Vài phút sau thì Thượng tá Hoắc ra. Ông lôi tôi vào cổng trại và cho tôi đứng ở ngay cửa khu trong, nơi mà tất cả các bị cáo khi dẫn giải ra ngoài đều phải đi qua và càu nhàu: "Dù có lệnh của Giám đốc thì tôi cũng chỉ có thể cho anh được đứng ở đây".
 
Vậy là, từ vị trí “vàng” này, hàng trăm bức hình "độc" chụp các bị cáo ở thời khắc đầu tiên khi ra ngoài khu giam để đến phiên tòa được chụp. Những bức hình ấy, ngoài ANTG không có bất kỳ một tờ báo nào có được. Và rồi, mấy ngày sau, nhà báo Nguyễn Như Phong kể: "Khi gặp lại tôi tại phiên tòa, Thượng tá Hoắc chỉ mặt tôi mà rằng: Tao không ngờ chú mày lừa được cả anh. Nhưng từ nay thì đừng bao giờ vào trại viết lách gì nữa nhé. Nói rồi, ông quay lưng đi, bỏ mặc tôi đứng chưng hửng. Nhưng chỉ được vài bước, ông quay lại và cười: "Nhưng mà phóng viên thì phải như thế".
 
Sau gần 2 tuần xét xử, Tòa quyết định tuyên án vào chiều ngày 14/5. Hôm đó là thứ Năm mà theo lịch thì ANTG lại phát hành vào chiều thứ Sáu. Mà như thế là ANTG sẽ thua tất cả các báo phát hành chiều tối thứ Năm. Tính đi tính lại, Tổng Biên tập Hữu Ước quyết định riêng số báo đó, ANTG sẽ phát hành sớm 1 ngày, tức là vào chiều thứ Năm.
 
Tuy nhiên, oái ăm là các nhà in đã kín lịch, không thể chen vào in trong khoảng thời gian sau 17 giờ mà chỉ có chen in được từ 13 giờ 30 phút đến 17 giờ. Mà, giờ ấy thì Tòa chưa tuyên án xong, chưa thể biết được mức án cụ thể của từng bị cáo.
 
Nhà báo Nguyễn Như Phong khi đó dựa trên tất cả những tài liệu đã thu thập được, dựa trên diễn biến phiên xử mà ông đã theo dõi rất kỹ lưỡng đằng đẵng ngần ấy ngày, phán đoán, mức án của các bị cáo cầm đầu chắc sẽ không khác với mức đề nghị của Viện Kiểm sát. Ông đã trình bày tất cả những điều đó với Tổng Biên tập Hữu Ước và sau khi suy nghĩ hồi lâu, Tổng Biên tập quyết định sẽ cho đăng trên ANTG mức án của các bị cáo cầm đầu theo đúng như đề nghị của Viện Kiểm sát.
 
"Đúng 11 giờ trưa hôm ấy - nhà báo Nguyễn Như Phong kể - đích thân Tổng Biên tập Hữu Ước mang bản can sang nhà in và ông trực tiếp đứng canh máy in để, như lệnh của ông là "không để bất cứ một tờ ANTG nào, dù là bản in thử lọt được ra ngoài. Bản kẽm lắp lên máy in xong là khoảng 12 giờ. Một không khí căng thẳng tột độ bao trùm tòa soạn. 13 giờ khi các nhà in ở cả hai đầu Hà Nội và TP HCM giục phải in thì tôi vẫn còn lang thang ở Tòa án, mong moi thêm được tí ti thông tin nào về mức án cũng là quá tốt.
 
Khi tôi mới leo được đến lưng chừng cầu thang để lên chỗ Hội đồng xét xử họp thì bà Tân Thanh - thẩm phán, chủ tọa phiên tòa - đã bước xuống với hai đồng chí CSBV kèm hai bên. Trả lời câu hỏi của tôi rằng, mức án có thay đổi gì không chị, bà không trả lời mà chỉ lắc đầu. Chỉ chờ có thế, tôi gọi điện về nhà in, bảo cho chạy máy ngay. 16 giờ thì Tòa tuyên án xong. Mức án các bị cáo cầm đầu không thay đổi, đúng như bài viết trên ANTG. Tôi gọi điện báo tin cho Tổng Biên tập Hữu Ước. Lúc đó gần 20 vạn tờ ANTG đã in xong và đã tập kết xong ở tất cả các địa điểm phát hành".
 
16 giờ chiều hôm đó, khi phiên tòa vừa kết thúc thì ở ngoài đường Lý Thường Kiệt, tờ ANTG bay trắng phố. Ở cả Hà Nội và TP HCM, tờ ANTG phát hành nhanh chưa từng thấy. Hơn 20 vạn báo bán hết veo chỉ trong vòng hơn 2 tiếng đồng hồ.
 
Cũng vào thời điểm ấy, tại Tòa soạn - nhà báo Nguyễn Như Phong kể - Anh em ai cũng vui mừng, chỉ riêng Tổng Biên tập Hữu Ước là ngán ngẩm lắc đầu và nói: "Từ lần sau không bao giờ được làm liều như thế này nữa".
 
Bạn đọc, những người trong Tòa soạn, không ai biết câu chuyện hậu trường nhiều pha thót tim này, thế nên, nhà báo Nguyễn Như Phong kể: "Thậm chí còn có người tố cáo lên trên rằng chúng tôi đã hối lộ cán bộ tòa án để lấy án văn trước giờ tuyên án"(!)
 
Vụ án Lê Văn Luyện: Thứ trưởng bị PV dựng dậy lúc nửa đêm
 
Sáng ngày 28/8/2011, 4 ngày sau vụ án nghiêm trọng xảy ra tại tiệm vàng Ngọc Bích tại Bắc Giang, Cơ quan điều tra đã xác định được thủ phạm là Lê Văn Luyện. Cánh báo chí hóng được tin này, kéo về Bắc Giang rất đông. Đông y như 4 ngày trước đó, khi xảy ra vụ án. Bất kỳ một thông tin nào, kể cả những thông tin chỉ có liên quan tí ti đến vụ việc cũng được các báo điện tử cập nhật liên tục, thậm chí từng phút.
 
Nhà báo Thu Hòa của Báo CAND, tất nhiên, cũng có mặt tại hiện trường, giống như các đồng nghiệp khác. Cho dù, lúc đó, đứa con nhỏ của chị vẫn đang còn rất nhỏ.
 
Đã nhiều năm làm phóng viên thời sự, nhà báo Thu Hòa hiểu rằng, sáng ngày hôm sau Báo CAND mới phát hành mà với những thông tin như báo mạng thì có nghĩa là… thua. Muốn khác đi, chỉ còn cách, săn được tin độc và chụp được ảnh độc.
 
Cố gắng vận dụng các mối quan hệ đã có của một PV đã từng có thâm niên làm thời sự an ninh trật tự, cuối cùng, Thu Hòa là nhà báo duy nhất lọt được vào "đại bản doanh" của Ban Chuyên án tại Công an huyện Lục Nam để có những thông tin sâu và độc quyền về đối tượng Lê Văn Luyện cũng như hành vi phạm tội của hắn. Chị cũng là phóng viên duy nhất có được những tấm ảnh chụp việc Cơ quan điều tra khám xét, thu được số vàng mà Lê Văn Luyện cướp được, đem chôn sau nhà.
 
Nhưng một tình huống nảy sinh là dù đã tìm mọi cách thuyết phục, song Cơ quan điều tra nhất định không đồng ý cho nhà báo Thu Hòa được đăng tải thông tin và những tấm hình đó trên Báo CAND vì vụ án còn đang trong giai đoạn điều tra. Có những tấm hình độc trong tay mà gần 23 giờ đêm hôm đó, Thu Hòa vẫn chưa dám gửi về Tòa soạn, cho dù bài đã lên khuôn, sẵn sàng ở nhà in. Trung tá Trần Duy Hiển, người trực Thư ký Tòa soạn hôm đó, giờ ấy vẫn chờ. Anh điện thoại cho Thu Hòa động viên: "Em cứ ráng thuyết phục, máy in chưa chạy, bọn anh sẽ chờ đến 1 giờ đêm. Nếu mà có được ảnh độc, anh cũng ra nhà in thay ảnh".
Nhà báo Thu Hòa là phóng viên duy nhất tiếp xúc với Lê Văn Luyện ngay tại thời điểm y bị giam tại Bắc Giang.
Nhà báo Thu Hòa là phóng viên duy nhất tiếp xúc với Lê Văn Luyện ngay tại thời điểm y bị giam tại Bắc Giang.
Đắn đo mãi, cuối cùng, nhà báo Thu Hòa quyết định đánh liều bấm máy cho Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, lúc đó đang là Thứ trưởng, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an. Chuông reo chỉ độ hai ba hồi thì từ đầu dây bên kia là giọng trả lời quen thuộc của ông. Bất ngờ là sau khi nghe nhà báo Thu Hòa đề nghị, ông đồng ý để những bức hình đó được đăng tải trên Báo CAND. Mừng quá, từ Bắc Giang, Thu Hòa vội vàng truyền file về Tòa soạn và tại Hà Nội, giờ ấy, Trung tá Trần Duy Hiển vẫn phóng như bay trên chiếc xe máy cũ ra nhà in. Để rồi, sáng sớm ngày hôm sau, trong tất cả các bài viết ở tất cả các báo, chỉ duy nhất Báo CAND có thông tin và những bức hình ghi lại cảnh khám xét, khai quật số vàng tang vật tại nhà sát thủ Lê Văn Luyện.
 
Ba ngày sau, chiều ngày 31/8, Lê Văn Luyện bị bắt tại Lạng Sơn. Trong khi một nhóm PV lên đường đi Lạng Sơn thì hai nhà báo Thu Hòa và Thu Thủy lại về Bắc Giang đón lõng. Theo nguồn tin riêng mà Thu Hòa và Thu Thủy có được thì khoảng 3 giờ sáng, Lê Văn Luyện sẽ được dẫn giải về Bắc Giang và kế hoạch của hai nữ PV này là sẽ tìm mọi cách có được cuộc gặp gỡ độc quyền với sát thủ máu lạnh này ngay phút giây đầu tiên hắn nhập trại.
 
Mặc dù đã được Đại tá Nguyễn Văn Dư, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang hứa sẽ cho đi cùng vào trại tạm giam gặp Luyện nhưng cả hai nữ PV đều không dám ngủ, cõng ba lô lỉnh kỉnh đồ nghề chụp ảnh ngồi trực ở trước cửa phòng Phó Giám đốc. Thu Hòa kể: "Mắt díu lại nhưng hai chúng tôi không dám về phòng ngủ vì phải ngồi canh anh Dư. Bởi, nếu không đi cùng với anh ấy thì chúng tôi không thể gặp được Luyện".
 
"Chừng 3 giờ sáng, Luyện bị dẫn giải về Bắc Giang - Thu Hòa kể - chúng tôi là PV duy nhất được vào Trại hỏi chuyện Lê Văn Luyện. Gỡ băng, truyền ảnh về Tòa soạn xong xuôi thì trời đã tang tảng sáng. Vì quá mải công việc nên chúng tôi đã không phát hiện ra điện thoại của cả hai hết sạch pin. Đêm hôm đó, bố PV Thu Thủy đã ra đi vì trọng bệnh, mọi người gọi điện báo tin cho chúng tôi không được. Sáng sớm hôm sau, mọi người nhờ một cán bộ Công an tỉnh đến báo tin buồn, PV Thu Thủy lại vội vã bắt xe ôtô về Thanh Hóa chịu tang bố, còn tôi ở lại để tiếp tục thu thập các thông tin sau này chỉ có riêng trên Báo CAND về vụ án Lê Văn Luyện…".
.

Nguồn: Cand.com.vn

.