Thôn Giang Đông, xã Ea Dah, huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) hiện có 151 hộ, 822 nhân khẩu thì có tới 140 hộ nghèo và 5 hộ cận nghèo. Gần 20 năm định cư nơi đây nhưng những hộ dân di cư tự do này vẫn phải sống trong cảnh đói nghèo triền miên. Không những vậy, chính nơi hẻo lánh này lại đang phải gồng mình gánh chịu hậu quả ghê gớm của tệ nạn ma túy, mà ở đó “cái chết trắng” đã len lỏi vào từng nóc nhà, đeo bám dai dẳng khiến bao gia đình phải chịu cảnh khổ đau, ám ảnh…
Chỉ nằm cách trung tâm xã chưa đầy 15km, nhưng để đến được thôn Giang Đông, chúng tôi phải nhờ đến những cán bộ của xã Ea Dah dẫn đường. Sau hơn 1 giờ đồng hồ đánh vật với những đoạn đường nhầy nhụa bùn đất, dốc quanh co như chực chờ hất tung cả người và xe xuống đất chúng tôi mới đặt được chân đến đầu thôn. Những ngôi nhà tranh tuềnh toàng, nhỏ thó nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi rừng càng làm cho cảnh nơi đây trở nên ảm đạm, hiu hắt.
Một điều đáng nói là dù sống trong cảnh đói nghèo, thiếu thốn đủ đường nhưng tình trạng người nghiện ma túy trong thôn đang là vấn đề “nóng” trong nhiều năm qua. “Đã có hàng chục người chết vì căn bệnh thế kỷ AIDS. Hiện nay, trong thôn vẫn còn hàng chục đối tượng nghiện, thậm chí nhiều gia đình cả vợ và chồng cùng dính vào “cái chết trắng”. Ma túy đã khiến nhiều gia đình khuynh gia bại sản, vợ chồng, con cái chia cắt, dẫn đến tình trạng thiếu đói diễn ra triền miên...”, Trưởng thôn Giàng A Nụ ngán ngẩm cho biết.
Hơn 20 năm định cư, thôn Giang Đông vẫn nghèo xơ xác |
Để minh chứng, Trưởng thôn Giàng A Nụ dẫn chúng tôi sang nhà của Sùng A Sang, một đối tượng nghiện “có tiếng” trong thôn. “Nó vốn nghiện ma túy từ ngày còn sinh sống ở phía Bắc. Khi di cư tự do vào đây, nó vẫn không chịu tu chí làm ăn, mà ngày càng nghiện nặng hơn”, Trưởng thôn Giàng A Nụ cho biết. Qua tìm hiểu, Sùng A Sang vốn sống một mình nên anh ta dựng hẳn cho mình một cái chòi nhỏ nằm tách biệt với dân làng. Công việc chính của A Sang là đi làm thuê, cuốc mướn, nhưng được bao nhiêu tiền, anh ta lại đốt hết vào “nàng tiên nâu”. Mới ngoài 30 tuổi nhưng nhìn A Sang trở nên gầy gò, tiều tụy như một ông già… Rất nhiều lần cán bộ xã Ea Dah tới tận nhà vận động, tuyên truyền tác hại của ma túy nhưng A Sang đều bỏ ngoài tai. Thậm chí, khi thấy bóng giáng của cán bộ thôn, xã là A Sang đã chạy trốn biệt vào rừng để tránh…
Nằm cách nhà A Sang không xa là nơi sinh sống của cặp vợ chồng Hờ A Hủ (43 tuổi) và Sùng Thị Ư (38 tuổi), một trong những cặp vợ chồng nghiện hút lâu năm ở làng quê nghèo này. Căn nhà của vợ chồng Hờ A Hủ tựa như một cái chòi vịt, rách nát, rộng chưa đầy 10m2. Trong nhà không có vật dụng gì quý giá ngoài hai chiếc giường ngủ được lát bằng những tấm ván mục rỗng. Vợ chồng Hờ A Hủ vốn quê ở tận Yên Bái, di cư vào đây từ đầu năm 2007. Nhà có 4 đứa con, người con đầu đã lập gia đình ra ở riêng, đứa thứ hai được A Hủ gửi xuống một nhà thờ ở TP Hồ Chí Minh đi học, 2 đứa nhỏ còn lại sống chung với vợ chồng A Hủ nên đều thất học.
Còn đối với chị Sùng Thị Nu (42 tuổi) lại lâm vào một hoàn cảnh trớ trêu khác. Khi được chúng tôi nhắc đến ma túy, chị buồn bã cho biết: “Gia đình mình thuộc hộ nghèo nên được Nhà nước cấp cho một con bò cái để lấy vốn làm ăn, thế nhưng ma túy đã cướp đi tất cả. Lúc lên cơn nghiện, trong nhà không có gì để bán, vậy là gã chồng đã đem con bò đi bán để thỏa cơn nghiện. Giờ đây, bò thì chẳng còn, chồng cũng đã mất, mẹ con tôi chỉ trông chờ vào hạt lúa, quả bắp ở những vụ mùa tới”.
Trên đây chỉ là 3 trong hàng chục trường hợp dính vào ma túy mà chúng tôi bắt gặp ở cái thôn bé nhỏ này. Trưởng thôn Giàng A Nụ cho biết: “Hầu hết các con nghiện trong thôn dính dáng đến ma túy từ khi còn ở miền núi phía Bắc. Những năm trước, địa bàn thôn có gần 10 người chết vì ma túy, nhiều gia đình kiệt quệ, khốn khó, tan nát vì “cái chết trắng”. Tuy vậy, hiện tượng mua bán, hút chích vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm. Hằng năm, các cơ quan chức năng địa phương cũng đã tổ chức, tuyên truyền sâu rộng đến bà con địa phương về tác hại của ma túy nhưng hiệu quả chẳng được là bao. Chúng tôi mong được lãnh đạo các cấp quan tâm đẩy lùi “cái chết trắng” ở vùng quê nghèo”…
.