Khi nói đến nghề "nuôi dạy trẻ", người ta thường nghĩ tới các cô giáo là nhiều. Nhưng ít ai biết rằng nghề này lại có cả những thầy giáo hết sức khéo tay. Và trong một chuyến công tác tại xã tân Thành, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, tôi lại được gặp một thầy giáo dạy mầm non và còn là người thầy giỏi được các cháu bé rất quý mến. Và cũng tại ngôi trường mẫu giáo này, thi thoảng tôi vẫn nghe thấy câu hát trêu đùa, "thầy là…mẹ, còn chúng cháu là con"…
Thích múa hát nên bén duyên nghề trông trẻ
Vượt qua con đường hiểm trở với hàng chục km còn chưa được trải nhựa để tìm về Trường Mầm non xã Tân Thành (huyện Phú Bình, Thái Nguyên), chúng tôi được gặp anh Trần Thanh Chinh (32 tuổi, thôn Cầu Muối, xã Tân Thành), thầy giáo duy nhất của trường. Khi đó, anh Chinh đang chỉ đạo…các xe xúc cát và đất đá để chuẩn bị xây thêm phòng học cho trường. Có lẽ là người đàn ông duy nhất nên những việc nặng nhọc tương tự như thế đều phải đến tay anh, dù cách đây hơn chục hôm, anh Chinh đã được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng nhà trường.
Kể lại cho chúng tôi nghe quá trình 14 năm đến với nghề mầm non, một con đường đầy chông gai đối với một người đàn ông nhưng cũng lắm chuyện bi hài, anh Chinh cũng bật cười: "Lúc đầu mình cũng chỉ là thích múa hát, thích trẻ con. Rồi mình thấy nhiều cháu ở làng khổ quá, không có đủ lớp học do thời điểm đó còn nhiều khó khăn nên cũng thương. Sau một thời gian mới xin cô Hiệu trưởng của trường bây giờ cho đến trường dạy thử thì thấy rất thích…". Được biết, trước đó anh Chinh có tham gia hoạt động đoàn rất tích cực cùng cô Hiệu trưởng nhà trường, cũng từ cơ duyên đó nên tháng 9/2000, khi xin được vào dạy thử anh đã được nhận ngay.
Thầy Chinh cùng các cháu bé mà mình từng chăm sóc khi còn đứng lớp |
Có lẽ, với người đàn ông thích múa hát thì đây cũng chỉ là chuyện bình thường vào thời điểm hiện tại nhưng tại thời điểm 14 năm trước, không thể tránh được chuyện bị xã hội dị nghị. Với gương mặt điển trai, dáng người cao ráo nhưng lại chọn nghề thầy giáo mầm non chỉ quanh đi quẩn lại với các cháu nhỏ nên xóm làng không những chê bai mà còn nghi ngờ về… giới tính của anh.
Gia đình không cho vẫn quyết tâm làm thầy nuôi dạy trẻ
Nói về những ngày ấy, anh Chinh vừa cười vừa kể: "Gia đình tôi nói ra nói vào rất nhiều, các cụ bảo rằng đàn ông phải làm việc to lớn chứ ai lại đi làm nghề thay tã cho trẻ. Ngay cả bố tôi nhiều lần cũng gây áp lực dọa không cho về nhà. Còn xóm làng thì bàn tán soi mói, vì họ chưa thấy thầy giáo mầm non nào bao giờ, nhiều người còn nghi ngờ tôi có vấn đề giới tính nên mới chọn cái nghề này. Nhiều cô trong làng thi thoảng còn trêu tôi bằng cách tặng cho mỹ phẩm, nhũ tay, son môi…".
Khó khăn xã hội chính là những bước cản duy nhất khiến thầy Chinh có cảm giác chán nản, nhiều lần muốn bỏ cuộc. Nhưng chính những buổi học, múa hát, chăm sóc các cháu bé lại khiến thầy nhận được sự khích lệ rất nhiều và đặc biệt là lời động viên từ người mẹ. Và có một điều hài hước rằng, thứ khó khăn duy nhất đối với một người đàn ông đi dạy mầm non lại không đến từ công việc. Ngay từ khi mới bắt đầu nhận lớp, việc chăm sóc các cháu từ ăn ngủ nghỉ cho đến tắm rửa, đi vệ sinh đối với chàng trai chưa đầy 20 tuổi ấy lại chẳng có một chút bỡ ngỡ. Nhìn cái cảnh thầy giáo trẻ chạy ra chạy vào múa rồi hát những bài hát trẻ con quả thực khiến những người lần đầu thấy cũng phải bật cười.
Gia đình hạnh phúc của thầy Chinh |
Và đó cũng là những cảm giác chung của các cô giáo và phụ huynh học sinh của trường. Thầy Chinh cho biết: "Hồi mới dạy, các cô ở trường cũng cứ trêu đùa suốt. Bởi tự nhiên xuất hiện một cậu trai trẻ cũng múa cũng hát rồi làm mọi việc thành thạo nên họ cũng thấy buồn cười. Nhưng họ trêu đùa vui thôi chứ không có ý gì xấu…".
Phụ huynh các em nhỏ khi thấy thầy Chinh chăm sóc các con mình cũng lo lắng, đàn ông tay chân vừa thô vừa cứng thì sao chăm sóc được trẻ nhỏ. Ấy vậy mà sau 2 năm làm việc, thầy giáo trẻ này lại được các bé lẫn phụ huynh hết sức yêu quý. Lúc nào gặp thầy cũng nghe thấy tiếng các cháu bé léo nhéo thầy thầy, con con. Nhìn dáng vẻ người thầy tay ôm tay bế những đứa trẻ ấy, chắc không ai biết rằng anh đã từng thi đỗ Trung cấp y nhưng chỉ học 10 ngày rồi bỏ về với nghề trông trẻ.
Với tấm lòng yêu trẻ, năm 2001, anh thanh niên Trần Thanh Chinh đã đăng ký học lớp Trung cấp Mầm non. Năm 2003, thầy tiếp tục về nhận công tác tại Trường Mầm non xã Tân Thành. Với những nỗ lực không biết mệt mỏi, thầy Chinh đã vượt qua định kiến xã hội để trở thành một giáo viên giỏi của trường.
Anh cũng đã hoàn thành lớp Đại học Sư phạm ngành Mầm non vào năm 2009. Nếu như trước đây, đi đâu thầy cũng nghe thấy những lời xì xèo của thiên hạ - là con trai mà đi làm mầm non, thì giờ đến đâu thầy cũng nhận được sự yêu mến của mọi người. Các bậc phụ huynh tại địa phương hoàn toàn yên tâm và mong muốn được gửi con cho thầy chăm sóc.
Làm Hiệu phó rồi vẫn thèm múa và hát
Có lẽ với thầy Chinh, điều mà thầy tự hào hơn cả là có một gia đình vô cùng hạnh phúc. Năm 2003, khi thầy mới bước vào nghề, có người còn nghi ngờ về giới tính của thầy. Cuối năm ấy, thầy đã cưới một gái xinh đẹp ở cùng làng. Cô Dương Thị Luân về làm vợ của thầy Chinh khi vừa tròn 18 tuổi. Chính sự yêu thương và nhiệt huyết của thầy Chinh với nghề giáo viên mầm non đã tiếp lửa động viên vợ tiếp tục vào ngành Mầm non. Ba năm sau khi cưới, thầy Chinh vừa làm vừa cố gắng nuôi vợ đi học Cao đẳng Mầm non trên tỉnh.
Thầy Chinh những ngày còn đi dạy |
Thầy Chinh cho biết, ngày ấy chưa có nhiều phương tiện thông tin như bây giờ, từ nhà lên tỉnh xa xôi, đi lại khó khăn. Vì thế những thương nhớ mặn nồng của đôi vợ chồng trẻ chỉ có thể được gửi qua những trang thư tay viết vội. Thỉnh thoảng nhớ vợ quá, thầy Chinh lại lóc cóc đạp xe hàng tiếng đồng hồ lên thăm. Những nỗ lực của 2 vợ chồng giáo viên mầm non ấy cũng đã được đền đáp xứng đáng. Hiện thầy Chinh, cô Luân đã sinh được 2 người con. Con gái đầu lòng 9 tuổi và cậu con trai 2 tuổi. Các cháu đều rất ngoan và học giỏi.
Và cho đến khi được bổ nhiệm làm Hiệu phó, thầy Chinh vẫn còn rất lưu luyến với lớp học của mình. Ngoài những lúc bận rộn vì xử lý giấy tờ và những công việc chung của trường, thầy Chinh lại về lớp để hỏi han và chơi đùa, múa hát cùng các cháu. Đó cũng là cách quên đi sự vất vả, mệt nhọc sau những lúc làm việc mệt mỏi. Nhìn cái cách những đứa trẻ đồng thanh "Chúng con chào thầy ạ" khi thấy thầy Chinh bước vào, chúng tôi mới thấy được tình cảm của những đứa bé dành cho người thầy và cũng là người mẹ đặc biệt của chúng như thế nào.
Cô Nguyễn Thị Sáu - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Thành cho biết: "Thầy Chinh là một thầy giáo giỏi, tận tụy với nghề. Trong cuộc sống, thầy thường xuyên giúp đỡ các cô giáo, tạo không khí vui vẻ, đoàn kết trong nhà trường. Tôi tin tưởng rằng, với những người tận tụy như thầy Chinh, phong trào của trường sẽ ngày càng được phát huy". |
Theo cô Nguyễn Thị Kim Nga - Phó phòng giáo dục huyện Phú Bình, Thái Nguyên cho biết: "Thầy chinh cũng là một giáo viên tốt, ở một xã miền núi và lại dạy ở điểm trường hẻo lánh, rồi trước đó trường còn là bán công nên gặp rất nhiều khó khăn. Khi đó chế độ cho giáo viên mầm non cũng chưa có gì nhiều nhưng thầy vẫn rất tâm huyết, gắn bó với trường. Trong huyện chỉ có hai thầy dạy mầm non và vừa rồi đều được bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng do đều còn trẻ và đủ năng lực về chuyên môn.
Là một thầy giáo dạy mầm non thì bao giờ cũng gặp khó khăn hơn các cô giáo. Bởi trong việc chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ thì có rất nhiều vấn đề. Dù đã được học qua các trường lớp về tâm sinh lý của trẻ nhưng trong gia đình các thầy là bố, việc chăm sóc con cái lại là của mẹ nên khi đứng lớp, các thầy phải cố gắng hơn các cô rất nhiều".
|
.