Nhiều người dân thôn Xuân Biểu, xã Xuân Cẩm, Hiệp Hòa, Bắc Giang vẫn còn hoang mang khi nhắc lại tấn bi kịch của những gia đình đã từng sinh sống trên mảnh đất này. Liên tục những người trong gia đình họ lần lượt chết thảm trong một thời gian ngắn khiến những lời đồn ma quỷ dường như lại tiếp tục được thổi lên…
Ngôi nhà xây trên nghĩa địa cũ
Tìm đến làng Xuân Biểu, xã Xuân Cẩm chỉ cần hỏi thăm mảnh đất bỏ hoang của gia đình ông Minh - Việt thì từ đứa trẻ con, anh chăn bò hay các ông già bà cả đều có thể chỉ đường đến tận nơi, kèm theo đó là những lời to nhỏ đầy vẻ kinh hãi. Một người phụ nữ dù đang tất bật ra đồng nhưng khi nghe chúng tôi hỏi thăm cũng nán lại: “Các cô hỏi để làm gì, định mua mảnh đất ấy à”. Sau khi biết chúng tôi là phóng viên, người phụ nữ này à lên rồi nói thêm: “Tôi tưởng các cô đến mua thì không nên, mảnh đất ấy dữ lắm. Có ma hay không thì không biết, nhưng người trong gia đình ông bà ấy giờ chết gần hết rồi, giờ không ai dám ở bỏ hoang cả mấy năm nay. Cứ đi dọc đê này đến đoạn cuối làng kia, trên đê nhìn xuống thấy cái nhà cấp bốn bỏ hoang ấy chính là cái nhà của ông Minh đấy”.
Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến ngôi nhà của gia đình ông Nguyễn Văn Minh. Ngôi nhà dựng trên mảnh đất rộng rãi, bằng phẳng, vuông vức khá đẹp nhưng quả thật ngay giữa ban ngày mà nó cũng khiến nhiều người “lạnh gáy” bởi cái sự hoang tàn, lãnh lẽo. Ngôi nhà cấp bốn lợp ngói bỏ hoang, tường rêu mốc, bong tróc, cửa chính khóa im ỉm, cửa sổ thì mất cánh toang hoang, nó dường như trở nên lạc lõng như ở một thế giới khác giữa làng quê trù phú ven sông này.
Anh Tuân, một thanh niên đi bắt lươn ngang qua thấy chúng tôi ngó nghiêng có ý tìm hiểu ngôi nhà cũng ái ngại chia sẻ: Bản thân tôi chuyên đi bắt lươn, soi ếch nhái, đi đêm hôm bờ bụi nhưng đêm cũng không dám vào khu vực này, đi qua thôi cũng đã thấy rờn rợn rồi. Chuyện gia đình ông ấy đúng là bi kịch lắm, có mấy năm mà 4 người lần lượt chết hết.
Theo lời những người dân làng Xuân Biểu thì trước đây mảnh đất của gia đình ông Minh ở là một bãi nghĩa địa cũ, sau nghĩa địa này chuyển đi và trở thành đất của Hợp tác xã. Đời chủ đầu tiên của mảnh đất là gia đình ông Khanh, ông xin Hợp tác xã được mảnh đất này và dựng nhà ở. Vì biết là đất nghĩa địa nên ông đã cẩn thận lập một cái miếu nhỏ để thờ cúng. Nhưng về ở một thời gian thì gia đình ông cứ lục đục, vợ chồng không hòa thuận. Trong một lần say rượu cãi nhau thế nào ông Khanh vô tình làm vỡ bát hương trong miếu. Sau đó thì gia đình liên tục gặp những chuyện không hay, một thời gian sau ông Khanh cũng đổ bệnh và mất. Người vợ và con trai bán lại đất cho gia đình ông Nguyễn Văn Minh rồi đi đâu vào tận miền Nam, sau đó cũng bị tai nạn chết cả.
Những cái chết liên tiếp
Những chuyện không hay trong gia đình ông Khanh vốn đã khiến nhiều người e ngại, không dám mua lại mảnh đất này. Hồi gia đình ông Minh mua, nhiều người đã bàn tán xôn xao, gàn ông nên nghĩ lại. Ngày đó ông Minh có lò nung gạch, thấy mảnh đất vị trí đẹp, rộng, vừa đào ao nuôi cá được lại vừa có đất để nung gạch nên ông vẫn quyết mua. Mua xong lô đất, ông Minh cũng xây một cái miếu nhỏ ở góc vườn rồi đào ao nuôi cá, thả vịt, đất múc lên thì ông nung gạch.
Tuy nhiên, ao đào chưa được bao lâu thì vợ ông bỗng phát bệnh thần kinh, ngày nào cũng la hét, kêu than như bị ai đó đày đọa. Ông Minh hoảng quá thì đi xem hết thầy bói này đến thầy bói khác, thầy nói thôi thì đủ các kiểu khiến ông không khỏi lo sợ. Tuy nhiên vì tiếc công đào ao, cải tạo đất nên ông vẫn trụ lại đây. Thế nhưng mọi chuyện không được yên ổn mà những bi kịch lại liên tiếp giáng xuống gia đình ông. Chỉ ít lâu sau, vợ ông tự nhiên ngã xuống ao mà chết, người thì bảo bà bị trượt chân chết đuối nhưng cũng có người bảo bà nhảy xuống tự tử.
Từ sau khi vợ chết, ông Minh trở nên suy sụp, ông suy nghĩ nhiều đến mức gầy rộc đi trông thấy. Nhưng nỗi đau chưa dừng lại ở đó, sau cái chết của vợ vài năm thì cậu con trai út khi đó đang là giáo viên, chuẩn bị cưới vợ, tương lai phơi phới thế nào đi đường tự nhiên đâm vào cột điện mà chết. Cái chết tức tưởi của con trai khiến ông Minh càng sa sút tinh thần như một người vô hồn, ông ngã bệnh rồi cũng mất sau đó không lâu. Mộ những người thân chưa xanh cỏ thì anh con trai thứ mới đi bộ đội về, lập gia đình và vừa sinh con bỗng dưng cũng bị điện giật chết để lại người vợ mới ngoài đôi mươi và đứa con đang tuổi bế ẵm. Trước đó thì anh con trai cả cũng phát bệnh thần kinh đã mấy năm, cứ bỏ đi lang thang khắp nơi, mới đây đã được đưa vào trại tâm thần nuôi dưỡng.
Liên tiếp những cái chết bất thình lình khiến gia đình ông Minh bỗng chốc tan hoang, hiện nay chỉ còn người con dâu góa trẻ tuổi và đứa cháu nội sống chật vật trong ngôi nhà phía trong làng. Mảnh đất và ngôi nhà ở chân đê này suốt mấy năm nay bị bỏ hoang phế, bản thân người con dâu cũng không dám qua lại thăm nom. Suốt mấy năm nay, dù ở vị trí đẹp, rộng rãi màu mỡ nhưng không ai dám hỏi mua. Đám trẻ con cũng không dám bén mảng tới đây nghịch ngợm, chơi bời, câu cá gì hết.
Mảnh đất “tuyệt tự”
Hết chuyện gia đình ông Khanh, rồi lại đến việc tang thương chồng chất tang thương trong gia đình ông Minh khiến những người dân trong thôn Xuân Biểu càng thêm hoang mang và tin vào việc mảnh đất bị “ma ám” là thật. Người ta bắt đầu “mổ xẻ” những vấn đề xung quanh ngôi nhà. Người thì bảo ông đào ao chạm long mạch nên bị trừng phạt. Lại có người bảo ông xây đất, nuôi gà, nuôi vịt trên đất nghĩa địa, lại không hương khói thường xuyên nên mới bị tai họa như vậy. Có người thì cho rằng, trước đây, khu đất này thuộc đất của đền cũ ở làng, khi được cải tạo thì được hợp tác xã thu về và giao cho gia đình ông Khanh. Gia đình ông còn lấy một số gỗ của đình để làm nhà nên bị các thần linh trừng phạt…
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Giản, trưởng thôn Xuân Biểu cho biết: Những cái chết trong gia đình ông Minh là có thật, chỉ trong vòng mấy năm mà những người trong gia đình ông Minh lần lượt ra đi hết. Điều đó khiến suốt một thời gian dài người dân thôn Xuân Biểu và những thôn lân cận truyền tai nhau những câu chuyện nhuốm màu ma mị. Ông Giản cũng kể một câu chuyện liên quan đến mảnh đất: “Hồi đó mảnh đất này là của hợp tác xã, bố tôi có ý định xin về để làm nhà và làm kinh tế. Tuy nhiên ông nội tôi hồi ấy vốn là một thầy xem tướng pháp thì nhất quyết gàn, ông nói nếu ai ở trên mảnh đất ấy thì chắc chắn sẽ bị “tuyệt tự”. Vì vậy mà gia đình tôi đã không xin mảnh đất đó, sau này ông Khanh mới xin được”.
Tuy nhiên, ông Giản cũng cho rằng việc vì sao các cụ nói như vậy thì ông cũng không lý giải được. Còn chuyện có ma hay có thần linh trừng phạt hay chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên thì cũng không ai chứng thực, khẳng định được. Trước đây chính quyền cũng đã từng tuyên truyền trên loa phóng thanh về việc không nên mù quáng tin vào mê tín dị đoan mà lo sợ vô cớ, tin vào những ông đồng bà cốt, nhưng thực tế câu chuyện về mảnh đất này vẫn khiến nhiều người hoang mang, lo sợ vì những sự trùng hợp đến khủng khiếp của nó.
.