Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201410/chuyen-hoc-chu-o-nhung-nguoi-lon-mu-chu-549963/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201410/chuyen-hoc-chu-o-nhung-nguoi-lon-mu-chu-549963/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Chuyện học chữ ở những người lớn mù chữ - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 25/10/2014, 16:00 [GMT+7]

Chuyện học chữ ở những người lớn mù chữ

Ngày đầu tiên đi học, cậu vận áo sơ mi trắng bỏ thùng, cưỡi chiếc xe tay ga đỏ chót, phóng thẳng vào sân trường. Học sinh nhìn cậu bằng con mắt ngơ ngác, lạ lẫm. Tất cả đều đinh ninh rằng, đây là một ông thầy mới toanh của trường. "Ông thầy" ôm ba lô chạy như bay lên lầu, ngồi chễm chệ trong phòng học. Các em bé há hốc mồm khi biết "ông thầy" đẹp trai ấy chính là Nguyễn Hoàng Anh (22 tuổi), học sinh lớp 1. Đây là một trong rất nhiều câu chuyện học chữ cười ra nước mắt ở Trường Phổ cập giáo dục phường 12 (quận Bình Thạnh, Tp Hồ Chí Minh).
 
Bị người yêu bỏ vì tội mù chữ
 
Mấy ngày nay liên tục được lên báo, đài, Hoàng Anh trở thành nhân vật gây sự chú ý nhiều nhất ở Trường Phổ cập giáo dục phường 12. Hỏi Hoàng Anh có thấy xấu hổ khi lớn rồi vẫn ngồi học cùng các em bé? Hoàng Anh cười toe toét trả lời: "Em thấy vui lắm, đi học biết được chữ nên ra ngoài tự tin hơn". Trong lớp, các bạn đều gọi Hoàng Anh là anh răm rắp, còn Hoàng Anh gọi bạn học bằng bé trai, bé gái. Những em bé học chung lớp với cậu đều cùng cảnh ngộ. Đứa mất cha, đứa chết mẹ, đứa mồ côi từ khi lọt lòng… Chúng chưa bao giờ biết mặt con chữ, ăn đói mặc rách để đến trường.
Hoàng Anh hồn nhiên như một đứa trẻ
Hoàng Anh hồn nhiên như một đứa trẻ
 
Hoàng Anh quê ở Châu Đốc (An Giang), mẹ mất sớm, cha nghèo phải đi chạy xe ôm nuôi 6 người con. Năm 7 tuổi, Hoàng Anh được cha cho đi học, nhưng được ba hôm cậu bỏ về vì chán. Năm 13 tuổi Hoàng Anh phải lao mình lên Sài Gòn làm công trong một tiệm sửa xe gắn máy. 9 năm làm "ôxin" cầm cà lê, mỏ lết, Hoàng Anh lên tay và trở thành một thợ sửa chính của cửa hàng. 22 tuổi, một chữ cắn làm đôi cậu ta cũng không biết. Mỗi con đường ở Sài Gòn thường gắn với tên người hoặc tên địa danh, vì không biết chữ nên Hoàng Anh bó tay.
 
Cậu ta nhớ bằng hình dáng cong, thẳng, lấy cột điện, gốc cây để đánh dấu. Để hỏi một con đường nào, cậu thường đề nghị người chỉ theo cách quẹo trái quẹo phải hoặc đếm số lượng cột đèn đỏ. Dùng điện thoại, Hoàng Anh cũng không thể lưu được danh bạ. Cậu chỉ nhớ số đuôi điện thoại của cha còn lại ai gọi đến thì nghe để cho họ tự giới thiệu. Năm ngoái, Hoàng Anh có người yêu là cô sinh viên một trường đại học trong thành phố, việc liên lạc giữa hai người gặp phải trở ngại lớn. Người yêu nhắn tin, cậu chịu chết và cũng không dám cho ai đọc vì sợ người yêu nhắn câu gì đó nhạy cảm.
 
Mỗi lần nhận tin nhắn của người yêu, Hoàng Anh phải gọi lại hỏi: "Nhắn tin nói gì vậy". Người yêu giận dỗi, chì chiết suốt ngày. Hoàng Anh đành nói thật việc mình không biết chữ, khiến cô bé vô cùng sửng sốt. Yêu nhau gần một năm, cảm thấy khoảng cách về trình độ văn hóa quá chênh lệch nên hai đứa quyết định chia tay. Hoàng Anh buồn lắm, cậu chia sẻ: "Yêu nhau cũng vui, vì em không biết chữ nên người yêu nhắn tin rất nhiều mà em không bao giờ trả lời lại, cứ giận nhau hoài".
 
 
Tuy mù chữ, nhưng Hoàng Anh tính tiền nhẩm lại nhanh hơn bấm máy tính, đố ai sánh kịp. Hoàng Anh tếu táo cho biết: "Không biết đếm tiền thì làm sao sống ở Sài Gòn được, cái này em tự biết thôi chứ không ai dạy đâu". Càng lớn, tình trạng mù chữ của mình càng gây trở ngại lớn trong việc quan hệ, giao tiếp, đặc biệt sự cố "chia ly" mối tình đầu cũng vì con chữ, Hoàng Anh cảm thấy thiệt thòi và tủi thân.     
 
"Cầm bút nhẹ hơn cầm mỏ lết…"
 
Được người quen giới thiệu đi học lớp một, cậu gật đầu liền. Những ngày đầu vào lớp, các em nhỏ nhìn Hoàng Anh ngơ ngác, có vẻ sợ hãi. Học được tuần đầu, các bé thấy anh Hoàng Anh chăm chỉ tập viết, tập đọc lại không có biểu hiện ăn hiếp bạn học nên được cả lớp quý mến. Trong lớp một, các học sinh đều bé như cái kẹo, gầy hom hem vì suy dinh dưỡng nên những công việc như xếp bàn ghế, khuân vác đồ dùng, lau chùi bảng đều do Hoàng Anh đảm nhận.
 
Hơn chục em học sinh lớp 1 đều trong cảnh "tờ giấy trắng", trước đó chưa bao giờ biết mặt con chữ tròn méo ra sao. Hoàng Anh bảo, các bé đều không biết chữ giống nhau nên cô giáo dạy rất chậm, dễ hiểu. Hơn một tháng theo học chương trình lớp 1, Hoàng Anh đã học thuộc bảng chữ cái, đã biết ghép vần vài chữ thông dụng, nhưng vẫn rất chật vật và gian nan. Những lúc cửa hàng vắng khách, Hoàng Anh lấy báo ra đánh vần. Trong vòng một ngày, cậu có thể đọc và hiểu được nội dung một trang báo. Hoàng Anh thật thà kể: "Đánh vần hết một bài báo là em muốn xỉu luôn, mệt lắm. Mắt em đau, đầu em nhức. Nhưng nghĩ lại cảnh mù chữ bao nhiêu năm qua, em lại cố gắng căng mắt lên đánh vần".
 
Bây giờ, cậu đã tự lưu được số điện thoại và mất khoảng nửa tiếng để đánh vần được một tin nhắn. Vẻ ngoài phốp phác, tính tình vui vẻ, hay cười, Hoàng Anh được nhiều bạn gái để ý. Đặc biệt, từ hôm được lên truyền hình, bạn nữ nhắn tin ngỏ ý làm quen với Hoàng Anh rất nhiều. Lần này thì cậu đọc được tin nhắn nhưng cố tình làm ngơ. Hoàng Anh quyết tâm phải biết chữ thông thạo mới dính vào chuyện yêu đương. Vừa qua, chương trình điều ước thứ 7 của VTV3 đã tặng học sinh Hoàng Anh một khóa học tiếng anh. Hoàng Anh cho biết: "Năm nay em cố gắng học hết chương trình lớp 1 để năm sau có vốn từ ngữ đi học ngoại ngữ".
Cùng thầy hiệu trưởng.
Cùng thầy hiệu trưởng.
 
Theo học lớp ban đêm từ thứ 2 đến thứ 5 hằng tuần, còn lại thời gian Hoàng Anh phải làm việc suốt ngày ở cửa hàng sửa chữa xe máy. Được ông chủ tốt bụng, tạo điều kiện cho cậu đi học, cho mượn cả xe máy và cho ở luôn trong cửa hàng, Hoàng Anh thấy mình là người may mắn. Từ ngày đi học, cậu hồn nhiên không khác đứa trẻ lên ba. Ba ở quê biết việc cậu đi học đã hết lòng ủng hộ. Hoàng Anh bộc bạch: "Em thấy cầm bút nhẹ hơn cầm cà lê, mỏ lết rất nhiều. Em có ước mơ sau này quần áo sẽ không phải lấm lem dầu nhớt nữa".
 
Cha con cùng học
 
Đây là ngôi trường có truyền thống khai giảng vào ban đêm. Học sinh đến từ khắp nơi, đủ lứa tuổi và đều có chung một nghịch cảnh là nghèo đói. Độ tuổi đến lớp của các em đều quá lứa lỡ thì, lớn hơn nhiều so với tuổi vào lớp một theo quy định. Những cô giáo đứng lớp ở trường phổ cập phường 12 khi kể về trường hợp của cha con anh Phan Văn Bòn (34 tuổi) đều không nhịn được cười. Cười vì cảnh đứa con lớp 5 hướng dẫn cha soạn bài tập lớp 2. Anh Bòn quê ở An Giang, trước kia đang học lớp 1 thì bỏ dở để đi làm thuê.
 
Mải miết kiếm tiền, lớn lên lấy vợ khiến anh quên sạch mặt chữ ngày xưa từng học, nói chính xác là anh thuộc dạng mù chữ. Đi ra ngoài hễ đụng đến chữ nghĩa là anh ngượng nghịu, phải lảng tránh. Mà xã hội này đụng đâu cũng gặp chữ, điều đó làm anh Bòn mất hết tự tin khi giao tiếp. Sau khi đăng ký cho con vào học tại trường, anh Bòn đánh liều vào hỏi thầy cho mình được theo học.
 
Vậy là con học lớp 5, cha học lớp 2. Số là, người cha hằng ngày phải đi phụ hồ, vừa hết giờ lao động anh tất tả về đón con trai tới trường. Bài tập về nhà có hôm mệt quá không làm kịp, đành tranh thủ trước giờ học nhờ con hướng dẫn làm và soạn bài luôn trên ghế đá. Thương nhất là những ngày mưa, người cha không kịp thay bộ quần áo sạch sẽ.
 
Anh ta mặc nguyên một bộ đồ lấm lem vôi vữa chở con tới lớp. Đứa con ngồi sau ôm lấy cha cũng bị dính đầy vết xi măng vào chiếc áo trắng tinh. Bạn bè thấy áo của nó bẩn dọa rằng, đây là đồng phục được tặng, làm bẩn sẽ bị cô giáo phạt. Nó òa khóc nức nở rồi chạy lên phòng học của cha mách.
 
 Con học hết chương trình lớp 5, nó phải nghỉ vì gia đình không còn khả năng cho học cao hơn. Và anh Bòn cũng lẳng lặng nghỉ học luôn vì không còn bạn đồng hành. Thầy hiệu trưởng bảo, người cha chỉ vừa bập bẹ biết mặt chữ, không biết sau này ra xã hội có nhớ được chữ nào nữa không.
 
Một trường hợp nữa là hai cha con anh Mã Phi Hùng (28 tuổi, công nhân ở Thủ Đức), là học sinh lớp 1, có con học lớp 3. Anh Hùng quyết định đi học sau sự cố ghi nhầm tên cô dâu chú rể trên bảng sân khấu tiệc cưới. Bị quản lý mắng cho xối xả, anh chỉ biết lập cập xin lỗi và giấu nhẹm việc mình không biết chữ. Nhiều lần con trai ôm cặp tìm cha nhờ chỉ cho cách đọc chữ trong sách giáo khoa, anh Hùng đánh trống lảng sang chuyện khác rồi lựa thời cơ đi ra ngoài, bỏ mặc thằng con ngồi vày vò tự đánh vần.
 
Tình cảnh mù chữ khiến anh không đủ tự tin đi ra ngoài, mới đây anh xin làm công nhân ở Công ty Cân Nhơn Hòa. Trong mục khai trình độ văn hóa, anh phân vân mãi, chẳng lẽ lại ghi mù chữ, như vậy chắc chắn sẽ bị loại hồ sơ. Anh nhờ người bạn ghi học đến lớp 5. Làm một thời gian, cảm thấy không thể giấu mọi người, anh quyết định nộp hồ sơ đi học lớp 1. Học được vài tháng biết ghép vần, anh xin nghỉ để chuyên tâm làm việc.
.

Nguồn: Cand.com.vn

.