Họ là những "người hùng giấu mặt", luôn đứng sau thành công của những bộ phim hành động. Ai cũng biết rằng, để làm nên những thước phim kịch tính với những pha hành động đẹp mắt ấy, nhiều cascadeur đã phải bất chấp hiểm nguy và nhận về mình những thương tích. Thế nhưng, cái nghề được coi là rất nguy hiểm ấy cho đến hôm nay vẫn chưa được quan tâm xứng đáng. Không tổ chức nghề nghiệp, không bảo hiểm sinh mạng, không đào tạo bài bản… Tất cả đều là tự phát.
Không tổ chức nghề nghiệp
Nhiều cascadeur đã khẳng định rằng, nếu không có đam mê thì họ không thể tồn tại với nghề lâu được. Bởi lẽ, ai cũng biết, khi những bộ phim hành động với những pha nguy hiểm, người diễn viên không thể đảm nhiệm được nên bắt buộc phải tìm diễn viên đóng thế. Điều đó đồng nghĩa với việc khi một cascadeur nhận vai, họ sẽ phải đối mặt với rất nhiều thử thách và hiểm nguy.
Trong giới cascadeur, không ai không biết tới cái tên Quốc Thịnh. Anh không chỉ là một diễn viên đóng thế pha mạo hiểm có tiếng mà anh còn thành lập nên Câu lạc bộ cascadeur Quốc Thịnh. Dù đã kinh qua rất nhiều những pha hành động kiểu "ngàn cân treo sợi tóc" nhưng Quốc Thịnh vẫn có không ít lần chết hụt.
Anh Thịnh chia sẻ: "Năm 1995, tôi nhận đóng thế cho diễn viên Lý Hùng trong phim Hồng Hải Tặc. Trong phim, tôi phải thực hiện một cảnh bay người xuống thác với độ cao 60m. Cảnh này đã phải quay đi quay lại nhiều lần vì trên đỉnh thác xuống khoảng mấy mét thì có rất nhiều cây nên việc du dây bị cản trở. Một lần, tôi đang đu thì dây bị đứt. Cứ thử tưởng tượng với độ cao chừng ấy mà rơi xuống thì coi như chết chắc. May mà tôi lao sang, bám được vào sợi dây dành cho diễn viên nên thoát chết".
Một cascadeur nổi danh khác là Trần Như Thục. Trong bộ phim Đối diện với tử thần, dài 12 tập, anh Thục đã phải thực hiện một cảnh bay xe với vận tốc 120km/h. Ban đầu khi biết anh nhận vai người thân và bạn bè đều ngăn cản. Ai cũng cho rằng cảnh quay đó quá nguy hiểm nhưng bản thân Trần Như Thục thì lại tỏ ra rất hào hứng. Anh tâm sự rằng, không riêng gì mình mà nhiều diễn viên đóng thế khác đều thấy cảnh quay càng mạo hiểm thì càng kích thích. Sau khi thực hiện xong cảnh quay, chiếc xe ôtô bẹp dúm, còn nhiều người xem đã bật khóc vì sợ và vì nghĩ anh đã chết.
Nhiều người trong nghề đã than thở rằng, dù nghề này xuất hiện ở Việt Nam đã vài thập kỷ nhưng hầu hết đều là tự phát. Theo số liệu của Hội Điện ảnh TP Hồ Chí Minh, hiện nay tại thành phố này có hơn 300 diễn viên đóng thế tham gia trong các đoàn phim. Trong đó có khoảng trên dưới 100 cascadeur chuyên nghiệp. Câu lạc bộ Cascadeur TP Hồ Chí Minh được thành lập năm 1992. Sau đó tổ chức này từng có ý định phát triển thành một Chi hội cascadeur trực thuộc Hội Điện ảnh nhưng không thành. Thế nên tính tới thời điểm này, các hoạt động của cascadeur hầu hết là tự phát. Từ đó sinh ra các Câu lạc bộ cascadeur như: Cascadeur Quốc Thịnh (17 tuổi) và sinh ra tiếp các nhóm cascadeur khác.
Diễn viên, đạo diễn Quốc Thịnh luôn ao ước trong tương lai Cascadeur sẽ có một “mái nhà chung” |
Khó mua bảo hiểm sinh mạng
Nghịch lý đó hiện đang diễn ra ở Việt Nam. Đó là nghề nguy hiểm, cần sự bảo trợ của các tổ chức xã hội, các công ty bảo hiểm nhất thì lại rất khó để mua bảo hiểm. Cascadeur Lữ Đắc Long đã chia sẻ rằng: "Tôi đã từng liên hệ với một vài công ty bảo hiểm để mua bảo hiểm cho mình và đồng nghiệp thế nhưng họ đều không dám ký hợp đồng. Có lẽ họ sợ nghề của chúng tôi có quá nhiều rủi ro".
Trò chuyện với diễn viên Johny Trí Nguyễn - người đã từng rất thành danh trong vai trò cascadeur ở phim trường thế giới thì được anh chia sẻ: "Ở Việt Nam, diễn viên chỉ được nhận bảo hiểm của bộ phim đó thôi, ngoài ra không có bảo hiểm nào nữa. Nhưng ở nước ngoài, nghề cascadeur có hiệp hội nghề riêng. Hiệp hội này cũng có trách nhiệm trả bảo hiểm cho các diễn viên đóng thế. Ngoài bảo hiểm của từng bộ phim, diễn viên còn có một vài bảo hiểm khác nữa".
Để diễn cảnh chết cháy thế này, diễn viên đóng thế nhận thù lao nhiều nhất cũng chỉ 2 triệu đồng |
Còn theo đạo diễn, cascadeur Quốc Thịnh thì: "Ở Việt Nam cascadeur được xem là nghề phải chịu nhiều thiệt thòi nhất. Bản chất của nghề là nguy hiểm nhưng đổi lại thì không có cái gì bảo đảm cho nghề này. Mọi người đến với nghề chủ yếu là vì đam mê, dù biết là gian nan trong tập luyện và nguy hiểm trong khi thực hiện nhưng vẫn hứng thú. Đôi khi dù đã rất cẩn thận khi thực hiện những pha nguy hiểm nhưng xác suất của sự tính toán cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nên do đó cascadeur cũng rất cần sự hỗ trợ của phía công ty bảo hiểm. Ở các nước điện ảnh phát triển thì có bảo hiểm cho cascadeur nhưng hiện nay ở Việt Nam thì chưa có một công ty bảo hiểm nào dám bán bảo hiểm cho cascadeur".
Vì thê,ë cách bảo hiểm tốt nhất là người diễn viên phải tập luyện thật nhiều để tránh gặp phải sai sót đáng tiếc. Theo họ quan niệm thì: "Đổ máu trên thao trường còn hơn đổ máu trên chiến trường".
Và rất khó thành danh
Cái thiệt thòi của nghề cascadeur là luôn đứng sau thành công của bộ phim. Cho dù trong bộ phim đó họ đã nỗ lực hết mình để cống hiến những màn võ thuật đẹp mắt nhưng khán giả mấy ai biết đến họ. Để có được một pha hành động đẹp mắt, cascadeur cũng phải bỏ ra rất nhiều thời gian để tập luyện. Vất vả và mạo hiểm là thế nhưng không phải ai cũng thành công với nghề.
Những người thoát ra từ nghiệp cascadeur và trở thành diễn viên chính, đạo diễn võ thuật như Quốc Thịnh, Johny Trí Nguyễn ở Việt Nam có thể đếm trên đầu ngón tay. Bởi để thành một chỉ đạo võ thuật thì bản thân người diễn viên đó cũng phải có nền tảng võ thuật và trình độ chuyên môn vững chắc chứ không đơn giản theo thời gian làm cascadeur rồi tự cho mình là chỉ đạo võ thuật.
Những pha nhảy lầu cát xê cũng chỉ vài trăm nghìn |
"Tôi không hy vọng cho tôi 1 giải thưởng về "nghệ sĩ giấu mặt", tôi chỉ hy vọng thế hệ sau tôi được giải thưởng để họ tự tin đóng góp cho điện ảnh nước nhà hay nói cách khác là tôn vinh những con người dám hy sinh thân thể của mình để mang lại vinh quang cho người khác" - diễn viên, đạo diễn Quốc Thịnh tâm sự.
Không chỉ phải chấp nhận là "kẻ đứng sau" mà cát - xê cũng là một vấn đề đáng buồn đối với những diễn viên cascadeur. Anh Hải chia sẻ: "Một năm dồn cát-xê đóng phim nhiều khi cũng không đủ cho 1 ca chấn thương nặng". Thế nên, đối với hầu hết những diễn viên đóng thế này, họ không thể chỉ chuyên tâm duy nhất vào công việc diễn xuất. Đó cũng là một sự bán chuyên nghiệp của nghề này.
Ít ai có thể tin được, thù lao để trả cho một pha nhảy lầu là khoảng 300 nghìn đồng. Những pha làm ngọn đuốc sống thì thù lao vào khoảng 2 triệu đồng. Vậy nên thu nhập của hầu hết các diễn viên đóng thế này chỉ tầm tầm 3-4 triệu/tháng. Tháng nào ít việc có khi xuống chỉ còn từ 1-2 triệu. Đúng là nếu không phải vì niềm đam mê võ thuật, muốn được cống hiến cho điện ảnh nước nhà những cảnh quay hành động đẹp mắt thì ít ai có thể trụ được với nghề. Bởi hiểm nguy thì nhiều mà thành công thì luôn thuộc về người khác.
Ông Nguyễn Văn Đây, nguyên Thanh tra Hội Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Cascadeur là một nghề nguy hiểm, khó khăn mà diễn viên không dám hoặc không thể thực hiện nên họ cần người đóng thế. Trong khi đó, quyền lợi của cascadeur hiện nay không xứng đáng với công sức, sự mạo hiểm phải đối mặt. Chưa kể những quyền lợi khác của anh em làm nghề như giải thưởng hàng năm của hội chẳng hạn cũng không có. Nếu không có chi hội, anh em không được công nhận lao động bằng các giải thưởng. Cần tổ chức nơi tập luyện cho cascadeur vì hiện nay các nhóm đang rất khó khăn về sân tập". |
.