Vào các ngày 26 đến 29/7, gần 100 nông dân tâm trạng bức xúc, tự ý "đột kích" vào các trang trại nuôi ong tại xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi đập phá hàng chục thùng nuôi ong sắp thu mật. Không chỉ đập phá, họ còn dùng thuốc diệt côn trùng phun xịt khắp trại ong để tận "diệt" luôn mấy chục đàn ong với hàng trăm nghìn con đang thời kì cho mật.
Bi hài hơn, những "kẻ phá hoại" này còn yêu cầu chủ trại ong phải bồi thường thiệt hại rồi mới chịu rút đi. Cũng không quên buông lời đe dọa sẽ tiếp tục quay lại đập phá nếu trong vòng vài ngày tới các trang chủ trại nuôi ong còn dám "cố thủ" cạnh các cánh đồng lúa... Chuyện ngỡ như đùa nhưng hoàn toàn có thật. Và vì sao những người nông dân vốn hiền lành, quanh năm chỉ quần quật dựa vào cây lúa lại bỗng chốc quá khích đến vậy? Nguyên nhân vì họ thiếu hiểu biết hay lý do không tưởng sợ "mất mùa lúa do được mùa ong...”.
Kéo cả làng ra phá trại ong vì sợ lúa mất mùa?!
Dọc con đường làng vào xã Nghĩa Lâm, trên những cánh đồng lúa đang vào vụ trổ bông, đi đâu chúng tôi cũng nghe người nông dân tụm năm tụm ba, bàn luận rôm rả có, bức xúc ra mặt có, hồ nghi cũng nhiều về việc ong phá lúa. Có lẽ cũng là lần đầu tiên chúng tôi được nghe chuyện con ong, một người bạn của nhà nông lại mang tội đồ "phá hại lúa" như ở Nghĩa Lâm.
"Tôi tốn hàng mấy trăm triệu đồng di cư, gây giống đàn ong từ miền đất đỏ Tây Nguyên về xã vùng cao Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi mấy ngày qua để "săn mật" và phát triển kinh tế. Vậy mà, mấy hôm nay vào vụ ong cho mật thì phải nhận lấy "mật đắng". Ong là bạn của nhà nông, chứ đã bao giờ có chuyện con ong lại đi phá mùa màng bao giờ đâu?. Vậy mà, đàn ong mật của chúng tôi đang phải mang cái tội động trời hết sức vô lý...
Các chủ trại ong nhận được “mật đắng” vì bị người dân quá khích đập phá, hủy hoại đàn ong |
Mọi nguyên do là vì người nông dân địa phương "vu" cho đàn ong mật của chúng tôi đã ăn hết phấn, khiến cho lúa không phát triển, trổ hạt được", ông Nguyễn Trọng Tính (chủ trại nuôi ong I, trực thuộc Tổng Công ty ong mật Bình Phước) đã đắng đót phản ánh với chúng tôi. Ba ngày, hai đêm từ sau vụ bị "đột kích" phá tan hoang hai trại ong đến giờ, ông Tính dường như vẫn chưa thoát ra được tâm trạng bất an của mình.
Ông Tính còn tỏ ra khá dè dặt khi nhắc lại sự việc tối 29/7, chỉ đến khi lãnh đạo địa phương mở lời động viên thì ông mới bình tâm lại. Theo ông Tính, vụ mùa năm nay, Công ty cổ phần ong mật Bình Phước đã thuê mặt bằng tại xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa thành lập 3 trang trại nuôi ong, lấy mật. Từ khi bắt đầu dựng trại di trú đàn ong từ các tỉnh phía Nam ra miền Trung đến nay đã được hai tháng.
Tuy nhiên, không rõ vì lí do gì, đầu tiên là vào ngày 26/7, hơn 100 người dân đã đột kích trang trại nuôi ong mật do ông quản lý, đập phá hàng chục thùng nuôi ông, xịt thuốc "diệt" tổng cộng 19 đàn ong với hàng trăm nghìn con ong đang thời kì cho mật. Không dừng lại ở đó, nhóm người này còn đập phá tan hoang trang trại, đồng thời còn yêu cầu ông Tính bồi thường 1,5 triệu đồng.
Chỉ khi ông Tính chịu nộp "tiền phạt", những người này mới chịu rút đi. Tuy nhiên, nhóm người này cũng không quên buông lời đe dọa sẽ tiếp tục quay lại đập phá nếu trang trại nuôi ong của ông Tính không chịu dời đi trong vài ngày tới. Chưa hết bàng hoàng vì sự việc bất ngờ hôm 26/7, thì đúng ba ngày sau, một trang trại khác của ông Tính đóng tại thôn 1, xã Nghĩa Lâm tiếp tục bị tập kích.
Một công nhân làm việc tại trại ong của ông Tính đã bức xúc thuật lại: "Lúc xảy ra sự việc khoảng 5, 6 giờ chiều. Trời nhá nhem tối, anh em công nhân cùng với ông Tính đang thu dọn dụng cụ, chất mật ong thành phẩm lên xe tải để chuẩn bị kết thúc ngày làm việc. Bất ngờ, khoảng gần 40 người, chủ yếu là thanh niên, mang theo gậy gộc, tuýp sắt và cả dao rựa sáng loáng chia thành hai nhóm bao vây trại ong. Lúc này, mặc cho chú Tính hết lời khuyên giải nhưng nhóm thanh niên vẫn điên cuồng đập phá trại ong.
Không chỉ đập phá, mà một số thanh niên quá khích còn cầm hung khí quay sang chửi bới và đuổi đánh chú Tính. Quá hoảng sợ trước hành động ngông cuồng của những người dân, để bảo toàn tính mạng, chú Tính và mấy anh em công nhân chúng tôi vội chất đồ đạc lên xe tải và rời đi chỗ khác. Tuy nhiên, nhóm thanh niên trên vẫn ngang ngược ra chặn đầu xe tải không cho xe đi. Gần 4 tiếng đồng hồ sau, khi có lực lượng Công an xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa có mặt tại hiện trường mới giải vây được cho mấy anh em công nhân chúng tôi...”.
Xung quanh sự việc các trang trại ong chịu thiệt hại nặng nề vì bị người dân đập phá, ông Bùi Minh Hà (Giám đốc Công ty cổ phần ong mật Bình Phước) xác nhận: "Theo như những gì mà người phụ trách 3 trại ong tại địa bàn xã Nghĩa Lâm báo cáo thì ngày 26/7, một nhóm người dân địa phương đã tới đập phá trại ong ở phía bắc xã Nghĩa Lâm, phun thuốc làm khoảng hơn 300 ngàn con ong đang trong thời kì cho mật bị ngạt thuốc chết. Nhóm người này còn đập phá lán trại, dụng cụ phục vụ cho việc nuôi ong của Công ty. Đến tối 29/7, nhóm người này tiếp tục quay lại đập phá trại ong, đuổi đánh công nhân đang làm việc tại đây. Ngoài ra, nhóm người trên còn chặn xe tải buộc anh Nguyễn Trọng Tính, cán bộ của Công ty phải "bồi thường" hai đợt, một lần 1,5 triệu đồng và một lần 1 triệu đồng".
Sự thật về việc đàn ong "mang tội" phá lúa
Ngày 2/8, PV Chuyên đề CSTC đã có mặt ở địa bàn xã Nghĩa Lâm để làm rõ sự việc người dân quá khích đập phá các trang trại nuôi ong và ghi nhận sự thật chuyện "đàn ong phá hại hoa màu" của người nông dân...
Ông Trương Văn Lê (Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lâm) cho biết: "Việc di cư đàn ong về lấy mật ở các rẫy keo tại địa phương là mô hình tốt, chính quyền hoàn toàn ủng hộ. Chính quyền thừa nhận việc người dân quá khích tấn công trại ong, dùng bình xịt côn trùng giết chết đàn ong là hành động sai trái, xã sẽ đề nghị Công an xã điều tra xử lý đối với những người có liên quan".
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, các chủ trại ong đã tự ý đặt trại ong ở gần cánh đồng lúa, gây bức xúc cho người dân nhưng không báo cáo với chính quyền xã là việc làm chưa đúng. "Chúng tôi không nhận được bất kỳ thông báo nào của chủ trại ong cho đến khi sự việc xảy ra. Nếu chủ trại ong thông báo với chính quyền, chúng tôi bố trí một địa điểm thích hợp xa khu dân cư và ruộng lúa thì đã không xảy ra vụ việc trên", ông Lê nhấn mạnh. Theo tìm hiểu của PV, được biết, trước khi sự việc tại xã Nghĩa Lâm xảy ra, nhiều người dân ở xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh cũng đã gửi đơn đến Chi cục Bảo vệ thực vật Quảng Ngãi bày tỏ nỗi lo mùa màng thất thu về tình trạng ong bu trên lúa, cây keo.
Chi cục đã cử đoàn cán bộ về địa phương kiểm tra, nhưng cho rằng ong mật chỉ ăn hạt phấn thừa trên bông lúa, hút dịch mật tiết ra từ nách lá non cây keo, chưa ghi nhận ong mật làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất cây trồng. Trước những diễn biến căng thẳng trên, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cũng vừa gửi văn bản chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành trong cả nước tăng cường bảo vệ đàn ong tại các điểm đặt nuôi.
Trong đó, Cục Chăn nuôi đề nghị Sở Nông nghiệp tăng cường tuyên truyền cho người dân về lợi ích của ong mật trong vai trò thụ phấn, tăng năng suất và bảo vệ môi trường sinh thái, cử cán bộ theo dõi, điều tra không để người dân xua đuổi đàn ong mật tại các điểm đặt nuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ trang trại nuôi ong tiếp tục duy trì và phát triển nghề truyền thống này.
Hàng triệu con ong đang mùa cho mật đã bị chết do thuốc xịt côn trùng của người dân |
Trả lời câu hỏi vì sao địa phương lại yêu cầu trại ong của ông Tính, cũng như một số hộ nuôi ong mật khác phải di chuyển đàn ong đến nơi khác, ông Lê lý giải rằng, nếu nuôi ong vào thời điểm cả đồng lúa trổ bông thì không sao, bởi ong mật sẽ phân tán ra nhiều đám, chứ thời điểm này chỉ mới một vài đám trổ mà bị ong mật bu đầy gây hư lúa của dân thì ai chịu trách nhiệm...!.
Tuy các cơ quan chức năng đều giải thích và nhận định ong không gây nguy hại cho hoa màu của người dân, nhưng theo chủ trại ong Hồ Văn Gàn (quê An Giang, nuôi ong tại Nghĩa Lâm) lại cho biết: Sau khi đưa đàn ong với số lượng khoảng 200 thùng về đặt tại thôn 1, xã Nghĩa Lâm. Ngày 29/7 vừa qua, trại ong của tôi cùng với trại ong ông Tính bị người dân địa phương đập phá làm thiệt hại nặng nề.
Quá sợ hãi nên tôi thuê xe đưa ong về đặt ở xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa. Khi xe vừa chuyển ong đến, tôi tiếp tục bị chính quyền địa phương nơi đây yêu cầu chuyển đi nơi khác. Tôi bây giờ không biết đưa ong đi nuôi ở đâu. Không riêng gì ở xã Nghĩa Lâm, hiện nhiều địa bàn miền núi ở Quảng Ngãi như Sơn Tịnh, Trà Bồng, người dân cũng lo ngại đàn ong làm ảnh hưởng xấu đến năng suất cây trồng nên tiến hành xua đuổi đàn ong, cản trở việc nuôi ong lấy mật. Việc này khiến người nuôi ong luôn trong tình trạng phập phồng, lo lắng.
Nên chăng, các cơ quan chức năng cần có biện pháp tuyên truyền cho người dân hiểu rõ được việc tự ý, quá khích đập phá tài sản, xua đuổi đàn ong là hành vi sai trái. Đồng thời cũng có biện pháp di dời, hỗ trợ và tạo điều kiện cho người nuôi ong ổn định sản xuất và không ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân tại địa phương...
Ông Đào Minh Hường - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Sở nhận được đơn của một số chủ nuôi ong tại Quảng Ngãi phản ánh việc bị người dân xua đuổi, vì cho rằng ong làm hại cây trồng. Sở đã có văn bản gửi chính quyền các huyện, thành trong tỉnh, với nội dung khẳng định ong là loài vật đang được khuyến khích nuôi, mang lại lợi ích kinh tế cao và hoàn toàn không làm hại cây trồng. Yêu cầu chính quyền địa phương tuyên truyền cho người dân hiểu, đồng thời có biện pháp bảo vệ người nuôi ong. |
.