Họa có đến hàng chục lần tôi ngồi "giằng co triết lý" với những tử tù mòn mỏi đợi chờ cái chết sau song sắt. Họ từng là những ông trùm đích thực. Những ông trùm được tiếng "thét ra lửa" cứ nhút nhát như học sinh không thuộc bài khi ngồi trong phòng biệt giam. Một thời "oanh liệt" là thế nhưng cuối cùng cái giá phải trả thì đắt không kém. Và hơn thế nữa, phía sau những ông trùm ma túy, những tử tù là những thân phận nheo nhóc đang ở cùng tận nỗi đau.
Lý Thị Say và con gái út của Tủa |
Chuyện của Vừ A Tủa
Tủa sinh năm 1978, quê ở xã Na Ư (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên). Có lẽ, trên khắp dải biên cương Tây Bắc xa xôi, hiếm có nơi nào bị "cơn bão trắng" tàn phá nặng nề, đau thương như ở Na Ư, quê Tủa. Chỉ tính trong khoảng chục năm trở lại đây, toàn xã Na Ư đã có đến 11 án tử hình, 14 án chung thân, 10 lệnh truy nã đặc biệt, 17 án tù từ 15 năm trở lên, vô số con nghiện và nhiều gia đình bỏ làng đi biệt xứ. Nhưng nhờ sự đấu tranh không khoan nhượng của các lực lượng chức năng, giờ đây, ngay trên mảnh đất từng một thời được mệnh danh là "vùng đất chết" này, đã và đang có một sự hồi sinh mạnh mẽ.
Giờ lối vào Na Ư được trải nhựa phẳng lì, hai bên dã quỳ, xuyến chi nở tơi bời. Nếu không có những tấm biển ghi tên làng, tên bản như Ca Hâu, Hua Thanh thì khách thượng sơn rất dễ nghĩ rằng mình đang lạc lối vào chốn bồng lai tiên cảnh, sơn tinh thủy tú nào đó chứ nhất định không tin đây là con đường huyết mạch dẫn đến vùng đất từng một thời được mệnh danh là thung lũng tử thần. Nhà trùm ma túy Vừ A Tủa nằm lúp xúp dưới chân núi Ca Hâu. Lối vào phải lội vòng vèo hai lần trên một con suối nhỏ, nước dâng ngang đầu gối.
Ngay cả khi đã yên vị trong nhà Tủa, trò chuyện với vợ Tủa là Lý Thị Say, trước sự chứng kiến của ông Và Vả Tông, Chủ tịch xã Na Ư, tôi cũng không tin đây lại là "dinh thự" của một trong những ông trùm ma túy nổi tiếng chơi ngông khắp dải rừng biên giới Điện Biên. Nhà Tủa nghèo, cái nghèo hắt ra từ mấy bức vách rách tả tơi, ngửa lên thấy lốm đốm màu xanh da trời. Ngồi trong nhà Tủa, dù khách có cố thu mình vẫn không tránh được cái nắng rát cháy một bên mảng mặt. Mấy đứa con của Tủa, đứa nào cũng đen đúa, cóc cáy, quần áo tả tơi. Nghe giới thiệu có cán bộ dưới Hà Nội lên, Lý Thị Say, vợ Tủa lập tức ùa ra khóc. Say nói rất nhiều, nói về cái đói, cái khổ, cái lạnh, và nói về cái "thằng chồng vô tích sự bỏ Say, bỏ đàn con dại để đi tù". Tôi nghĩ mình không mong tìm được cái gì xa xỉ hơn là nước mắt và những lời than vãn.
Vừ A Tủa ở phòng biệt giam |
Trước khi vượt đèo Tây Trang vào xã Na Ư, tôi đã được nghe khá nhiều giai thoại về chồng Say, trùm ma túy Vừ A Tủa. Người ta kể rằng, có lần Tủa đã bao hẳn một khách sạn hạng sang bên nước bạn Lào để anh em, bạn bè chiến hữu tụ tập ăn mừng sau khi vừa trót lọt một chuyến hàng. 3 ngày, 3 đêm ngập ngụa trong bia rượu và gái đẹp, số tiền Tủa bỏ ra thanh toán phải tính bằng… bao tải. Nó nhiều đến nỗi mấy cô thu ngân ở khách sạn ấy phải mất cả tiếng đồng hồ để kiểm đếm tiền...
Hoặc là chuyện Tủa có "thói quen ẩm thực" chả khác gì so với các bậc vua chúa ngày xưa, dù đó có là sơn hào hải vị, hay bào ngư vi cá đắt đến nhường nào, Tủa cũng quyết mua cho kỳ được. Ví như cái chuyện hắn biết được xưa kia vua Thái Đèo Văn Long có sở thích ăn lưỡi và tim cật của con gà, qua lời kể của các già làng, trưởng bản, ấy thế là mỗi khi có dịp hạ sơn, hắn thường chui vào nhà hàng, khách sạn đòi đầu bếp chuẩn bị cho gã thưởng thức. Hắn ăn đĩa lưỡi, bát tim nhưng chấp nhận trả tiền cho cả đàn gà. Không biết có bao nhiêu sự thật trong những câu chuyện đốt tiền của Tủa mà giang hồ đồn đại, nhưng nếu không có lửa thì làm sao có khói, tôi nghĩ thế.
Thiếu cả manh áo vá
Nhưng có một nghịch lý rằng, bên ngoài Tủa nổi tiếng phong lưu, tiêu tiền như nước, song đối với vợ con thì hắn gần như buông bỏ. Chả thế con hắn, đứa nào đứa nấy đen đúa, gầy còm ốm yếu như nhau. Say kể, trước kia Tủa quanh năm suốt tháng sống chui lủi trong các cánh rừng, thỉnh thoảng mới về quăng cho đám trẻ vài ba gói kẹo. Tủa về mùa xuân thì cuối đông Say trở dạ sinh con. Cứ thế, lần lượt 4 đứa trẻ ra đời. Khi Say mang thai đứa thứ 4 mới được vài ba tháng thì Tủa bị bắt và bị TAND tỉnh Điên Biên tuyên phạt tử hình. Đó là vào khoảng giữa năm 2009. Giờ đứa bé ấy, Vừ Thị Pa Dung đã gần 5 tuổi mà mới được nhìn bố có một lần. Đận ấy, Say đã phải bán đi con lợn duy nhất trong chuồng, bán thêm hai bao thóc để lấy tiền đưa con gái út xuống nhìn mặt bố ở trại giam.
Tôi nhớ lần gặp Tủa trong Trại tạm giam - Công an tỉnh Điện Biên cách đây vài năm, khi hắn vừa mới bị tuyên án tử hình, Tủa tỏ ra hết sức suy sụp và chán nản. Hắn bảo, giá như hắn biết bằng lòng với những gì mình có, không bị mê hoặc bởi đồng tiền thì đâu đến nỗi tự tay đóng sập cánh cửa cuộc đời từ khi còn rất trẻ. Không chỉ vậy, Tủa còn ân hận vì đã để lại nỗi đau đớn cho cha mẹ, dòng họ, đẩy người vợ đương xuân với bốn đứa con thơ vào cơn bĩ cực.
Suốt buổi trò chuyện ngày hôm đó, Tủa nhắc đi nhắc lại về ước mơ mong sau này con mình sẽ có đứa được bước vào giảng đường đại học. Tủa bảo, cuộc đời hắn coi như bỏ đi, giống như cây mục trong rừng, giờ hắn chỉ hy vọng vào mấy đứa con, nhất là thằng con trai cả Vừ A Thu. Tủa mong nó được vào đại học để thay bố "rửa vết nhơ" cho gia đình, dòng họ. Thế nhưng, chỉ một khoảng thời gian rất ngắn sau khi Tủa bị bắt, Vừ A Thu bỏ học khi vừa xong lớp 9. Có lẽ khi đó, Tủa đã không lường hết được những khốn khó mà mấy đứa con mình phải đối mặt. Giờ, Dung là đứa duy nhất trong đám con đông đàn dài lũ của Tủa được đến trường, dù chỉ là lớp mầm non. Còn mấy anh trai của Dung thì đã phải gác lại chuyện sách đèn để giúp mẹ mưu sinh.
Những mái nhà ở thủ phủ Na Ư |
Say kể, ngày Tủa bị đưa ra xét xử, Say cõng, xách đàn con vượt núi xuống tòa. Nhìn mấy đứa con rách rưới, xo ro trong mưa gió, cái bản năng làm bố trong Tủa hình như trỗi dậy. Hắn đã định cởi áo bị cáo của mình nhường cho con nhưng bị cảnh sát bảo vệ ngăn lại. Câu chuyện ấy, hình ảnh ấy giờ vẫn được nhiều người tham dự trong phiên tòa ngày hôm đó nhắc lại như một sự hoài nghi về sự xung đột trong tính cách của một con người. Thật khó để biết được đâu là một ông trùm ma túy từng ôm cả ba lô tiền về Hà Nội sắm sanh váy áo, đồ trang sức cho đám bồ nhí, em út của mình; và đâu là một người cha Vừ A Tủa sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo cho con.
Cách đây ít lâu, nhờ biết ăn năn hối cải cộng với việc tích cực hợp tác, cung cấp thông tin giúp cơ quan điều tra khám phá ra nhiều đối tượng trong các đường dây buôn bán ma túy khác, Tủa đã được Chủ tịch nước ân giảm tội chết. Kể từ đó, hắn được đưa về cải tạo tại Trại giam Thanh Xuân, Hà Nội. Tủa được "tái sinh", điều kỳ diệu đó chả khác nào liều thuốc tinh thần cho cả đại gia đình hắn.
Chủ tịch Na Ư Và Vả Tông bảo, trước và sau khi Tủa bị bắt, chả bao giờ nhà hắn thoát nghèo. Vợ hắn, người đàn bà Mông ít học, cả đời không bước qua đỉnh núi trước nhà, từ khi bước chân về nhà chồng, thị chỉ biết ngày cắm mặt lên nương, tối về lo cho đàn con trứng gà trứng vịt, bữa đói nhiều hơn bữa no. Giờ Tủa đi tù, mọi việc trong gia đình dồn lên vai người đàn bà chân yếu tay mềm. Cũng may, bố mẹ Tủa ở gần nên thỉnh thoảng cũng đỡ đần được đôi chút cho đứa con dâu với đàn cháu nội.
Bố mẹ Tủa, ông Vừ Phá Ly và bà Và Thị Mỳ, cùng 58 tuổi, già yếu, cô đơn. Từ đận con trai bị bắt, hai ông bà sống thu mình trong căn nhà gió lùa và sương bủa lép nhép ở rìa bản Ca Hâu. Ngày ngày ông bà vẫn phải cặm cụi làm lụng, bươn bả để có tiền sinh sống với lo đỡ phần nào cho đám cháu nội đương tuổi ăn, tuổi lớn. Sợ con trai buồn tủi sinh chán nản, ông Ly đã phải chạy vạy khắp nơi mới vay được ít tiền để đi thăm Tủa. Cha con gặp nhau, mừng mừng tủi tủi. Trước khi về lại Điện Biên, ông Ly chỉ khẽ khàng: "Giờ số phận của con, con phải tự định đoạt. Có còn muốn nhìn thấy vợ con, có còn muốn trông lại đỉnh núi trước nhà thì con phải biết chuyên tâm mà cải tạo...".
Phải khó khăn lắm, tôi và anh Tông, Chủ tịch xã Na Ư, mới dứt ra khỏi những câu chuyện buồn thảm của ông Ly, bà Mỳ và Lý Thị Say. Suốt quãng đường về lại TP Điện Biên Phủ, tôi cứ ám ảnh mãi bởi câu hỏi của cháu Vừ Thị Pa Dung, con gái Tủa: "Bao giờ bố cháu "đi công tác" trở về?".
.