Bộ Chính trị vừa ban hành Chỉ thị số 38-CT/TW về tăng cường quản lý các đoàn đi công tác nước ngoài nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đối ngoại, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiết kiệm ngân sách bằng những việc làm thiết thực và cụ thể.
Chỉ thị của Bộ Chính trị nêu rõ: Những năm gần đây, các đoàn đi công tác nước ngoài bằng tiền ngân sách nhà nước còn quá nhiều; có tình trạng đoàn đi không rõ mục đích, trùng lặp nội dung, địa bàn, hiệu quả thấp, gây lãng phí; một số nơi bố trí đoàn đi nước ngoài nặng về giải quyết chính sách, tham quan, khảo sát, du lịch...
Để bảo đảm việc tổ chức đi công tác nước ngoài thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, cơ quan, tổ chức, địa phương tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại của Bộ Chính trị và các quy định liên quan của Đảng và Nhà nước. Kế hoạch hoạt động đối ngoại hằng năm của các cơ quan, tổ chức, địa phương phải cụ thể, bảo đảm sát đúng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, yêu cầu đối ngoại và hội nhập quốc tế, phù hợp với khả năng tài chính của cơ quan, tổ chức, địa phương. Hạn chế tối đa việc cử đoàn đi công tác nước ngoài không nằm trong kế hoạch; không cử đoàn đi giao lưu, khảo sát, học tập kinh nghiệm nước ngoài không thiết thực... bằng ngân sách nhà nước. Các đoàn đi công tác nước ngoài phải có đề án nêu rõ mục đích, yêu cầu chuyến đi, đối tác đón, nội dung, chương trình làm việc cụ thể; lưu ý cần trao đổi trước với cơ quan đại diện của ta ở nước đến để tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn ra và thống nhất quản lý, tránh trùng lắp với các đoàn đi trước. Thời gian mỗi chuvến đi công tác nước ngoài cần phải tính toán kỹ lưỡng, chặt chẽ, trên cơ sở bảo đảm yêu cầu công việc, thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm.
Cần tiết kiệm và tính đến hiệu quả các chuyến đi công tác nước ngoài - Ảnh minh họa |
Chỉ thị cũng yêu cầu các cơ quan, tổ chức, địa phương phải thực hiện chế độ báo cáo, trình duyệt nhân sự đi công tác nước ngoài thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý theo đúng thời gian và quy định hiện hành.
Trong lúc nền kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn như hiện nay thì việc các đoàn đi công tác nước ngoài bằng ngân sách nhà nước với số lượng đông và nhiều đoàn, có nhiều nội dung trùng lắp, hiệu quả thấp... quả thực đã gây lãng phí rất lớn cho đất nước. Chính vì vậy, việc Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị trên nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đối ngoại, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ...được đông đảo cán bộ, đảng viên và người dân đồng tình ủng hộ.
Còn nhớ cách đây không lâu, báo cáo tại cuộc họp của Chính phủ chiều 24/12/2013, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết: Hiện nay, chúng ta có quá nhiều đoàn của các bộ, ngành, địa phương liên tiếp đi công tác nước ngoài dẫn tới sự trùng lặp, lãng phí không cần thiết. Chính vì vậy mà có tình trạng "Một số nước phản hồi, có nhiều vấn đề vừa trả lời đoàn này, một thời gian ngắn sau lại có đoàn khác sang hỏi câu tương tự"(!)
Theo con số được Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đưa ra, năm 2012 tổng số có 3.780 đoàn của các bộ, ngành đi nước ngoài. Như vậy, tính trung bình một ngày có tới 10 đoàn đi công tác nước ngoài. Sang năm 2013 tuy có giảm nhưng số lượng còn lớn, tới 3.200 đoàn. Như vậy, trung bình mỗi ngày có 8 đoàn đi công tác nước ngoài.
Còn theo thống kê từ các bộ, ngành và địa phương báo lên thì số đoàn đi của tỉnh, thành năm 2012 là 5.800 đoàn, sang năm 2013 là 4.926 đoàn; đoàn công tác từ các bộ, ngành năm 2012 là 2.043 đoàn và năm 2013 giảm xuống còn 1.029 đoàn (giảm hơn 50%).
Từ thực tế trên, điều mà mọi người quan tâm lúc này chính là việc thực hiện Chỉ thị như thế nào và kết quả ra sao. Để Chỉ thị đi vào cuộc sống và thực sự phát huy hiệu quả, thiết nghĩ, trước hết cấp ủy các cấp cần quán triệt sâu sắc và nghiêm túc thực hiện các nội dung của Chỉ thị. Đặc biệt, việc xây dựng kế hoạch tổ chức các đoàn đi công tác nước ngoài phải căn cứ vào nhu cầu thực tiễn, cấp bách của địa phương, cơ quan đơn vị với thành phần tham gia đúng đối tượng qui định, thời gian hợp lý, tránh trùng lắp, nội dung công tác hết sức thiết thực và cụ thể để đảm bảo tối đa hiệu quả chuyến đi và tiết kiệm ngân sách.
Cùng với đó, các cấp, các ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu cần nghiêm túc, gương mẫu thực hiện Chỉ thị, tránh tình trạng lạm dụng, biến các chuyến công tác nước ngoài thành dịp để "trả ơn", "trả nợ" hay ban phát "lộc trời" cho những mối quan hệ cá nhân, thậm chí trục lợi, lợi dụng ngân sách nhà nước để tranh thủ đi du lịch không mất tiền và mua sắm hàng ngoại...
Đồng thời, cần nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về công tác đối ngoại. Đặc biệt, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị của các cấp, các ngành, các địa phương nhằm khắc phục những hạn chế, khắc phục tình trạng "lách Chỉ thị", "lách luật", “lách quy định”... để cho mỗi chuyến công tác nước ngoài thực sự là những chuyến công tác bổ ích và hiệu quả mà vẫn tiết kiệm, không gây lãng phí ngân sách nhà nước.
.