Mất đi cánh tay trong chiến trận, đã mấy chục năm người cựu binh già không còn nhớ đến nó nữa. Thế nhưng, đến cái tuổi thất thập cổ lai hy, thi thoảng ông lại rùng mình khi nghĩ đến việc mai này mình về với đất mẹ mà lại thiếu mất một cánh tay. Rồi bỗng một ngày có ông Tây đi nửa vòng trái đất đến trao trả lại cho mình cánh tay, ông đã tột cũng xúc động không chỉ vì nhận lại được cánh tay của chính mình, mà trên hết, ông rưng rưng vì tình cảm giữa con người với con người - giản dị mà thiêng liêng. Ông lão nhận lại món quà có một không hai ấy là Nguyễn Quang Hùng, ngụ tại thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai.
Lọt vào ổ phục kích của địch, bị bắn gãy tay
- Bác Hùng còn nhớ năm nhập ngũ là mình bao nhiêu tuổi không ạ?
- Tôi sinh năm 1940, năm 1964 nhập ngũ, thế là 24 tuổi.
- Đơn vị của bác hoạt động ở đâu?
- Chiến trường Tây Nguyên, ở Ka Nak của huyện Kbang, tỉnh Gia Lai.
- Hồi bác bị thương là như thế nào ạ?
- Ban đầu tôi thuộc đội vận tải của Trung đoàn 18, Sư đoàn 325, có nhiệm vụ vận chuyển thương bệnh binh từ chiến trường ra hậu tuyến. Sau cấp trên cử tôi đi học lớp hạ sĩ quan, rồi tôi chuyển qua làm Tiểu đội trưởng Tiểu đội trinh sát. Tháng 10 năm 1966, Mỹ đổ 45 nghìn quân xuống Phù Cát, Bình Định, dưới đất là xe tăng, trên trời là trực thăng, chỗ nào cũng có nó, không còn đường nào để mà ra được. Nó làm thành cái vòng tròn mà. Cấp trên giao cho tiểu đội tôi đi trinh sát, chúng tôi định cắt vòng tròn sang bên kia, để xem Mỹ nó có ở bên ấy không, nếu mà không có thì mình rút quân sang, nhưng trời mưa quá, xóa mất dấu giày của nó, mình không biết lối nào là an toàn nên lọt vào ổ phục kích của nó. 2 bên bắn nhau, rồi tôi bị đạn bắn gãy tay. Tôi mới giao cho cậu Sỹ chạy một hướng để đánh lạc hướng, còn tôi và cậu Lý phải men theo các lùm cây ven suối để trốn thoát.
Chúng tôi chạy đến một ngôi làng của xã Cát Sơn, huyện Phù Cát, nhưng nhà cửa của dân bị đốt hết rồi. Lúc ấy trời tối, bà con mới dám về xem còn gà, vịt, heo gì thì bắt lên núi để ăn. Chúng tôi nhờ dân khiêng đến bệnh viện nhưng Mỹ chốt hết các ngả rồi không còn đường nào đi nữa. Họ đưa tôi ra cái lán ngoài bìa rừng, nói là thôi đưa chú ra nằm đấy ít bữa, Mỹ nó rút đi rồi mới khiêng chú ra bệnh viện được. Đấy là cái kho lúa của dân, người ta cắt lúa xong thì mang về đó bỏ.
- Trong cái lán ấy có vật dụng gì không bác?
- Có lúa thôi. Dân để lại cho hai anh em tôi cái võng với một ít gạo. Đêm tối, lính Mỹ thả cái dù trắng để đốt pháo sáng thì cậu Lý ra lượm cho tôi làm chăn đắp. Trên người tôi bấy giờ chỉ có cái quần đùi thôi, quần áo dài thì máu ra nhiều quá, giặt không sạch nên phải bỏ.
Ông Hùng và cánh tay của chính mình |
- Bấy giờ bác có cầm chắc là mình sẽ chết không?
- Chắc chớ. Thối hết thịt, rồi không tháo được khớp là chỉ có chết. Chỉ 5-10 ngày là chết thôi, không có gì để cắt tay, hết gạo dân cho, có lúa mà cũng không có gì giã được để ăn.
- Bác nằm lại ở lán đấy mấy ngày thì bị Mỹ bắt?
- 3 ngày. Bấy giờ cánh tay gãy đã bốc mùi rồi, hôm trốn thoát, tay bị ngâm nước nên hoại tử nhanh. Vừa nghe có tiếng đạn bắn, tôi bảo cậu Lý: “Mày ra coi Mỹ nó đến hay sao ấy.” Cậu Lý đi ra, vừa đến đầu lán là đã xách súng AK bỏ chạy liền, có kịp nói với tôi câu nào đâu. Ngay sau đấy, ba lính Mỹ ập vào. Một lính Mỹ chĩa súng, một lính Mỹ nữa thì lấy đầu súng gạt cái dù trắng thả pháo sáng mà tôi đắp ra, rồi nó cắt 2 đầu võng. Nó khiêng tôi về căn cứ của nó, bỏ tôi xuống đất rồi đi tiếp. Chiều tháng 10 mưa dữ lắm. Nó lấy bạt đậy lên người tôi, hết mưa thì nó dỡ ra. Hôm ấy là 26/10/1969.
Trong căn cứ địch, giả làm y tá
- Sau bao lâu thì cánh tay hoại tử của bác mới được cắt bỏ?
- Sáng hôm sau, 27-10, nó cho tôi lên trực thăng rồi đưa về căn cứ chính của nó, chỗ có ông bác sĩ Sam Axelrad, ông ấy gây mê rồi cắt bỏ cánh tay. Lúc tôi tỉnh dậy, thấy mất tay thì tôi mới biết thế, chứ trước đó đã yếu lắm rồi, có biết gì nữa đâu.
- Hồi ấy bác tiếp xúc với ông Sam có lâu không?
- Lâu chớ. Suốt thời gian nằm dưới bệnh viện ấy. Ông Sam cắt tay của tôi xong, vết thương nặng quá, một tháng trời không chịu lên da non nên ông ấy phải cắt thêm một lần nữa, một đoạn 10cm. Tôi nằm điều trị, một chân bị còng vào giường mà. Hai tháng sau, ông Sam được lệnh phải đưa tôi ra khỏi căn cứ. Biết tin ấy, tôi cứ chắc mẩm là mình sẽ bị đày ra Côn Đảo cơ, nhưng rồi ông Sam cho người chở trực thăng đưa tôi từ Bình Định về An Khê, bảo là để tôi phụ việc ở Bệnh xá An Túc.
- Sao người ta lại quyết định thế bác nhỉ?
- Lúc chúng nó bắt tôi, thấy tôi chỉ có thuốc, không có súng nên tôi nói tôi là y tá. Thêm cả thời gian điều trị ở căn cứ của chúng nó, có một lính Mỹ nằm cạnh tôi, phải uống thuốc và băng bó chân hàng ngày, mà y tá của chúng nó dở lắm, băng vết thương mà lại quấn vòng tròn nên ngày nào cái băng quấn cũng xổ ra, bệnh nhân chửi um lên. Tôi nhìn y tá băng bó thì bảo với thông dịch viên rằng băng như vậy không phải đâu, tao sẽ chỉ cho cách băng. Thằng Mỹ hỏi lại: “Mày biết à?”. Tôi trả lời: “Tao biết”. Nó lừ lừ bảo: “Nó vẫn xổ là tao xách mày ra tao bắn”. “Tao là y tá, tao biết chớ, nó xổ thì mày cứ bắn, tao ngán gì đâu”. Thế là tôi băng chân cho nó, cố định phần nhỏ trước, xong dần dần băng số 8. Từ bấy nó mới hoàn toàn tin tôi là y tá.
- Bác biết sơ cứu ạ?
- Tôi nhập ngũ, vào đội vận tải vận chuyển thương binh mà, nên là phải học sơ cứu, cấp cứu, băng bó, chỉ có thuốc là tôi không được giao cho thôi. Bên vận tải của tôi với bên đại đội quân y nằm cạnh nhau nữa nên cứ qua chơi luôn ấy mà.
- Khi bác khỏe, ở bệnh xá đó thì họ bắt bác làm những việc gì?
- Đầu tiên nó kêu mình đứng ở cửa phòng thuốc, nó cấp thuốc cho dân rồi đem ra, thì mình nói là cái này uống ngày bao nhiêu, bao nhiêu. Phải mất hai lần công như thế nên sau nó bảo phiên dịch, thôi mày biết tiếng Việt, mày biết thuốc thì mày đứng đấy cấp thuốc luôn đi cho đỡ mất công.
Cuộc gặp của tình yêu thương giữa con người với con người |
- Phát thuốc là phát cho dân mình ấy ạ?
- Cho dân mình, thuốc cấp không mà. Ai đau thì cứ đến trưởng chi y tế đăng ký rồi đến mà lấy thuốc thôi.
- Họ giao cho bác việc cấp thuốc có lâu không?
- Cũng phải đến 1 năm ấy.
- Đến năm nào thì bác được thả?
- Năm 1969. Nó bảo thuộc dạng tàn phế rồi, thả, muốn đi đâu thì đi, làm gì thì làm, chứ nó còn có 1 tay, có giữ lại cũng chẳng để làm gì, thả nó đi nó cũng không cầm súng được nữa.
- Thế còn hồi bác về Bệnh viện Quy Nhơn là thế nào ạ?
- Thả tôi xong, trên Bệnh xá An Túc viết một cái giấy bảo thằng Hùng nó là y tá thế này, trình độ của nó như vậy, thì để nó xuống cấp thuốc cho bệnh viện, cho nó ở đấy, nuôi nó ăn uống. Ông bác sĩ lại viết cái giấy, ký vào đấy chuyển xuống cho thủ kho, ông bác sĩ ấy tên là Minh, Giám đốc Bệnh viện dân sự Quy Nhơn, cũng là người Việt. Ở bệnh viện, họ yêu cầu phải có bằng thì mới trả lương, còn không thì thôi, chỉ nuôi ăn ở thôi. Tôi bảo, chỉ có ăn cơm thì làm sao tao sống, rồi còn quần áo, các thứ các tao chi tiêu làm sao. Tôi mới bảo, mày không cho tao lương thì thôi, tao đi về tao làm y tá tư lấy tiền tao sống. Tao không ở đâu. Làm độ 1 tháng thì tôi bỏ về An Khê, xin làm y tá tư.
- Bác về lại An Khê khi nào ạ?
- Năm 1969 hay 1970 ấy, khoảng đó, tôi nhớ không rõ lắm.
- Bác làm y tá tư cho người ta có lâu không?
- Tôi làm đến năm 1975 cơ mà. Giải phóng rồi thì dân cột mình lại làm cán bộ xã, đâu có làm được cái gì khác đâu. Năm 1976 bầu chính quyền là dân đã bầu rồi.
- Hồi bác được thả, bác có về quê lần nào không?
- Sau ngày giải phóng mới về được chứ, lúc bấy giờ 2 miền vỹ tuyến làm sao mà về. Giải phóng xong, tôi biên thư về liền, đến năm 1976 thì về lại quê Giao Thịnh, Giao Thủy, Nam Định. Nếu hồi ấy, chỉ sau giải phóng 3 tháng thôi mà không có thư về là có giấy báo tử. Tất cả đều như thế mà. Anh nào cũng thế, sau giải phóng, sau một thời gian không thấy người về, người nhà khiếu nại thì nhận được giấy báo tử là hy sinh ở mặt trận phía Nam. Cậu em ở quê bảo, chỉ ba tháng nữa mà anh không biên thư về là ở nhà nhận giấy báo tử rồi làm lễ truy điệu, làm giỗ cho anh rồi.
- Sao bác không ở quê mà lại vào An Khê?
- Ngoài ấy sợ lắm, nắng nhiều, mà mưa cũng lắm. Mình về đấy mùa rét thì lạnh sao mà lạnh, rét sao mà rét, mình đã bao nhiêu là áo quần, chăn chiếc mà vẫn cứ lạnh, cứ rét. Tôi thích khí hậu trong này hơn, không nắng quá, không nóng quá, cũng chẳng rét bao giờ.
- Bác lớn lên với cái khí hậu ngoài Bắc mà?
- Tại tôi sống ở Gia Lai lâu rồi nên đến khi trở lại cái khí hậu ngày xưa thì thấy sao mà khổ quá là khổ, mình không chịu được nữa, thích cái khí hậu này rồi, sức khỏe của mình cũng ưa nó.
Cuộc hội ngộ lạ kỳ
- Hành trình ông Sam mang tay trả lại cho bác bắt đầu thế nào bác có biết không?
- Ông Sam tìm tôi mất 3 năm, sang Việt Nam 3 lần, đến lần thứ 3 mới có thông tin. Hôm ông ấy thăm cái hầm khách sạn ngoài Hà Nội, ông ấy tâm sự nguyện vọng của mình với hướng dẫn viên. Cô hướng dẫn viên lại là CTV của Báo Thanh Niên, cô ấy viết câu chuyện lên báo, cậu em vợ tôi ở gần Bến xe Miền Đông trong TP Hồ Chí Minh, cậu ấy đọc báo mới bảo đúng là ông anh mình rồi. Thế là cậu đến VP báo, bảo đây là ông anh của tôi, đang sống ở An Khê, Gia Lai. VP Báo Thanh Niên ở Gia Lai tìm đến nhà rồi nói sự việc.
- Khi biết tin đó, bác có tin không?
- Không tin đâu. Vì trên cả thế giới này đã bao giờ nghe có chuyện đó đâu.
- Tại sao sau bao nhiêu năm, bỗng nhiên ông ấy lại muốn trả tay cho bác nhỉ?
- Ông ấy bảo không biết mình sống được bao lâu nữa, “không muốn giao kỷ vật này cho các con cháu. Nó cần được trả lại cho chủ của nó hoặc gia đình anh ấy”. Nên ông Sam mới xin với hai bên nhà nước cho ông ấy đi, xong việc rồi, trả được tay rồi thì dù có chết ông ấy cũng không ân hận. Đáng lẽ tôi phải qua bên ấy lấy cái tay thì người ta mới đưa, nếu không thì phải có giấy ủy quyền. Tôi gửi giấy ủy quyền ra Ban Đối ngoại T.W, Ban Đối ngoại liên hệ với bên kia thì hai bên thống nhất cho ông bác sĩ Sam mang cánh tay qua.
- Ông Sam có nói với bác lý do gì mà mấy chục năm trước ông ấy giữ cánh tay của bác lại không?
- Không. Ông ấy bảo: “Tôi cũng không biết vì sao tôi lại giữ cánh tay của ông, tôi cũng không biết tôi giữ để làm gì nữa”.
- Khi ông Sam mang tay đến giao lại cho bác, điều đầu tiên mà bác nói với ông ấy là gì?
- Chúng tôi ôm nhau một lúc lâu. Tôi hỏi Sam: “Lúc tôi lành rồi, sao ông không để tôi bị đày ra Côn Đảo, mà lại cho tôi lên An Khê?” Ông ấy trả lời: “Không biết sao, khi cưa cánh tay của ông ra rồi, nhìn thấy ông, tôi thương quá. Tôi chưa bao giờ nghĩ ông là kẻ thù. Thịt da ai cũng là người, nỗi đau về thể xác của ai cũng như nhau, nên tôi có một nguyên tắc bất di bất dịch là phải chăm sóc cho tất cả những ai trực thăng đưa tới, bất kể họ là ai”.
Rồi ông ấy đưa tấm ảnh gần năm mươi năm trước ra bảo: “Ngày ấy ông còn trẻ, tôi cũng còn trẻ. Nhưng giờ thì ông đẹp hơn tôi rồi.” Ông Sam nói chuyện thân thiện và vui lắm.
- Tấm ảnh ấy, ngày đó như thế nào mà bác với ông ấy lại chụp chung?
- Nó bắt được mình - VC (Việt Cộng) mà, nên nó lôi mình ra nó chụp.
- Hôm trả tay, ông ấy gặp bác có lâu không ạ?
- Lâu. Gần 1 ngày. Từ 10 giờ sáng cho tới khoảng 3 rưỡi, 4 giờ chiều ấy.
- Có ôn lại nhiều chuyện cũ không bác?
- Có chứ. Rồi cũng ăn cơm, uống bia, cũng dzô, dzô nữa cơ. Tôi quên mất, hồi ăn với Mỹ là có cái dĩa, dao với muỗng, mà gặp nhau vui quá, lúc ăn uống tôi quên mất lại mang đũa ra, thế là mấy bố con ông ấy ăn bốc. Ông ấy đòi tôi dẫn đi thăm nhà cửa, thấy có con khỉ ở cuối vườn, ông ấy bảo sao nhà mày lại nuôi con khỉ này, mày có biết là nó được thế giới đưa vào Sách đỏ cần được bảo vệ không mà mày lại nuôi nó trong nhà. Chỉ như thế thôi là đã thấy ông ấy sống rất nhân ái, nhân ái với không chỉ con người, mà còn với cả thiên nhiên này nữa.
Bác sĩ Sam và ông Hùng khi còn trẻ |
- Ông ấy còn đưa cả người thân sang nữa ạ?
- Sam sang cùng 2 người con, 2 đứa cháu nội. 3 cha con ông ấy đều là bác sĩ. Một đứa cháu nội học lớp 4, một đứa học lớp 8, ông ấy đưa theo để chúng chứng kiến và hiểu hơn về câu chuyện. Đúng là cách giáo dục về lòng nhân ái của họ hay thật!
- Suốt bao nhiêu năm trước đó bác có nhớ đến cánh tay của mình không?
- Quên mất ấy chứ, vì cứ nghĩ nó cắt là nó vứt bỏ đi. Có ai mà ngờ được là ông ấy giữ lại, ai mà ngờ được là sau gần nửa thế kỷ lại gặp lại nó.
- Khi bác nhìn thấy cánh tay của mình?
- Tôi phải coi thử, xem nó có đúng là cánh tay phải không. Rồi xem vết gãy nữa, hồi ấy nó bắn mình, tay mình gãy chỗ nào thì mình vẫn nhớ mà.
- Lúc bác nhận thấy đúng là cánh tay của mình thì bác nghĩ thế nào?
- Lúc ấy tôi vui lắm, nghĩ mỗi cái là mai mốt mình chết thì có đầy đủ cơ thể mình để bỏ vào trong quan tài, không sợ phải làm con ma cụt nữa.
- Cánh tay của mình thì mình thấy bình thường, nhưng với các con, các cháu bác thì nhìn thấy cánh tay ấy có bao giờ sợ không?
- Không, chả bao giờ sợ, cứ bỏ trong tủ ấy. Cái Hà, con gái lớn nhà bác còn bảo nhà mình đúng là có phước ba ạ. Chỉ tiếc một điều là bà nhà tôi bị ung thư, không sống được đến cái lúc ấy…
- Các con của bác lớn thì không sợ rồi, nhưng các cháu của bác còn rất nhỏ?
- Chúng nó vẫn thấy, vẫn chơi đùa, nhưng chả thấy đứa nào khóc hay nói gì đâu.
- Sau khi ông Sam về nước, có khi nào ông ấy liên lạc với bác qua điện thoại không ạ?
- Ôi, ông ấy có lấy số đấy chứ, nhưng ông ấy mà có gọi thì cũng có nói được gì với nhau đâu, bất đồng ngôn ngữ mà…
- Ông ấy làm bác sĩ thế thì hẳn ông ấy cũng chữa cho nhiều người khác nữa. Vậy theo bác biết, ông ấy có còn giữ lại tay chân của ai nữa không?
- Có. Ông ấy mang sang một phần nữa, là đoạn xương khuỷu tay. Tôi hỏi có phải của dân ở ngoài Phù Cất không, Sam trả lời không, của VC mà. Sam đưa cho tôi, bảo tôi cầm lấy. Tôi bảo không, không phải của tôi, tôi cũng không biết là của ai đâu, ông đưa cho tôi làm chi, tôi giữ làm chi. Thế là ông ấy đem đến Sở LĐ,TB&XH Bình Định.
Hồi ông ấy cắt tay cho tôi, tôi đã hấp hối rồi, chỉ còn thoi thóp thở. Tình người với người kỳ diệu thật, chiến tranh tàn khốc cũng chẳng thể nào tiêu diệt được.
.