Ông bị "bò điên" giẫm gãy cột sống, liệt hai chi. Bà chăm sóc ông, đơn thuần là nghĩa bạn bè giữa cô gái gốc Sài Gòn và chàng nông dân miền núi. Tình bạn ấy đã kéo dài 25 năm và hơn nữa, đi qua hết tuổi thanh xuân, lỡ làng chuyện chồng con. "Giọt mưa sa" là bài hát của nhạc sĩ Vũ Hoàng viết về mối tình của hai ông bà, để nhắc nhớ nhau, trên đời này có một thứ tình, trên cả tình yêu.
Bà Mai đi làm quần quật để nuôi ông Thiện |
Sinh ra để thuộc về nhau
Khuôn mặt ông hồng hào, trắng trẻo, đẹp hơn da của bà nhiều. Là vì 25 năm qua, ông không phải dãi nắng dầm mưa một ngày nào. Ông nằm bệt trên giường, đi ra ngoài thì ngồi xe lăn, thế giới của ông tù túng và ngột ngạt trong căn nhà vỏn vẹn 15m2. Ông rất hài hước, nói và cười phớ lớ như địa chủ được mùa. Ông chỉ làm được mỗi điều đó cho bà, để bà vui, để trả ơn bà.
Ông tên đầy đủ là Nguyễn Văn Thiện (57 tuổi, quê ở Đồng Xoài, Bình Phước). Những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, ông xuống Sài Gòn làm công nhân xí nghiệp nhựa. Tại đây, ông gặp bà Nguyễn Thị Mai, người con gái gốc Sài Gòn làm kế toán trong xí nghiệp, hơn ông 5 tuổi. Ông Thiện mến bà Mai ở sự thân thiện, không phân biệt đối xử dân tỉnh lẻ. Bà quý ông ở tính tình chân chất, có nụ cười cởi mở và nét mặt phong trần. 5 năm sau, ông Thiện quyết định rời bỏ thành phố phồn hoa để về quê làm rẫy. Ông thấy mình hợp với ruộng đồng hơn là sống ở thành phố, sáng tối nghe tiếng ầm ào của máy móc, xe cộ. Tình cảm của ông Thiện bà Mai cũng chỉ dừng lại ở ngưỡng bạn bè. Ông về quê, bà ở lại. Mỗi người một hướng.
Năm 1989, trong một lần đánh xe bò đi thồ hàng, ông Thiện bị con bò "điên" sổng ra khỏi xe, nó lồng lộn lên, đạp ông ngã ngửa rồi giẫm một cái trời giáng vào giữa bụng. Cú giẫm làm ông bất tỉnh ngay lập tức. Một tuần sau ông tỉnh dậy thấy mình đang nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. HCM). Ông cảm giác cơ thể cứng đơ, đôi chân không thể cựa. Người chị gái ôm ông khóc không thành tiếng, nghẹn ngào cho ông biết: "Em bị gãy cột sống rồi, từ nay sẽ sống đời bại liệt. Vĩnh viễn không thể đứng lên bằng đôi chân nữa". Khi ấy, Thiện vừa bước qua tuổi 32.
Còn bà Mai vừa làm vừa tham gia Hội từ thiện Bắc Ái (gồm một nhóm bạn tự nguyện đi kêu gọi giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, chăm sóc người già, em nhỏ). Hôm đoàn vào Bệnh viện Chợ Rẫy giúp đỡ một hoàn cảnh mổ tim, vô tình bà Mai nhìn thấy ông Thiện. Đúng 15 năm hai người biền biệt tin tức, ông Thiện không khác ngày xưa là bao, vẫn thân hình ấy nhưng tiều tụy hơn. Và nụ cười thì đã tắt hẳn. Thấy hoàn cảnh của bạn bi đát quá, bà Mai bàn với mấy người bạn trong đoàn giúp đỡ ông. Bà trực tiếp ở lại bệnh viện cùng người chị gái chăm sóc ông Thiện.
Hoàn cảnh của chị gái ông Thiện khó khăn, chồng ốm đau không lo được cho đàn con nheo nhóc ở nhà. Bà gửi gắm đứa em trai của mình cho bà Mai để về quê lo chuyện gia đình. Coi như vừa nhờ vả vừa phó thác, bà Mai đành chấp nhận. Bà nghỉ hẳn công việc ở xí nghiệp, toàn tâm toàn ý ở trong bệnh viện nuôi ông Thiện. Bệnh của ông ngày càng trầm trọng, những vết lở loét chảy mủ khắp người, bốc mùi nồng nặc, mọi người tránh xa ông. Bà Mai đã nghĩ rằng ông sẽ chẳng sống được bao lâu nữa, thôi thì cái tình bạn, cái nghĩa giữa con người với con người, bà sẽ ở bên ông cho đến lúc ông không còn nữa.
Biền biệt trong bệnh viện, mà bệnh tình ông Thiện không có gì thay đổi, một người bạn trong nhóm bảo bà Mai đưa ông về nhà của anh ấy điều trị. Nằm trong viện thì không tiền nào chịu thấu nổi. Bà Mai ngày ngày lau chùi, giặt quần áo, thay bông băng cho ông Thiện. Ông bà bắt đầu sống bằng tình thương xã hội. Ai cho gì ăn đó, thuốc thì được bệnh viện cấp miễn phí.
Hạnh phúc phải đánh đổi bằng tuổi trẻ của bà Mai và nước mắt bất hạnh của người đàn ông tên Thiện |
Gia đình bà Mai chì chiết, không đồng ý chuyện bà rũ bỏ tất cả để chăm sóc một người dưng, đặc biệt bà mẹ thương con khuyên từ bỏ ông Thiện mà đi lấy chồng. Bà không thể, vì ông Thiện không còn ai thân thuộc, lương tâm không cho phép bà làm điều trái với đạo lý ấy. Riết mà quen, tình thương lớn quá, lấn át mọi nghi kỵ. Ông Thiện trước ngày bị tai nạn, vẫn phòng không gối chiếc mặc dù đã qua ngưỡng 30. Ngày đó, ông thuộc hàng trai có sắc, nhiều cô gái để ý. Còn ông thì không dám, ngay cả với bà Mai, ông cũng chỉ dừng lại ở mức tình bạn. Khi về quê ông nghĩ không bao giờ gặp lại người bạn ấy nữa. Vì, ông nghèo lắm, không dám mơ tưởng cao sang, bà Mai lại là gái thành phố.
Ở thành phố, nhiều đám dạm hỏi nhưng bà Mai chưa ưng mối nào. Bà chọn lựa kỹ lắm, người bà lấy làm chồng không cần giàu có nhưng phải đàng hoàng, tử tế. Lựa hoài chưa có đám nào ưng cái bụng, thì bà gặp ông Thiện. Như cái nợ phải trả, trả suốt cuộc đời. Tuy không kết hôn, không là vợ là chồng của nhau nhưng họ sinh ra để thuộc về nhau. Tôi buột miệng hỏi bà Mai, giá như có đứa con thì hạnh phúc biết mấy. Mắt bà long lanh, bà gật đầu rồi lại lắc đầu ngay, phân bua: "Ông ấy thế kia làm sao có con được. Mà nếu có thì lấy gì nuôi nó".
Để gió cuốn đi…
Năm 1993, bà Mai mua được miếng đất đầm lầy ở đường Phú Thọ Hòa (quận Tân Phú, TP HCM), rồi bà bán bớt một nửa để lấy tiền dựng căn nhà lá ở tạm. Đến nay, ngôi nhà hai ông bà ở đã tương đối hoàn chỉnh sau 20 năm chắp vá. Bà Mai thật thà kể: "May mà có nhà ở chứ không chỉ có ra đường. Ông Thiện một tháng được Nhà nước hỗ trợ mấy trăm ngàn tiền tàn tật, còn tôi làm hết sức thì cũng không vượt qua 3 triệu đồng/tháng".
Chăm sóc ông Thiện với niềm mong mỏi duy nhất là ông sẽ khỏe trở lại, còn đôi chân thì có thể chống nạng đi được là hạnh phúc lắm rồi. Sau này hai người có đến được với nhau, thì bà cũng chấp nhận. Trong thâm tâm, bà ước ao có một gia đình nhỏ với ông Thiện. Suy nghĩ thật thà ấy của bà Mai đã kéo lê cả tuổi thanh xuân của bà, thoáng chốc tóc bà đã muối tiêu. Giờ thì không còn hy vọng gì vào sự hồi phục của ông Thiện, tuổi trẻ của bà Mai cũng lỡ làng trôi đi. Hỏi bà có tiếc nuối khi gắn đời mình vào thân thể của ông Thiện? Bà lắc đầu, hồn hậu: "Nếu nghĩ thì tôi đã không phải là tôi của ngày hôm nay rồi. Thời gian như cái guồng quay nhanh lắm, tôi chẳng lúc nào thảnh thơi để suy nghĩ về bản thân mình cả. Nên ít buồn là vậy". Ngày nào bà cũng lọ mọ đạp xe đi làm từ lúc 5 giờ sáng, còn ông ở nhà tự mò mẫm ăn uống và vệ sinh. Bà sống khổ lắm, gánh thêm ông càng khổ hơn. Bà nói rằng, giữa bà và ông chỉ là sống với nhau cho trọn nghĩa bạn bè thôi. Nhưng mắc nợ nhau rồi, thì phải sống để trả nợ cho nhau, chừng nào chết mới thôi.
Là đàn ông phải dựa vào người phụ nữ để sống, nhiều lần ông Thiện muốn bỏ đi biện xứ, đến một nơi nào không còn thấy bóng dáng lam lũ của bà Mai nữa. Nhưng ông không thể đứng trên đôi chân của mình, không có tiền để đi, không có chốn nào để về. Ông không muốn chết, bởi cái tình của bà Mai lớn quá. Bà đã hy sinh tuổi trẻ, hy sinh những nhu cầu riêng để chăm sóc ông.
Trên danh nghĩa, bà chưa một ngày làm vợ, ông chưa một ngày làm chồng. Hai tiếng chồng vợ là một điều gì đó quá xa xỉ, bà Mai bảo ngượng lắm, gọi không được. Ông Thiện nhìn bà Mai cười, nụ cười ẩn giấu một sự thỏa mãn và cam chịu: "Người yêu người sống để yêu nhau mà".
Là dân miền Nam sống hào phóng, bà Mai không toan tính nhiều. Bà bảo, thời khó khăn nhất đã qua rồi, giờ sướng gấp trăm lần ngày đó. Bệnh của ông Thiện không rỉ nước, không lở loét nữa lại càng sướng hơn. Giờ vui lắm rồi. Bà Mai còn mẹ già 81 tuổi đang sống với người con trai bên quận 10, ngày nào bà cũng đạp xe qua chăm sóc và cơm cháo cho bà.
Thời gian cứ cuốn bà đi, những trách nhiệm không tên đổ dồn lên vai bà. Khi giật mình nhìn lại, thì da đã đồi mồi, chân yếu, mắt mờ. Bà mất mát nhiều thứ, bà nuối tiếc một mái ấm gia đình với người đàn ông lành lặn. "Là con người mà, nhu cầu riêng ai chẳng có. Nhưng giờ tôi cảm thấy thanh thản, có ông ấy cuộc đời tôi mới có ý nghĩa"- bà nói.
Nắng chiều chói chang, bà có cuộc điện thoại của bên công ty gọi. Bà dạ vâng liên tục rồi đứng phắt dậy lấy chiếc nón, mặc vội áo. Bà bảo chúng tôi thông cảm, bà phải đi làm rồi, hôm sau sẽ nói chuyện tiếp. Hỏi bà khi nào về? Bà tặc lưỡi: "Cũng thất thường lắm, không biết khi nào về nữa. Như hôm qua phải đến 2 giờ sáng mới xong, 3 giờ mới về tới nhà. Tôi làm cho tư nhân, làm khoán sản phẩm nên xong việc mới được nghỉ". Bà Mai lạch cạch mở khóa chiếc xe đạp cà tàng, kiễng chân leo lên yên, bà gồng mình đạp, bóng bà liêu xiêu dưới nắng chiều.
Nhạc sĩ Vũ Hoàng khi nghe được chuyện tình cao thượng của bà Mai, ông Thiện đã sáng tác bài hát "Giọt mưa sa" lay động trái tim hàng triệu người: "Có hai người không phải vợ chồng. Chưa một lần nhẫn cưới, xe hoa. Khoảnh khắc bất ngờ, gặp nhau tình cờ. Họ bên nhau san sẻ chuyện đời. Vất vả tai ương, bệnh tật, đau thương. Hai người bên nhau quấn quýt dặm trường, như chuyện cổ tích giữa đời thường…". |
.