Trong xu thế toàn cầu hoá, quốc tế hoá, các quốc gia ở mức độ này hay mức độ khác đều có sự tuỳ thuộc lẫn nhau. Đứng trước yêu cầu đó, ngay từ Đại hội Đảng lần thứ IX đã đưa ra chủ trương về xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ với chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.
Từ thực tiễn quá trình phát triển nền kinh tế đất nước đã cho thấy xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và chủ động tích cực hội nhập kinh tế quốc tế là hoàn toàn đúng đắn và kịp thời. Khi xem xét việc xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, không thể tách rời khỏi việc hội nhập kinh tế quốc tế. Có như vậy, mới có thể nắm được thực chất của vấn đề, tránh được những cách nghĩ phiến diện một chiều. Về cơ bản, độc lập tự chủ là một xu thế phát triển của thế giới. Trong điều kiện toàn cầu hoá, hoạt động liên doanh, liên kết rất đa dạng như hiện nay, thì lại càng phải giữ vững tính độc lập tự chủ. Xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ cần bảo đảm độc lập tự chủ vững chắc về chính trị, bảo đảm phát triển bền vững và có hiệu quả ngay cho chính nền kinh tế, cho việc mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế. Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ là để không bị lệ thuộc vào nước khác, hoặc một nền kinh tế nào đó… để áp đặt, khống chế, làm tổn hại chủ quyền quốc gia và lợi ích của dân tộc. Có nền kinh tế độc lập tự chủ, trước những biến động của thị trường, trước sự khủng hoảng tài chính ở bên ngoài, nền kinh tế nước ta vẫn cơ bản duy trì được sự ổn định và phát triển.
Ảnh minh hoạ |
Nhờ ra sức xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và chủ động tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Việt Nam đã được Liên hiệp quốc đưa ra khỏi nhóm nước kém phát triển, đã trở thành nước có thu nhập trung bình. Việt Nam là một trong số ít nước chuyển đổi thành công từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp, sang cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước mà vẫn giữ được sự ổn định chính trị - xã hội và ổn định kinh tế vĩ mô. Từ chỗ thiếu lương thực, đến nay Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Từ chỗ khan hiếm hàng hóa, hiện nay trên thị trường mọi thứ hàng hóa được mua bán, đáp ứng nhu cầu có khả năng thanh toán của nhân dân và các doanh nghiệp. Từ chỗ siêu lạm phát, hiện nay chỉ còn 1 chữ số. Một trong những thắng lợi lớn của nền kinh tế nữa, đó là bố trí lại cơ cấu sản xuất, điều chỉnh lớn cơ cấu đầu tư trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời phát huy tính tự chủ của các hộ nông dân, nhờ vậy mà giải phóng được sức sản xuất, tăng nhanh sản lượng hàng hoá, nhất là lương thực - thực phẩm để xoá đói, giảm nghèo và đẩy mạnh xuất khẩu. Bộ mặt nông thôn Việt Nam đã được thay đổi rõ rệt về nhiều mặt, tuy chưa đều giữa các vùng.
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới suy thoái, tốc độ tăng trưởng GDP của nhiều quốc gia suy giảm, nhưng nền kinh tế Việt Nam không ngừng có dấu hiệu phục hồi. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2013 ước tính tăng 5,42%, cao hơn mức tăng 5,25% của năm 2012. Theo dự báo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tăng trưởng kinh tế năm 2014 trong khoảng 5,7 - 5,8%. Dự báo này cho thấy tăng trưởng và sản xuất sẽ tiếp tục được cải thiện. Điều này cũng cho thấy, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn không ít khó khăn, sự kiện ở Biển Đông vẫn diễn biến phức tạp, nhưng các tầng lớp nhân dân nhiệt tình tham gia công cuộc đổi mới; ai nấy đều được hưởng lợi ích vật chất và tinh thần do nó mang lại, dù mức độ có khác nhau. Đây là một động lực cho sự phát triển bền vững.
Do vậy, cần phải biết phát huy thắng lợi của công cuộc đổi mới, nhất là sự đồng thuận của toàn dân tộc, đồng thời tiếp tục hoàn thiện và thực thi tốt chiến lược chủ động hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Mặt khác, cần kịp thời vượt qua những thách thức, khiếm khuyết gây trở ngại cho phát triển. Coi trọng chất lượng tăng trưởng; lập quy hoạch tổng thể, dài hạn cho cả nước, cho từng vùng kinh tế, từng tỉnh và từng quận, huyện. Coi trọng việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Phải đề cao việc bảo vệ môi trường, quan tâm đúng mức đến phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn, từng bước hình thành nền nông nghiệp sạch và xanh. Tích cực và kiên quyết hoàn thiện bộ máy nhà nước pháp quyền, nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý vĩ mô.
.