Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201407/hoang-sa-trong-ky-uc-mot-nguoi-linh-gia-509729/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201407/hoang-sa-trong-ky-uc-mot-nguoi-linh-gia-509729/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Hoàng Sa trong ký ức một người lính già - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 16/07/2014, 09:47 [GMT+7]

Hoàng Sa trong ký ức một người lính già

Đã gần 80 năm trôi qua, nhưng trong kí ức của người chiến sĩ ấy vẫn không thể nào quên được những tháng ngày thơ bé sống tại nơi đảo xa của Tổ quốc.
 
Theo cha ra đảo Hoàng Sa sống 2 năm, từ cuối năm 1938 đến giữa 1940, đó là khoảng thời gian in sâu vào kí ức của ông trên hòn đảo nhỏ với những mái nhà nhấp nhô, cột ăng ten cao vút và tình cảm thân thiết của những người lao động phu phen sinh sống trên đảo...
 
Kí ức nơi đảo xa
 
Dù gia đình chỉ sống 2 năm trên đảo Hoàng Sa, lúc ấy mới gần 5 tuổi, nhưng Đại tá Trần Quân Bảo (sinh năm 1934, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) vẫn nhớ như in những kỷ niệm rất trẻ thơ về đảo Hoàng Sa.
Đại tá Trần Quân Bảo
Đại tá Trần Quân Bảo
 
Năm 1938, cha ông là cụ Trần Văn Phước được chính quyền bảo hộ Pháp điều động tới đảo Paracels (quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam) để quản lý đài vô tuyến điện. Thế nhưng, đằng sau chuyện điều ra đảo ấy là do cụ Phước không chịu nổi sự phỉ báng của ông chủ người Pháp nên đã tát thẳng vào mặt gã. Vì thế mà cụ Phước mất công việc tại Sở Vô tuyến điện Đông Dương, phải nhận nhiệm vụ ở nơi biển đảo xa xôi. Ngày đi ra đảo cũng là cận kề ngày Tết, vì thương các con còn nhỏ, sợ không về ăn Tết với vợ con nên cụ Phước dứt khoát đề nghị cho gia đình đi theo và đã được đồng ý.
 
Quãng đường ra đảo của gia đình cụ Phước cũng đầy gian nan. Sau chuyến tàu hỏa từ Hà Nội vào Đà Nẵng mất hơn 1 ngày, rồi lại tiếp tục chờ ở Đà Nẵng nhiều ngày để đợi tàu thủy đi ra đảo. Còn nhớ như in chuyến đi biển dài ngày đầu tiên, ông Bảo kể: "Tàu mà chúng tôi đi lúc đó có khoảng 10 người, tàu này là tàu chở hàng nên khoang chở khách rất bé. Mẹ chúng tôi sợ mấy anh em say sóng nên bắt vào khoang ngủ, chỉ có một chiếc cửa tròn phía trên giường để nhìn ra biển. Chuyến đi kéo dài hơn 1 ngày đêm thì tàu cập bến đảo...".
 
Trước khi ra đảo, mọi người trong gia đình ông đều nghĩ rằng, đó là một vùng đảo hoang sơ, không có người ở, nhưng khi vừa đặt chân lên đảo, gia đình ông không khỏi bất ngờ khi rất nhiều người dân trên đảo ùa ra chào đón như những người thân lâu ngày không gặp
 
Trong con mắt của một đứa trẻ lần đầu được ra đảo Hoàng Sa, dĩ nhiên cái gì cũng lạ lẫm và khác xa với một Hà Nội cổ kính. Hồi ấy, vừa ra đến đảo, ông đã rất ngạc nhiên khi hỏi cha rằng: "Ồ sao ở đây cột điện lại cao thế, không giống ở Hà Nội. Sao nhà lại không có mái như ở Hà Nội. Cha tôi đã giải thích rằng, đó không phải là cột điện mà là cột ăng ten để cha truyền thông tin về đất liền. Còn nhà ở đảo có mái nhưng là mái bằng để hứng nước mưa, vì trên đảo không có nước ngọt. Sau đó tôi mới biết là dưới nền nhà nào cũng có một chiếc bể rất lớn để chứa nước mưa dùng cho cả năm. Nước còn dùng để đổi lấy hải sản, thực phẩm của các tàu Nhật thiếu nước ăn khi đi ngang qua đảo", ông Bảo vừa kể vừa chỉ vào hai cột ăng ten và dãy nhà mái bằng trên bức ảnh mà cha ông đã chụp lại làm kỷ niệm trước khi rời đảo cho chúng tôi xem. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra trong đầu cậu bé Bảo khi ấy còn rất ngây thơ nhưng đã khá tò mò về sự vật xung quanh.
 
Khi ấy, trên đảo chỉ có khoảng chục mái nhà lớn nhỏ, trong đó có trạm khí tượng thủy văn và trạm vô tuyến điện là ngôi nhà lớn nhất, gia đình ông được ghép vào ở trong ngôi nhà này. Nhà lớn thứ hai là nơi ở của đồn trưởng (người Pháp) và lính bảo an.
Ông Bảo và bức ảnh cụ Trần Văn Phước.
Ông Bảo và bức ảnh cụ Trần Văn Phước.
Trong kí ức của ông, cuộc sống ở đảo không có điện, không có đồng hồ báo thức. "Chỉ biết sáng dậy là nghe thấy tiếng kèn hiệu của một người lính. Tối đến chỉ có ánh sáng quét qua của ngọn hải đăng, còn lại nhà nào cũng dùng đèn bão để thắp sáng" - ông kể.  
 
Vì khi ấy, biển thường có sóng, gió và cát bụi, nên không bao giờ anh em ông dám ra ngoài chơi một mình, chỉ ở nhà nghe mẹ kể chuyện, đọc sách cho nghe. Hôm nào trời yên biển lặng thì lúc ấy, bố mẹ mới dẫn ba anh em ra chơi, nhưng nếu đang đi ở ngoài, bất chợt gặp gió to thì không thể đi ngược chiều mà phải đi xuôi chiều gió mới có thể về được nhà. Ông bảo: "Vì gió to, cát lớn, nên nhà tôi ở phải có ba lớp cửa thì mới chắn được cát, nếu không bữa ăn, cát bay vào mâm cơm không thể nào ăn nổi".
 
Đồ chơi của những đứa trẻ khi đó là lá cây và các loại ốc biển. Cũng từ những con ốc này mà khi gia đình về đất liền, mẹ ông đã có một hộp khuy áo làm tử vỏ ốc để làm quà. Người dân đảo còn thường xuyên tặng quà cho gia đình ông, một người đã tặng bố ông một bộ đồi mồi từ nhỏ đến to để trang trí tường nhà. Đến bây giờ ông vẫn nuối tiếc vì gia đình mình không giữ lại được những kỷ niệm một thời để nhớ ấy. Đặc biệt lúc ấy, cậu bé Bảo rất thích bắt con vích con để làm trò chơi nhưng không bao giờ bắt được vì chúng chỉ bò ra biển mà không bò lên bờ bao giờ. Mỗi lần ấy, ông lại về thắc mắc với mẹ: "Sao những con vích kia lại cứ bò ra biển thế, con thích bắt nó mà không được". Về sau ông mới biết, những con vích bò ra biển vì theo phản xạ tự nhiên, chúng nghe được tiếng sóng và gió nên chỉ đi theo một hướng mà không bao giờ quay đầu ngược trở lại.
 
Thời ấy, đồ ăn trên đảo chủ yếu là đồ khô, đồ muối và cả đảo đều ăn theo thực đơn chung vì đồ ăn được đưa từ đất liền ra, không có tủ lạnh bảo quản như bây giờ. Cứ ngày này ăn thịt muối, ngày hôm sau lại trứng muối, hôm sau nữa lại hải sản, rau xanh rất hiếm mà chủ yếu là các loại củ quả. Nhà ông lại gần nhà kho nên bao giờ cũng sang lấy được đồ thực phẩm sớm mà không phải đi xa như nhiều nhà khác.
 
Khi ấy, đồ ăn của mọi người trên đảo chủ yếu là các loại hải sản từ biển và đồ khô như thịt ướp muối, ướp salpêtre (chất ướp hay được dùng để làm xúc xích hiện nay) được chuyển từ đất liền ra. Trong hai năm liền, ông Bảo phải ăn món trứng vịt ướp muối thường xuyên đến mức phát sợ món ăn này khi vào đất liền. Cuộc sống ở đây khiến người ta chỉ thèm được ăn một bữa rau, do tàu tiếp tế từ đất liền ra chủ yếu là củ quả.
 
Dấu ấn người Việt
 
Hai năm liền gia đình ông đều được đón Tết ở Hoàng Sa, nhưng trong ký ức ngây thơ của một cậu bé mới gần 5 tuổi thì Tết khi ấy chỉ có bánh chưng, bánh tét, kẹo, bánh mà không có pháo. Hồi ấy, vì còn nhỏ, nên ra đảo ông chỉ thấy tò mò vì cuộc sống khác xa với cuộc sống của gia đình ông ở Hà Nội, chứ chưa hề ý thức được ý nghĩa của sự vật, sự việc xung quanh, nhưng sau này lớn lên, nghĩ về những kỷ niệm ở Hoàng Sa, ông mới biết rằng, gia đình mình đã góp phần lưu giữ những bằng chứng quan trọng về việc khẳng định chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa.
 
Hai tấm ảnh mà cha ông chụp lại trước khi ra về với những nhà mái bằng, hai cột ăng ten cao chót vót là một bằng chứng khẳng định, trước khi gia đình ông đến Hoàng Sa, những công trình xây dựng kiên cố của người Việt đã có từ rất lâu. Và những người sống trên đảo đều là dân lao động người Việt, chứ không phải là người ngoại quốc.
Đảo Hoàng Sa do ông Phước chụp.
Đảo Hoàng Sa do ông Phước chụp.
Đặc biệt, hồi ấy, ông có nghe mọi người trên đảo kể về một ngôi miếu mà nhiều người lao động phu phen vẫn qua lại nơi ấy thắp hương, nhưng vì còn nhỏ lại sợ ma, nên chưa bao giờ ông đặt chân đến đấy. Những người lao động phu phen thường sau mỗi thời hạn nhất định lại được trở về đất liền, vì thế ngôi miếu ấy chắc chắn phải được dựng lên từ rất lâu, chứ không phải đến lúc gia đình ông đến mới được dựng lên.
 
Ngay cả việc, những người phu phen thường căn đúng mùa trăng để đi đào trứng vích, và phải căn đúng lúc trứng chưa nở thành con, đem tặng gia đình ông, đủ thấy, họ sống ở đảo lâu năm và đã quá quen thuộc với thời tiết, thói quen của động vật ở trên đảo.
 
Cuối năm 1940 thì gia đình Đại tá Trần Quân Bảo mới được điều về đất liền. Kể từ đó ông không có điều kiện được ra đảo lần nào nữa, nhưng có thể nói những kỷ niệm của ông Bảo về thời gian cùng gia đình sống ở Hoàng Sa như một bằng chứng lịch sử trong số rất nhiều những bằng chứng khác khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam.
.

Nguồn: Cand.com.vn