Không phải cái gì chôn vùi dưới đất cũng che giấu được khuyết điểm. Sự cố qua 9 lần vỡ ống nước Sông Đà ở Hà Nội làm khổ hơn 70 nghìn hộ dân Hà Nội.
Đường nước sông Đà vỡ lần thứ 9 và là lần thứ 2 liên tiếp trong vòng 3 ngày. Người dân đã hết kiên nhẫn và cần nhiều hành động quyết liệt, hiệu quả hơn từ phía lãnh đạo Thành phố Hà Nội và chủ đầu tư.
Ngày 12/7, Lãnh đạo UBND TP. Hà Nội đã họp khẩn với các sở, ngành quyết định đầu tư xây dựng một tuyến đường ống mới từ Hòa Lạc về trung tâm TP. Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh: Thành phố không thể để cho hơn 1 triệu dân (hơn 70 nghìn hộ) bị ảnh hưởng, tiếp tục phải chịu đựng cảnh mất nước do vỡ đường ống. Một triệu dân không thể phụ thuộc vào đường ống nước của một công ty, một tuyến đường ống luôn vỡ như vậy...
Qua đánh giá sơ bộ ban đầu của các chuyên gia, nguyên nhân của sự cố đường ống là do vật liệu ống sử dụng cho công trình chưa phù hợp với điều kiện truyền tải nước về TP. Mới đây, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đã chỉ rõ, việc xảy ra vỡ là do chất lượng đường ống dẫn không đồng đều. Cục này khẳng định, đơn vị tổng thầu thiết kế còn thiếu kinh nghiệm trong việc lựa chọn các tiêu chuẩn áp dụng trong thiết kế tuyến ống nước sử dụng vật liệu ống composite cốt sợi thủy tinh, không đưa ra đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật trong quá trình sản xuất, thi công, lắp đặt tuyến ống.
Sau lần thứ 9 vỡ đường ống nước, người dân Hà Nội hơn lúc nào hết đang trông chờ vào việc chỉ đạo khắc phục quyết liệt của lãnh đạo Thành phố và các ban, ngành liên quan |
Còn nhà thầu giám sát thi công xây dựng đã không giám sát chặt chẽ, thiếu trách nhiệm để xảy ra các thiếu sót trong quá trình thi công xây dựng nêu trên.
UBND TP Hà Nội đã quyết định giao Sở Xây dựng Hà Nội làm chủ đầu tư, huy động tất cả các đơn vị có năng lực, tổ chức thi công tuyến ống độc lập từ Hòa Lạc về Vành đai 3 nhằm giảm áp cho tuyến ống hiện nay. Phương án là vừa thiết kế, vừa thi công, vừa hoàn thiện trong thời gian 70 ngày. Sở Xây dựng cùng tư vấn thống nhất lựa chọn vật liệu bằng thép hoặc gang, hướng tuyến bảo đảm tối ưu nhất nhưng không trùng với đường ống đang bị sự cố. Sở Giao thông - Vận tải chịu trách nhiệm bàn giao mặt bằng và tổ chức phân luồng giao thông phục vụ thi công. Sở Tài chính, Quỹ Đầu tư thành phố chịu trách nhiệm thu xếp, huy động nguồn vốn cho dự án.
Để tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục nêu trên, các ban, ngành đã phải mất... 6 năm. Và hậu quả là... 70.000 hộ dân vẫn thấp thỏm và lao đao vì mất nước.
Sự quyết liệt của Thành phố cũng đã thể hiện rõ trong công tác chỉ đạo, điều hành. Tuy nhiên, người dân có quyền đặt câu hỏi: Vỡ đường ống thì thay đường ống thứ hai như lãnh đạo thành phố đã nói, nhưng liệu đường ống này có bền và người dân có còn phải chịu cảnh mất nước đột ngột nữa hay không? Người dân mong một câu khẳng định: "Sẽ không có chuyện mất nước do vỡ đường ống nữa !”.
Nhân dân Hà Nội hơn lúc nào hết đang trông chờ vào việc chỉ đạo khắc phục quyết liệt của lãnh đạo Thành phố và các ban, ngành liên quan, chứ không chỉ là thể hiện tinh thần đó tại các hội nghị và trong các công văn. Quan trọng là hiệu quả trên thực tế!
.