Phóng sự

Tăng cường ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu

08:48, 14/06/2014 (GMT+7)
Những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đã tác động lớn đến môi trường và đời sống của người dân. Nếu không có giải pháp  ứng phó kịp thời, Việt Nam sẽ là một trong các quốc gia chịu tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng mạnh nhất.
 
Bão lũ nhiều và nguy hiểm hơn
 
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), một trong những hiện tượng thiên tai nguy hiểm và thường xuyên nhất đối với Việt Nam là bão. Trong năm 2013 và những tháng đầu năm 2014, người dân đã chứng kiến số lượng bão, áp thấp nhiệt đới nhiều kỷ lục trong 50 năm qua. Đó là một trong những biểu hiện về thời tiết đang có những thay đổi rõ rệt. Nguyên nhân bao trùm có thể nói là do biến đổi khí hậu (BĐKH).
 
Tổng hợp báo cáo từ các địa phương của Bộ TN&MT cho thấy, thiên tai trong năm 2013 đã làm 285 người chết và mất tích; 859 người bị thương; 12.185 nhà bị đổ, sập, trôi; 893.435 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái; 345.802 ha diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại; hàng triệu mét khối đất, đá giao thông, thủy lợi bị sạt lở, bồi lấp... Ước tính thiệt hại về vật chất khoảng 28.000 tỷ đồng.
 
Báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc cũng cho thấy, nguyên nhân của hiện tượng BĐKH, 90% là do con người gây ra, 10% là do tự nhiên. Theo dự báo, đến năm 2100, nhiệt độ có thể tăng thêm 3,1 - 3,6 độ C, lượng mưa trung bình năm tăng 9 - 10%, mực nước biển có thể dâng lên 33cm năm 2050 và 100cm năm 2100. Thiên tai như: Bão, lũ lụt, xói lở đất, hạn hán, sóng thần... sẽ xảy ra với tần suất, cường độ lớn hơn, bất thường hơn.
 
Mưa, bão ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân - Ảnh minh họa
Mưa, bão ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân - Ảnh minh họa
 
Các chuyên gia môi trường khẳng định, BĐKH tác động trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày. Chúng ta không nhìn thấy rõ BĐKH bởi quá trình này tiến triển dần dần, nhưng lại có tác động làm biến đổi thời tiết rất rõ rệt. Việt Nam vốn đã phải gánh chịu nhiều thiên tai, BĐKH sẽ làm thiên tai càng nhiều hơn, khắc nghiệt hơn. Trước mắt, thiên tai có thể xóa sổ những thành quả kinh tế trong nhiều năm, lâu dài sẽ ảnh hưởng xấu đến phát triển nông nghiệp, an ninh lương thực, mùa màng, cây trồng, vật nuôi, sức khỏe con người…
 
Hạn hán ngày càng khắc nghiệt
 
Cùng với bão lũ, hạn hán cũng biểu hiện ngày càng rõ rệt và tác động nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân .
 
Ông Trần Hồng Thái, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia (KTTVQG) cho biết: Ở Việt Nam, hạn hán xảy ra tương đối thường xuyên, chỉ sau bão và lũ, với xu thế ngày càng khắc nghiệt, gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là nguồn nước và sản xuất nông nghiệp. Những năm vừa qua, tình trạng hạn hán vẫn diễn biến ngày càng phức tạp. BĐKH với biểu hiện nóng lên của khí quyển và nước biển dâng đã làm hạn hán tăng lên về tần suất lẫn cường độ. Sự gia tăng nhiệt độ khí quyển làm cho khí hậu các vùng ở nước ta nóng lên, kết hợp với sự suy giảm lượng mưa làm cho nhiều khu vực khô hạn hơn, dòng chảy suy kiệt. Nước biển dâng làm tăng tình trạng nhiễm mặn, nhiễm phèn gây thiệt hại đến mùa màng.
 
Theo dự báo của các trung tâm dự báo lớn trên thế giới, hiện tượng ENSO (sự phối hợp hoạt động giữa hai hiện tượng xảy ra ở đại dương là El-Nino, La-Nina và ở khí quyển dao động Nam Bán Cầu) có khả năng chuyển sang pha nóng (El Nino) vào nửa cuối năm 2014, sẽ có tác động tiêu cực đến thời tiết, khí hậu ở phạm vi toàn cầu cũng như ở Việt Nam.
 
Tác động rõ rệt nhất của hiện tượng El Nino đến khí hậu nước ta là tăng nền nhiệt độ, giảm lượng mưa và do đó có khả năng dẫn đến hạn hán trên diện rộng. Hạn hán có thể xảy ra với bất cứ địa phương, vùng, miền nào, gây ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh. Tuy hạn hán có thể nhận biết trước và diễn ra tương đối chậm, nhưng việc phòng, chống không hề đơn giản.
 
Hành động ngay để giảm nhẹ tác động của BĐKH
 
Theo các chuyên gia môi trường, nguyên nhân của tình trạng trên cơ bản là do sự tác động của con người đến môi trường sinh thái toàn cầu như: Khai thác quá mức tài nguyên, phá rừng, sản xuất công nghiệp ô nhiễm... tạo nên sự nóng lên của trái đất. Do đó, việc ứng xử với tác động của BĐKH cần thiết phải xem xét từ bản chất của các hiện tượng, ở cả hai hướng là giảm thiểu và thích ứng.
 
Theo GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng - Chủ tịch Hội Môi trường xây dựng Việt Nam, việc cần làm ngay từ bây giờ là thiết lập hệ thống cảnh báo thiên tai, lập kế hoạch di tản tạm thời. Về lâu dài, nên phát triển các đô thị sinh thái, đô thị xanh, ở đó có sự cân bằng giữa phát triển kinh tế với môi trường tự nhiên, tiêu phí nguyên liệu ít nhất, tái chế, tái sử dụng chất thải nhiều nhất...; khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, phương tiện giao thông "xanh", sản xuất công nghiệp "xanh". Không nên phát triển các đô thị lớn hiện nay thành siêu đô thị vì với mật độ xây dựng lớn, đô thị rất khó thích nghi với BĐKH và thiên tai.
 
Cùng quan điểm trên, theo bà Nguyễn Thị Bình Minh - Phó cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (BộTN&MT), hơn bao giờ hết, Việt Nam cần phải có ứng xử phù hợp với môi trường để giảm nhẹ BĐKH bằng các hoạt động nhằm giảm mức độ phát thải khí nhà kính; cần phải thích ứng với BĐKH, tức là làm giảm khả năng bị tổn thương và tận dụng các cơ hội BĐKH mang lại.
 
Bên cạnh đó, cần phải tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, chú trọng đến những biện pháp thiết thực hơn, cung cấp kiến thức đầy đủ hơn. Chúng ta có thể đã đưa nội dung về BĐKH vào chương trình giáo dục phổ thông nhằm giáo dục các em biết bảo vệ môi trường ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.
 
Đối với hạn hán, việc nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo hạn sớm có ý nghĩa rất quan trọng, giúp cho việc lập kế hoạch sản xuất, điều chỉnh kế hoạch cấp nước, trữ nước... một cách chủ động và kịp thời. Cùng với đó, việc cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức người dân về hạn hán và sử dụng thông tin cảnh báo hạn là hết sức quan trọng và cần thiết nhằm giảm thiểu thiệt hại do hạn hán gây ra, nâng cao đời sống, phát triển kinh tế - xã hội.

Nguồn: dangcongsan.vn

Các tin khác