Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201406/nhung-phan-doi-o-sin-benh-vien-494148/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201406/nhung-phan-doi-o-sin-benh-vien-494148/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Những phận đời ô sin bệnh viện - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 09/06/2014, 08:16 [GMT+7]

Những phận đời ô sin bệnh viện

Nếu chỉ nhìn vào thu nhập thì nhiều người sẽ nghĩ nghề "ô sin bệnh viện" là một nghề hái ra tiền, bởi thu nhập của họ bình quân là 250-300 nghìn/ngày. Thế nhưng phía sau những đồng tiền ấy là sự vất vả, cay đắng đôi khi còn là sự ê chề mà những người làm nghề này phải nhận từ phía gia chủ thuê mình. Nhiều người đã phải nuốt nước mắt bỏ lại quê nhà cha già, mẹ héo, con thơ dại… để lên phố chăm những người khác máu tanh lòng. Âu cũng là một sự mưu sinh.
 
Con trai ung thư mầm thận, mẹ cắn răng đi chăm người dưng
 
Đó là trường hợp của chị Nguyễn Thị Thoa, quê Vũ Thư, Thái Bình. Khuôn mặt khắc khổ, hai má tóp lại, người gầy dộc, thế nên dù mới chỉ ngoài 50 tuổi mà trông chị Thoa chả khác nào một bà lão. Chị chia sẻ: "Tôi làm nghề ô sin bệnh viện cũng đã 3 năm rồi. Kể từ lúc đứa con trai duy nhất của tôi phát hiện bị ung thư mầm thận. Nhà chỉ có hai mẹ con thôi, tôi lên đây rồi thì mọi sự ở nhà con tôi phải tự xoay xỏa. Lúc nào nó sốt cao thì lại cầu cứu đến dì, nhà dì cũng ở gần đó mà. Còn tôi chỉ về được khi nào cháu nó phải đi viện thôi. Mẹ con tôi khổ lắm!".
 
Suốt 3 năm qua, chị Thoa không nhớ nổi mình đã chăm nuôi cho biết bao người bệnh. Có người thời gian dài cũng phải đến vài ba tháng, có người chỉ vài ngày. Thế nhưng dù ngắn hay dài chị Thoa đều chăm sóc hết lòng. Có lẽ vì nỗi đau chẳng thể gần con, chăm con nên bao nhiêu tình cảm chị đều dồn cả vào người bệnh. Chăm họ, chị luôn mong họ sớm qua khỏi bệnh hiểm nghèo.
 
Để trụ được với nghề cần phải có tâm
Để trụ được với nghề cần phải có tâm
 
Có lẽ những người làm nghề ô sin trong Bệnh viện Bạch Mai không ai là không biết tới hoàn cảnh đáng thương của chị Thoa. Nhiều người vẫn nói, số chị khổ từ nhỏ. Cha chị bị câm, mẹ chị mất khi chị và hai người em của chị còn rất nhỏ. Sáu tuổi chị Thoa đã phải làm mọi việc trong nhà giúp cha nuôi hai em. Đến khi các em trưởng thành, lại lo dựng vợ gả chồng cho chúng. Quay lại thì chị đã quá lứa lỡ thì. Năm chị ngót nghét bốn mươi tuổi, có một người đàn ông nơi khác thường xuyên đến quê chị mua lợn thịt. Thấy hoàn cảnh chị đáng thương, người ta tỏ lòng thương xót. Rồi chị tha thiết xin người đàn ông ấy một đứa con làm vốn. Chị hứa sau khi có con rồi nhất định sẽ không làm gì ảnh hưởng đến cuộc sống của ông ta. Cuối cùng ý nguyện của chị cũng được chấp nhận.
 
Ông trời thật có mắt khi cho chị một đứa con trai kháu khỉnh. Càng lớn càng khôi ngô, học giỏi. "Lúc có con, tôi hạnh phúc lắm. Hai mẹ con cứ rau cháo nuôi nhau thôi. Cháu nó học giỏi tôi cũng mừng. Ai ngờ đâu đến năm lớp 9 cháu đổ bệnh. Bụng tự nhiên trương phềnh lên. Đi khám ở bệnh viện huyện thì bác sĩ nói bị viêm đường tiết niệu. Nhưng uống thuốc mãi không khỏi, tôi cho cháu ra viện trung ương thì người ta kết luận cháu bị ung thư mầm thận" - chị Thoa nhớ lại.
 
Hiện con trai chị đã trải qua hai lần phẫu thuật. Lần ra viện gần nhất bác sĩ nói cháu không thể phẫu thuật thêm lần nữa vì lượng máu trong người còn quá ít. Hơn nữa các tế bào ung thư đã quấn chặt mầm thận rồi. Chị Thoa nói mà nước mắt lăn dài trên má: "Người ta con đàn cháu đống thì chẳng làm sao. Tôi chỉ có duy nhất một đứa con thì lại bị bệnh hiểm nghèo, sao mà đau xót thế".
 
Lúc này đây, chị Thoa đang nhận chăm sóc một cụ ông gần 80 tuổi bị xuất huyết não nên liệt nửa người. Việc phải thức suốt đêm để theo dõi bệnh tình của cụ ông khiến chị Thoa gần như kiệt sức. Bản thân chị Thoa cũng mang trong người cơ số bệnh, nào là bệnh lao lực, bệnh đau dạ dày rồi cả bệnh thoái hóa cột sống. Nhưng vì cần tiền mua máu và xạ trị cho con nên chị phải gắng gượng. Cũng sắp tới ngày con chị thi tốt nghiệp lớp 12. Giờ này đáng lẽ chị phải ở nhà động viên, và bồi bổ cho con nhưng chị đã không thể làm được cái điều giản dị nhất một người mẹ phải làm. Từng giây, từng phút chị Thoa cầu trời khấn phật cho đứa con trai duy nhất, của để dành lớn nhất đời chị được sống. Vì chị biết, nếu có chuyện gì xảy đến với con chắc chị cũng chỉ còn nước đi theo nó mà thôi.
 
Chăm người bệnh tại nhà, đắng cay nuốt trọn
 
Nhiều ô sin bệnh viện, sau thời gian chăm sóc bệnh nhân tại viện đã có được niềm tin và cảm tình của người nhà bệnh nhân. Thế nên nhiều gia chủ sau khi người thân được xuất hiện, họ thuê luôn cả ô sin về theo. Được như thế là niềm ao ước của rất nhiều ô sin bệnh viện. Vì dù sao, chuyện ăn uống ngủ nghỉ ở nhà riêng bao giờ chả thoải mái hơn nhiều so với không gian chật chội, căng thẳng ở bệnh viện. Hơn nữa thù lao mà họ nhận được vẫn y nguyên như thời kỳ chăm bệnh nhân trong bệnh viện. Do vậy mà nhiều ô sin trong quá trình chăm sóc bệnh nhân trong bệnh viện đã cố gắng làm thật tốt công việc của mình để lấy lòng gia chủ. May mắn thì họ sẽ được "xuất viện" đi theo bệnh nhân luôn.
 
Nghe thì có vẻ mười phần thuận lợi, thế nhưng cũng có người phải ngậm trái đắng khi chăm sóc bệnh nhân tại gia. Khi đề cập đến vấn đề "xuất viện theo bệnh nhân", một chị đã bĩu môi: "Chả dễ ăn đâu, về nhà ngoài chăm sóc bệnh nhân thì cũng vẫn phải làm thêm việc nhà nữa chứ. Đấy là chưa kể có người còn bị người nhà của bệnh nhân hiếp dâm đấy!".
 
Cảnh chờ việc của các “ô sin bệnh viện”
Cảnh chờ việc của các “ô sin bệnh viện”
Nghe chị này nói vậy, chúng tôi hỏi thì chị quay sang nhắc chuyện với một người bên cạnh: "Cái con Nga đấy chị Thực nhỉ. Nó còn trẻ lắm, mới ngoài hai mươi tuổi thôi. Nó có chồng và hai con rồi. Cái hồi nó chăm sóc một bà cụ bị đứt dây quang tim cùng phòng với tôi đây này. Lúc bà ấy ra viện, người nhà nhờ nó về chăm thêm cho bà ấy. Thế mà cuối cùng bị con trai bà ấy hiếp dâm. Nó sợ quá, bỏ của chạy lấy người, nghe nói bây giờ về hẳn quê rồi, không đi làm nghề này nữa".
 
Những trường hợp như chị Nga gặp phải không nhiều, tuy nhiên việc nữ ô sin chăm sóc cho các bệnh nhân nam, sau khi sức khỏe họ hồi phục, nhiều người lại quay ra sàm sỡ chính ô sin của mình. Những tình huống như thế không hề hiếm gặp. Chị Thực, quê Đoan Hùng, Phú Thọ lý giải: "Thực ra cũng dễ hiểu thôi, vì khi mình chăm sóc họ ngoài việc cho ăn cho uống thì còn phải xoa bóp toàn thân rồi còn cho cả đi vệ sinh nữa. Vì bắt buộc phải đụng chạm nên nhiều người họ nảy sinh ham muốn. Tôi cũng đã từng bị một ông ngoài 60 tuổi quờ quạng. Nhưng bị tôi nhắc nhở nghiêm túc, từ đó ông ta không dám gì nữa. Nói chung làm nghề này cũng phải có bản lĩnh. Chứ nếu bị tí thế đã bỏ của chạy lấy người thì có mà chạy suốt à".
 
Cuộc chiến mưu sinh
 
Ban đầu, chúng tôi cứ nghĩ đơn giản, ai muốn làm nghề này thì chỉ cần ra đứng ở những sảnh bệnh viện lớn thì kiểu gì cũng có người đến thuê. Nhưng, mọi việc không đơn giản thế, nếu chỉ làm động tác đơn thuần vậy thì có khi cả ngày, thậm chí nhiều ngày cũng chả có ai thuê. Hầu hết những người làm nghề ô sin trong bệnh viện, khởi nghiệp bao giờ cũng phải thông qua "cò".
 
“Cò” ở đây là những người bán nước, có quan hệ khá tốt với nhiều y tá, bác sĩ trong bệnh viện. Thường khi người nhà bệnh nhân có nhu cầu sẽ nhờ các y tá giúp đỡ làm cầu nối. Thế nên mới có chuyện, những chủ quán bán nước chỉ cần ngồi một chỗ cũng biết ai đang có nhu cầu tìm thuê người. Và họ chỉ cần bán mối lại cũng có một khoản tiền không hề nhỏ. Tùy thuộc vào nhu cầu của người nhà bệnh nhân thuê dài ngày hay ngắn ngày mà "cò" thu phí. Nhưng giá bèo nhất cho mỗi lần nhận việc, ô sin bệnh viện cũng phải trả cho "cò" là 200 nghìn. Mối nào biết chắc sẽ trông người bệnh dài dài thì "cò" thu không dưới 500 nghìn. Dù mất phí như vậy nhưng không phải người nào cũng may mắn có việc đều đều.
 
Có người mới, vì không thể chịu nổi áp lực từ bệnh nhân lẫn người nhà bệnh nhân nên đành bỏ việc chỉ sau vài ngày. Nhưng cũng có người chỉ mất tiền cho "cò" duy nhất lần đầu. Sau đó vì làm việc tận tâm, trách nhiệm với người bệnh nên "tiếng lành đồn xa" thành ra chưa hết mối cũ đã có nhiều mối mới mời chào. Lúc ấy, họ chỉ việc lựa chọn bệnh nhân phù hợp với sức khỏe của mình. Người nào nhu cầu về tiền nong không quá bức bách thì sẽ chọn những bệnh nhân có bệnh không nặng lắm, có thể nhúc nhắc đi lại được. Nhưng có những ô sin vì ham kiếm thật nhiều tiền gửi về quê nuôi con ăn học hoặc lo chữa bệnh cho người thân nên đã không nề hà chăm sóc những bệnh nhân nằm một chỗ. Mọi sinh hoạt ăn uống, ngủ nghỉ, vệ sinh cá nhân đều dựa 100% vào ô sin.
 
Chị Vân (45 tuổi, quê ở Thanh Sơn, Phú Thọ) chia sẻ: "Chồng tôi mắc chứng thần kinh nên chẳng làm ăn được gì. Tôi vừa phải nuôi chồng lại phải nuôi ba con nhỏ với bố mẹ chồng già nên một khi đã phải xuống đây tôi toàn chọn người bệnh nào nặng nhất. Vất vả thật nhưng bù lại được trả nhiều tiền. Bây giờ tôi cũng đang chăm một ông cụ liệt cả người. Mọi việc từ bơm cháo loãng qua ống vào mũi rồi mới đổ vào dạ dày đến việc thay quần áo, tháo chất thải và vệ sinh tắm rửa cho cụ… tôi đều phải làm tất. Đêm ngủ cũng chập chờn lắm, cộng lại chắc cũng chỉ vài ba tiếng thôi. Vì mỗi lần cụ ấy kêu đau là tôi lại phải xoa bóp khắp người".
 
Vì cuộc sống mưu sinh, nhiều người đã chọn cho mình cái nghề chăm sóc người dưng. Bươn chải với nghề, lấy được đồng tiền của thiên ha,å họ đã phải đánh đổi mồ hôi, nước mắt và cả sự ê chề. Nhưng, nếu chỉ vì tiền thôi chưa chắc họ đã trụ được với nghề lâu đến thế, mà trên hết đó là cái tâm, là cái tình giữa con người với con người…
 
.

Nguồn: cstc.cand.com.vn