Ôm mộng đổi đời sang nước ngoài lao động, bà Lê Thị Nền (sinh năm 1964, ngụ ấp 2, xã Vĩnh Lộc B - Bình Chánh - Tp. HCM) đã bị chính đồng loại của mình lừa bán sang Trung Quốc, làm vợ một ông già 70 tuổi. Suốt 6 năm trời chịu kiếp nô lệ, là món hàng được mua bằng tiền. Người phụ nữ này đã phát điên vì nhớ con, vì nỗi thống khổ làm tôi mọn xứ người. Cuộc trốn chạy của bà được kể lại dưới đây, như một thước phim hành động đẫm nước mắt.
Nô lệ xứ người
Từ ngày về Việt Nam, bà Nền vẫn chưa thôi ám ảnh cuộc sống địa ngục 6 năm trời bên Trung Quốc. Giờ đây, hễ ai nhắc đến hai tiếng nước ngoài là bà run bắn người, hoảng loạn. Bà vừa xin được một chân giúp việc nhà bên Q.7, mới làm được hai ngày thì bị người ta đuổi việc vì xin gặp báo chí, chúng tôi cảm thấy áy náy cho bà, nhưng bà xua tay: "Không sao cả, mai tôi lại có việc ngay mà. Tôi chịu khó thì làm ở đâu chẳng được". Bà Nền cho biết, không phải ai cũng may mắn chạy thoát như bà. Bà trở về để vạch mặt những kẻ đã dã tâm lừa lọc bà. Bà muốn kể lại câu chuyện của mình, để thức tỉnh những người phụ nữ đang ôm mộng đi lao động nước ngoài.
Để chạy một suất đi Thái Lan làm ô xin, bà Lê Thị Nền đã đưa cho người đàn ông tên Hùng (ấp 1, xã Vĩnh Lộc B - Bình Chánh - Tp. HCM) 5 triệu đồng lo thủ tục. Trước đó, vợ ông Hùng đi làm ô xin từ Thái Lan trở về nghe nói rủng rỉnh tiền bạc. Bà Nền tin vào những lời đường mật của ông Hùng, nên không mảy may suy nghĩ.
Ngày 14/2/2008 (tức ngày mồng 6 tết) ông Hùng đưa bà Nền và một người tên Hiển ra bến xe Ngã tư ga. Xe chạy một ngày một đêm thì đến Móng Cái (Quảng Ninh). Tuy nhiên, Hiển dẫn bà Nền chạy bộ theo đường đường rừng xuống sông, đã có sẵn chuyến đò đưa người qua bên kia. Bà Nền thắc mắc đi Thái Lan sao lại phải chạy trốn bằng đường sông? Sao không dùng hộ chiếu? Không ai trả lời bà. Qua bên kia sông, bà nghe người ta nói tiếng Trung Quốc.
Cuốn sổ một Man (tương đương 10 ngàn nhân dân tệ), bà Nền dùng để mua lại chính mình, nhưng không được chấp nhận |
Bà vỡ lẽ, khóc òa vì biết mình đã bị lừa. Ở Quảng Tây một đêm, sáng hôm sau, có người đón bà Nền đi Quảng Đông, Hiển giao bà Nền cho người phụ nữ tên Vinh ở khu Mạ Xúi. Tại đây,Vinh đưa bà Nền đi cắt cam thuê. 20 ngày sau, có một người Trung Quốc tên Tạ Thế Phương, khoảng 70 tuổi đến gặp Vinh nói chuyện gì đó rồi dẫn bà Nền về nhà ông ta.
Ông này góa vợ, có ba cô con gái, hai cô đã lấy chồng. Được biết, bà Nền không phải là người duy nhất ông ta mua về làm vợ, trước đó ông từng mua 5 người đàn bà khác, nhưng không hiểu lý do gì mà họ ra đi. Lúc này bà Nền mới biết mình bị Vinh bán cho ông ta với giá 4.000 nhân dân tệ. Bà gào khóc, đòi trả về Việt Nam, nhưng vô ích. Nơi bà ở toàn rừng xanh, núi non cheo leo, chỉ có một con đường đi ra ngoài.
Ba ngày sau, bà có ý định bỏ trốn nhưng ngặt nỗi không biết nói tiếng Trung Quốc, không thể hỏi bất cứ một ai. Ông chồng Trung Quốc của bà Nền đi làm suốt ngày, bà cũng lẽo đẽo theo, ông phun thuốc thì bà kéo dây, bón phân thì bà nhổ cỏ. Vì không nói chuyện được với nhau, bà Nền câm lặng suốt ngày, cần gì thì ra dấu hiệu. Tuy không bị chồng đánh đập nhưng hằng đêm, do ông ta uống củ sâm gì đó nên rất "sung" khoản giường chiếu. Ý đồ của ông ta là làm cho bà Nền có bầu, rồi sinh con để không thể chạy trốn được. Nhưng may là trước khi bị bán sang Trung quốc, bà Nền đã đặt vòng tránh thai.
Cắn răng ở đến tháng thứ sáu, thì bà Nền không thể chịu đựng được nữa. Cứ ba ngày bà lại bỏ trốn một lần. Bà trốn trong các hầm đựng củi của người ta, chui vào trong đó ngủ mà không biết đi đâu. Nhà chồng huy động người đi tìm lôi bà về. Bà kể lại: "Tôi vừa ra ngoài đã bị bắt về. Ở đây người Trung Quốc đều biết tôi, tôi bị lặt ra như một củ khoai hà, nhìn thấy tôi là họ biết ngay, không lần nào tôi trốn được quá một ngày".
Bà Nền trốn nhiều quá, ông chồng bà đến mách người phụ nữ tên Vinh. Vinh thuê hai gã đàn ông người Trung Quốc đến đánh bà dằn mặt. Vì nếu bà Nền cứ bỏ trốn thế này thì cô ta sẽ không nhận được 4.000 nhân dân tệ.
Bà Nền nhớ, có lần bà trốn được ra ngoài khu chợ đông dân cư, bà đi ăn xin nhưng không ai cho. Đói lả người, bà phải tìm đường quay về. Sống trong nhà chồng một năm rưỡi, bà Nền héo như lá chuối khô. Lúc này, bà đã học được một chút tiếng Trung Quốc. Ở nhà không có việc gì, ông chồng xin cho bà vào làm rửa chén trong một quán ăn với mức lương 800 nhân dân tệ/tháng. Bà phải làm việc từ 7 giờ sáng đến 12 giờ tối, làm quần quật như con trâu. Toàn bộ số tiền lương đều bị nhà chồng thu hết. Nhớ con, bà Nền đã viết không biết bao nhiêu lá thư gửi về Việt Nam, nhưng chồng bà đều bí mất hủy bỏ.
Mệt mỏi, ức chế, một buổi trưa nằm mơ bà thấy con gọi "mẹ ơi con đói quá", bà lên cơn điên dại, không ăn không uống gì, cứ nằm bất động trên giường, người bà chỉ còn bộ xương. Dân xung quanh thấy thế khuyên ông chồng mang bà vứt xuống suối đi, kẻo bà chết ở nhà. Có lẽ ông chồng vẫn còn một chút lương tâm đã đưa bà đi nhà thương điên. Bà nằm viện 20 ngày thì tinh thần tỉnh táo. Bà Nền xuất viện, được gia đình chủ quán cơm nhận làm rửa chén.
Hộ chiếu, và cuốn sổ tay là thứ quý giá nhất bà Nền mang theo bên người |
Bà lén gửi được 10 ngàn nhân dân tệ (khoảng 34 triệu tiền Việt Nam) trong ngân hàng, nhưng lại lấy tên của chồng nên sẵn "mỡ treo miệng mèo", ông ta lấy sạch sẽ. Bà Nền gào khóc lóc, cấu xé đòi ông chồng phải trả lại tiền. Có đông đủ mọi người, bà Nền tuyên bố dùng toàn bộ số tiền đó để mua lại chính mình. Ngày trước ông ta mua bà 4.000 nhân dân tệ, thì nay bà mua mình 10 ngàn. Tuy nhiên, không bao giờ ông ta chịu bán. Người ta nói cho bà biết, ở đây đàn ông mua được vợ thì suốt đời họ được quyền sở hữu người vợ đó, như món hàng, thậm chí có thể đánh chết như đánh một con chó.
Nơi bà Nền ở có nhiều phụ nữ Việt Nam bị lừa bán, họ cũng bị mua về làm vợ rồi có con và phải chôn vùi cuộc đời nơi xứ người. Cái viễn cảnh ấy, người ta luôn nhắc nhở bà Nền. Rằng đừng ý định bỏ trốn nữa, không có tác dụng đâu. Muốn sống thì hãy im lặng lao động, nếu không sẽ bị nhúng xuống suối như con tôm luộc.
Trở về từ "địa ngục"
Một hôm, có người đàn ông người Việt Nam đến quán ăn cơm. Nghe ông ta nói muốn về Việt Nam phải qua Zàng Coong đến Zàng Xắn (Quảng Đông) rồi bắt xe về Đông Hưng (Quảng Tây) mới đến được cửa khẩu Móng Cái của Việt Nam. Như bắt được vàng, bà Nền reo thầm trong lòng. Bà ghi nhớ ngay tên các bến xe người đàn ông kia nói.
Bà Nền dạy bảng cửu chương cho hai đứa cháu của gia đình chủ, rồi bà lân la nhờ hai đứa dạy viết chữ bến xe Zàng Coong, Zàng Xắn, Đông Hưng. Hai đứa trẻ hồn nhiên viết chữ lên vỏ bao thuốc lá. Bà Nền cất thật kỹ tấm vỏ giấy ấy, nếu nhà chủ biết được, họ sẽ báo cho chồng bà lên lôi cổ bà về.
Từ ngày có mảnh giấy bảo bối, bà Nền nôn nao cảm giác trốn chạy. Ngày làm, đêm bà mang mảnh giấy ra đọc thuộc, nhớ thật kỹ từng nét chữ để lỡ có mất còn ghi được trong đầu. Ngày 30 tết năm 2014, bà Nền được nghỉ về nhà ăn tết, vừa ra khỏi quán cơm, bà chạy bộ hơn một tiếng ra bến xe, nhưng không kịp chuyến, bà buồn bã quay trở về.
Vé xe đưa bà Nền trốn thoát về Việt Nam |
Sáng mồng hai tết, bà gây sự với ông chồng để lấy cớ, bị ông chồng tát bôm bốp vào mặt bà. Nhân lúc trong nhà bất hòa, bà xin ra ngoài đi chơi tết. Vừa ra khỏi nhà, bà co chân chạy thẳng một mạch cho kịp chuyến xe buổi sáng. Bà chạy trên đường rừng đến nỗi nát bét bàn chân. Vượt được chẳng đường dài ra khỏi khu Zàng Xắn, bà Nền bắt kịp tuyến xe đi Zàng Coong. Cầm mảnh giấy trên tay, bà dò tên bảng hiệu để xác định đúng bến xe. Nói được vài câu tiếng Trung, bà nhờ bảo vệ bến xe dẫn đi mua vé về Đông Hưng.
Tại Đông Hưng, có một chuyến xe chở toàn phụ nữ Việt Nam về nước bằng đường tắt, bà theo người ta lên chuyến xe này về Việt Nam. Xe lao vun vút trong đêm, người ta xuống xe đi ăn uống vệ sinh còn bà không dám xuống. Suốt một ngày ròng rã ngồi trên xe, bà nhịn ăn nhịn uống. Bà đóng bỉm như trẻ con và tiểu tiện luôn ra đó, bà rất sợ khi xuống xe sẽ bị lạc hoặc bị phát hiện bắt trở lại.
Cảnh sát Trung Quốc liên tục kiểm tra giấy tờ những người trên xe. Mỗi lần bị kiểm tra, bà nín thở, trong người bà chỉ có tấm hộ chiếu không đóng dấu. Thấy bà nằm bẹp gí, đầu tóc rũ rượi, quần áo bẩn thỉu, cảnh sát không để ý đến. Xe về đến Đông Hưng khoảng 1 giờ sáng , tất cả những người đàn bà nhào xuống xe chen nhau chui qua rào sắt để xuống bến đò. May mắn cho bà Nền là chuyến đò này khác với chuyến đò cách đây 6 năm Hiển dẫn bà qua. Nếu đúng con đò năm ấy, có thể bà đã bị cánh chủ đò (là tai mắt của Vinh) bắt lại.
Sang được đất Việt Nam, nhưng nguy hiểm vẫn còn, bà Nền vẫn câm lặng, không dám hé miệng nói nửa lời. Bà đi cùng hai người phụ nữ bắt xe về Hải Phòng. Khi xe đến địa phận Hải phòng, bà mới dám ôm mặt khóc. Bà nấc nghẹn lên, tiếng khóc bung ra sau bao nhiêu ngày kìm nén. Bà bắt đầu kể về hành trình trốn chạy của mình. Những người trên xe vô cùng ngạc nhiên, họ an ủi, chúc mừng và cho bà đồ ăn, cho cả tiền. Bác tài thương tình miễn phí hoàn toàn vé xe cho bà. Vì bà không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào nên người lái xe tốt bụng đã nhờ người đi mua vé tàu cho bà về Sài Gòn.
Sáng mồng 5 tết Giáp Ngọ, bà Nền đặt chân xuống ga Hòa Hưng. Bà lại ôm mặt khóc, khóc vì sung sướng, hạnh phúc, khóc vì vừa trở về từ địa ngục trần gian. Bà đi bộ từ ga Hòa Hưng đến ngã tư Bảy Hiền mà không biết mệt. Tâm hồn bà đã hướng về căn nhà nhỏ bé ở Vĩnh Lộc B, nơi bà còn đứa con gái năm nay 11 tuổi.
Chúng tôi đem trường hợp của bà Nền hỏi chính quyền xã Vĩnh Lộc B, thì nhận được những câu trả lời không biết, không nghe. Bà chủ tịch hội phụ nữ cũng không hề hay biết địa phương có trường hợp này. Một công an viên cho biết, có nghe nói đến trường hợp bà Nền nhưng phải xác minh mới biết được thực hư. |
.