Phóng sự
Có phải nhân tài "như lá mùa thu"?
Thi tuyển chức danh lãnh đạo ở cấp tỉnh cao nhất là Phó giám đốc sở, cấp bộ cao nhất là Tổng cục trưởng, được coi là sự đổi mới để chọn nhân tài. Nhưng sự đổi mới vẫn còn hạn hẹp về số lượng nhân tài đăng ký dự thi như “lá mùa thu”, đối tượng dự thi chủ yếu trong “nội bộ” đơn vị tổ chức thi tuyển.
|
1/4 ứng viên xuất sắc trúng tuyển chức danh Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Ảnh: tienphong.vn |
Việc thi tuyển chức danh Phó giám đốc sở, ngành đã được thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ninh thực hiện từ những năm trước. Ngày 16/3/2014, Bộ Tư pháp tổ chức thi tuyển chức danh Phó giám đốc Học viện Tư pháp, với 2 ứng viên đăng ký thi .Tiếp đến, ngày 25/4/2014, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức thi tuyển chức danh Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, với 4 ứng viên đăng ký thi.
Việc thi tuyển các chức danh lãnh đạo dù cao nhất mới ở cấp Tổng cục trưởng, nhưng đã phản ánh tinh thần đổi mới để chọn nhân tài, ngăn chặn biểu hiện “chạy chức, chạy quyền”, “con ông cháu cha”, “ sống lâu lên lão làng” trong công tác bổ nhiệm cán bộ.
Tuy nhiên, có nhiều điều phải suy ngẫm từ các cuộc thi tuyển nhân tài! Mọi việc đều công khai, song tất cả ứng viên dự thi đều là công chức trong tỉnh, trong bộ, và tỷ lệ đăng ký dự thi rất ít, chỉ 2 chọn 1 hoặc 4 chọn 1. Việc thi tuyển “giới hạn” trong phạm vi hẹp và một số tiêu chí khắt khe khác, đã trở thành rào cản trong việc thu hút thêm nhiều người tài vào cơ quan nhà nước. Đã là nhân tài, không ai “chê” những cuộc thi, song cơ chế chưa thực sự hấp dẫn họ.
Chọn người tài đã khó, sử dụng người tài còn khó hơn. Vì sao chất lượng công chức, viên chức chưa cao? Điều gì dẫn đến việc sinh viên đi du học nước ngoài không muốn về nước làm việc hoặc có về thì cũng không làm trong cơ quan nhà nước? Đây là hiện tượng chảy máu chất xám đang diễn ra ở một số cơ quan nhà nước. Nhật Bản từng được ví là quốc gia chỉ có “ nước biển và mặt trời”, nay trở thành một trong những cường quốc về kinh tế, có nền khoa học - kỹ thuật phát triển ở bậc cao, là vì họ không lãng phí nguồn lực, đặc biệt là chất xám và nhân tài.
Nói về việc chọn nhân tài ra giúp nước, chúng ta càng phải học Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều hơn nữa. Ở thời điểm đất nước vô cùng khó khăn, một mặt phải lo bảo vệ nền độc lập, thống nhất cho Tổ quốc, mặt khác phải tìm nhân tài phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Theo lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các nhân sỹ, trí thức yêu nước ở trong nước và người Việt ở nước ngoài lần lượt nhận lời mời để phụng sự đất nước, gồm các cụ: Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn, Phạm Khắc Hòe, Trần Đại Nghĩa, Lương Định Của, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Văn Huyên... Thời kỳ đó, chắc không có nhiều quy định tuyển chọn, đề bạt cán bộ như bây giờ!
Sở dĩ các nhân sĩ, trí thức toàn tâm, toàn ý đi theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bởi họ tin đây là Người luôn đặt “Tổ quốc trên hết”, “Độc lập trên hết”, “Dân tộc trên hết”... Muốn chọn được người tài, đức để phụng sự đất nước và nhân dân phụ thuộc vào “ cái tâm, cái tài” của người đứng đầu cơ quan, đơn vị...
Nguồn: dangcongsan.vn