Bà Thắng ngồi co ro trong cái lạnh buốt giá của Hà Nội. Thỉnh thoảng không nén được xúc động, bà lại khóc nấc lên. Từ huyện Kim Bảng - Hà Nam, người mẹ này đã ăn vận như một kẻ ăn mày, đi bộ ròng rã hai ngày trời, lên Hà Nội để tìm công lý cho cô con gái đã mất. Bữa ăn của bà là bánh mỳ chan nước mắt.
"Con tôi chết thảm quá"
Tôi hỏi: "Sao bác không đi ôtô hay đi xe máy cho đỡ vất vả?". Bác Thắng nói: "Tôi tiết kiệm tiền còn đi minh oan cho con, tôi nghĩ chặng đường này còn lâu dài lắm đấy. Chừng nào chưa giải oan được cho nó, tôi sống không được yên”.
Cô con gái của bà Thắng, chị Phạm Ngọc Lan mất đã được một năm. Cơ quan pháp luật kết luận là chết do treo cổ tự tử. Nhưng dấu vết của treo cổ không rõ ràng. Bà Thắng ngơ ngẩn như người mất hồn trước nỗi đau quá lớn. Bà không tin con gái mình tự tử. Một nỗi hàm oan nào đó sau cái chết uẩn khúc của con gái khiến người đàn bà quê mùa, quanh năm úp mặt với đồng ruộng này phải quyết tâm làm đơn cầu cứu cơ quan chức năng vào cuộc để tìm ra sự thật. Hàng trăm lá đơn đã được gửi đi khắp nơi, bà chỉ nhận được trả lời: Con gái bà chết do treo cổ tự vẫn.
Không tin vào việc này, người mẹ già lên tận Hà Nội để đâm đơn. Bà bỏ ruộng, đi bán bánh chuối, gom những đồng bạc lẻ để làm lộ phí. Tiền bán bánh chuối đôi khi còn không đủ để gửi đơn. Gia đình thấy bà suốt ngày ngẩn ngơ vì cái chết của con gái, ngăn cản không cho bà lên Hà Nội khiếu kiện, vì lo cho sức khỏe của bà. Nhưng nỗi đau mất con, nỗi ám ảnh về việc con mình bị chết oan khiến người mẹ đó không thể yên ổn. "Tôi đi rửa bát thuê cho người ta cũng nghe tiếng con gái vọng bên tai nói rằng, mẹ đi làm làm gì, mẹ phải về tìm đường giải oan cho con...".
Bà ăn vận như một kẻ ăn mày, lôi những bộ đồ rách rưới nhất, bôi bẩn tay chân, mặt mũi, một mình đi bộ lên Hà Nội để gửi đơn khiếu kiện về cái chết của con. Ban ngày, bà đi dọc theo con đường quốc lộ, đêm về tìm vỉa hè, mái hiên ngủ tạm. Bữa ăn của bà chỉ là những ổ bánh mỳ chan nước mắt. Ròng rã hai ngày trời, bà cũng lên đến Hà Nội.
Một năm đã trôi qua, bà Thắng đã đi như thế, ôm theo di ảnh con và hàng trăm những lá đơn, cuống đơn mà bà đã gửi đi khắp các cơ quan, ban, ngành. Bà giữ chúng khư khư như một báu vật. Những lá đơn không có hồi đáp. Có chăng chỉ là những phiếu báo cơ quan X, Y, Z đã chuyển đơn của bà đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Còn cơ quan có thẩm quyền thực sự thì không biết đến bao giờ mới có câu trả lời cho người mẹ tội nghiệp.
“Lan lấy chồng được hai tháng thì chết tức tưởi, người ta còn vu oan cho nó là có thai 4 tháng. Họ bảo con gái tôi lăng loàn, bị chồng phát hiện nên mới treo cổ tự tử. Nhưng khi Công an mổ khám nghiệm tử thi thì làm gì có cái thai nào đâu. Con tôi chết oan uổng quá".
Bà Thắng lại khóc nghẹn. Bà kể: “Hôm đó, ngày 19/1/2013, bà nhận điện thoại của con gái nói cô bị chồng hành hạ vì ghen tuông. Tôi còn nhớ cả tiếng thảng thốt, sợ hãi của con gái. Tôi nghĩ, vợ chồng mới cưới, ghen tuông nhau cũng là chuyện thường. Nhưng rồi 13h27 tôi nhận được điện thoại của Hoàng (con rể) thông báo con tôi đang cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa II- Tp Phủ Lý (Hà Nam). Tôi hỏi lý do thì Hoàng nói: "Xuống đây, khắc biết".
Tôi và người nhà chạy vội xuống bệnh viện thì thấy khá đông người của gia đình Hoàng. Bên trong phòng cấp cứu, con gái tôi đã chết. Không ai cho tôi vào. Hỏi mãi, chỉ có một bác sĩ bảo rằng, con gái tôi thắt cổ tự tử. Rồi họ nhanh chóng đưa con gái tôi ra xe cấp cứu, đưa xác về quê chồng để mai táng. Họ ngăn không cho tôi đi theo xe. Quá bất ngờ, hoảng hốt, tôi gọi điện khắp nơi kêu cứu để mong họ giữ xác con tôi lại. Nhưng không được. Tôi thuê xe taxi đuổi theo xe chở xác, mãi sau mới biết gia đình Hoàng định chôn con gái tôi ở tận huyện Hải Hậu, Nam Định. Họ chẳng thèm hỏi ý kiến hay bàn bạc gì với gia đình tôi. Đến được nghĩa trang, tôi thấy họ đã chuẩn bị đầy đủ hết rồi. Nhưng em gái tôi đã kịp gọi cho Công an Nam Định, họ ngăn lại bởi thấy dấu hiệu bất thường nên chờ Công an Tp Phủ Lý đến khám nghiệm tử thi”.
Hành trình không đơn độc
Qua dư luận báo chí, biết được hoàn cảnh thương tâm của người mẹ mất con, bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình phụ nữ và vị thành niên Csaga đã ngỏ ý muốn giúp đỡ bà Nguyễn Thị Thắng (ở thị trấn Quế, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam).
"Chúng tôi sẽ cùng bà Thắng đồng hành để tìm ra sự thật", lời bà Vân Anh. Trao đổi với báo chí, bà Vân Anh cho rằng, sự việc của bà Thắng còn nhiều câu hỏi ngỏ, rất cần cơ quan chức năng vào cuộc điều tra lại từ đầu để tìm ra sự thật. Dù anh Hoàng có liên quan hoặc không liên quan đến cái chết của vợ, sau khi cơ quan chức năng điều tra lại từ đầu, làm rõ thực hư sẽ giúp giải tỏa tâm lý cho cả hai phía gia đình nạn nhân và bản thân anh Hoàng cũng như gia đình anh ta.
"Tôi không hề muốn ai phải trả giá hay vào tù mà tôi muốn tìm ra sự thật về cái chết của con gái, để con tôi đỡ oan khuất nơi chín suối. Tôi từng nói với gia đình Hoàng rằng, nếu lỡ tay làm điều gì thì nên nói thật và thú nhận sai lầm, tôi sẽ tha thứ, để hóa giải những hận thù của hai bên". Người mẹ già nhân hậu xúc động nói. Chắc hẳn, từ hôm nay, hành trình của bà không còn đơn độc
.