Giải đua ngựa Bắc Hà lại được tổ chức thường niên, thu hút hàng vạn lượt du khách đến thưởng ngoạn "Cao nguyên trắng". Nằm trong kế hoạch phục dựng lại những giá trị văn hóa, tinh thần cho người dân bản địa, giải đua ngựa không chỉ mang đến niềm vui cho người dân Bắc Hà, mà còn có những giá trị lớn lao khác. Hình ảnh những chàng "kị sĩ chân đất" chính hiệu tuy nhỏ bé, dung dị, hiền hòa nhưng thể hiện được bản lĩnh đàn ông, dũng mãnh của những chàng trai miền sơn cước. Vàng Văn Huynh nói rằng: "Chỉ có trên lưng ngựa, anh mới thể hiện được sự dũng cảm, can trường của cha ông đi trước, để vững vàng trong cuộc sống, như những chú ngựa thồ không bao giờ gục ngã trước bất cứ chướng ngại gì!"
Kỵ sỹ Vàng Văn Huỳnh trên lưng ngựa |
Truyền thuyết kể lại rằng, mỗi dịp Tết đến, khi hoa mơ nở trắng cao nguyên Bắc Hà, người Na Hối lại dắt díu nhau về sân dinh đua ngựa. Những kỵ mã ở đây, chân trần trên lưng ngựa, thắng dây cương thể hiện sức mạnh uy mã truy phong. Trong hình ảnh tưởng tượng đó từ vị già làng kể lại, với sức vóc nhỏ bé của chàng trai dân tộc Tày Vàng Văn Huỳnh quả là trái ngược. Nhưng nếu không tỉ tê, không thuyết phục người đàn ông nhỏ bé đó lên yên ngựa, thì quả thực khó lòng biết rằng đã gặp được quán quân.
Huyền thoại kỵ sĩ đất Bắc Hà
Khi nhận cú điện thoại của tôi, quán quân hai lần của giải đua ngựa thường niên đất Bắc Hà - Vàng Văn Huỳnh vẫn đang cần mẫn với công việc làm thợ xây thường ngày của mình. Vợ đi cuốc vườn thuê, mẹ đi lên rẫy, người đàn ông bé nhỏ nhận việc chăm sóc con, cho con ăn rồi gửi con đi nhà trẻ cho kịp buổi xây nhà mới "cho người ta đón Tết". Hai cánh tay nhỏ bé, gân guốc vẫn thoăn thoắt trộn hồ, đắp gạch, câu chuyện bắt đầu từ khi còn trẻ thơ chăn ngựa đến khi là một chàng kỵ sỹ Bắc Hà.
Từ nhỏ, Vàng Văn Huỳnh đã cùng chúng bạn dắt ngựa đi chăn, dập dềnh trên sườn núi cả ngày mưa lẫn nắng. Anh biết đến những cuộc đua ngựa qua những lần cha mẹ dẫn đi xem.
Đường đua ngựa nằm dưới chân núi Ba Mẹ Con, những kỵ sĩ y phục gọn gàng, mỗi vùng một vẻ nhưng đều trông oai phong, lẫm liệt lắm. Một tay cầm cương, tay cầm súng, đội kỵ mã phi như bay đến gần đích rồi nhảy thật nhanh xuống đất, nhắm bia bắn liền năm phát súng. Hình ảnh những quả cầu đỏ tung bay trên lưng những chú ngựa như một chiến lợi phẩm cho những kỵ sĩ xuất sắc nhất cuộc đua.
Qua lời của người chú ruột Vàng Văn Hoàng kể lại, quán quân Vàng Văn Huỳnh nhớ nhất hình ảnh cuộc diễu hành kỷ lục của 200 chú ngựa thồ đúng dịp miền Nam hoàn toàn giải phóng. Rồi đến mùa xuân của 5 năm sau, giải đua ngựa lại được tổ chức để chọn ra kỹ sĩ, xạ thủ thiện nghệ nhất vùng. Trong 50 kỵ mã Bắc Hà ngày đó đến từ các bản làng Đại đội trưởng Đội quân lương, Ban chỉ huy Quân sự Bắc Hà vinh dự giành giải quán quân. Từ ngày đó cho đến 29 năm sau, những cuộc đua ngựa thồ mới được tổ chức lại.
Câu chuyện tiếp diễn khá lâu, cho đến khi Vàng Văn Huỳnh kết thúc buổi xây, dẫn tôi đi đến thăm "người bạn tri kỉ" của anh đang ăn cỏ phía sau căn nhà mới. Chú ngựa thồ màu đen đẹp tuyệt, thảnh thơi nhai cỏ chờ cái vuốt ve của chàng kỵ sĩ. Dãy chuồng khang trang này, Vàng Văn Huỳnh xây từ năm ngoái cho ngựa có "nhà" để ở, tiền xây chuồng cũng là giải thưởng mà đôi bạn này đoạt được trong cuộc thi năm ngoái. Tết năm nay chàng trai Tày mới dành phần thưởng cho mình để có một căn nhà cho gia đình trú mưa, trú nắng.
Mỗi dịp xuân về, dân Bắc Hà lại kéo nhau về trẩy hội với những thú vui vùng cao |
Dép tổ ong, quyết.. thắng!
Không biết vô tình hay cố ý, Vàng Văn Huỳnh vẫn mặc nguyên chiếc áo màu "chiến thắng" trong giải đua ngựa được tổ chức tận từ tháng 8. Thời gian còn dài để chờ đến tháng 8 năm sau, chàng trai người Tày vui vẻ muốn tôi xem một cuốc cưỡi ngựa của anh ngay trên sân phơi trước nhà. Chú ngựa thồ hàng nhìn hiền lành là thế nhưng đến khi lên cương thì uy phong, dũng mãnh.
Đối với người dân Bắc Hà, chú ngựa thồ không chỉ là con vật được nuôi để cày kéo, thồ hàng, mà còn là tri kỉ có nhiều giao cảm. Chọn ngựa như chọn bạn, cuộc hội ngộ của chú ngựa thồ và chàng trai người Tày 2 lần đoạt giải quán quân như thể là nhân duyên trời định, trong buổi chợ phiên. Cả Vàng Văn Huỳnh, Vàng Văn Quyết, hai người anh em con chú con bác đều đoạt được giải thưởng với chú ngựa thồ của mình. Chiến thắng ấy không chỉ mang lại niềm tự hào cho cá nhân, gia đình kỵ mã, mà tiếng thơm còn vang khắp bản làng, xã thôn. Hai năm liền giành giải nhất, vẫn dép tổ ong, vẫn mũ xe máy để bảo hiểm mỗi khi ngã ngựa, Vàng Văn Huỳnh quyết tâm sẽ tham gia những cuộc đua ngựa sắp tớinhư một niềm đam mê.
Trong thân hình nhỏ bé ấy, tôi thấy dường như ẩn chứa là tâm hồn của những chàng trai miền sơn cước đầy bản lĩnh, đam mê tốc độ, can trường và dũng cảm. Khéo léo điều khiển dây cương, thúc cho chú ngựa của mình chạy đúng hướng giống như việc phấn đấu trong cuộc sống nơi miền cao nguyên còn nhiều khó khăn, vất vả. Ánh mắt ngựa long lanh ánh lên niềm hi vọng, ánh mắt con người cũng luôn luôn hướng về phía trước với tinh thần quyết tâm giành chiến thắng.
Có những kỵ mã đã gần cán đích thì bị ngã, có những chú ngựa chạy lệch đường đua, hay không chịu nghe lời chủ, nhưng khi tham gia vào cuộc thi không chuyên này, có nhiều điều ý nghĩa hơn là giải thưởng. Vàng Văn Huỳnh có thêm những người bạn, chia sẻ cuộc sống trên lưng ngựa còn phải tiến xa hơn. Chia tay Na Hối, Bắc Hà những ngày cuối năm khi những kỵ mã tập hợp lại xẻ thịt một chú lợn bản chia tay năm cũ, đón chào năm mới, lòng tôi xốn xang như có hồi trống giục. Hình ảnh các kỵ sĩ gan dạ, dù có ngã ngựa vẫn nhảy lên chiến mã để thi đấu tiếp ám ảnh tôi: Trong cuộc đời, dù biết có lúc mình sẽ thua cuộc nhưng vẫn tôn trọng luật chơi, chạy đủ số vòng, cố gắng giành giải thưởng.
.