Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201311/hanh-phuc-gian-don-419433/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201311/hanh-phuc-gian-don-419433/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Hạnh Phúc giản đơn - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 24/11/2013, 06:51 [GMT+7]

Hạnh Phúc giản đơn

(Congannghean.vn)- Theo chân chị Nguyễn Thị Lý, cộng tác viên Dân số kiêm Chi Hội trưởng Chi Hội phụ nữ xóm Nam Thạch, xã Nghi Thạch (Nghi Lộc - Nghệ An) đến thăm vợ chồng chị Cầu, anh Chính - Gia đình vừa được vinh dự tham dự Hội nghị tuyên dương gia đình tiêu biểu thực hiện chính sách dân số KHHGĐ của tỉnh năm 2013.

Họ không phải là gia đình trí thức hay cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước, họ chỉ là những người bình thường trong xã hội, nhưng trong gia đình họ, bố mẹ cùng hai cô con gái luôn đầy ắp niềm vui và tiếng cười. Hạnh phúc giản đơn ấy có thể là niềm mơ ước của rất nhiều người.

Rót bát nước chè xanh nóng hổi, nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt phúc hậu, chị Chính kể: Năm 1990, được sự cho phép của cha xứ, trên thánh đường giáo xứ Lập Thạch, anh chị nên duyên chồng vợ với sự chúc phúc của hai bên họ hàng.

Sau gần hai năm sống hạnh phúc, chị sinh con gái đầu lòng. Thời điểm đó, do sinh con cộng với hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn nên sức khoẻ của chị bị sa sút nhiều. Thêm vào đó, cháu bé thường xuyên ốm đau do bị suy dinh dưỡng. Chồng chị vừa một mình chăm sóc hai mẹ con, vừa phải kiếm tiền nuôi sống cả gia đình.

Mặc dù hết sức vất vả nhưng chưa bao giờ anh có một lời ca thán. Chưa hết khó khăn, 2 năm sau, chị mang thai cháu thứ hai. Lần mang thai này, thực lòng cũng như nhiều cặp vợ chồng khác, anh chị vẫn hy vọng sẽ sinh được một bé trai để có nếp có tẻ, để có người phụng dưỡng lúc về già. Trong lúc bạn bè cùng trang lứa, người ít cũng có 3 - 4 con, đứa nào cũng có nếp có tẻ.

Nhìn họ hãnh diện với làng xóm và hai bên gia đình nội, ngoại, trong thâm tâm chị luôn mơ ước được như họ. Nhưng không được như mong đợi, lần sinh thứ 2 này, vẫn lại là con gái. Rất nhiều đêm ôm con vào lòng, chị luôn trăn trở là làm sao sinh cho chồng được một quý tử để nối dõi. Nghĩ là vậy, nhưng sinh ra và lớn lên trong gia đình đông con nghèo khó, chị thấm thía những vất vả nhọc nhằn của việc sinh nhiều con.

Niềm vui sum họp của gia đình anh Chính, chị Cầu

Đông con đồng nghĩa với nghèo đói và thất học. Tâm trạng của chị ngày đó luôn giằng xé một điều: Sinh thêm con hay dừng lại? Dằn vặt nhưng chị không dám bộc bạch với chồng bởi chị sợ anh buồn. Và điều quan trọng nhất là điều này sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc mà anh chị đang có.

Ngược lại với những lo lắng của chị, anh là người động viên, an ủi vợ vượt qua khó khăn đó. Anh từng nói: “Vợ chồng mình đều sinh ra trong những gia đình đông con, học hành không đến nơi đến chốn. Vì vậy, điều quan trọng nhất là chúng mình không sinh thêm con nữa để tập trung làm kinh tế, chăm lo cho 2 con ăn học nên người”.

Suy nghĩ, bàn bạc, anh chị quyết định thực hiện biện pháp tránh thai để ngừng việc sinh con.  Chị nhớ lại: “Để đặt vòng phải lên Trạm y tế xã. Đường từ nhà lên đó lại khá xa nên phải đi xe máy, nhưng tôi lại không thạo đi xe máy, anh lại tình nguyện làm xe ôm chở tôi đi đặt vòng”.

Vào thời điểm đó, chị là một trong những giáo dân hiếm hoi thực hiện KHHGĐ bằng biện pháp đặt dụng cụ tử cung (DCTC). Để làm được điều này quả không dễ, anh chị phải vượt qua rất nhiều thử thách, vượt qua chính mình, vượt qua phong tục tập quán và rào cản của dư luận xã hội, không những phải sinh cho bằng được con trai mà phải có thật nhiều con như quan niệm của rất nhiều giáo dân lúc đó.

Vì sinh ít, anh chị có thời gian để phát triển kinh tế gia đình và chăm sóc hai con. Hiện nay, kinh tế gia đình anh chị thuộc hàng khá giả trong xóm. Ngoài thu nhập hàng ngày từ việc buôn bán phế liệu của chị và nghề thợ xây của anh, anh chị còn tăng gia sản xuất để phát triển kinh tế. Hiện, thu nhập bình quân của anh chị hàng tháng trên dưới 10 triệu đồng.

Không phụ công lao của bố mẹ, hai cô con gái của anh chị đều là những sinh viên giỏi tại các trường cao đẳng của tỉnh. Niềm vui của chị càng được nhân đôi mỗi khi hai cô con gái được nghỉ học về quây quần với gia đình, chị không cầm được nước mắt mỗi khi nhắc đến lời thủ thỉ của cô con gái út: “Con thương mẹ lắm, đời mẹ khổ, vất vả vì chúng con nhiều rồi. Khổ mấy mẹ cũng cho chúng con học nhé. Con sẽ cố gắng học thật giỏi để có nghề nghiệp ổn định sau này nuôi bố mẹ”.

Chị Nguyễn Thị Lý, cộng tác viên Dân số kiêm Chi hội trưởng Chi Hội phụ nữ xóm Nam Thạch cho biết: “Mặc dù có hai con đều là gái nhưng hai vợ chồng luôn hòa thuận. Bà con trong họ, ngoài làng ai cũng khen gia đình anh chị hạnh phúc. Anh chị luôn là những người gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt tiêu chí của cuộc vận động xây dựng mô hình gia đình “5 không, 3 sạch” của Hội liên hiệp phụ nữ.

Không dấu nổi niềm vui của người từng gắn bó với công tác dân số hơn 20 năm, chị Lý say sưa kể: Nam Thạch là xóm giáo toàn tòng, có 173 hộ, 819 khẩu, 117 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Trước đây, nhận thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, bà mẹ trẻ em, KHHGĐ của chị em ở đây rất hạn chế bởi tư tưởng lạc hậu ăn sâu bám rễ, muốn đông con để có người phụng dưỡng nên việc thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại, đặc biệt là các biện pháp tránh thai lâm sàng như đặt DCTC, triệt sản rất khó khăn.

Giờ giáo cũng như lương, nhận thức của người dân nơi đây về chăm sóc SKSS/KHHGĐ đã có những bước chuyển biến tích cực. Trong các đợt triển khai chiến dịch do Trung tâm DS-KHHGĐ huyện phối hợp tổ chức, xóm Nam Thạch có gần 90% chị em trong độ tuổi sinh đẻ đăng ký khám và điều trị phụ khoa.

Trong 3 năm trở lại đây, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn rất thấp. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2013, xóm Nam Thạch chỉ có một trường hợp sinh con thứ 3 trở lên. Hiện nay, tại giáo xứ Lập Thạch, số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh con một bề là gái không sinh con thứ 3 như vợ chồng anh Chính, chị Cầu cũng không còn là hiếm nữa.

Có thể nói, Nam Thạch có những kết quả về công tác DS-KHHGĐ như hôm nay, mà điển hình là gia đình anh Chính, chị Cầu vừa được đại diện cho huyện Nghi Lộc vinh dự tham dự Hội nghị tuyên dương gia đình tiêu biểu thực hiện chính sách dân số KHHGĐ tỉnh Nghệ An năm 2013, không thể không phủ nhận công lao đóng góp thầm lặng của những người làm công tác dân số cơ sở, trong đó có chị Nguyễn Thị Lý - CTV Dân số xóm Nam Thạch.

Chia tay họ, rời khỏi ngôi nhà đầy ắp tiếng cười, đầy ắp tình yêu thương ấy, trong lòng chúng tôi ai cũng chung một suy nghĩ: Nếu có thêm nhiều gia đình như gia đình anh Chính, chị Cầu, chắc chắn bức tranh dân số trên địa bàn huyện Nghi Lộc trong tương lai sẽ có nhiều khởi sắc…

.

T.Hiền - K.Chung

.