1. Ngày 30 Tết cách đây 10 năm, khi ấy Thiếu tá Huy đang là trinh sát hình sự, anh và đồng đội nhận nhiệm vụ phải lên đường đi Nam Định xác minh một đối tượng liên quan đến vụ giết người vừa xảy ra. Đây là đối tượng tình nghi, bởi thời điểm vụ án xảy ra, nhiều người phát hiện thấy có mặt tại hiện trường, nhưng sau đó thì lại biến mất rất khó hiểu.
Anh Huy và hai 3 trinh sát nữa liền khẩn trương lên đường. Khi đi, cả tổ công tác đâu biết rằng đã liên tiếp 2 ngày đêm qua anh Huy chưa chợp mắt tẹo nào vì phải theo một vụ án khác và anh vừa về đến Hà Nội. Nên khi lên xe ô tô, anh Huy đã bảo với mấy đồng đội của mình rằng: “Tớ sẽ lái xe từ đây ra hết thành phố nhé, còn ra đến đường lớn thì cậu nào biết lái thì lên lái giúp để tớ tranh thủ chợp mắt chút”. Mấy người đồng đội của anh Huy ngồi dưới nói hùa lên: “Cứ lái đi, lúc nào mệt thì ới”.
Thế là anh Huy cứ yên tâm điều khiển xe ra đến đầu cầu Pháp Vân và từ từ dừng lại để đổi lái. Nhưng đến lúc này mấy người đồng đội của anh mới thú thật rằng, không ai trong số họ biết lái xe. Anh Huy nghe xong bỗng nghệt mặt ra mất mấy giây, anh cứ đinh ninh mình sắp được ngủ chút cho đỡ mệt, ai dè lại phải lái tiếp đoạn đường dài cả trăm cây số nữa. Trong khi việc thì không dừng lại được, anh Huy đành xuống xe mua một ly cà phê đậm đặc mang lên xe vừa uống vừa lái xe cho tỉnh ngủ.
Khi tổ công tác lên đường rời khỏi Hà Nội là 8h30 sáng, các anh đến Nam Định là gần 1h chiều. Cả 4 chỉ kịp vào quán cơm bụi bên đường lùa vội bát cơm rồi lại lên đường xuống Quất Lâm – nơi đối tượng có thể đang ở đó để xác minh. Mặc dù rất mệt và buồn ngủ, nhưng khi xuống đến Quất Lâm, anh Huy và những người đồng đội liền tiến hành rà soát khắp nơi để tìm đối tượng.
Mãi đến gần 4h chiều thì tổ công tác mới tìm được nhà đối tượng, nhưng thật không may cho các anh là lúc đó đối tượng lại không có nhà. Không còn cách nào khác là phải kiên nhẫn chờ đợi, anh Huy và các trinh sát chia thành hai mũi, ém quân ở hai điểm gần nhà đối tượng để kịp thời nhận diện, xác minh. Chờ đợi khá lâu, mãi đến 9h tối hôm đó đối tượng mới về đến nhà. Tổ công tác liền xác minh ngay đối tượng xem có phải đó là người liên quan đến vụ án giết người không.
Sau khi xác minh, tổ công tác khẳng định người này vô can, không dính líu đến vụ giết người, do vậy mọi người liền lên đường về Hà Nội luôn. Vì lúc đó đã là tối 30 Tết, nên anh Huy cũng như mọi người trong đoàn đều muốn về nhà cho kịp đón giao thừa. Tuy nhiên, năm đó cả đoàn phải đón thời khắc giao thừa linh thiêng ở trên… ô tô. Đến khi cả đoàn chạm đất Hà Nội thì đã là 1h sáng mùng một Tết.
Anh Huy đưa mọi người về trụ sở, sau đó mới vội trở về nhà để kịp chúc mừng năm mới với mọi người trong gia đình. Nhưng khi anh vừa ra khỏi cổng cơ quan thì thấy bóng hai người đang đứng nép dưới tán cây gần phía cổng.
Anh Huy kể rằng, đêm đó trời tối đen như mực, đúng là tối như đêm 30 nên anh gần như không nhận ra hai người đó là ai. Khi thấy anh đi ra, một trong hai người bước lên trước gọi với giọng rất rụt rè: “Cán bộ Huy phải không ạ. Bố con tôi đợi cán bộ từ sáng giờ mới gặp”. Anh Huy bước nhanh tới chỗ hai người, qua ánh đèn cao áp từ xa rọi tới, anh nhận ra người từng liên quan đến vụ án anh thụ lý. Hôm đó anh ta đi với người bố ngoài 70 tuổi của mình đến gặp anh, hai bố con đến từ 9h sáng, nhưng khi họ đến nơi thì anh Huy đã rời khỏi cơ quan 30 phút trước đó.
2. Đưa hai bố con họ vào ngồi tạm ở phòng trực ban cho đỡ lạnh, lúc đó anh Huy mới hỏi sao họ đến tìm anh và chờ đến tận giờ phút này. Lúc đó người bố của anh thanh niên mới ôn tồn đáp: “Bố con nhà tôi muốn đến cảm ơn cán bộ đã giải oan cho con tôi khỏi mang tiếng xấu, và cũng nhờ ơn của cán bộ mà con tôi được đón Tết ở nhà và được đón đứa con mới sinh của nó. Ơn này cả gia đình tôi sẽ khắc cốt ghi tâm”.
Con trai của ông cụ này từng bị tạm giữ vì liên quan đến vụ tiêu thụ tài sản của người khác phạm tội mà có, và anh Huy là người trực tiếp điều tra, thụ lý vụ án này. Với sự tận tâm của một người điều tra, và sau một quá trình thu thập thông tin, chứng cứ và nghiên cứu tỉ mỉ vụ án, anh Huy đã xác định người thanh niên này vô tội.
Hôm đó đã là ngày 27 Tết, anh Huy khẩn trương làm thủ tục để người thanh niên kia tại ngoại, kịp về đón Tết cùng gia đình. Bởi trong thâm tâm anh nghĩ, ngày Tết mọi người, mọi gia đình đều mong được đoàn tụ. Khi người thanh niên này bị tạm giữ, chắc gia đình họ buồn lắm. Giờ không khí Tết đang cận kề, anh ta được đàng hoàng về nhà đón Tết với gia đình và thông báo với mọi người rằng, mình đã được chứng minh trong sạch, như thế thì hạnh phúc nào bằng.
Trong lúc ngồi làm thủ tục, anh Huy thấy người thanh niên này có dáng điệu rất bồn chồn. Anh quan tâm nên hỏi vì sao, người thanh niên ấy rụt rè bảo: “Vợ em vừa sinh em bé. Em mong được về để bế con và động viên vợ cùng bố mẹ già để mọi người không phải lo lắng vì em...”. Nghe vậy, anh Huy thấy vui lây. Thấy anh ta khó khăn, trong túi lúc đó chẳng có đồng nào để về quê nên anh đã rút ví của mình ra đưa cho anh ta 200.000 đồng gọi là tiền “quà bánh cho đứa nhỏ”. Người thanh niên nhận tờ tiền của anh Huy mà hai tay run run, miệng lí nhí nói lời cảm ơn rồi vội vã quay đi.
Xong vụ đó anh Huy lại lên đường đi công tác ngay, gần 2 ngày rời khỏi Hà Nội, mãi đến chiều 29 Tết anh mới kết thúc việc để về. Tưởng về là được nhận lịch trực Tết, chẳng ngờ anh lại phải nhận nhiệm vụ đi Nam Định ngay, công việc cứ cuốn đi như vậy nên anh cũng chẳng có thời gian nghĩ đến những gì đã xảy ra trong mấy ngày vừa qua.
Giờ khi gặp lại bố con của người thanh niên đã được anh minh oan, nghe họ kể lại thì anh mới nhớ ra. Ông bố bảo rằng, quê họ ở Thạch Thất, Hà Tây (cũ). Khi thấy cậu con trai trưởng được trở về và thông báo với họ hàng, làng xóm là mình trong sạch, ông đã khóc vì xúc động. Bởi đất lề quê thói, ở quê nếu một người trong họ mang tiếng xấu thì dòng họ đó sẽ rất bị coi thường và sống trong khổ sở, nhục nhã. Anh con trai của ông từ trước đến nay luôn có tiếng là đứa hiền lành, chăm chỉ, bỗng dưng bị bắt vì dính líu đến vụ mua bán không đàng hoàng đã khiến ông thấy khổ tâm vô cùng. Đã thế vợ nó lại sắp đến ngày sinh, khi biết tin chồng bị bắt, cô vợ khóc lóc vật vã suốt ngày khiến không khí gia đình vô cùng căng thẳng.
Mọi người đã tưởng rằng năm nay cả gia đình sẽ chẳng có Tết. Vậy nên khi thấy cậu con trai trở về, nghe nó kể chuyện về sự điều tra tận tình của người cán bộ Công an, và lại được anh tặng cho một số tiền lớn, ông và cả gia đình đều thấy xúc động vô vùng. Ông đã bảo với con trai ông rằng: “Người ấy đã cứu cả cuộc đời con, mang mùa xuân đến cho cả gia đình chúng ta. Vậy nên bố con mình phải đến gặp và cảm ơn người cán bộ đó. Phải gặp bằng được và nói lời cảm ơn xong mới về”. Thế là sáng 30 Tết, hai bố con lọc cọc đạp xe đèo nhau từ Thạch Thất sang Hà Nội để gặp người cán bộ Công an tốt bụng.
Đến không gặp được anh Huy, hai bố con bảo nhau phải đợi gặp bằng được mới về. Trong túi không có tiền, hai bố con chẳng dám vào quán ngồi nên cứ ra chỗ tán cây trước cổng trụ sở Công an để đứng đợi. Trưa rồi đến chiều muộn, trong khi mọi người cứ ào ào qua lại trong chiều cuối năm, thì hai bố con người thanh niên vẫn cứ kiên định phải chờ bằng được “cán bộ Huy”.
Giây phút giao thừa qua đi hơn một tiếng, đến khi nhìn thấy bóng dáng “cán bộ Huy”, lúc đó hai bố con như quên hết đói rét, mệt mỏi và đứng bật dậy để gọi anh. Sau một hồi chuyện trò, người bố của cậu thanh niên lấy từ trong chiếc túi vải đem theo người ra một túi chè nhỏ và 2 bao thuốc lá Thăng Long. Ông nói giọng rất xúc động: “Mong cán bộ nhận món quà cảm ơn chân tình của gia đình chúng tôi và nhận những lời chúc tốt đẹp nhất của gia đình chúng tôi đến cán bộ. Thứ hai nữa, tôi muốn gửi lại số tiền cán bộ đã cho con tôi trước khi nó được về nhà. Cán bộ đã cho gia đình tôi quá nhiều rồi, số tiền này bố con tôi xin gửi lại cán bộ”. Rồi ông cẩn thận rút trong túi áo ra tờ 200.000 ngàn mới tinh, tay run run đưa cho anh Huy.
Lúc ấy, anh Huy mới nói: “Hai bố con bác vất vả rồi, giờ về thôi không thì muộn quá. Chuyện có gì đâu mà phải vất vả thế này, đó là công việc của chúng cháu, cháu đi tìm sự thật của vụ án chứ chẳng phải làm vì cá nhân ai. Ra giêng ngày rộng tháng dài, lúc ấy gặp cháu cũng được mà”. Người cha già lại nói đỡ con: “Tôi nghĩ nợ một lời cảm ơn, một tấm lòng chân tình thì không thể chần chừ được”.
Thấy hai bố con người thanh niên quá nhiệt tình, anh Huy liền bảo: “Thôi thì thế này, cháu xin nhận lạng chè và 2 bao thuốc, còn số tiền kia cháu mừng tuổi cho cháu bé mới sinh. Chúc cháu hay ăn, chóng lớn, chúc gia đình năm mới khỏe mạnh, bình yên”. Bố con người thanh niên khi thấy anh nói vậy thì cứ nắm chặt lấy đôi bàn tay anh mà không nói nên lời. Phải mất một lúc sau họ mới buông tay anh để ra về…
Khi bóng hai bố con người thanh niên hòa lẫn vào bóng đêm thì cũng là lúc kim đồng hồ chỉ 2 rưỡi sáng mùng 1 Tết. Ngoài kia bóng tối vẫn đen đặc, nhưng trong đêm đen mịt mùng ấy anh Huy vẫn thấy có những ánh đèn sáng và vô vàn sắc pháo bông lấp lóa trên bầu trời soi sáng đường anh về. Tết đã đến rồi…