Những ngày đông rét mướt, thao trường của Trường Trung cấp Cảnh sát vũ trang ở thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội vẫn đầy đủ học viên tập luyện. Nữ giáo viên võ thuật cột tóc đuôi gà đi giữa hàng quân. Giữa “rừng” đàn ông luyện võ, một giáo viên liễu yếu đào tơ lại có ảnh hưởng mạnh mẽ tới từng động tác rắn rỏi, dứt khoát. Thiếu úy Nguyễn Thị Hà làm mẫu kỹ thuật võ cơ bản với động tác đá thẳng, đấm thẳng rồi đi xuống hàng hướng dẫn cụ thể. Học viên nào động tác chưa chuẩn, chưa đủ lực, độ dứt khoát đều được cô chỉnh tại chỗ. Lớp học có đủ lứa tuổi (gồm cả học viên trẻ và học viên là cán bộ đi học), nhiều người hơn cô giáo tới gần chục tuổi, nhưng tất cả đều răm rắp làm theo sự chỉ huy của cô giáo trẻ đúng quân lệnh.
Trên thao trường, Thiếu úy Nguyễn Thị Hà rắn rỏi là thế. Vậy mà khi trò chuyện, tâm sự với phóng viên, cô lại rụt rè đến lạ. Hà có nét mảnh mai, nhẹ nhàng, đôi mắt đẹp đầy ấn tượng. Thế mà, khi đứng trước các học trò đều là phái mạnh, cô thể hiện đúng “chất” và cái uy của một giáo viên võ thuật.
Cơ duyên nào đưa Hà đến với những người lính Cảnh sát vũ trang? - Tôi hỏi. Hà cho biết, cô sinh năm 1985, từng là kiện tướng wushu, đoạt Huy chương vàng quốc gia năm 2004 và tham gia đội tuyển wushu Việt Nam. Sau khi kết thúc sự nghiệp thể thao đỉnh cao, cô vào Trường Đại học Thể dục thể thao năm 2008 với chuyên ngành võ karate. Hà đã có tiếng với bộ sưu tập huy chương khá ấn tượng: Huy chương vàng wushu biểu diễn, Giải vô địch toàn quốc năm 2004, Huy chương bạc, Huy chương đồng giải trẻ vô địch toàn quốc… Hà mới chính thức vào làm giáo viên võ thuật của trường gần một năm nay. Dù thời gian ngắn nhưng cô cũng đã vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu và vững vàng trong giờ lên lớp. Hết giờ làm việc, Hà trở về với tổ ấm của mình trong gian nhà nhỏ thuê gần trường. Hà sinh ra và lớn lên ở xã Thanh Bình, huyện Chương Mỹ, chồng là kỹ sư nông nghiệp. Anh hay đi công tác xa nên nhiều khi căn phòng trọ chỉ có Hà và cô con gái nhỏ mới hơn 2 tuổi. Hằng ngày, Hà phải sắp xếp công việc, đưa con đi học lúc 7h, có mặt tại trường lúc 7h15, chiều đón con về sau giờ tan lớp.
Tôi hỏi Hà về cách nhìn của mọi người đối với công việc không dành cho phụ nữ bằng câu nói cửa miệng của nhiều người: “Con gái có võ ghê gớm lắm, hơi tí là thượng cẳng chân hạ cẳng tay”. Hà tủm tỉm cười: “Chồng em không hiểu nhiều công việc của vợ nên để chồng thông cảm với mình, em phải tâm sự nhiều với anh ấy để anh chia sẻ. Mẹ chồng em thấy con dâu vất vả cũng thông cảm và thương em hơn”. Con nhỏ, công việc đặc thù với kỷ luật cao nên Hà luôn cố gắng giải quyết hài hòa để tròn cả hai vai. Ổn định gia đình để yên tâm công tác là điều mà cô luôn tâm niệm.
Thao trường không phân biệt phái yếu
Trung úy Bùi Bích Vân – một trong hai nữ giáo viên võ thuật của trường vẫn giữ được nét hồn nhiên của tuổi trẻ khi tiếp xúc với chúng tôi. Lời nói và cử chỉ của Vân thể hiện rõ đặc trưng của nhà võ. Vân tâm sự: “Công tác ở đây, em có nhiều thời gian chơi võ, có điều kiện thể hiện niềm đam mê của mình”. Vân chơi được nhiều môn thể thao như: Cầu lông, bóng bàn, tennis, bóng chuyền, thậm chí là đá bóng… Tốt nghiệp Trường Đại học Thể dục thể thao năm 2009, Vân được nhận ngay vào công tác tại Trường Trung cấp Cảnh sát vũ trang. Hành trang mang theo của cô cũng có khá nhiều thành tích về môn thể thao cầu lông, đã từng vô địch cầu lông toàn lực lượng CAND. Vân kể, lúc đầu cô rất bỡ ngỡ với môi trường làm việc mới, từ nền nếp, quân lệnh, quy tắc… nên cũng bị áp lực. Dần dần, cô tự rèn mình vào khuôn khổ, kỷ luật của lực lượng Công an và tạo được cảm giác thoải mái khi thực hiện những quy định của trường và của lực lượng.
Nói về những khó khăn của một cô giáo trẻ dạy võ thuật trong trường Công an nhân dân, Vân không ngại ngần bày tỏ: “Nhiều học viên là cán bộ đi học, lớn hơn em tới gần chục tuổi nên đôi lúc họ cũng trêu đùa cô giáo. Em cũng đùa lại để tạo cảm giác gần gũi với học viên nhưng luôn giữ một giới hạn nhất định. Thậm chí, em cũng nhắc nhở khi có lời trêu đùa quá đà”.
Tôi gặp Vân vào những ngày cuối cùng của năm cũ. Vân cho biết: “Em mới lập gia đình hồi đầu năm. Sang năm vợ chồng em sẽ có em bé”. Niềm vui của cô giáo trẻ rạng ngời trong ánh mắt. Chồng Vân cũng là giáo viên dạy thể chất ở một trường Cảnh sát nên anh hiểu công việc của vợ. Tuy vậy, hai trường ở cách xa nhau, hai vợ chồng thuê nhà gần nơi làm việc của Vân. Mỗi tuần họ chỉ gặp nhau ngày nghỉ hoặc một ngày nào đó trong tuần. Mang bầu, Vân được làm công việc nhẹ nhàng hơn thay vì ra thao trường dạy võ thuật. Rồi Vân khẳng định: “Sinh con xong em sẽ làm quen trở lại với công việc, tập dần rồi sẽ ổn thôi”.
Làm công việc thông thường ít phụ nữ lựa chọn, hai cô giáo dạy võ thuật của Trường Trung cấp Cảnh sát vũ trang sẽ phải hy sinh nhiều hơn, cố gắng nhiều hơn trong công việc so với đồng nghiệp nam. Nhất là khi họ phải dành thời gian, tâm sức để xây dựng tổ ấm của mình song hành với công việc được giao. Trời nắng nóng hay rét mướt, họ vẫn đều đặn lên thao trường huyện võ cho học viên. Tuy vậy, Thiếu úy Hà và Trung úy Vân cũng bày tỏ sự cảm kích đối với những đồng nghiệp nam đã giúp đỡ họ trong những nội dung giảng dạy nặng đối với phụ nữ. Từ đó, hai nữ giáo viên rút kinh nghiệm cho mình để hoàn thiện chuyên môn hơn nữa. Tôi hỏi đồng nghiệp nam của hai nữ giáo viên và nhận được lời nhận xét đầy thiện cảm “chuyên môn tốt, nhiệt tình”.
Thượng tá Nguyễn Quốc Bồi, Trưởng Phòng Xây dựng lực lượng của trường cũng đánh giá: “Nữ giáo viên làm việc trong môi trường võ thuật phải chịu nhiều thiệt thòi hơn nam giới về sức lực, thể lực và thời gian. Theo quy định, nữ giáo viên cũng không được ưu tiên hơn trong công tác. Sự cố gắng của các cô thật đáng ghi nhận”. Bộ môn Võ thuật Thể dục thể thao là một trong 8 bộ môn của trường. Vân và Hà là hai nữ giáo viên trong tổng số 30 giáo viên của Bộ môn Võ thuật Thể dục thể thao.
Đi giữa ngôi trường Cảnh sát đặc nhiệm khi không khí Tết đang đến gần, tôi thấy cảm phục tấm lòng và sự nỗ lực của các thầy cô nơi đây vì các thế hệ học viên.
Cả thầy và trò Trường Trung cấp Cảnh sát vũ trang các chuyên ngành đều phải khổ luyện để cho ra “lò” những thế hệ lính đặc nhiệm, thực thi những nhiệm vụ đặc biệt như giải cứu con tin, chống khủng bố, hỗ trợ phá các tổ chức tội phạm… Công việc không cho phép họ được ngơi nghỉ. Mỗi sáng thức dậy là bắt đầu một ngày học tập, rèn luyện. Hai nữ giáo viên trẻ của trường cũng đã hòa mình vào môi trường ấy để nỗ lực phấn đấu không ngừng, với mục tiêu cao cả vì bình yên cuộc sống