Hướng dẫn tôi tận mắt nơi nuôi nhốt hàng trăm con rắn hổ mang chúa - được xem là “con cưng” của trại, có con từng thọ gần 20 năm, cân nặng trên 17kg, Trung tá, BS Vũ Ngọc Lương - Phó Giám đốc Trại, bất ngờ cho biết người ta thường chỉ biết nọc rắn độc nhưng ít khi biết nó độc đến mức 1 gam thôi đủ giết chết 166 người.
Lạ một điều là hiện mỗi năm Trại này lấy được lượng nọc độc khoảng 30gam để dùng vào mục đích cứu người với số lượng lên đến hơn 1.000 ca/năm. Và trình độ, kinh nghiệm cứu người ở tập thể Anh hùng này có khi đã đạt kỷ lục… thế giới.
Khoa cấp cứu điều trị rắn độc cắn của Trại rắn Đồng Tâm (thuộc Cục Hậu cần, QK9) được gọi là bệnh viện đặc biệt. Năm 2003, khi đến thăm, thấy tình cảnh của bà con nghèo bị rắn độc cắn đáng thương quá, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh đề nghị phải đầu tư xây dựng cơ sở cho bà con nằm điều trị.
Thế là dự án bệnh viện 20 giường cùng 1 xưởng sản xuất thuốc tiêu chuẩn WHO có tổng giá trị đầu tư 5,7 tỷ đồng ra đời và được triển khai. Cuối năm 2005, dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng. Toàn bộ kinh phí do Công ty TNHH Him Lam tài trợ. Điều đặc biệt khác là đội ngũ y, bác sỹ nơi đây gỏn gọn đếm chưa hết đầu ngón tay và đều là bộ đội Cụ Hồ.
Đội ngũ mỏng đến thế nhưng theo lời BS Lương, trước khi được đầu tư, xây dựng phòng ốc, trang thiết bị nghiêm túc như hiện tại, trung bình mỗi năm, các anh khám, điều trị 400 - 600 ca bị rắn độc cắn. Và con số đã vượt lên trên 1.000 ca/năm trong khoảng 5 năm trở lại đây.
“Hơn mười năm nay, người dân bị rắn độc cắn hễ không được đưa kịp thời đến đây thì thôi, đến là được cứu sống. Nhiều người đã bị… thầy lang miệt vườn chạy, hoặc các bệnh viện khác đã… bó tay, chúng tôi vẫn cứu sống” - BS Lương tự hào.
BS Hoàng Văn Hoan kể với PV rằng, hầu hết bệnh nhân đều là nông dân nghèo, vì lo chén cơm, manh áo cho cả gia đình mà phải tần tảo, thức khuya, dậy sớm và gặp chuyện chẳng may. Như trường hợp của anh Chín Nhỏ, ở xã cù lao Ngũ Hiệp, bị rắn cắn khi anh đang đi đặt lọp ngoài đồng. Ở xã Long Khánh và Mỹ Long (đều cùng huyện Cai Lậy, Tiền Giang) từng có 2 nông dân bị rắn cắn khi đang bắt cua, soi ếch, cá,…
Hầu hết nạn nhân nhập viện đều trong tình trạng đặc biệt nguy kịch. Có 60% nạn nhân trước khi đến đây đều nhờ thầy lang chữa trị. Việc điều trị của thầy lang thường bằng những bài thuốc gia truyền và chỉ dùng 1 bài thuốc để trị cho tất cả nạn nhân bị nhiều loài rắn khác nhau cắn, thiên về khả năng may rủi. Khi nạn nhân có biểu hiện nặng như tăng tiết đờm dãi, suy hô hấp, trụy tim mạch, ngừng thở,… hầu như các thầy lang đành bó tay.
Khoa cấp cứu, chữa trị rắn độc cắn của Trại rắn Đồng Tâm. |
“Có nhiều trường hợp khi đến đây, các anh phải lo giải độc do “thuốc” mà thầy lang cho uống rồi mới lo phần rắn cắn” - BS Lương kể thêm. Trong cái nghiệp cứu người của mình, những thầy thuốc mang quân hàm, gắn bó lâu năm ở đơn vị này từng đối mặt với hàng ngàn trường hợp hết sức hiểm nghèo, tưởng rằng không… “qua khỏi”.
Cách nay chẳng bao lâu, có bé trai mới 18 tháng tuổi, quê ở huyện vùng sâu Tân Phước (Tiền Giang) đã bị rắn độc cắn tại mu bàn tay, đưa đến đây đã trào đườm. Một bé gái 22 tháng tuổi quê Đồng Nai được Bệnh viện Nhi đồng I chuyển xuống trong tình trạng xuất huyết toàn thân. Một trường hợp bé gái 7 tuổi do Bệnh viện YHDT Trần Văn An (Bến Tre) chuyển sang. Người thân của bé khi xuất viện vẫn không thể tin vào trường hợp con em mình nguy kịch đến mức mạch, huyết áp tuột xuống không, thế mà được các y, bác sĩ của Trại rắn cứu sống.
Cạnh đó là rất nhiều trường hợp bị rắn cắn hết sức hy hữu. Chị Võ Thị N., 28 tuổi, nhà ở huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) kể, khi đi bắt ếch, chị đã bị rắn cắn ở tay. Khi vào cấp cứu, chị khóc hết nước mắt, phần sợ chết, phần lo cho thai nhi trong bụng. Nhưng rồi mọi chuyện vẫn tốt đẹp. Khi sinh con xong, chị điện lên cho bác sĩ Hoan báo tin mừng, rằng mẹ tròn, con vuông và xin bác sĩ nhận làm cha nuôi cho đứa bé.
Trường hợp hy hữu khác là trong lúc ngủ, cả 2 mẹ con chị Nguyễn Thị Hồng Nga, nhà ở xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc (Bến Tre) đều bị rắn lục đầu vồ cắn. Chị bị cắn ở ngón chân trái, con gái mới 17 tháng tuổi bị ở kheo chân trái. Có trường hợp cùng 1 gia đình nhưng có đến 3 người bị rắn độc cắn vào 3 thời điểm khác nhau. Ở cù lao Thới Sơn (Tiền Giang), một phụ nữ trẻ chẳng may bị rắn độc cắn vào chỗ kín khi đang đi tiểu vào ban đêm…
Trường hợp hy hữu nhất có thể kể là Trần Phước Minh, nhà ở huyện Định Quán (Đồng Nai). Anh nhập viện lúc nửa đêm. Sau 5 ngày điều trị, anh đã qua cơn nguy kịch thì bỗng kêu la đau đớn dữ dội. Sau khi kiểm tra, anh được đưa qua Quân y viện 120 để “xử” cái ruột thừa, rồi trở về Trại tiếp tục điều trị rắn cắn. Các bác sĩ cho biết, mỗi ca rắn độc cắn tùy theo mức độ mà có khi chỉ điều trị 2 tuần, nhưng cũng có khi kéo dài đến vài ba tháng; kinh phí có khi lên đến vài chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng.
Do xác định hầu hết bệnh nhân bị rắn cắn đều là người nghèo nên từ nhiều năm nay, Khoa cấp cứu chỉ thu tiền thuốc (do đơn vị phải mua), còn lại tiền viện phí, chăm sóc, điều trị, chi phí vá, ghép da (có khi rộng 2% tổng diện tích da - PV) bệnh nhân không phải trả khoản tiền nào khác cả.
Ngay tại đại sảnh của khoa, chúng tôi đã gặp dòng thông báo mang đậm dấu ấn nhân đạo này. Tận mắt chứng kiến các bác sĩ vất vả khi cấp cứu những ca nguy kịch, bị hoại tử, mới hiểu thêm được tấm lòng của họ. Với người dân Bình Đức, có rất nhiều trường hợp không phải rắn cắn cũng chạy vào đây cấp cứu và được các thầy thuốc mang quân hàm tận tình cứu chữa.
Để có được bầy rắn với số lượng khủng với khoảng 40 loại (riêng hổ mây hiện có hơn 150 con, hổ đất trên 400 con đang cho nọc tốt), các thế hệ cán bộ từ lãnh đạo đến nhân viên của Trại đã rất dày công sưu tầm, nghiên cứu cách nuôi nấng khoa học nhất. Ngoài số có xuất xứ từ Campuchia do lực lượng chức năng tịch thu lại từ những đối tượng chuyên săn bắt, mua bán động vật hoang dã xuyên biên giới, có không ít con được người dân hoặc anh em vất vả thu phục về từ rừng U Minh (Cà Mau), Thất Sơn (An Giang)…
Anh Nguyễn Hữu Viên - Tổ kỹ thuật chăm sóc rắn, đang “trò chuyện” với một con rắn hổ mang. |
Đứng trong khuôn viên Trại rộng gần 20ha với tài sản là nhiều loại rắn độc đặc biệt quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam (như rắn hổ mang, tức hổ đất; hổ mang chúa, tức hổ mây, cạp nong, cạp nia, hổ mèo, lục đầu vồ,…), cũng là điểm đến của du khách trong và ngoài nước (trung bình mỗi năm đón 130.000 lượt), tôi chẳng thể nào ngờ rằng, xuất phát điểm ban đầu của Trại chỉ là 5.000m2 đất toàn là sậy đế, dây kẽm gai, trái nổ còn sót lại sau chiến tranh, tài sản chỉ có 17 con trăn, rắn và một số cây thuốc, hoạt động chẳng theo một mô hình nào có sẵn,... và đặc biệt thiếu nguồn nhân lực chuyên môn trầm trọng.
Sau 35 năm được thành lập, Trại rắn Đồng Tâm - đơn vị được tuyên dương Anh hùng Lao động vẫn đứng ở vị trí số 1 của khu vực Đông Nam Á về quy mô nuôi trồng, nghiên cứu, chế biến dược liệu và điều trị rắn độc cắn.
“Tất cả là do tinh thần lao động nghiêm túc, sáng tạo, say nghề và đặc biệt là luôn đặt tính mạng của người dân lên trên hết” - tôi nhớ mãi lời bộc bạch của Đại tá Danh Sinh – nguyên Giám đốc Trại, trong một lần trải lòng với tôi.