Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201211/23970-chuyen-doi-bam-dap-cua-nu-tiep-vien-xuyen-quoc-gia-394386/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201211/23970-chuyen-doi-bam-dap-cua-nu-tiep-vien-xuyen-quoc-gia-394386/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Chuyện đời bầm dập của nữ tiếp viên xuyên quốc gia - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 06/11/2012, 10:48 [GMT+7]
23970

Chuyện đời bầm dập của nữ tiếp viên xuyên quốc gia

Tuyết nói tên đầy đủ của mình là Nguyễn Thị Ánh Tuyết: "Khi đặt tên cho em, lúc đầu ba má định lót chữ Bạch với suy nghĩ cái tên Bạch Tuyết hàm chứa sự trong trắng. Nhưng rồi đến phút cuối, ba má đổi Bạch thành Ánh vì cho rằng thường thì những người tên Bạch Tuyết có phận đời lận đận long đong. Ánh Tuyết có nghĩa đời em sẽ như ánh sáng, chỉ có hạnh phúc, tiến lên. Ai ngờ..!".

Tuyết bỏ lửng tâm sự với ánh mắt trĩu buồn. Có lẽ Tuyết buồn vì có quá nhiều lát cắt số phận ở cái tuổi chưa quá 20 của mình khi một nách nuôi hai con nhỏ, chồng vào tù, cha mẹ đường ai nấy bước… Hay Tuyết âu lo tòa sẽ bác kháng cáo của mình, nghĩa là sẽ tuyên y bản án sơ thẩm, để rồi cái viễn cảnh khi con được đúng 3 tuổi, Tuyết sẽ phải khăn gói vào trại giam chấp hành án với lòng dạ rối bời vì chẳng biết mình vào tù thì 2 đứa nhỏ sẽ ra sao?!

Lâu lắm rồi TAND tối cao tại Tp HCM mới gặp  vụ án mà các thành viên Hội đồng xét xử (HĐXX) ai nấy đều thoáng lộ chút nao lòng trước cái dáng u sầu và những giọt nước mắt nóng hổi lăn trên gương mặt héo hon của nữ bị cáo đứng trước vành móng ngựa, người ấy chính là Tuyết. Ở tuổi 20, giờ này nhiều cô gái đồng trang phải lứa như Tuyết còn đang ngồi trên ghế giảng đường, đang ăm ắp trong mình nhiều hoài bão, ước mơ. Đằng này với Tuyết, phía trước chỉ là màn mây xám xịt.

Xét xử vụ kháng cáo của Nguyễn Thị Ánh Tuyết vào sáng 11/10, các thành viên trong HĐXX ai cũng đáng bậc cha chú của Tuyết, có lẽ vì thương hoàn cảnh éo le, bầm dập của nữ bị cáo vóc người nhỏ nhắn đáng tuổi con cháu mình lần đầu vi phạm tội danh không mấy nghiêm trọng nên hỏi chuyện nhẹ nhàng hơn vụ xét xử trước đó, vụ một bị cáo can tội giết người…

Nếu đi sâu mổ xẻ, có lẽ chuyện đời của Tuyết khi rơi vào tay nhà biên kịch nào ấy chắc hẳn sẽ được "chẻ" thành nhiều trường đoạn  mà đoạn nào cũng chốt lại ở nút thắt éo le, trắc trở, tràn ngập nỗi buồn của một cô gái sinh sống trong một gia đình chẳng thể gọi là tổ  ấm bởi cha mẹ Tuyết đã chia tay, ai cũng lo đi tìm hạnh phúc riêng cho mình, để rồi Tuyết là con chung, là giọt máu đào của tình yêu ngày trước nay bỗng dưng trở thành “của nợ”. Tuyết nói "ngày trước em học giỏi lắm, nhưng rồi chuyện ba má bỏ nhau, em buồn, em chán, em bỏ học, đời em bầm dập, trôi dạt từ đó!".

Hành trình bèo dạt mây trôi…

Nguyễn Thị Ánh Tuyết khi nghe tòa tuyên án.

Đang học lớp 8, Tuyết vì buồn chuyện gia đình nên nghỉ ngang. Bỏ học, em quăng mình vào dòng chảy cuồn cuộn lắm quyến rũ lẫn tai ương để rồi bùng cháy ước mơ xuất ngoại, "xuất" sang Singapore như những chị em bạn bè trong xóm, họ sang bên ấy làm tiếp viên và được rất nhiều tiền. "Em sống trong cái cảnh túng quẫn buồn bực nên muốn thoát ra và cái viễn cảnh xuất ngoại làm tiếp viên với em khi ấy là cứu cánh. Làm tiếp viên hay làm gì cũng được, lúc bấy giờ em chỉ có mỗi khao khát là phải làm gì đó để thay đổi thực tại. Ngặt nỗi khi đó em chưa đủ tiêu chuẩn để làm hộ chiếu. Lúc được một cán bộ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh bảo về nhà đợi cho đủ tuổi rồi đến làm, em chưng hửng, em buồn lắm, trời ơi, em sợ sự chờ đợi, bởi một ngày với em trôi qua là một ngày đong đầy nỗi buồn và bất trắc, chẳng biết mình sa ngã, vướng lụy lúc nào".

Không chịu bỏ cuộc, Tuyết khi ấy chỉ là cô bé mới bước sang tuổi 16 tìm gặp nhiều người đã từng xuất ngoại làm tiếp viên hỏi thăm đường đi nước bước và được một phụ nữ tên Lan nghe đâu rất nhiều lần mang thân đi bán xứ người nhiệt tình chỉ dẫn. Theo "cẩm nang bí kíp" của Lan, vào tháng 12/2009, Tuyết lấy trộm CMND của một người quen tên Văn Thị Ngọc Kim (21 tuổi) rồi chủ động liên lạc với người đàn ông tên Cảnh được Lan giới thiệu (Cơ quan điều tra chưa xác định được nhân thân của Cảnh và Lan) là "chuyên gia" trong lĩnh vực làm giấy tờ xuất ngoại. Gặp Cảnh, Tuyết đưa hình của mình và CMND của Kim để làm hộ chiếu.

Chẳng biết Cảnh phù phép ra sao mà chỉ trong vòng 2 tuần, chính xác là ngày 24/12/2009, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã cấp hộ chiếu tên Kim cho Tuyết. Có được hộ chiếu, tháng 7/2010, Tuyết hăm hở ra sân bay Tân Sơn Nhất xuất ngoại với hoài bão phát tài phát lộc ở vùng đất được giới chị em má phấn môi son xem như thể… thiên đường!

Chuyện kiều nữ xuất ngoại sang Singapore để làm tiếp viên các quán bar, vũ trường qua con đường du lịch hay hợp tác lao động diễn tiến lâu nay. Rất nhiều người trong số họ khi chúng tôi tiếp xúc tại các trường giáo dưỡng vì bị bắt trong các đường dây mua bán dâm đều thẳng thắn thừa nhận mình sang ấy tiếng làm tiếp viên nhưng thực ra là "đi khách", nghĩa là chấp nhận cho người ta dày vò thân xác để được tiền, chuyện chỉ đơn giản thế thôi. Và khi thời hạn đã hết, thay vì phải về nước thì nhiều chị em trốn ở lại Singapore, sống lén lút trôi nổi cho đến khi nào bị cảnh sát bắt phạt và trục xuất về nước mới thôi!

Tuyết thổ lộ mình không thuộc nhóm ấy. Tuyết nói Tuyết sang bên ấy dưới hình thức du lịch 1 tháng và chỉ làm những việc bưng bê, tiếp chuyện khách và nhận tiền boa. Về điều này, có lẽ Tuyết ngại nên không nói thật nói sâu, chứ có cô gái nào bất chấp luật pháp, sẵn sàng gian dối, quyết xuất cảnh cho bằng được chỉ để làm cái nghề bưng bê đơn thuần ở nơi được xác định là loại hình kinh doanh nhạy cảm.

Tuyết thổ lộ, mới ở 2 tuần đã cám cảnh, đã muốn trở về Việt Nam càng nhanh càng tốt: "Nơi xứ lạ quê người, họ nói chuyện, giao tiếp bằng tiếng Anh, còn em một chữ bẻ đôi cũng không biết. Vì không biết nói chuyện và lạ nước lạ cái nên em cứ ngồi như tượng, khách vào bar đâu biết nói gì với em, nên em ít khách, tiền boa èo uột… Càng như thế em thấy xã hội bên ấy nó ngột ngạt, nên em mong ngày về càng sớm càng tốt".

Trót lỡ nhúng chàm 

Sau 1 tháng visa hết hạn, Tuyết về lại Việt Nam chẳng chút do dự, đắn đo bởi cảm thấy cuộc sống ở "quốc đảo sư tử" ngột ngạt chẳng khác gì cuộc sống mà Tuyết từng cám cảnh. Bi kịch tù tội của Tuyết bắt đầu từ đây, cái lần Tuyết quyết định từ "thiên đường" trở về điểm xuất phát!

Hồ sơ bản án ghi rõ khúc ngoặt cuộc đời này của Tuyết: "Tháng 7/2010, Nguyễn Thị Ánh Tuyết xuất cảnh sang Singapore làm thuê và quá trình ở Singapore bị cáo thuê nhà ở chung với Cao Thị Mỹ Mai. Khoảng 5h ngày 15/9/2010, bị cáo chuẩn bị ra sân bay để về Việt Nam thì phát hiện trên đầu giường của chị Mai có một túi xách, bên trong có 1.500 đôla Singapore (tương đương 36.222.500 VNĐ), một đồng hồ hiệu Fendi trị giá 6 triệu đồng và một số giấy tờ, vật dụng cá nhân.

Lợi dụng lúc mọi người đang ngủ Tuyết đã chiếm đoạt túi xách của chị Mai và về Việt Nam. Chị Mai thức dậy phát hiện mất túi xách nên điện thoại về nhờ người thân tại Việt Nam ra sân bay Tân Sơn Nhất đón Tuyết để đòi lại tài sản. Khi Tuyết vừa ra khỏi sân bay thì bị chị Cao Thị Mỹ Linh là chị của chị Mai chặn lại và Tuyết bị lực lượng an ninh sân bay bắt giữ".

Trong đơn kháng cáo, Tuyết ghi rành rọt. Tuyết ghi rằng tháng 9/2010, khi vừa tròn 18 tuổi, phần do thiếu hiểu biết, phần do không ai lo lắng chăm sóc nên khi đi làm bơ vơ tại Singapore, với ước mong được trở về nước vì quá nhớ nhà, nhưng do không có tiền về nước nên Tuyết… làm liều: "Khi đó tôi thấy tiền của chị Mai để hớ hênh. Sự thôi thúc nôn nóng được trở về Việt Nam đã dẫn đưa tôi vào con đường phạm tội".

Với lý do được phía bị hại bãi nại, lần đầu vi phạm, thành khẩn khai báo, hoàn cảnh gia đình khó khăn khi phải đang nuôi 2 con nhỏ, chồng ở tù, cha mẹ đường ai nấy đi…, Tuyết cầu xin HĐXX xem xét giảm án cho  mình. Lúc chờ tòa nghị án, Tuyết cúi gằm mặt, ánh mắt buồn rười rượi. Hỏi chồng đâu, Tuyết nước mắt lưng tròng bảo "đi tù" vì tội cướp giật. Chồng Tuyết là Văn Tấn Thái. "Hai đứa tụi em quen biết nhau vào năm 2008 và tự đến ở với nhau, chẳng có cưới hỏi và cũng chẳng làm hôn thú. Năm 2009, em sinh cháu đầu lòng. Một năm sau thì em gửi con cho người quen để xuất cảnh, cứ tưởng qua bển sẽ làm ăn khấm khá, ai ngờ!" - Tuyết bộc bạch!

Có nên trách Tuyết khi bi kịch hiện tại cũng từ Tuyết mà ra. Bởi nếu Tuyết không nghỉ học, nếu Tuyết không sớm trở thành đàn bà rồi mang nặng đẻ đau và ngùn ngụt cái ước vọng xuất ngoại thì có đâu cái ngày hôm nay. "Lúc bị bắt tại sân bay, do em có con nhỏ nên Cơ quan điều tra cho tại ngoại. Rồi khi tòa sơ thẩm tuyên án em 1 năm tù giam, án tuyên xong em cũng được cho tại ngoại vì con còn nhỏ. Trong năm 2012, em sinh thêm bé nữa. Đó là lúc chồng em nó đi tù…".

Tuyết khẳng định mình sinh đứa con thứ hai chỉ đơn giản là chuyện mẹ sinh con, không có chuyện cố sinh để trì hoãn việc thi hành án hay để HĐXX cấp phúc thẩm thương tình mà giảm án. “Nay nếu tòa không giảm án thì em cũng chấp nhận tâm lý cho tình huống xấu nhất. Chỉ buồn một nỗi khi bé thứ 2 được 3 tuổi, khi ấy em chẳng biết gửi con cho ai để thi hành án. Ba mẹ em ai cũng có gia đình riêng, phía gia đình chồng em thì chẳng mong đợi được gì bởi hồi lấy nhau tụi em đâu có hôn thú mà buộc họ phải gánh trách nhiệm…".

Tuyết bỏ lửng câu nói với tiếng thở dài thườn thượt. Lúc này chuông reo, sau thời gian nghị án, HĐXX thông báo chấp nhận đơn kháng cáo của Tuyết xin giảm án và tuyên án Tuyết 6 tháng tù giam. Phiên tòa khép  lại, Tuyết mừng mừng tủi tủi rồi lầm lũi rời khỏi phòng xử với ánh mắt đỏ hoe. Chẳng biết Tuyết khóc vì mừng, hay vì buồn thân tủi phận, bởi khoảng cách giữa 6 tháng với 1 năm nào có quá xa.

Tin rằng với bản năng làm mẹ, dẫu là người mẹ có quá khứ nhúng chàm song những người có mặt, chứng kiến những giọt nước mắt hối hận của Tuyết, ai cũng tin cô đang quyết tâm làm lại cuộc đời.


ANTG
.