Những cung đường dẫn đến miền đất cổ
Từ Cù Lao Phố, Biên Hòa, chúng tôi xuôi theo quốc lộ 13 đến Lái Thiêu, Bến Cát rồi dừng chân ở huyện Chơn Thành. Chơn Thành - một cái tên nghe rặt Nam Bộ. Người miền Nam cổ, không biết vì lý do gì thường hay né thuật ngữ có âm tự ơn phía sau, ví dụ như chân đọc là chơn, nhân đọc là nhơn. Chơn Thành nay thuộc tỉnh Bình Phước, là một địa danh quan trọng về mặt địa lý đối với miền Đông Nam Bộ. Với diện tích 390km2, phía Bắc là đất đỏ, phía Nam là đất xám bạc, Chơn Thành hội tụ được thổ nhưỡng kép, theo các nhà địa lý, những nơi như thế thường là vùng địa linh.
Theo truyền thuyết, vào đầu thế kỷ thứ 19, chúa Nguyễn Phúc Ánh đã cát cứ vùng đất này để tiến về tấn công thành Gia Định nhưng bị quân Tây Sơn bao vây, ông thoát được nhờ bà con địa phương giúp đỡ bảo vệ. Vì vậy, sau này lên ngôi, vua Gia Long nhớ thuở hàn vi của mình nên đặt tên là Chân Thành như để trả ơn.
Rồi vào những năm 60 và 70 của thế kỷ 20, Chơn Thành là nơi đặt tổng hành dinh một sư đoàn của chế độ cũ và một đại bản doanh sư đoàn kỵ binh của đội quân viễn chinh khác. Sau ngày đất nước thống nhất tại đây cũng là điểm giao thương của hai quốc lộ 13 và 14.
Sông Đạ Đờn trước thánh địa. |
Vào đầu thập niên 70 của thế kỷ trước huyện lỵ này dân cư thưa thớt, nhưng bạt ngàn cỏ Mỹ, vào mùa khô loại cỏ rãi hạt từ máy bay này chuyển màu nâu sạm đến nhức mắt, chỉ cần một que diêm là cả vùng chìm trong biển lửa, và cứ thế cỏ tái sinh như dòng đời của một bộ tộc không có văn tự. Bây giờ Chơn Thành trở nên giàu có nhờ các loại cây công nghiệp như cao su và điều, đã có ba khu công nghiệp lớn mọc lên trên vùng đất đầy cỏ Mỹ này.
Tại Chơn Thành, chúng tôi rẽ sang quốc lộ 14, con đường chiến lược ở phía Tây Tổ quốc dài 890km bắt đầu từ đây và kết thúc tại cầu Đakrông thuộc tỉnh Quảng Trị, đây là quốc lộ có chiều dài thứ hai đứng sau quốc lộ 1. Dọc theo đường 14 là những cánh rừng cao su bạt ngàn, chúng tôi vượt qua những nơi đông đúc dân cư, những khu công nghiệp rồi dừng chân ở ngã ba Sao Bọng thuộc huyện Bù Đăng, Bình Phước. Địa bàn huyện này phần lớn diện tích nằm trong vườn quốc gia Cát Tiên được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Bù Đăng là quê hương của sóc Bom Bo, một thời được nhắc đến nhiều nhờ bài hát đi cùng năm tháng của cố nhạc sĩ Xuân Hồng. Bài hát được minh họa thêm vũ điệu của các sơn nữ Stiêng giã gạo suốt đêm với những ngọn đuốc bập bùng để kịp thời mang ra tuyến lửa. Âm điệu và nội dung của bài gần như đánh thức cả nước cũng như bạn bè quốc tế về cuộc chiến tranh nhân dân của Việt Nam.
Bù Đăng bây giờ là vương quốc của hồ tiêu và những rừng điều bạt ngàn. Tại ngã ba Sao Bọng thuộc xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng có đường rẽ phải, đó là con đường độc đạo nối liền Bình Phước - Lâm Đồng và cũng là con đường dẫn vào vùng thánh địa. Sao Bọng là tên của một cây sao bị hư phần lõi nhưng cây vẫn đứng sừng sững ở ngã ba nên gọi là ngã ba Sao Bọng. Cây sao bây giờ không còn nữa, nhưng người ta vẫn dùng tên của nó đặt cho khu vực này.
Các tấm cửa đá. |
Dân cư sống tại đây nguồn thu nhập chính là cao su, hồ tiêu và điều lộn hột. Khi chúng tôi đến đang là mùa thu hoạch điều. Điều là loại cây công nghiệp có giá trị xuất khẩu cao nhưng chỉ lấy hột không sử dụng quả. Tại các vườn điều, những quả chín màu vàng tươi hay màu đỏ bầm rụng xuống nằm lăn lóc dưới đất, chẳng ai buồn nhặt. Chúng tôi cảm thấy xót, rồi tự hỏi tại sau các nhà khoa học, những tiến sĩ về nông học không tìm cách chế biến quả điều chín mọng ngọt lừ mang mùi hương tươi nguyên này ra một loại thương phẩm nước uống khác, vì số lượng quả chín chiếm gần 98% giá trị hàng hóa của điều.
Chuyện ở cửa rừng vào thánh địa
Tại quán cà phê ở ngã Sao Bọng, lúc chúng tôi mở bản đồ xác định chiều dài con đường để tìm vào di tích Cát Tiên, một người đàn ông tự mình mang ly cà phê sang bàn chúng tôi chào hỏi và góp chuyện. Ông ta tự giới thiệu tên là Năm Hoành. Ông Hoành trên 50 tuổi, vóc người cao lớn, râu tóc dài, da ngăm đen với đôi mắt sâu kỳ bí như người rừng ở triền núi Hymalaya. Sau khi tự giới thiệu đôi nét về mình, ông Hoành kể cho chúng tôi nghe chuyện dài nhiều tập về Cát Tiên bằng âm sắc của một mẫu người giang hồ từng trải đã đến giai đoạn “gác kiếm”.
Uống phần cà phê cuối cùng còn đọng ở đáy ly, ông từ tốn: “ Trong những lần có dịp ra quán nước ở ngã ba này, tôi được gặp nhiều người, họ là nhà văn, nhà báo, nhà khảo cổ hay những du khách tây ta vì tính tò mò tìm đến vùng Cát Tiên để tìm hiểu về thánh địa, nhưng phần đông họ chỉ đến đó để xem xét xin tài liệu ghi chép, chụp ảnh rồi hối hả ra về. Cuối cùng là những bản sao chép hay câu chuyện kể một chiều, người đọc chả thấy có điều gì mới xuất hiện.
Xin nói với các ông rằng, khu Cát Tiên nơi mà các ông sắp đến, chỉ là phần nổi của thánh địa. Tôi đã sống gần cả đời ở trong rừng để đãi vàng và truy tìm đền đài cổ tại 4 tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương và Lâm Đồng thuộc đầu nguồn sông Đạ Đờng.
Đường lên tháp. |
Tôi là người không được học nhiều như các ông, nhưng là người trực tiếp đào bới tìm vàng sa khoáng trong rừng, thời trai trẻ của tôi trải dài ở chốn rừng sâu nước độc, quanh năm ngủ dưới những bóng cây già nên gần như thuộc lòng những địa danh có đền đài và vàng sa khoáng, thỉnh thoảng làm người dẫn đường cho những ai có máu phiêu lưu mạo hiểm đánh bạc với niềm hy vọng. Nhưng những người tôi biết, hầu như không thấy ai trở nên giàu có, chưa nói là bỏ mạng ở giữa rừng.
Thực ra thánh địa Cát Tiên rất rộng có thể rộng hơn 719km2 của vườn quốc gia Cát Tiên, bắt đầu từ ngã ba sông Bé đến Phú Giáo ngược về Bù Đăng. Ở phía Tây Bắc Đồng Nai, tại phân trường 3 lâm trường Hiếu Liêm, phân trường 2 lâm trường Vĩnh An và phân trường Lý Lịch của lâm trường La Ngà còn đầy di vật của người xưa. Nhất là địa phận ở lâm trường Vĩnh An dọc theo suối Samat có khá nhiều ngôi đền cổ, mỗi ngôi đền đều nằm gọn trong lòng các ngọn đồi nhỏ mang hình bát úp cách nhau vài chục mét liên tục như cánh đồng Chum hạ Lào. Có ngôi đền nằm trong hang đá, khi chúng tôi mò vào lạnh buốt cả người, ở phía xa cách vài bước chân trong hốc đá xuất hiện vài cái đầu con trăn đất bằng nắm tay le lưỡi chực chờ.
Những đền đài nằm trong lòng đất tại các nơi tôi nói chỉ có tượng thần Siva bằng đá huyền vũ, kích thước bằng bắp tay con người, nặng khoảng 10 ký, thỉnh thoảng đào được vàng nhưng rất hy hữu. Những cổ vật mà chúng tôi nhặt được đã thay thông điệp của người xưa khẳng định rằng nơi đây từng là nơi của một vương quốc hoặc là lãnh địa tôn giáo của người xưa, đó là chuyện có thật.
Và cuối cùng như các ông đã thấy, những người từng đi săn tìm kho báu như chúng tôi sau này đều bị trả giá ở thời hậu vận. Tôi khuyên các ông khi đến thánh địa hãy dóng lên hồi chuông bảo tồn, nếu được hãy phục chế lại để tiền nhân và con cháu còn nhớ một thời cổ sử đã trải qua những năm tháng rêu phong hay sương gió bào mòn. Khi đến thánh địa, đừng lấy nhầm bất cứ cổ vật gì mang về để rồi phải trả giá vào cuối đời như tôi, hãy nhớ lời khuyên của một vị thánh nhân ngày trước đến bây giờ vẫn còn giá trị tươi nguyên là: Cái gì của César hãy trả lại cho César”.
Tượng Linga và Yony. |
Chúng tôi biết ông “người rừng” này nói thật, vì những thuật ngữ và phong cách diễn đạt mang phong cách của người có học, từng trải đã từng theo những canh bạc núi rừng của một thời trai trẻ. Ông lịch sự chào chúng tôi rồi lặng lẽ bỏ đi, để lại những tia mắt đầy lửa như thách thức. Nhìn dáng đi và cách nói đầy thần khí của ông như một vị chỉ huy đã từng chiến bại. Trong đời thường, những bại tướng khi về già thường sống thật, vì có thêu hoa dệt gấm hay cường điệu thêm điều gì để đánh bóng cho mình cũng là người thua trận. Nhưng chính họ là người để lại đời sau những kinh nghiệm xương máu, ông “người rừng” đã dạy chúng tôi bài học vỡ lòng đầu tiên trước khi vào thánh địa.
Thánh địa Cát Tiên có thật mà như huyền thoại
Sau khi trải qua chặng đường dài 297km hiện trên xe máy, chúng tôi đến cầu dây Phước Cát đoạn bắc qua sông Đạ Đờng cũng là ranh giới của 2 tỉnh Bình Phước - Lâm Đồng. Vào tháng 6 tại xã Phước Cát mưa như trút nước, Cát Tiên là vùng đất cuối cùng của Nam Tây Nguyên nên thường gánh chịu mưa gió và lũ lụt, những cơn mưa trắng trời xối xả cả tuần, sau đó đối mặt với những cơn lũ từ nước sông tràn lên như muốn xóa sổ sự sống con người.
Dòng sông Đạ Đờn những năm gần đây nước đổ về đỏ ngầu như sông Hồng. Chỉ cách đây vài năm, con sông này nước vẫn còn xanh trong, điệp theo màu của rừng núi mà bây giờ đã chuyển sang màu lạ. Tôi hỏi những người dân địa phương, họ chỉ tay xuống những chiếc xà lan chở cát đang oằn mình chạy dưới sông với tiếng máy nổ phành phạch như muốn phá vỡ không gian tĩnh lặng của núi rừng. Dân địa phương cho biết do những xà lan hút cát đã bức tử dòng sông. Họ đã làm sụp đất mất vườn, mất nhà cửa của một số hộ dân sống ven bờ.
Theo hướng chỉ tay của một cư dân địa phương, chúng tôi nhìn thấy cả cây dừa lẫn cây điều sum sê một nửa thân cành, rễ đứng chênh vênh bên bờ sông sẵn sàng đổ ụp xuống trôi theo dòng nước bất cứ lúc nào. Vì lợi nhuận, con người thường giải bài toán cơm áo trước mắt mà không nghĩ đến hệ quả cũng như các đền tháp cổ, người ta đã đập phá đào bới tìm vàng bạc mà không nghĩ đến di sản của tiền nhân để lại. Bên ngoài mưa vẫn rơi như trút nước, bầu trời đen kịt. Biết không thể chờ đươc nữa, chúng tôi khoác áo mưa mò mẫm tìm đường vào nhà trọ ngay khu thánh địa.
Dọc theo tỉnh lộ 721, những quả đồi mang hình bát úp không cao đều đặn chạy theo hình cánh cung ôm cánh đồng lúa xanh rì. Ở phía bên kia con sông nhuộm màu đỏ bầm là cánh rừng già nguyên sinh, một ngọn đồi cao sừng sững giữa thung lũng được bao bọc bởi sông Đạ Đờn là trung tâm thánh địa Cát Tiên.
Cô Đinh Thị Chung, hướng dẫn viên của di tích dẫn chúng tôi trèo 185 bậc đá lên tận đỉnh đồi tháp. Nhìn những bức tường bằng gạch dày cả mét nằm xếp chồng lên nhau đổ nát với những cánh cửa làm bằng đá huyền vũ dày 40cm diện tích 6m2 nằm chênh vênh, bên trong chính diện là tượng của Linga và Yony bóng loáng thấy cả mặt người đã khiến cho hậu thế phải chạnh lòng. Vương quốc xưa nào đã ngự trị nơi đây mà bây giờ thành quách đền đài trở thành hoang phế.
Ở phía mặt tiền đền tháp sâu thẳm là dòng sông Đạ Đờn uốn lượn với tiềng thác đổ rì rầm như hơi thở của người xưa còn vang vọng đâu đây, gai óc chúng tôi nổi lên hình tượng một thời oanh liệt của triều đại vương quyền. Cách tháp chính vài trăm mét là những ngôi đền nằm rải rác, cũng bằng những viên gạch to bản xếp chồng lên nhau tang thương như những con người cố ôm giữ báu vật để gìn giữ chống chọi với thời gian và tham vọng của con người.
Thánh địa Mỹ Sơn, di tích chính của văn hóa Chămpa ở Quảng Nam do người Pháp phát hiện vào năm 1885. Đúng 100 năm tức là năm 1985, Cát Tiên do người Việt phát hiện. Vị trí của hai thánh địa này có nhiều điểm tương đồng như cổng tháp được quay về hướng Đông để nhận ánh mặt trời, cùng nằm ở thung lũng được bao bọc bởi dòng sông và những ngọn đồi bát úp. Cả hai thánh địa đều bị điêu tàn nhưng đây đó vẫn còn sót lại những mảng điêu khắc mang dấu ấn hoàng kim.
Điểm khác của Cát Tiên là mang đậm dấu ấn tôn giáo Bàlamôn, các nhà khảo cổ cho rằng nơi đây từng là một đô thị tôn giáo cổ xưa, được kiến tạo trong giai đoạn lịch sử không thành văn. Vì vậy di tích Cát Tiên ra đời trong thời kỳ nào, thuộc phong cách nghệ thuật nào, chủ nhân là ai... là những câu hỏi mà suốt từ khi phát hiện qua bốn lần khai quật đang vẫn còn tranh luận.
Các đền tháp ở Cát Tiên dựa theo bình đồ vuông giật cấp nhiều lần, trong 20 đền tháp và đền mộ đều có kiến trúc và uy nghi giống nhau nhưng tất cả đều mang dáng dấp của Ấn Độ giáo vươn lên trong hình thái vương quyền và thần quyền liên kết để trị quốc. Trong 4 lần khai quật đã tìm được 1.100 hiện vật trong đó có 265 phù điêu bằng vàng được người xưa gò mảnh mai phóng khoáng, hòa nhập vào nhau. Các cổ vật còn lại được chế tác với nhiều chất liệu khác nhau như đá huyền vũ, đá thạch anh, đất nung đỏ... Điểm nổi bật là những bộ sinh thực khí Linga-Yony được xem là lớn nhất Đông Nam Á với đường kính của Linga 0,7m, cao 2,1m và Yony làm bệ đỡ cho Linga hình vuông rộng 2,26m.
Cô Chung, người thuyết minh của di tích Cát Tiên, giải thích về hai ngẫu vật này: “Theo truyền thuyết, ngày xưa khi trời đất vào xuân cũng là mùa sinh sản của cây cối cũng như con người. Vào lúc ấy, tín đồ từ các nơi khác đến thánh địa để dự lễ hội. Trên sân gạch rộng trước đền, tín đồ bước vào hai căn nhà gạch, nữ một bên và nam một bên, tại đây họ trút bỏ mọi thứ bụi trần, trút bỏ quá khứ thân phận. Khi bước ra sân đền tham dự nghi lễ, giữa khung cảnh thâm u của đại ngàn, hòa với tiếng gào thét của dòng sông, họ trở về nguồn cội thuở hồng hoang thành những con người bình đẳng của thời nguyên thủy.
Những đứa trẻ sinh ra trong dịp lễ hội này được xem là con của thần sáng tạo Brama, thần bảo tồn Vishu và thần hủy diệt Shiva. Chúng sẽ trở thành những người canh giữ đền thiêng, những tu sĩ nam nữ hiến thân cho tôn giáo phồn thực của dân tộc mình. Sau đó đoàn người xếp hàng tuần tự thành kính đi vòng quanh đặt tay lên Linga và hôn lên ngẫu tượng. Họ múc nước thần chảy từ lỗ thoát qua khe Yony dội lên đầu, té nước ướt hết thân mình, cầu cho sự tốt tươi mùa màng, cầu xin cho con cái loài người nảy nở nhiều như cỏ tranh trên cánh đồng, như măng tre măng nứa giữa mùa mưa… Chính vì vậy, khu di tích Cát Tiên được các nhà khảo cổ xếp loại là thánh địa của tôn giáo.
Theo các nhà khảo cổ, những gì khai quật được chỉ là phần nhỏ trong quần thể di tích. Giá trị văn hóa và những bí ẩn đầy sức hấp dẫn của vùng đất thiêng này không kém gì thánh địa Mỹ Sơn. Và để bảo tồn di sản cha ông, Bộ Văn hóa Thông tin đã giải ngân đợt một 400 triệu để làm công tác bảo vệ và hiện đang lập dự án 137 tỉ để trùng tu. Nơi đây một lần nữa chứng minh rằng người Việt luôn luôn giữ gìn tôn tạo di sản văn hóa của các dân tộc anh em như là của cha ông mình. Trong tương lai sẽ là điểm đến hấp dẫn cho những ai muốn tìm hiểu về miền đất huyền thoại có thật của tiền nhân.
Nén hương từ biệt
Chia tay cô Chung, người thuyết minh, giới thiệu với chúng tôi cả chiều dài 1.500 năm của di tích Cát Tiên, kể cả những dự án trùng tu tương lai của nhà nước về bảo tồn thánh địa, chúng tôi thắp nén hương lạy tạ người xưa xuống núi, để lại sau lưng những đài tháp đền mộ không khỏi ngậm ngùi. Trong 4000 năm dựng nước, người Việt đã để lại những trang sử bi hùng về bảo tồn di sản tiền nhân. Các triều đại sau thường đập phá san bằng những gì để lại của triều đại trước. Vì vậy, những di tích còn lại trên mảnh đất hình chữ S này không ngang tầm với chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước.
Nhưng trái lại, người Việt không những đã không đập phá các di tích của các dân tộc anh em mà còn ra sức bảo vệ, thậm chí còn đi hành hương đông hơn con cháu của các chủ nhân ngày trước, ví dụ như thánh địa Mỹ Sơn, tháp Po Klaung Garai, hay đền thánh mẫu ở Nha Trang và thánh địa Cát Tiên bây giờ. Vậy tại vùng đất này đế chế nào đã san bằng cả một quần thể đền đài trải dài 15km và chủ nhân đích thực là ai vẫn còn bỏ ngỏ. Cho dù đền đài tại đây chưa xác định của vương quốc nào, nhưng được thế hệ bây giờ gìn giữ tôn tạo xem như tài sản cha ông để lại vẫn là một điều hạnh phúc.
Tuy nhiên, nhìn những phế tích nằm trơ gan cùng tuế nguyệt vẫn không khỏi chạnh lòng, ký ức của người đến viếng thường lui về dĩ vãng để nhớ về cổ sử, nhớ một thời các tiền nhân đã tụ tập về đây từng đoàn người vui mừng như trẩy hội. Nhưng bây giờ giống nòi hậu duệ của họ ở đâu mà để lại hồn thiêng của cha ông với những cảnh tượng hoang tàn không hương khói.
Và để kết thúc bài này, xin nhường lời cho nhà thơ Nguyễn Minh Phúc, người đã dóng lên tiếng hú giữa rừng già để réo gọi người xưa, anh đã bất thần lên đồng phóng tác những câu thơ nổi gai óc ngay tại thánh địa Cát Tiên. “Vương quốc xưa nào ngự trị nơi đây!/ Mà thành quách đền đài nằm sâu dưới tầng đất đỏ/ Giữa mênh mông đồng dâu nắng gió/ Cũng thôi đành thế cuộc tang thương/ Nhưng! Người về đâu mà để lại một quê hương!/ Mà hồn thiêng chừng như còn đây đó/ Người về đâu mà để chôn vùi thành quách đổ/ Như những tầng cát bụi thời gian/ Thánh địa Cát Tiên vương quốc phù Nam/ Người về đâu hỡi một thời cổ sử!/ Người về đâu mà mịt mùng quá khứ!/ Để động lòng bao thế hệ hôm nay/ Người về đâu trong trời đất có hay!”.
Lời thơ nghe buồn ai oán, tưởng chừng như quanh quẩn đâu đây giữa rừng núi đại ngàn bóng dáng của người xưa đang rấm rức tìm về.