Sơ Y Nắk và bé Pi-an |
Bị bóng ma của tội ác thúc đẩy, chúng tôi đã tìm cách tiếp cận những đứa trẻ từng là nạn nhân của hủ tục “dọ-tơm-amí” được những người tốt bụng, dũng cảm cứu sống. Không ít đứa trẻ may mắn ấy hiện đang được các sơ ở Cô nhi viện Vinh Sơn tại thị xã Kon Tum chăm dưỡng!
Núi rừng Kon Tum vào những ngày cuối tháng 7 mưa gió triền miên. Gió hung gió dữ từ núi cao vời vợi và khắp các cánh rừng nguyên sinh mang hơi ẩm của dòng sông Đắk Bla huyền bí quất vào mặt khách đường xa rát buốt. Trong cái tiết trời khắc nghiệt ấy, từ chia sẻ của một số người già ở làng Kon K'tu 1 (xã Đắk-rơ-Wa, thị xã Kon Tum), chúng tôi "mò" vào làng Kon K'tu 2 tìm gặp chị Y Den, người từng suýt bị chôn sống theo mẹ bởi luật tục hà khắc.
Y Den là đứa trẻ hiếm hoi được trở về từ cõi chết nên chúng tôi không mấy khó để tìm được chị. Cô bé đỏ hỏn ngày nào từng đối mặt với cái chết tàn khốc mười mươi nay đã là mẹ của 5 đứa con, khẽ rùng mình khi nhắc đến chuyện may mắn sống sót của mình bởi hủ tục chôn sống: "Mình năm nay 45 tuổi rồi" - chị Y Den, giọng dè dặt: "Hồi mẹ chết, mình còn bé xíu, chỉ 3 tháng thôi. Nếu không được dân làng cứu, mình đã bị chôn theo mẹ rồi...".
Trong cái lạnh của núi rừng lúc chiều tà, chị Y Den -chứng nhân sống của hủ tục "dọ-tơm-amí" cho biết, mẹ chị tên Y Dơn: "Mẹ là người ở làng Kon K'tu 1. Lấy chồng người Jrai ở Phú Bổn, nay là huyện Ayunpa (tỉnh Gia Lai). Nghe ông bà kể lại hồi đó mẹ là vợ sau của ba. Lúc mẹ chết, ba đang đi lính. Theo tục lệ, vì mình chưa dứt sữa nên làng buộc phải chôn sống theo mẹ".
Đã 45 năm trôi qua, dù chỉ biết hủ tục “dọ-tơm-amí” tàn độc qua lời kể của ông bà và những người già nhưng khi kể lại quá khứ hãi hùng ấy, chị Y Den vẫn thoáng lộ sự sợ hãi: "Khi biết tin mẹ chết và mình sẽ phải chết theo mẹ, dân làng Kon K'tu 1 đã đến Phú Bổn xin mang mình về nuôi. Nghe nói hồi đó để cứu sống mình và đưa được mình về làng, người thân của mẹ và dân làng Kon K'tu 1 phải đấu tranh quyết liệt lắm. Nhờ vậy mình mới được cứu sống".
Trước khi kết thúc cơn ác mộng “dọ-tơm-amí” mà mình là chứng nhân sống, chị Y Den bộc bạch, bên cạnh những lý do cuộc sống khó khổ, mẹ chết thì đứa trẻ sơ sinh sẽ không có sữa để bú nên trước sau gì cũng chết, sở dĩ ngày trước người ta nhất quyết chôn sống đứa trẻ theo người mẹ đã là người thiên cổ vì niềm tin ấu trĩ rằng đứa trẻ chưa dứt sữa mà đã mồ côi mẹ như thế ít nhiều có liên quan đến ma lai, bởi ma lai là hiện thân của sự chết chóc, bệnh tật. Làng nào có thai phụ sinh con bị chết hoặc có đứa trẻ chết mẹ như thế rất sợ hãi chuyện bất thường ấy sẽ khiến họ tộc, cả làng phải nhận những hình phạt tàn khốc của không chỉ ma lai mà cả các Yàng (thần linh) như làm cho làng xảy ra dịch bệnh, chết chóc! Và để tránh chuyện không hay xảy ra, người ta quyết định chôn sống đứa trẻ theo mẹ để trừ hậu họa.
Chị Y Den, người từng được dân làng cứu sống khỏi hủ tục "dọ-tơm-amí" 45 năm trước. |
Vì là người trong cuộc nên chị Y Den rất rành rẽ những chuyện liên quan đến hủ tục “dọ-tơm-amí”. Như những cụ già ở xã Đắk-rơ-Wa mà chúng tôi gặp trước đó, Y Den khẳng định ngày chị còn nhỏ, hủ tục chôn sống trẻ sơ sinh ở các làng thuộc Đắk-rơ-Wa chỉ tồn tại trong lời kể của những người già. "Đắk-rơ-Wa rất gần thị xã Kon Tum, nhờ được tuyên truyền, giáo dục nên dân làng đã bỏ tục chôn sống trẻ. Nhưng tại các làng sâu xa, hủ tục “dọ-tơm-amí” vẫn còn - Sau phân tích ấy, chị Y Den, bật mí: "Vài năm trước vẫn còn có trẻ ở Gia Lai, Kon Tum bị chôn sống theo mẹ. Một số trẻ may mắn được cứu thoát hiện sống ở Cô nhi viện Vinh Sơn sau nhà thờ gỗ ở thị xã".
Theo hướng dẫn của chị Y Den, chúng tôi băng mình trong mưa tìm đến Cô nhi viện Vinh Sơn để được rõ hơn về bóng ma hủ tục “dọ-tơm-amí”. Lòng những mong sẽ gặp được những đứa trẻ được cứu thoát khỏi cơn ác mộng chôn sống theo mẹ như bật mí của chị Y Den!.
Cách trung tâm thị xã Kon Tum khoảng 7km, với tổng diện tích sử dụng trên 700m2, nhà thờ gỗ Kon Tum do Décrouille - một linh mục người Pháp, thiết kế và điều hành xây dựng trong khoảng thời gian 5 năm (1913-1918). Nhà thờ được xây dựng bằng loại gỗ quý có tên cà-chít vốn được người Jrai ở huyện vùng cao Chư Pảh (tỉnh Gia Lai) chọn làm hòm độc mộc (đẵn cây, khoét lỗ làm áo quan chôn cất người chết). Được thiết kế hoành tráng đậm phong cách kiến trúc nhà ở, nhà rông của các tộc người bản địa, nhà thờ gỗ được đánh giá là tuyệt tác kiến trúc có một không hai trên đất Tây Nguyên, hầu hết du khách khi đến Kon Tum không bỏ lỡ cơ hội tìm đến tham quan, thưởng lãm.
Nếu không được chị Y Den bật mí từ trước, có lẽ chúng tôi không thể biết được rằng phía sau nhà thờ có một không hai kia là Cô nhi viện Vinh Sơn, nơi mà từ năm 1947, các sơ của dòng tu Ảnh Phép Lạ đã lặng lẽ cưu mang hàng trăm đứa trẻ là con em của các tộc người vùng cao hoặc mồ côi, hoặc gia đình quá nghèo khổ không nuôi nổi… Và tất nhiên, Vinh Sơn cũng là mái ấm cổ tích cưu mang nhiều, rất nhiều thân phận trẻ thơ may mắn thoát khỏi hủ tục chôn sống theo mẹ.
Phía sau nhà thờ gỗ là Cô nhi viện Vinh Sơn . |
Khi chúng tôi đến Vinh Sơn thì trời tạnh hẳn. Được hỏi chuyện về những đứa trẻ thoát khỏi hủ tục “dọ-tơm-amí”, sơ Y Nắk, ngoài 70 tuổi, người Xơ-đăng, có thâm niên gắn bó với những số phận bất hạnh trên đất Tây Nguyên từ năm 20 tuổi đã kể nhiều câu chuyện buồn, trong đó có chuyện của bé Pi Yo Rong chẳng may mất mẹ lúc còn đỏ hỏn.
"Chuyện xảy ra ở làng Kon Thup, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai" - sơ Y Nắk nhớ lại: "Khoảng tháng 2/2007, sinh xong, mẹ Rong đi rẫy và chết ngay trên rẫy vì gặp mưa gió, bị cảm lạnh… Lúc làm đám ma cho vợ, cha của Rong không chịu nhận con, cứ đòi cho bé đi theo mẹ. May cho Rong, có một cặp vợ chồng trong làng đã đấu tranh cứu sống, cưu mang bé. Khi biết sơ Y Pơnh đến Gia Lai, cặp vợ chồng nọ đã nhờ sơ giúp đỡ, cưu mang đứa bé mà họ đã chở che. Hôm đưa bé về với mái ấm, người chồng chạy xe chở sơ Y Pơnh ngồi sau ôm bé trong mưa gió liên hồi".
Hai năm sau câu chuyện buồn của bé Pi Yo Rong, các sơ ở mái ấm Vinh Sơn đã cứu sống 2 bé sơ sinh sinh đôi là con của vợ chồng anh A Thin và chị Y Phiêng là người dân tộc Xê-đăng, ở làng Đắk Re 2 (xã Đắk Na, huyện Tu-mơ-rông, Kon Tum). Do bị băng huyết nên sau khi sinh 2 bé, chị Y Phiêng đã chết. Trước nguy cơ hai đứa trẻ đáng thương vừa lọt lòng đã mồ côi mẹ và sắp bị chôn sống theo luật tục hà khắc, một người làng đã dũng cảm bảo vệ và xin hai bé đến giao cho các sơ ở mái ấm nuôi dưỡng. Tại nhà mới, 2 đứa trẻ được các sơ đặt tên là A Lắk và A Lai. Giờ đây, hai bé đã biết chạy nhảy và mạnh khỏe.
Nói về những đứa trẻ thoát khỏi hủ tục “dọ-tơm-amí” như bé Pi Yo Rong, đôi mắt già nua của sơ Y Nắk ngấn lệ. Sơ thổ lộ rằng làm sao không thương các bé là nạn nhân của hủ tục “dọ-tơm-amí” khi các bé vẫn còn cha, còn có họ hàng, có gia đình nhưng đã là trẻ mồ côi. Trò chuyện với chúng tôi, sơ Y Nắk ôm nựng bé trai có gương mặt sáng, nụ cười rất tươi. Sợ bé biết chuyện buồn của mình, sơ cho đưa vào trong rồi kể: Bé tên Pi-an, là người Jrai. Pi-an cũng như nhiều đứa trẻ ở mái ấm Vinh Sơn có mẹ chết lúc còn chưa dứt sữa và suýt bị chôn sống theo mẹ.
"Kỳ thực thì Pi-an đã bị chôn sống" - sơ Y Nắk kể lại sự việc: "Mẹ chết, bé bị họ hàng mang ra rừng ma bỏ vào hốc cây to vì muốn bé chết theo mẹ. May cho bé là lúc đi rừng săn thú, một thợ săn đêm nghe tiếng trẻ khóc đã lần theo và phát hiện ra bé. Xót thương quá, người thợ săn đã mang bé về nhà ủ ấm rồi tìm đến mái ấm giao cho các sơ".
Năm học này, cậu bé Pi-an sẽ bước vào lớp 1. Như các bé Pi Yo Rong, A Lắk, A Lai…, cậu bé có vầng trán thông minh, có nụ cười lém lỉnh quả thật may mắn khi được người thợ săn tốt bụng cứu thoát khỏi hủ tục “dọ-tơm-amí”. Vấn đề ở chỗ Pi-an và các bé kể trên chỉ là con số may mắn khiêm tốn trong danh sách nạn nhân của hủ tục chôn sống con theo mẹ. Hàng trăm năm qua, đã có biết bao đứa trẻ chết oan, chết thảm vì hủ tục này?!
Vì nhiều lý do, thời gian lưu lại Kon Tum của chúng tôi không được lâu nên dù rằng các sơ ở Cô nhi viện Vinh Sơn còn rất nhiều câu chuyện về những đứa trẻ được cứu sống khỏi hủ tục “dọ-tơm-amí”, chúng tôi đành hẹn vào một dịp khác. Nhưng từ cuộc tiếp xúc với chị Y Den, sơ Y Nắk và bé Pi-an, điều mà chúng tôi có thể khẳng định rằng, chỉ cách đây vài năm thôi, cái hủ tục chôn sống con theo mẹ quái gở kia vẫn còn. Nó có thể đã "chết" tại các pa-lơi (làng) gần trung tâm các xã, huyện, tỉnh nhưng tại các làng nơi rừng sâu, những làng mà việc đi lại trắc trở, nằm tách biệt với thế giới bên ngoài, bóng ma của hủ tục “dọ-tơm-amí” vẫn còn.
Điều trăn trở khác trong quá trình tìm hiểu hủ tục “dọ-tơm-amí” là khi chúng tôi được biết nạn chôn sống trẻ chưa dứt sữa theo người mẹ đã chết không chỉ có trên đất Tây Nguyên. Bóng ma hủ tục còn gây tội ác với nhiều trẻ sơ sinh người dân tộc Mày ở tỉnh Quảng Bình và người Xơ-đăng tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Những thông tin mà chúng tôi cập nhật về hủ tục chôn con theo mẹ không quá xa, nó chỉ xảy ra cách thời điểm hiện tại 1-2 năm mà thôi. Đầu tháng 12-2010, khi biết tin người Mày ở bản Kà Ai (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) chuẩn bị chôn sống 2 bé sơ sinh theo mẹ, hai cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo đã kịp băng rừng đến cứu 2 bé. Tháng 9/2011, chị Hồ Thị Hiếu, công tác tại Trạm Y tế xã Trà Cang (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) đã kịp thời cứu sống bé trai bị gia đình chuẩn bị đưa đi chôn theo mẹ bé là chị Hồ Thị Yên chết do bị băng huyết lúc vượt cạn…
Kể những chuyện trên, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng ngay tại thời điểm này, tuy bóng ma của hủ tục “dọ-tơm-amí” chỉ còn trong ký ức của những người già Bana ở các làng thuộc xã Đắk-rơ-Wa hay người Jrai ở các huyện Chư Pảh, Kong Chơro... (Gia Lai) nhưng tại các buôn làng xa xôi, cách trở trên đất Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung, hủ tục lạc hậu này vẫn còn lẩn khuất đâu đó... Điều này đồng nghĩa với cuộc chiến chống hủ tục người chôn sống người hãy còn là chuyện dài nhiều tập cần lắm quyết tâm triệt dẹp của các cơ quan chức năng, chính quyền sở tại và sự góp sức, chung tay của cộng đồng xã hội!