Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201207/21902-hanh-trinh-sau-cuoi-cua-me-396039/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201207/21902-hanh-trinh-sau-cuoi-cua-me-396039/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Hành trình sau cuối của mẹ - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 26/07/2012, 08:14 [GMT+7]
21902

Hành trình sau cuối của mẹ

Mẹ Nguyễn Thị Đậu
Con trai của mẹ đã nằm xuống từ năm 1989. Suốt 23 năm ấy, trên mảnh đất đìu hiu xóm Nam Hà, xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, mẹ Nguyễn Thị Đậu già nua còm cõi hàng ngày đi mót lạc bán mưu sinh, kiếm đủ tiền đường sá cho những lần làm thủ tục công nhận liệt sĩ cho con. Niềm tin phút chốc le lói rồi lại phụt tắt, 23 năm qua, chưa bao giờ người mẹ nghèo thôi hi vọng.

Bộ hồ sơ bị lãng quên

Một ngày cuối năm 1989, mẹ Đậu (xã Thạch Sơn - Thạch Hà - Hà Tĩnh) nhận được tin người con trai duy nhất - chiến sĩ lái xe Sư đoàn 377 Nguyễn Trí Thuyên đã qua đời trong khi làm nhiệm vụ. Ngày ấy, đứa cháu nội của mẹ mới là bào thai được 7 tháng tròn.

Hai hàng nước mắt lưng tròng nhìn di ảnh con, mẹ Đậu kể: Khi Thuyên mất, đang mang hàm Trung sỹ. Sư đoàn 337 nơi anh công tác đã có giấy báo tử số 556 ngày 10/6/1990 do Trung tá Nguyễn Văn Cơ - Phó Sư đoàn ký, giấy báo tử ghi rõ "Trung sỹ Nguyễn Trí Thuyên đã hi sinh trong trường hợp lái xe phục vụ nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu" và "được xác nhận là liệt sỹ", mai táng tại nghĩa trang Nà Phàn, xã Hoàng Đồng - thị xã Lạng Sơn (nay là TP Lạng Sơn).

Ngày ấy do yêu cầu tối mật của quân đội, Đại đội 27 thuộc phòng tham mưu Sư đoàn 337, Quân đoàn 4 đã thực hiện chuyến hành quân khẩn trương và bí mật, nhằm bàn giao kịp thời 6 chiếc xe pháo dàn 5M-13H cho Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng tại cảng Hải Phòng, cơ quan đã tín nhiệm giao nhiệm vụ bí mật đó cho đồng chí Thuyên. Trong lúc làm nhiệm vụ, do chiếc xe của đồng chí Thuyên bị hỏng tay lái (trong biên bản khám nghiệm xác nhận), nên đã anh dũng hy sinh tại tỉnh Hà Bắc cũ (nay là tỉnh Bắc Giang) vào lúc 0h25' ngày 19/10/1989. Lá thư chia buồn của sư đoàn 337 gửi gia đình liệt sĩ Thuyên mẹ Đậu cầm trong tay mà rưng rưng nước mắt, lòng tự hào xen lẫn xót xa.

Đến ngày 13/12/1991, Thủ trưởng Sư đoàn 337 đã cấp giấy giới thiệu và hồ sơ kèm theo cho mẹ Đậu, gửi Vụ Thương binh liệt sĩ, Bộ LĐTB&XH đề nghị "giải quyết chính sách cho liệt sĩ Nguyễn Trí Thuyên". Nhưng 8 năm sau, hồ sơ của anh Thuyên vẫn xếp đâu đó chưa được duyệt. Ngày 10/3/1998, sư đoàn trưởng Sư đoàn 337 tiếp tục có công văn xác nhận và "đề nghị xét duyệt cho đồng chí Thuyên là liệt sỹ và thân nhân của đồng chí Thuyên được hưởng các chế độ, quyền lợi theo chính sách hiện hành".

Sư đoàn đã xác nhận rằng trường hợp hi sinh của đồng chí Thuyên trong khi làm nhiệm vụ đặc biệt, để phục vụ cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Tính đến gần đây, mẹ Đậu đã không còn nhớ rõ mẹ đã chuẩn bị bao nhiêu bộ hồ sơ hoàn chỉnh như thếá. Người ta trả lời mẹ nhiều lý do, khi thì vì do con trai mẹ hi sinh ở đường quốc lộ 1A không thuộc địa phận nên không được xét, khi thì là ngày dài mẹ chờ đợi nhưng bặt vô âm tín.

Hành trình gian nan

23 năm đã trôi qua, nhưng dường như mẹ không còn cảm nhận được dòng thời gian trôi chảy. Từ khi anh Thuyên mất, mẹ Đậu không còn nhớ nổi ngày tháng, tất cả sự kiện mẹ nhớ chỉ xoay quanh những con số ngày tháng được ghi trên hồ sơ liệt sĩ của đứa con. 23 năm rong ruổi khắp tỉnh, khắp bộ xin xác nhận liệt sĩ cho con gói gọn trong một hồi ức tưởng như mới đây của mẹ.

Mẹ kể về lần đầu tiên ra Hà Nội lên tận sư đoàn cất mộ cho anh Thuyên, cũng là để hỏi cho rõ trường hợp con mẹ sao gần 8 năm chưa có chế độ. Gần 8 năm trời mẹ đi mót khoai, mót lạc bán góp vào một chuyến lên sư đoàn. Cả đời mẹ chỉ đi từ đầu xóm đến cuối xóm, lần này vì con mẹ lặn lội lên xứ Lạng.

Một kỷ niệm đáng nhớ trong hành trình gian nan của mẹ Đậu là: Trên chuyến xe khách đi Lạng Sơn năm đó, hành trang của mẹ là chiếc làn cũ kĩ đựng tập hồ sơ liệt sỹ. Tất thảy hi vọng của Mẹ nằm trong chiếc làn cũ không may bị một người phụ nữ lấy cắp mất. Mẹ lại khóc tủi: "Tưởng chị nớ hiền lành tốt tính xách làn cho mẹ khỏi nặng, ai ngờ chị lấy làn của mẹ đi mất". Mẹ mất cả số tiền ít ỏi dành dụm trong 8 năm, mất bộ hồ sơ liêt sĩ, mất mọi thông tin của Sư đoàn 337, cả cái quan trọng nhất là địa chỉ sư đoàn. Chân mẹ rụng rời, giờ tưởng như mẹ đã mù ở nơi xứ khách cũng may chỉ là mất bộ hồ sơ công chứng thôi, còn bản gốc các giấy tờ liên quan của con trai mẹ Đậu vẫn cất kỹ dưới đáy rương ở nhà.

Xe dừng lại ở thị xã Lạng Sơn, người ta thấy mẹ Đậu ngồi khóc ở bến xe. Với giọng nói miền Trung trầm nặng, người ta nghĩ mẹ là người điên, may sao còn có một người cắt tóc tốt bụng hỏi thăm và dẫn mẹ Đậu tới đồn công an. Các chiến sĩ Công an biết mẹ đi tìm sư đoàn nơi anh Thuyên công tác đã nhiệt tình giúp đỡ. Không một dòng địa chỉ, mẹ chỉ biết hỏi dò người dân xung quanh về một sư đoàn kéo pháo. Mẹ mò mẫm đến tận tối khuya mới vào được đúng cổng Sư đoàn 337.

Sau chuyến đi sóng gió ấy, suốt 23 năm, không biết bao nhiêu chuyến đi khó nhọc, lưng mẹ đã còng lại càng còng thêm. Sức khỏe ngày một yếu, hai năm gần đây mẹ không thể tự mình lặn lội được nữa, nhưng quyết tâm làm được chế độ cho con trai vẫn được mẹ và gia đình liệt sĩ Thuyên nhen nhóm. Trong căn nhà tình thương gần 15 mét vuông, chất đầy những bì lạc mẹ mót được trong mùa thu hoạch, một ít gạo người ta cho có lẽ đủ nuôi sống mẹ qua ngày.

Ba cô con gái mẹ lấy chồng xa và cuộc sống còn nhiều cơ cực. Hai năm trước mẹ còn được xã cho hưởng chính sách hộ nghèo, người già cô đơn không nơi nương tựa, nhưng những năm gần đây xã xác minh lại và cắt chế độ hộ nghèo vì mẹ Đậu còn ba cô con gái. Không có chế độ chính sách nào hỗ trợ, mẹ Đậu lúc tuổi già vẫn phải lao động, tự lo lấy thân.

Hàng ngày mẹ đan nong, đan rổ thuê cho người ta lấy tiền trang trải cuộc sống. Ba con gái của mẹ chỉ đến Tết mới biếu mẹ được 50 ngàn đồng. Mẹ nói: "Như vậy cũng đã là quý lắm rồi". Bà cụ ngoài 80 tuổi dốc chút sức còn lại làm mọi việc nuôi hi vọng một ngày anh Thuyên được công nhận liệt sỹ. Sự hy sinh của con mẹ không thể bị lãng quên.

Hi vọng nhen nhóm

Giữa tháng 6/2012, lời khẩn cầu của mẹ Nguyễn Thị Đậu xin xác nhận liệt sỹ cho con sau 23 năm hi sinh đã đến được tay Bí thư tỉnh Ủy Hà Tĩnh Nguyễn Thanh Bình. Đồng chí Bí thư đã đến tận nhà, thăm hỏi, tặng quà và động viên mẹ Đậu và đã có những chỉ đạo các ngành liên quan thẩm tra hồ sơ để gửi đến các cơ quan chức năng làm chế độ cho liệt sỹ Thuyên.

UBND xã Thạch Sơn - Thạch Hà - Hà Tĩnh đã hứa trích số tiền 20 triệu từ quỹ người nghèo để giúp đỡ mẹ Đậu. Hi vọng mới lại được nhen nhóm trong lòng người mẹ đã 23 năm xin chế độ cho con. Đó là ước mong duy nhất của mẹ bây giờ.

 

 

Không sự thật nào bị lãng quên!

Thiếu tướng Nguyễn Đức Tới - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đã nhận được đơn xin xác nhận liệt sĩ cho đồng chí Nguyễn Trí Thuyên của mẹ Đậu và đơn vị đang tiến hành kiểm tra hồ sơ. Mẹ Nguyễn Thị Đậu lại có thêm chút hy vọng nhận được tờ giấy công nhận liệt sĩ cho chiến sỹ Nguyễn Trí Thuyên- con trai duy nhất của mẹ. Hàng xóm chỉ cho mẹ để hết hồ sơ anh Thuyên lên bàn thờ rồi thắp nhang cho anh biết, linh hồn anh sẽ nghe lời mẹ khấn, giúp cho lời khẩn cầu ròng rã 23 năm của mẹ được phúc đáp. Mong rằng Tổ quốc sẽ ghi công anh đúng dịp Ngày Thương binh liệt sĩ 27-7 sắp tới.

 

Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2012), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn, đáp nghĩa" nâng cao ý thức của các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể và nhân dân trong việc thực hiện chế độ, chính sách ưu đãi và tham gia các hoạt động chăm sóc người có công.

Bộ LĐ,TB&XH sẽ tổ chức các đoàn thăm và tặng quà trực tiếp thương binh, bệnh binh, gia đình người có công với cách mạng; phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa"; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí mở các chuyên mục tuyên truyền chính sách người có công, biểu dương người tốt, việc tốt; phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức cuộc thi sáng tác ca khúc về đề tài thương binh, liệt sĩ và người có công; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục chăm sóc hơn 3.000 nghĩa trang liệt sĩ trong cả nước; phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cầu truyền hình trực tiếp tại 5 đầu cầu: Hà Nội, Thái Nguyên, Tây Ninh, Quảng Trị và Kiên Giang vào 20h ngày 26/7. Và đặc biệt lễ mít tinh kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ sẽ được tổ chức tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Hà Nội vào ngày 27/7.


CSTC
.