Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201207/21872-bang-cuop-tuan-ne-va-gia-phai-tra-396066/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201207/21872-bang-cuop-tuan-ne-va-gia-phai-tra-396066/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Băng cướp Tuấn 'nê' và giá phải trả - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 24/07/2012, 08:05 [GMT+7]
21872

Băng cướp Tuấn 'nê' và giá phải trả

Khoảng 18h50 tối 30/1/1999, sau khi thu dọn tiệm vàng Ngọc Thành Lợi ở chợ Đầm, vợ chồng anh Hoàng Công Thành - Phạm Thị Lợi mang túi xách có gần 30 lượng vàng và 10 triệu đồng, lên xe máy về nhà riêng ở phố Bạch Đằng, phường Phước Tiến. Gần đến nhà, thì từ phía sau 4 gã thanh niên đi xe máy Dream II và Suzuki Sport tăng tốc ép sát. Biết có chuyện dữ xảy ra, anh Thành mới kêu la "cướp… cướp", thì một gã thanh niên ập tới rút súng ngắn bắn hai phát vào chân phải, tay trái của anh, rồi giật lấy túi xách đựng vàng. Dù bị xe máy đè chân, nhưng chị Lợi vẫn cố giành giữ túi xách, nên bị kẻ cướp nã đạn vào chân trái.

Từ trong nhà, nhìn thấy vợ chồng người chú bị bọn cướp tấn công, em Hoàng Công Thịnh lao ra ôm gã thanh niên cầm súng và kêu la cầu cứu. Không ngờ một trong ba đồng bọn của hắn rút súng bắn hai phát về Thịnh, khiến nạn nhân gục ngã, nhóm cướp lên xe máy tẩu thoát trong tích tắc. Mặc dù đã được đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện đa khoa Khánh Hòa, nhưng Thịnh đã tử vong do vết đạn xuyên từ lưng sang ngực. Anh Thành bị thương tật 18% do vết đạn bắn vào tay trái và bàn chân phải, còn chị Lợi bị thương tật 6%.

Khám nghiệm hiện trường, các điều tra viên thu được 2 vỏ đạn K54, 2 vỏ đạn Colte 45 và 3 đầu đạn, trong đó vỏ đạn Colte 45 có ký hiệu WCC66, cỡ 7,62 x 25mm. Sau khi thu thập chứng cứ, Công an tỉnh Khánh Hòa xác lập Chuyên án 110C để truy tìm băng cướp có vũ khí.

Lúc đầu, nghi can số 1 là Nguyễn Hoàng Khánh (36 tuổi) trú ở phường Phương Sài, TP Nha Trang. Là con trai một quan chức trong ngành giao thông vận tải địa phương, Khánh từng đi tù 5 năm tù về tội cướp tài sản, sau khi rời khỏi Trại giam A2, hắn vào TP HCM cặp bồ, chung sống với Văn Thị Thu Hà (36 tuổi) trú ở phường 11, quận 3. Khánh đã lôi kéo, tụ tập một số đàn em ở Nha Trang, TP HCM hoạt động mua bán hêrôin, cướp tài sản, nên một mũi trinh sát hình sự dày dạn kinh nghiệm được lệnh vào Nam phối hợp với Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an TP HCM truy xét…

Khi những vụ cướp vàng rộ lên ở Nha Trang, thì tại Đắk Lắk cũng xảy ra một số vụ cướp có vũ khí hết sức táo bạo. Ngày 17/11/1998, anh Phan Phùng Anh (45 tuổi) trú ở phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột điều khiển xe máy từ Công ty Xuất nhập khẩu cà phê 2-9 ở đường Điện Biên Phủ ra tới đường Ywang, thuộc phường Ea Tam thì bị 4 gã thanh niên đi xe máy đuổi theo, ép sát. Một gã rút súng gí vào đầu anh Anh để đồng bọn rút chìa khóa xe máy, cướp đoạt bao tiền 120 triệu đồng vừa mới nhận.

Giám định vỏ đạn thu được từ các vụ cướp có vũ khí do Tuấn “Nê” và đồng bọn gây ra. Ảnh: Tư liệu.

Đến ngày 2/2/1999, anh Nguyễn Duy Phước, trú ở thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc nhận 100 triệu đồng của Công ty Cà phê Phước An, đi xe máy đến km 27 đường QL26, bị 2 gã thanh niên phóng xe Suzuki Sport ép sát. Anh Phước chưa kịp phản ứng, thì bọn chúng rút súng ngắn khống chế, cướp túi tiền. Bị giằng co, một trong hai kẻ cướp chĩa súng vào ngực anh Phước siết cò. Viên đạn xuyên thủng phổi, khiến nạn nhân gục ngã tại chỗ, nhưng nhờ cấp cứu kịp thời nên mới thoát chết.

Xóa số băng cướp từ chuyên án CA99

Để có đủ chứng cứ truy xét hành tung hung thủ, Công an tỉnh Đắk Lắk cắt dọn vạt cỏ rộng lớn ven đường QL26 mới thu được vỏ đạn Colte 45, ký hiệu WCC63. Do tính chất đặc biệt nghiêm trọng của những vụ cướp có vũ khí với nhiều tình tiết, thủ đoạn giống nhau, ngày 9/2/1999, Tổng cục Cảnh sát nhân dân (CSND) lúc bấy giờ triệu tập cuộc họp có sự tham gia của Cục CSHS (C14B), Cục CSĐT (C16B), Phân viện Khoa học hình sự (C21B) và Công an các tỉnh Đắk Lắk, Khánh Hòa, TP HCM để đánh giá, phân tích và nhận định từng vụ án.

Với quyết tâm triệt xóa băng nhóm tội phạm nguy hiểm trong thời gian ngắn nhất, ngày 3/3/1999, Đại tá Nguyễn Văn Biên - Phó tổng cục trưởng Tổng cục CSND quyết định thành lập Ban chỉ đạo Chuyên án CA99 do Trung tá Nguyễn Thế Bình - Phó cục trưởng Cục CSĐT (C16) làm Trưởng ban, Trung tá Trần Quang Họa - Phó giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa, Hoàng Tân Việt - Phó cục trưởng Cục CSHS (C14), Trần Đôn - Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk và Thân Thành Huyện - Phó giám đốc Công an TP HCM đảm nhiệm Phó trưởng ban. Tổ tác chiến của Ban chuyên án huy động hàng chục trinh sát hình sự, điều tra viên dạy dạn kinh nghiệm ở Khánh Hòa, Đắk Lắk, TP HCM vào cuộc.

Một trong những bất ngờ và cũng là cơ sở pháp lý nhận định các vụ cướp có vũ khí ở Khánh Hòa, Đắk Lắk do một băng nhóm tội phạm gây ra, đó là kết quả giám định số 1609/C21B ngày 18/6/1999 của Phân viện KHHS Bộ Công an ở phía Nam kết luận: hai vỏ đạn Colte 45, ký hiệu WCC63 thu được trong vụ cướp tại km27, QL26, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk vào ngày 2/2/1999 và vỏ đạn Colte 45, ký hiệu WCC63, thu được tại vụ cướp ở 47 Bạch Đằng, TP Nha Trang tối 30/1/1999 đều được bắn ra cùng một khẩu súng. Mệnh lệnh truy tìm khẩu súng Colte 45 nêu trên đã được Công an Khánh Hòa, Đắk Lắk triển khai khẩn trương, ráo riết.

Cẩn trọng rà soát các vụ án hình sự liên quan đến vũ khí đã khám phá trước đó, các điều tra viên phát hiện trong vụ ẩu đả giữa Nguyễn Đình Nghĩa với Vũ Nhật Tùng ở gần cổng Trường Bổ túc văn hóa Krông Buk sáng 28/10/1998, Nghĩa đã rút súng ngắn bắn 3 phát để đe dọa Tùng. Sau khi Công an huyện Krông Buk khởi tố điều tra, Nghĩa khai nhận đó là khẩu súng Colte 45, nhưng Tuấn “Nê” đã đòi lại.

Trong lúc vụ án đang mở rộng điều tra thì Nghĩa và Tuấn “Nê” đều lẩn trốn, nên bị truy nã. 3 vỏ đạn Colte 45 có ký hiệu AR68 thu được trong vụ án đó được gửi đi giám định so sánh. Kết quả cho thấy 3 vỏ đạn này và 2 vỏ đạn trong vụ cướp vàng của anh Hoàng Công Thành ở Nha Trang và vụ cướp tiền của anh Nguyễn Duy Phước ở Krông Pắc đều được bắn ra từ một khẩu súng.

Bí mật của Chuyên án CA99 đã hé mở. Tiến hành rà soát, xác minh các mối quan hệ của Tuấn “Nê”, các trinh sát đã có trong tay danh sách gần 10 nghi can, nhưng bọn chúng đều không có mặt ở địa phương. Cùng với việc củng cố chứng cứ tài liệu các vụ cướp có vũ khí ở Đắk Lắk, Khánh Hòa, việc truy lùng Tuấn “Nê” và đồng bọn được triển khai ráo riết.

3h sáng ngày 20/3/1999, 26 cán bộ chiến sĩ Công an tỉnh Đắk Lắk vượt những triền đồi đất đỏ, cắt đường tắt vào tận rẫy cà phê rộng lớn 8 ha nằm ở địa bàn giáp ranh 2 huyện Krông Buk và Cư Mgar. Công an tỉnh Đắk Lắk đã bắt khẩn cấp Nguyễn Minh Hà (32 tuổi) trú ở thị xã Buôn Hồ - kẻ đã tiếp tay Tuấn “Nê” và đồng bọn tàng trữ vũ khí trái phép. 9 ngày sau, Vũ Nhật Tùng, Nguyễn Hoài Nam sa lưới và khai nhận băng nhóm của chúng có tới 4 khẩu súng: Colte 45, AR15, K54, Rulo. Khi hỏi tới Tuấn “Nê”, bọn chúng đều nói rằng không biết "đàn anh" đang ẩn náu ở đâu, mà chỉ nghe nói đã dạt vào TP HCM.

iếp tục rà soát các mối quan hệ của Tuấn trong thời gian hắn học nghề kim hoàn ở Nha Trang, trinh sát tìm thấy tên Dũng “Boy”, nhưng người thanh niên này đã vào quận 1, TP HCM lập nghiệp. Mất nhiều ngày đêm các trinh sát tìm ra cửa hiệu cắt tóc Dũng “Boy” ở đường Nam Quốc Cang, phường Cống Quỳnh, quận 1 và cũng là nơi Tuấn “Nê” cùng đồng bọn đang ẩn náu. Do bọn chúng có vũ khí, nên phương án vây bắt được trinh sát tính toán hết sức cẩn trọng, đảm bảo các yếu tố bí mật - bất ngờ - nhanh gọn.

Đúng 11h30 ngày 8/4/1999, Tuấn “Nê” và đồng bọn vừa mò về cửa hiệu Dũng “Boy”, các trinh sát đặc nhiệm đã ập vào bắt giữ Tuấn “Nê”, Nguyễn Quốc Bảo, Y Tấn. Ngoài việc khám xét thu giữ 1 khẩu súng Colte 45 và 7 viên đạn, các trinh sát đấu tranh khai thác nóng và cử một tổ công tác ngược lên Đắk Lắk thu giữ tiếp 3 khẩu súng K54, AR15, Rulo. 4 đối tượng còn lại là Phan Công Khanh, Hoàng Ngọc Tú, Y Tuấn, Đặng Minh Thái lần lượt ra đầu thú và sa lưới.

Sau nhiều ngày đấu trí, Tuấn “Nê” và đồng bọn khai nhận trong vòng 6 tháng (từ tháng 9/1998 đến 2/1999) bọn chúng đã gây ra 4 vụ giết người, cướp tài sản, 3 vụ cướp, 2 vụ cướp giật, 3 vụ trộm cắp tài sản, 2 vụ gây rối trật tự công cộng, tổng số tiền chiếm đoạt là 232.600.000 đồng, 3 xe Dream II. Đã có 1 người chết, 5 người bị thương bởi hành vi tàn ác của Tuấn “Nê” và đồng bọn. Cùng lúc này, nhóm tội phạm do Nguyễn Hoàng Khánh cầm đầu cũng đã bị Công an TP HCM tóm gọn và bị truy tố, xét xử trong một vụ án khác.

Trả giá đắt trước pháp luật

Với 7 tội danh, bản án sơ thẩm số 100/HSST ngày 25/9/1999 của TAND tỉnh Khánh Hòa đã tuyên xử Nguyễn Đức Tuấn - Tuấn “Nê” và Vũ Nhật Tùng hình phạt tổng hợp: tử hình, Nguyễn Quốc Bảo chung thân, Đặng Minh Thái, Nguyễn Đình Nghĩa, Y Tấn 20 năm tù, 5 bị cáo còn lại bị xử phạt từ 6 tháng đến 5 năm tù giam.

Gây án giết người không run tay nhưng đến khi trả giá đắt trước pháp luật, Tuấn “Nê” và đồng bọn vội vã viết đơn xin giảm nhẹ hình phạt. Lạ lùng thay, bản án hình sự phúc thẩm số 89/HSPT ngày 23/3/2000 của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng đã "ưu ái" cho Vũ Nhật Tùng thoát án tử, khiến các cơ quan tiến hành tố tụng ở Khánh Hòa và dư luận bất bình. Ngay sau đó Báo CAND đã có bài viết phản ứng phán quyết của cấp phúc thẩm. Ngoại trừ Tuấn “Nê”, 5 bị cáo chủ chốt là Tùng, Thái, Bảo, Nghĩa, Tấn đều được đưa về Trại giam Xuân Phước để thi hành án. Khi sự phản ứng của dư luận và báo chí có cơ sở, TAND Tối cao kháng nghị bản án phúc thẩm và ra quyết định giám đốc thẩm, tuyên hủy phần hình phạt chung thân đối với Vũ Nhật Tùng, nên bị cáo này vẫn phải lãnh án tử hình. 

/dataimages/201206/original/829018_21_3ng1178-450.jpg
Đặng Minh Thái trước ngày được tha tù; Nguyễn Đình Nghĩa còn hơn một năm nữa sẽ được ra trại; Ba tháng nữa Nguyễn Quốc Bảo sẽ về với gia đình.

Đến Trại giam Xuân Phước đầu tháng 7/2012, tôi đã nghe Nguyễn Quốc Bảo tâm sự: "Cứ tưởng Tùng đã thoát chết bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật, ai ngờ chỉ vài tháng sau khi vào trại giam, tụi em bàng hoàng nghe tin Tùng bị đưa về lại Khánh Hòa và lãnh án tử hình bởi quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao. Phần em may mắn hơn khi thoát án chung thân, nhờ cải tạo tốt nên 7 lần được giảm án, gồm 6 năm 6 tháng, chỉ còn ba tháng nữa em được tha tù…". Tương tự như thế, Nguyễn Đình Nghĩa 6 lần được giảm án, gồm 4 năm 5 tháng, hơn 1 năm nữa cũng được về với gia đình.

Sau cuộc tiếp xúc với họ, tôi đã nghe nhiều suy tưởng hoàn lương hướng thiện. Họ ước muốn sau khi tái hòa nhập cộng đồng xã hội, sẽ nhờ gia đình và người thân trợ giúp nguồn vốn để kinh doanh hàng nông sản, vật tư phân bón trên vùng đất Tây Nguyên trù phú, đồng thời xây dựng tổ ấm hạnh phúc riêng mình để bù đắp những chuỗi ngày… trót dại. Không riêng tôi mà nhiều cán bộ quản giáo thầm mong đó là những suy tưởng thoát tự đáy lòng của họ, và tin rằng cộng đồng xã hội luôn mở rộng vòng tay nhân ái, giúp Thái, Nghĩa, Bảo, Tấn và nhiều người lầm lỗi khác tìm lại chính mình bằng những động thái tích cực.


ANTG
.