Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201207/21787-van-co-tien-ti-va-giac-mong-cong-danh-396132/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201207/21787-van-co-tien-ti-va-giac-mong-cong-danh-396132/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Ván cờ tiền tỉ và giấc mộng công danh - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 20/07/2012, 08:13 [GMT+7]
21787

Ván cờ tiền tỉ và giấc mộng công danh

ng Lèo là quan chức, ông Tân là quan chức, ông Mười cũng là quan chức… Ba quan chức cấp thành phố và cấp tỉnh này, có thể cương vị công tác khác nhau, quyền hành khác nhau nhưng có đặc điểm chung là mê chơi cờ.

Và từ những xe, pháo, mã, tướng, sĩ, tượng… đã cuốn bay của họ tất cả. Tội danh "Đánh bạc" không phải là thứ duy nhất họ phải đối diện vào lúc này.

 

Trần Văn Tân, 48 tuổi, nguyên Giám đốc Trung tâm Sát hạch lái xe loại 3, tỉnh Sóc Trăng.

Đinh Văn Mười, 56 tuổi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng TP Sóc Trăng.

1. Suốt ngày xét xử đầu tiên vào hôm 9/7/2012 tại Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Sóc Trăng, tôi để ý và thấy ông Lèo, ông Tân, ông Mười không liếc nhìn về phía nhau một lần. Họ dửng dưng như không hề quen biết.

Mà họ có thân nhau không? Thân lắm chứ. Thân đến mức mà ông Lèo nhiều lần gọi ông Mười là tri kỷ tri âm. (Lời khai tại tòa - NNH).

Ông Mười khai, ông Mười biết ông Lèo từ cái thời xa lắc. Thuở mà ông Lèo còn là Bí thư phường 6, rồi biết cả lúc ông Lèo làm Trưởng phòng và sau cùng là Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng.

Biết nhau từ thời điểm, ông Mười đang là Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường 1, rồi chính ông Mười cũng làm Bí thư phường 6 vài năm liền.

Ông Mười biết ông Tân từ cái hồi ông Tân còn làm ở nhà máy bia, sau chuyển về trường dạy lái xe.

Ông Lèo cũng thừa nhận mối giao tình hữu hảo đối với ông Mười và ông Tân. Riêng với ông Tân, ngoài tình bạn, 2 ông còn có tình đồng môn.

Năm 1979, ông Lèo đã thân với ông Tân, khi cả hai đều là học viên của Trường Công nông Sóc Trăng 2. Ra trường, họ vẫn giữ liên lạc.

Chơi từ thời tay trắng chưa có gì, chơi cho đến lúc người làm quan chức cấp sở, người làm giám đốc.

Giả như, không có cái bàn cờ tướng, với những nước cờ gây cay cú thì có lẽ, ông Lèo, ông Mười và ông Tân sẽ đúng nghĩa là tri kỷ, tri âm.

Nhưng, đời sống thì mấy ai nói trước được chuyện gì.

Ban đầu, gặp nhau buồn buồn, rủ nhau đánh cờ. Ông Mười là hội viên của Câu lạc bộ Cờ tướng.

Đánh "chay" hoài mất vui, chuyển sang đánh độ. Đánh bằng hình thức kỳ kỳ, là đánh cờ ăn vé số. Mỗi ván cờ, ai thua sẽ chung cho người thắng từ 50 đến 100 tờ vé số, quy thành tiền nằm trong khoảng từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng.

Rồi tiền cứ nâng lên dần dần, từ 3 triệu, đến 5 triệu, rồi 20 triệu và chốt lại mỗi ván thắng thua khoảng 200 triệu.

 

Các bị cáo tại phiên toà xét xử ngày 9/7/2012.

Ông Lèo không có khả năng đọ cờ với ông Mười, nên thua liền tù tì trên 1 tỉ đồng. Người làm trung gian, giao tiền lẫn vé số cho ông Mười là bà Ngô Huệ Phấn (46 tuổi, nghề nghiệp bán vé số, bà Phấn bị truy tố về hành vi "Gá bạc") khẳng định tại Tòa đã giao cho ông Mười số vé số quy đổi thành tiền mặt tổng cộng gần 600 triệu đồng. Nhưng ông Mười, một mực cho rằng mình không đánh cờ ăn tiền, mình bị oan… Biên bản ghi lời khai tại Cơ quan Công an khẳng định việc đánh cờ ăn tiền là ông… khai đại, do khai để được về nhà chữa bệnh. Sau đó, ông đọc lại biên bản ghi lời khai, và ông đã xé bỏ vì không đúng.

Bà Phấn khai trước Tòa rằng, hàng ngày bà đều gọi điện thoại cho ông Mười, để hẹn giờ bà giao vé số cho ông. Mỗi ngày, bà giao cho ông Mười khoảng 300 tờ vé số. Giao suốt từ tháng 6/2011 cho đến cuối tháng 12/2011, thời điểm mà ông Sáu Lèo khai nhận toàn bộ vụ việc với Cơ quan Công an để… trốn sự truy sát của ông Tân.

Toàn bộ tiền mà ông Mười mua số lượng vé số khổng lồ ấy, đều do ông Lèo chi trả. Vì, ông Lèo gần như luôn là người thua cuộc trong mỗi ván cờ.

Ông Mười ra tòa, vận áo sơ mi trắng dài tay, dáng đi còn đường bệ lắm, kiểu cách nói chuyện cũng còn mang dáng dấp quan chức. Bào chữa cho ông Mười là vị luật sư có tiếng tăm ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long.

2. Ông Tân thân với ông Mười lẫn ông Lèo. Một chiều rảnh, thấy ông Mười lơ ngơ đứng trước cửa nhà mình, ông Tân xáp lại hỏi. "Dạo này, anh còn đánh cờ với ông Lèo không?". "Vẫn còn", ông Mười đáp. "Thắng thua ra sao?". "Ờ, ăn khoảng 1 tỉ, mà còn thiếu lại".

Hiểu rõ khả năng đánh cờ… siêu dở của ông Lèo, ông Tân bắt đầu lên kế hoạch rủ rê ông Lèo đánh cờ.

Ban đầu,  cũng như ông Mười, ông Tân rủ ông Lèo đánh cờ ăn vé số. Rồi bắt đầu ăn tiền, mức ăn thua sơ khởi chỉ là 500 nghìn đồng/ván. Sau tăng lên 5 triệu, 50 triệu... cao điểm là… 5 tỉ/ván.

Đánh từ tháng 12-2008 cho đến tháng 12/2011, ông Tân đã lấy được từ tri kỷ tri âm của mình số tiền mặt là 1,3 tỉ đồng, 6 lượng vàng 24k, 6 thửa đất trị giá hơn 16 tỉ… và thêm một đống tiền nợ khác.

Lúc này, khi số tiền nợ ngày một nhiều thêm, thì đã không còn tri âm, tri kỷ, tri diện, tri tâm… gì gì nữa. Ông Tân hiện nguyên hình là một kẻ "ngoài tiền ra không quan tâm đến chuyện khác".

Ông liên tục nhắn những tin nhắn có nội dung mạt sát, hăm dọa ông Lèo. Có lần, ông Tân còn mò đến tận cơ quan của ông Lèo để đòi nợ. Bị bảo vệ ngăn cản, ông la lớn: "Thằng Lèo nợ tao tiền tỉ rồi bỏ trốn mất".

Uy hiếp tinh thần vẫn chưa thấy ông Lèo trả nợ, ông Tân nghĩ đến cách mướn giang hồ trấn áp ông Lèo.

Ông Tân cùng Nguyễn Thanh Hùng (tức Hùng “cải lương”) liên tiếp săn lùng ông Lèo. Hùng  lệnh cho con trai mình là Nguyễn Thanh Truyền tháp tùng đoàn đòi nợ cho thêm phần khí thế.

Cáo trạng của phiên tòa nêu rõ: "Bị can Trần Văn Tân là người trực tiếp đe dọa sẽ dùng vũ lực và dùng nhiều thủ đoạn uy hiếp tinh thần bị can Lèo, rồi sau đó bàn bạc kế hoạch cùng các bị can Nguyễn Thanh Hùng, Nguyễn Thanh Truyền thực hiện hành vi "Cưỡng đoạt tài sản" của bị can Lèo".

Là vậy đó, một khi máu đỏ đen đã vận vào người, thì bản chất thế nào sẽ bộc lộ thế ấy.

Như con thú bị dồn vào đường cùng, ông Lèo đã chọn cách trình báo toàn bộ sự việc với Cơ quan Công an. Ông Lèo không có sự lựa chọn nào khác, ông đã khánh kiệt gần như hoàn toàn…

Ông Tân ngồi dưới hàng ghế dành cho bị cáo trước tòa, áo sơ mi tay dài cài cúc, quần vải… dáng người nhỏ thó, khuôn mặt hơi choắt.

Mà thưa với bạn đọc rằng, xuyên suốt toàn bộ ngày xét xử đầu tiên của phiên tòa, đọc cáo trạng hàng chục lần, tôi vẫn không thể hiểu là ông Lèo với cương vị Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng. Vốn trăm công nghìn việc, sao lại có thừa thời gian để nghiện cờ đến mức ấy.

Ông nghiện cờ đến độ, ông với ông Mười đang đánh cờ ở quán bi-da, thì xảy ra mâu thuẫn. Ông Mười cáu, quẳng hết bàn cờ, tuyên bố từ đây không đánh cờ với ông Lèo nữa.

Ông Mười giận, thì ông Lèo cũng giận. Nhưng khi thấy ông Mười đùng đùng quay lưng bỏ đi thì ông Lèo… hoảng. Hoảng đến mức ông vội vã nhờ bà chủ quán bi-da giúp ông năn nỉ ông Mười để ông Mười nghĩ lại, mà chơi với ông thêm một ván cờ nữa cho... đã thèm.

Sau khi được bà chủ quán năn nỉ, ông Mười đồng ý tiếp tục đánh cờ với ông Lèo. Mừng quá, ông Lèo rút ví tặng cho bà chủ quán bi-da 200 nghìn đồng, gọi là tiền cảm ơn vì đã khiến ông Mười chịu ngồi lại vào bàn cờ cùng ông.

Có lần, ông Lèo và ông Mười đánh cờ từ 9h sáng hôm trước đến 16h chiều hôm sau. Nghĩa là, đánh xuyên đêm, đánh bất chấp phố xá lên đèn, phố xá tắt đèn, người dân thức dậy đi ngủ và lại… thức dậy.

Chưa hết, vợ ông Lèo theo dõi, phát hiện ra quán bi-da mà ông Lèo và ông Mười thường hẹn nhau đánh cờ, bèn đánh tiếng nặng lời  để mong ông Lèo nghĩ lại. Trước mặt vợ, ông Lèo hứa. Sau lưng vợ, ông Lèo lại… rủ ông Mười tìm chỗ khác đánh cờ cho an toàn hơn.

Tôi không biết ông Lèo lúc còn đương chức oai phong như thế nào, nhưng hôm ở phòng xử án, nhìn ông tấp tểnh bước đi khó khăn do di chứng của các căn bệnh, tự dưng có cảm giác bất nhẫn.

Lúc các cán bộ bảo vệ trật tự phiên tòa dẫn giải các bị cáo ra xe, tôi đứng trên lầu, khu vực dành cho báo chí nhìn xuống, thấy khuôn mặt ông Lèo tái dại. Đôi mắt ngơ ngác pha lẫn hoảng sợ, nhìn về phía đám đông như tìm người thân.

Lúc bước lên xe chuyên dụng, ông Lèo phải nhờ đến sự giúp sức của hai cán bộ dẫn giải mới bước lên được.

Ông đã hoàn toàn suy kiệt về mặt tinh thần lẫn thể chất. Có điều, nghe cái cách ông nhận lỗi về mình và xin Hội đồng xét xử nương nhẹ hình phạt cho bị cáo Ngô Huệ Phấn vì "Phấn chỉ giúp đỡ thôi" khiến tôi hơi... ngậm ngùi.

3. Phiên tòa xét xử các quan chức trong ván cờ bạc tỉ, thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận tại TP Sóc Trăng.

Tòa bố trí hai phòng có màn hình truyền hình trực tiếp dành cho nhân thân của các bị cáo đến dự khán, một phòng trên lầu dành cho báo chí. Phòng xét xử chính, dành cho bị cáo và những người làm chứng. Từ màn hình trong phòng dành cho báo chí, tôi nhẩm tính có khoảng hơn 35 người là nhân chứng cho vụ việc này.

Cuối giờ chiều ngày 9/7, Tòa tuyên bố kết thúc ngày xét xử đầu tiên, tôi lang thang ra quán cà phê gần đó thì gặp bà Lâm Thị Láng, 67 tuổi, ngụ Quốc lộ 1, khóm 3, phường 7, Tp Sóc Trăng.

Bà Láng hỏi tôi là "Cái gì kỳ vậy chú?. Tui sống đến từng này tuổi rồi, nghĩ chuyện đánh cờ ăn tiền là chuyện của mấy người đầu đường xó chợ, lấy cờ gian bạc lận làm kế kiếm cơm qua ngày, chứ ai nghĩ là quan chức, là đảng viên mà lại như vậy.

Tui hỏi chú nè, mình làm ăn lương thiện, có ai dám đánh một ván cờ mấy trăm triệu, rồi bạc tỉ không? Mà đâu phải xử mấy ông này là xong hả chú... Ai lại thăng quan tiến chức cho những người như vậy bao giờ(?!)".

Tôi ậm ờ cho qua chuyện, vì không biết trả lời như thế nào cho hợp lý lúc này.

Thành phố Sóc Trăng có mưa, mưa dai dẳng, trắng trời… Ngớt mưa, tôi tìm đến nhà ông Lèo để xin một cơ hội trao đổi thông tin. Căn nhà dạng biệt thự mini, xinh xắn, mái tôn giả ngói màu xanh rêu, có khuôn viên nhiều cây xanh nằm ngay mặt tiền Quốc lộ 1, hướng xuôi về Cà Mau.

Đang đứng lơ ngơ bấm chuông đợi chủ nhà mở cửa thì có người phụ nữ đôi mắt đỏ hoe, sưng húp chạy xe gắn máy về. "Chú tìm ai?", bà hỏi. "Dạ, em xin phép được gặp vợ của ông Lèo để trao đổi thêm vài thông tin ạ". "Cô không có nhà, chú ơi. Mà cô không gặp chú đâu, chú về đi"… Nói chưa dứt câu, người phụ nữ đã nhanh chóng bước vào trong sân nhà, khép cửa.

Tôi tin, đó là vợ của ông Lèo. Nhưng thôi, bà đã không muốn gặp, thì biết làm thế nào.

Mức án vài năm tù giam hoặc ít hơn đối với tội danh "Đánh bạc" có làm ông Mười, ông Lèo, ông Tân hối hận không(?!). Có tiếc vì đánh mất cả tình bạn gắn bó vài mươi năm trời hay không(?!).

Chắc là có chứ. Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ là, mức án giam giữ không quan trọng bằng sự tủi hổ mà các ông đang gánh phải. Đó là sự tủi hổ không chỉ của lương tri, mà còn là sự tủi hổ của danh phận, của công danh.

Gần hết một đời phấn đấu, vun đắp, xây dựng… dẫu không công hầu khanh tướng, thì cũng đảm nhiệm vị trí này, chức vụ kia. Cũng là ra đường người dân biết mặt, lãnh đạo biết tên. Cũng không ít thì nhiều được người đời trọng vọng.

Thế nhưng, tiếc là thoáng chốc giấc mộng công danh bay xa như khói như sương. Có đó, mất đó…

Mất chức vụ, không hẳn là mất tất cả. Nhưng, mất chức vụ và để lại lời đàm tiếu mà không biết bao lâu nữa dư luận mới chịu quên, mới thôi mai mỉa… mới là cái mất đau đớn nhất.

Mà mất vì cái gì(?!).

Chỉ vì những con cờ vô tri vô giác. Liệu, có đáng không(?!)


ANTG
.