Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201207/21741-chuyen-ve-nguoi-anh-hung-con-cong-tren-lung-396159/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201207/21741-chuyen-ve-nguoi-anh-hung-con-cong-tren-lung-396159/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Chuyện về “Người anh hùng còn cõng trên lưng” - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 18/07/2012, 08:00 [GMT+7]
21741

Chuyện về “Người anh hùng còn cõng trên lưng”

Chân dung anh hùng Đỗ Văn Miên
Hẳn có rất nhiều người nhớ tên người anh hùng nhỏ tuổi này, khi mà anh là niềm tự hào của thanh thiếu nhi miền Nam trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược. Trong chiến tranh ác liệt ấy, đã có rất nhiều người anh hùng được vinh danh tại miền Nam và được vinh dự ra miền Bắc tham dự Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc và được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Đa số những anh hùng miền Nam được tổ chức phân công ở lại miền Bắc học tập, công tác.

Năm 1967, có một dũng sĩ thi đua “tí hon” mà Đại hội chiến sĩ thi đua toàn miền Nam tặng cho danh hiệu “Anh hùng còn cõng trên lưng”. Người anh hùng nhỏ tuổi đó là Hồ Văn Mên. Ngày nay trong nhiều bức ảnh Bác Hồ với thiếu nhi dũng sĩ miền Nam, bên cạnh Bác Hồ bao giờ cũng hai cô cậu thiếu nhi. Cô bé dũng sĩ diệt Mỹ 14 tuổi đó là Hồ Thị Thu, quê ở Duy Tân, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam hiện đang nghĩ hưu sinh sống tại TP Đà Nẵng mà báo chí từng viết.

Còn dũng sĩ diệt Mỹ 14 tuổi với chiếc mũ tai bèo to gấp đôi khuôn mặt ấy là Anh hùng Hồ Văn Mên - “người anh hùng còn cõng trên lưng” sinh ra và lớn lên ở miệt vườn Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương - nơi nổi tiếng cây lành, trái ngọt và ông đã mất từ năm 1984.

Người anh hùng… không nhang khói

Không ai làm cái việc nhẫn tâm khi nói về chuyện “nhang khói” của một người anh hùng có trong lòng bao nhiêu thế hệ trẻ Việt Nam. Nhưng đã là sự thật, thì cũng nên lắm… Suy nghĩ này đã giày vò tôi nhiều đêm liền khi nghĩ về anh hùng Hồ Văn Mên.

Có một lần, ngồi với mấy bạn thân ở TX Thủ Dầu Một, chuyện trò rôm rả về đất và con người Bình Dương xưa nay, có người đã quả quyết rằng, TX Thủ Dầu Một ngày nay không có con đường nào mang tên Anh hùng Hồ Văn Mên, mà chỉ có TX Thuận An, huyện Thuận An quê hương Anh hùng Hồ Văn Mên mới có con đường mang tên ông.

Nghe chuyện ấy, tôi cứ bần thần mãi, không lẽ người đời đã quên người anh hùng còn cõng trên lưng này sao? Đâu là sự thật? Hỏi ai thờ tự ông, ai biết nhiều về ông là câu hỏi không có lời đáp. Chính điều này đã thôi thúc trong tôi muốn tìm hiểu về Anh hùng Hồ Văn Mên…

Trưa một ngày cuối tháng 4, tôi tìm về phường An Thạnh, TX Thuận An để tìm gặp người thân của Anh hùng Hồ Văn Mên. Tên địa danh xã An Thạnh, thị trấn Lái Thiêu xưa nay thành phường An Thạnh cùng với bao thay đổi của vùng đô thị hóa, phát triển khu công nghiệp nhanh đến chóng mặt.

Muốn tìm ra một địa chỉ của ngày xa xưa không dễ chút nào. May mắn làm sao, trong lúc ngồi ở Uỷ ban nhân dân phường đợi cô bạn Phó Chủ tịch phường nhờ hướng dẫn đường đến nhà người thân của Anh hùng Hồ Văn Mên, thì tôi tình cờ gặp được má Tư Long, Hội Chữ thập đỏ Khu phố Thạnh Lộc của phường đang có mặt ở Ủy ban. Nghe xong chuyện, má Tư Long rất nhanh nhẹn ra bãi lấy xe gắn máy, rồi nhìn tôi nói như ra lệnh: “Theo má tới nhà ông Mên luôn”.

Trên đường đi về khu phố Thạnh Lộc, lân la hỏi chuyện tôi mới biết: má Tư Long (Nguyễn Thị Kim Long) là bạn nối khố của Anh hùng Hồ Văn Mên, nhà sát bên, cùng tuổi, học chung trường từ nhỏ. Do vậy mà má Tư Long tuyên bố: Cái giống gì xảy ra ở cái đất An Thạnh này, má đều biết rất rõ. Riêng chuyện về gia đình Anh hùng Hồ Văn Mên má Tư thuộc nằm lòng.

Má nhớ lại, hình như lâu lắm rồi mới có nhà báo tới hỏi về ông Mên. Má Tư Long  cùng tuổi với Hồ Văn Mên, hỏi chuyện hồi nhỏ thấy ổng ra sao? Má cười cười rồi nói: Chả hiền lành lắm, nhưng lỳ và gan dạ thì làng này không ai bằng. Đưa tay má Tư Long chỉ chân cầu Trắng và nói: Chỗ này, ổng chọi lựu đạn, mấy thằng địch banh xác.

Theo sau má Tư Long, rẽ trái ngay dốc chân cầu Trắng, rồi chạy men theo con đường đất sỏi đỏ, nhỏ hẹp lỗ chỗ hố voi, ổ gà xuyên qua những khu vườn cây ăn trái xanh mướt với hàng cau lô nhô khắp bốn bề non một cây số, bỗng má Tư quày xe vào một căn nhà tường cấp 4. Căn nhà khóa cửa trước, cửa hông nhà sau gần như không cánh, bốn bề vắng lặng. Nghe tiếng má Tư Long gọi “Sáu ơi…”, từ phía sau bếp, có một người đàn ông đi lên. Chủ nhà là một nông dân vóc dáng thấp, khỏe mạnh đang ở trần trùng trục từ phía sau nhà đi lên hơi ngỡ ngàng chào má Tư và khách lạ. Anh là Hồ Văn Sang, 55 tuổi, là em trai thứ sáu (Hồ Văn Mên thứ ba), cùng cha khác mẹ.

Theo lời má Tư Long, thì anh Sáu Sang là người có khuôn mặt “giống hệt” ông Mên hồi còn sống. Căn nhà mà anh Sang đang ở nằm cách nền nhà cũ nơi sinh ra Hồ Văn Mên chừng 200m, nên chưa có cây xanh bóng mát còn nham nhở cát đất xây dựng. Anh Sáu Sang kể chuyện: Do nền nhà cũ trước đây diện tích đất nhỏ hẹp chỉ hơn 200m2, lại bị nước ngập thường xuyên nên anh dời qua đây ở, còn bên kia vẫn là đất bỏ hoang với vài bụi cây.

Quanh nhà anh có trồng mấy chậu hoa mười giờ và mấy chậu hoa kiểng trước sân đang nở rất đẹp, tôi dò hỏi: Chị và các con anh không có nhà? Nghe xong anh Sang cười héo nói: Tui thôi vợ hơn 10 năm nay, hai đứa con đã lớn ở riêng nên anh trở thành người mồ côi ngay trong nhà mình. Hai con anh Sang là cô Hồ Thị Nhàn 25 tuổi đã có chồng, còn cậu út Hồ Thanh Nam 17 tuổi đang làm nghề thợ hồ như anh đủ sống qua ngày. Người em út của Anh hùng Hồ Văn Mên là anh Hồ Văn Út năm nay 52 tuổi, có vợ và hai con cũng làm thuê mướn, phụ hồ nhà kề phía sau.

Nhìn gia cảnh của anh Sang đủ thấy ái ngại cho sự nghèo từ trong ra ngoài. Có thể vì cuộc sống quá khó khăn với nghề thợ hồ và làm mướn dọn cỏ, đào đắp… quanh năm, ai kêu thì làm, không ai kêu thì... thất nghiệp nên trong căn nhà của anh không có một vật gì có giá trị cao.

Căn nhà lạnh lẽo và đơn sơ ấy, anh Sang dành riêng một góc thờ người anh thứ ba là Anh hùng Hồ Văn Mên. Chính giữa là bàn thờ cha mẹ anh. Lâu lắm rồi không ai quét dọn nên cũ kỹ, im lìm rất tội. Ngoài bức di ảnh Anh hùng Hồ Văn Mên được tráng rọi ảnh màu, đeo khăn quàng đỏ nhìn nghiêng góc, phía trên tường có treo mấy khung bằng các huân, huy chương và ảnh Anh hùng Hồ Văn Mên bên cạnh Bác Hồ năm 1967 tại Hà Nội.

Từ trái sang: Anh hùng Hồ Văn Mên (lúc nhỏ), Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, Anh hùng Tạ Quang Tỷ.

Nhìn lư hương cắm vài cây chắc từ dịp tết đến nay, lạnh lẽo và buồn não lòng cho người anh hùng còn cõng trên lưng, anh Sang bần thần nhớ lại: “Hình như lâu lắm rồi mới có người đến thăm hỏi về anh ba tui”. Câu nói nghe đắng cả lòng của Sáu Sang khiến tôi và má Tư cắn môi không dám nói thêm một lời nào. Chiến tranh đã lùi quá xa trong quá khứ, cũng đã ngót 27 năm Anh hùng Hồ Văn Mên qua đời, người ta chỉ còn nhớ tên anh trong sử sách, mấy ai còn biết anh được thờ phụng ra sao.

Nghĩ cũng buồn, sau ngày giải phóng, từ Hà Nội trở về quê hương công tác, ông cũng không lập gia đình nên không vợ con. Rồi đã có lúc ông buồn chán nản sinh ra tật uống rượu nhiều, say sưa để quên đời nên vì thế mà sớm ngã bệnh qua đời. Chuyện về ông cũng có người còn biết rất nhiều, đặc biệt là thời gian từ 1975 đến 1984. Người khen cũng có, người chê trách cũng có và cũng có những người như ở trạng thái trung dung không bình luận. Sau ngày ông mất đi, khói nhang lạnh lẽo với hai người em trai nghèo khổ, ít chữ nghĩa làm nghề thợ hồ và gồng gánh bao nỗi khó khăn cuộc sống để lo cho con cái…

Và thế là, không còn ai có điều kiện chăm lo hương khói cho ông, một anh hùng lừng lẫy chiến công ngày xưa. Tôi định hỏi về đám giỗ có tổ chức hay không? Tiền lĩnh chế độ chính sách có hay không? nhưng nghĩ lại, nên thôi vẫn hơn. Hỏi gia đình có còn ảnh hay tư liệu nào về Anh hùng Hồ Văn Mên, anh Sáu Sang cười buồn: Trước đây cũng có, nhưng có người mượn không trả lại, phần thất lạc do không ai cất giữ… hết trọi trơn rồi. 

Anh hùng tuổi nhỏ và những kỷ niệm bên cạnh Bác Hồ

Hồ Văn Mên sinh năm 1953, tại ấp Thạnh Lộc, xã An Thạnh, huyện Lái Thiêu, tỉnh Sông Bé cũ (nay là phường An Thạnh, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương), trong một gia đình nghèo, mồ côi mẹ năm 13 tuổi.  Sau 3 năm làm cách mạng từ tuổi 13-14, ông đã tham gia 7 trận đánh lớn nhỏ và diệt được 79 tên giặc cùng nhiều xe cơ giới của địch. Trận đánh nổi tiếng nhất là trận diệt 59 tên sĩ quan, lính ngụy ở sòng bạc Phú Văn.

Năm 1967, từ An Thạnh (Lái Thiêu) về chiến khu dự Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn miền Nam, đường xa phải đi ngày đi đêm không nghỉ. Khi băng qua đồng trống, cả đoàn phải chạy nhanh vì sợ máy bay địch phát hiện. Lúc qua  suối sâu phải lội, mà Mên còn quá nhỏ, mỏi chân đi không nổi, anh em trong đoàn phải thay phiên cõng Mên. Anh em cưng Mên lắm vì tuổi còn nhỏ, nhưng gan dạ anh hùng.

Anh hùng Hồ Văn Mên (đánh dấu X) được gặp và nói chuyện với Bác Hồ khi còn trẻ.

Khi đại hội tổ chức cho các dũng sĩ diệt Mỹ báo công để bình chọn đại biểu ra miền Bắc thăm Bác Hồ, Mên ngồi nghẹt thở run cầm cập vì khớp. Đến lượt Mên, Ban tổ chức đại hội trân trọng giới thiệu và mời bước ra lễ đài, mọi người ngạc nhiên ồ lên vỗ tay tán thưởng vì nhìn thấy dũng sĩ diệt Mỹ là một “thằng nhóc” 14 tuổi, đội nón tai bèo, mặc quân phục giải phóng quá khổ, cả đại hội vỗ tay vang rân trời không ngớt làm Mên khớp quá run bần bật. Mên chỉ nói được tiếng kính thưa, rồi đứng chết trân tại bục phát biểu. Lúc này, anh Một Hữu trong đoàn phải ẵm Mên giơ lên cao cho mọi người nhìn thấy rõ, rồi anh đọc thay cho em bản báo công. Được dịp, bác Huỳnh Minh Siêng – Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin tức (nhạc sĩ Lưu Hữu Phước), người sáng tác nhiều bài hát nổi tiếng thời kỳ Nam Kỳ khởi nghĩa, đã cảm xúc làm bài thơ gửi tặng Đại hội mà cũng vừa để tặng Dũng sĩ diệt Mỹ tí hon Hồ Văn Mên. Bài thơ có tên “Anh hùng còn cõng trên lưng” có đoạn:

“Em! Được gặp em! cầm tay anh nặn

Đấy, con người cũng tim óc thịt da

Mười ba tuổi, ba năm làm cách mạng

Cầm tay em nghe thắm thiết đậm đà

Trước cô chú, em thẹn thùng không nói

Báo công em có các bác thay lời

Mười ba tuổi được kêu bằng đồng chí

Cầm tay em càng khó nói lắm em ơi!...

Bảy trận đánh trừ 79 tên Mỹ, ngụy

Góp công về đại hội với ba quân

Đường quê mẹ nâng bước chân dũng sĩ.

Em ! Anh hùng còn cõng trên lưng

Anh đã hiểu vì sao em lớn vậy

Từ khổ đau em biết sống làm người

Biết ghét, biết yêu thảy đều thế đấy

Đứng lên rồi em có cả tình thương…”

Bài thơ làm cả đại hội xúc động và tán dương, sau này còn được chép truyền tay cho nhau trong sổ tay nhiều đồng chí hôm ấy. Sau Đại hội, Dũng sĩ diệt Mỹ Hồ Văn Mên được cử ra miền Bắc thăm Bác Hồ và ở lại học tập văn hóa lên đến 8/10. Được học hành, được sống thanh bình nhưng Hồ Văn Mên cứ nằng nặc đòi xin các cô chú bác cho về miền Nam đánh Mỹ.

Được vào học trường Lục quân “lên lon” Trung úy nhưng trong lòng Hồ Văn Mên lúc nào cũng mong mỏi được đi đánh Mỹ - ngụy. Mên biết quê hương của anh còn giặc Mỹ, người dân còn bị kìm kẹp, bắt bớ, tù đày và giết chết dã man. Vườn măng cụt xứ Lái Thiêu bị bom đạn, pháo bầy cắt ngọn, xác xơ chết cháy. Nhưng mãi cho đến ngày giải phóng miền Nam 30-4-1975, Hồ Văn Mên mới được về lại quê hương trong niềm vui giải phóng, thống nhất Tổ quốc.

Khi nhỏ sống với bà nội, Hồ Văn Mên là một đứa cháu ngoan, hiếu thảo biết đỡ đần bà việc nhà, cùng bà đi chợ bán trầu cau để có tiền sinh sống. Có một lần ông bị giặc bắt, ông đã tìm cách trốn thoát và lại tiếp tục đánh giặc. Sau giải phóng miền Nam, ông trở về quê nhà làm Thanh tra tại Ty Thương nghiệp tỉnh Sông Bé cũ.

Ông mất ngày 5/3/1984 do vết thương ở sọ não trong một trận đánh trước đây tái phát. Trong cuộc đời chiến đấu gan dạ, dũng cảm với địch, Hồ Văn Mên được khen tặng 9 danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ và Dũng sĩ diệt xe cơ giới cấp ưu tú.

Ngày 24/6/2005, với những thành tích vẻ vang đó, Hồ Văn Mên được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và tên của ông đặt cho giải thưởng vào ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh 15/5 hằng năm dành cho các em học sinh nghèo học giỏi và có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt cấp tiểu học và trung học cơ sở trong toàn tỉnh Bình Dương.

Ông không có gia đình và không còn ai thân thuộc ngoài hai người em cùng cha khác mẹ là anh Hồ Văn Sang và Hồ Văn Út. Người chị ruột của ông lưu lạc đến nay (theo anh Sang thì không biết còn hay mất), tên mẹ đẻ anh là gì, anh Hồ Văn Sang không nhớ nổi.

Sinh thời, Anh hùng Hồ Văn Mên thường kể lại những ngày sống rất hạnh phúc ở miền Bắc được ăn ở chung, được tung tăng bên Bác Hồ kính yêu. Có lần, khi lên bàn ăn cơm chung với Bác, Hồ Văn Mên với Hồ Thị Thu giành bới cơm ra chén, Bác Hồ không cho, biểu để Bác bới cho hai cháu. Mên buồn nhưng phải nghe theo lời Bác, vì biết Bác rất thương các cháu thiếu nhi miền Nam. Lúc ăn xong, Mên giành bưng chén đi rửa, Bác Hồ lại biểu để đó.

Bác Hồ rất quý hai dũng sĩ tí hon là Hồ Văn Mên và Hồ Thị Thu, nên lúc nào rảnh rỗi là Bác nói chú Vũ Kỳ - Thư ký riêng của Bác gọi hai dũng sĩ vào ở với Bác. Bác Hồ hỏi đủ chuyện ở miền Nam, kể cả chuyện con nít đánh Mỹ. Lời Bác thăm hỏi động viên thấm sâu vào huyết quản, thấm dài theo năm tháng hành quân, đánh giặc mà chết cũng hổng sợ. Mên giặt quần áo của Mên, Bác biểu để đó Bác giặt cho (Mên hổng dám cãi). Khi ngủ Bác ôm Mên ngủ, đắp mền cho Mên khi tiết trời Đông ở miền Bắc rất lạnh. Bác lo từng việc nhỏ mà vô cùng lớn lao như vậy.

Hồ Văn Mên vẫn còn là một đứa trẻ, buồn quá nên làm giàn thun (nạng thun) bắn chim, Bác Hồ thấy liền biểu Mên, để chim ăn sâu bọ không nên bắn. Không cho bắn chim, Mên giận nên xin Bác cho về miền Nam bắn Mỹ vậy. Anh hùng trẻ con như vậy đấy. Bác và Thư ký của Bác chỉ cười…

Kỷ niệm cuối cùng trong đời anh hùng Hồ Văn Mên, Hồ Thị Thu, Võ Phổ... trong đoàn dũng sĩ anh hùng miền Nam là Tết năm 1969 được sống bên Bác lần cuối. Bác hỏi hoàn cảnh gia đình, cuộc sống của đồng bào trong Nam rồi chuyện ăn Tết ở Nam Bộ ra sao. Tới trưa, đến giờ Bác nghỉ, Bác nói cảnh vệ mang bánh chưng đến cho các dũng sĩ anh hùng ăn. Riêng Hồ Văn Mên, cậu bé nhỏ nhất đoàn thì leo lên cái chõng gần giường Bác nằm rồi ngủ quên luôn.

Bên ngoài trời lạnh buốt, phải mặc thêm áo len mới chịu nổi. Lần đầu tiên các dũng sĩ nếm mùi lạnh giá của miền Bắc dữ dội trong đợt Tết 1969. Bác nằm nghỉ khoảng nửa giờ thì thức dậy. Thấy Mên nằm ngủ, Bác nhẹ nhàng lấy chiếc khăn lông lớn đắp cho Mên ngủ. Đến khoảng 3h chiều, xe của Tổng cục Chính trị đến đón. Bác dặn, cũng để chỉ đạo cho đồng chí Dương Quốc Chính: “Phải lo cho anh hùng, dũng sĩ miền Nam học văn hoá, quân sự và chính trị để tiếp tục về Nam chiến đấu!”. Đó cũng là lời dặn cuối cùng của Bác với anh hùng, dũng sĩ miền Nam trước ngày Bác đi xa.

Tuổi trẻ Bình Dương không quên anh hùng Hồ Văn Mên

Tình cờ khi hỏi thăm địa chỉ gia đình Hồ Văn Mên, anh Đỗ Ngọc Huy - Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bình Dương phấn khởi cho biết: “Tỉnh đoàn đang soạn thảo để trình Uỷ Ban đề án xây dựng đền thờ hoặc tượng đài Anh hùng Hồ Văn Mên ngay tại mảnh đất ông sinh ra”.

Như một cơn gió mát thổi qua vùng đất nắng nóng, tôi liền nhờ má Tư Long dắt đi xem phần đất định xây tượng (hoặc đền thờ) nằm gần chỗ nhà anh Sang bây giờ. Do quỹ đất và kinh phí còn thiếu thốn, nên ban đầu dự định xây đền thờ ngay trên nền đất nhà cũ của gia đình Anh hùng Hồ Văn Mên, nhưng 200m2 đất thì không thể làm gì được, nên phường và huyện chọn nơi gần đó, diện tích lớn hơn.

Người anh hùng nhỏ tuổi khi mất đi vào năm 1984, không vợ con, anh em ruột thịt cũng đang sống khó khăn, làm thợ hồ, làm mướn sống qua ngày, không có điều kiện quan tâm. Việc tuổi trẻ và chính quyền xây dựng đền thờ hay tượng đài chăm lo phần “nhang khói” cho Anh hùng Hồ Văn Mên rất hợp tình, phải đạo lý vô cùng. Hay tin này, anh Sáu Sang mừng vô cùng vì anh rất thương anh Ba mà không thể làm gì cho anh ấy.

Tỉnh đoàn Bình Dương đã hoàn thành tượng đài và công viên mang tên nữ Anh hùng TNXP Đoàn Thị Liên vinh danh cho tuổi trẻ quê hương, nay là công trình nhiều ý nghĩa về Anh hùng Hồ Văn Mên là thêm một địa chỉ đỏ về nguồn cho thanh thiếu nhi tỉnh nhà


CSTC
.