Chị Bình và cháu họ. |
"Bén duyên" với nghề bốc mộ khi mới… 13 tuổi
Đến thôn Đại Cầu, xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên, Hà Nam, không cần phải hỏi đầy đủ cái tên Phạm Thị Bình mà chỉ cần hỏi chị "Bình hài cốt" thì đến đứa trẻ lên 5 cũng sẽ kéo tay và chỉ tận nhà người phụ nữ ấy ở. Men theo con đường đồng, ngôi nhà ngói tuềnh toàng, cũ kỹ nằm nép mình tận phía cuối làng hiện lên. Ngôi nhà đứng trầm lặng, cũng y như cái nghề, cái cuộc đời của chị vậy.
Biết được mục đích đến của tôi, chị nở nụ cười, và mở đầu câu chuyện bằng câu nói như tâm sự: "Làm cái nghề này không mất nhiều sức, nhưng vất vả đêm hôm. Khi người ta ngủ, thì mình thức. Và cái chính, cần có lá gan lớn một tý, cô ạ". Vừa nói, chị vừa vui vẻ cười, rồi bắt đầu kể chuyện nghề, xen lẫn những câu chuyện vui mà chị còn nhớ mãi. Năm chị 13 tuổi, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị phải thôi học, đi theo bố làm thuê, kiếm tiền. Ai thuê gì thì bố chị làm việc ấy, từ phun thuốc sâu, nhổ cỏ… cho tới nghề bốc mộ. Lúc nào cũng bám theo bố, nên mọi công việc ông làm chị đều làm theo cả, và tất nhiên không ngoại trừ việc bốc mộ.
Lần đầu chỉ theo bố đi bốc mộ thôi, chứ thực tình chị cũng không dám xắn tay vào làm, chỉ là chân sai vặt, đứng ở gần đó, bố gọi gì thì mang cho, hay thi thoảng đưa cho bố cốc nước. Hôm sang làng Lão Cầu, bốc mộ cho nhà người ta vào lúc 2h sáng. Bố chị đi từ chiều, dặn chị cứ tới giờ, ra chờ sẵn ông ở mộ. Trời thì mưa phùn, ẩm ướt, lại rét nữa, nên vừa mặc áo mưa, quần xắn cao tới gối, vừa xách đèn đi bộ, băng qua cánh đồng rộng mênh mông, heo hút.
Uống rượu ở đâu, vừa ra tới nơi, bố chị ngã ngay xuống cái mộ vừa được đào lên lúc chiều, còn trơ ra cái hố sâu hoắm. Cuống quá, chị vội vứt dép, nhảy xuống hố lôi ông lên bờ. Người nhà gia chủ thì lo không ai làm tiếp, người nọ nói người kia là thuê phải thằng nát rượu. "Để đấy tôi làm" chị dõng dạc nói. Lấy tay buộc lại túm tóc cẩn thận, đeo gang tay, ủng chân và khẩu trang, nai nịt gọn gàng, chị xăm xăm cầm đồ nghề, ngồi xuống và bắt đầu làm.
Ca đầu tiên chị làm lại chính là ca khó. Khi mở nắp áo quan ra, thấy người nằm trong còn nguyên, chưa được "sạch sẽ", lại mặc nhiều quần áo, nên càng khó phân hủy. Phải dùng dao, để "dóc thịt". Theo ý gia chủ, chị vẫn tiếp tục công việc, nhưng khó khăn hơn nhiều. Bình thường, làm một ca sạch sẽ, gọn gàng thì chưa đầy một tiếng là đâu đã vào đấy. Nhưng ca khá khó như thế, và phải mất gần ba giờ đồng hồ mới làm xong.
"Nhìn thì có nhìn nhiều rồi, nhưng làm thì khác chứ. Với lại, trời thì rét mướt, ánh đèn thì mờ mờ, hương khói nghi ngút tới ngạt thở, mà bên tai tiếng người nhà khóc thút thít, nghe sốt hết cả ruột. May mà cũng xong". Chị vừa kể lại lần đầu nhập nghề ấy, vừa cười vui vẻ.
Từ đó, chị theo nghề lúc nào mà không hay. Ngoảnh đi ngoảnh lại, ngót nghét đã được gần 26 năm, chị vẫn gắn bó với nghề bốc mộ. Chị làm thạo việc, lại sạch sẽ, cẩn thận, đâu ra đấy, và cái chính, chị luôn tâm niệm, làm công việc này là làm phúc giúp người. Vì thế, xa gần đều biết tới chị, cứ nhờ là chị sẵn sàng đi ngay.
Có lần đi bốc mộ cho nhà ở trong Đồng Văn, do tới sớm, chị ra thẳng bãi tha ma, chứ không vào nhà gia chủ nữa. Ngồi dưới không thích, chị "tót" lên cây ngồi chơi, phe phẩy cành lá, đợi người nhà gia chủ ra. Lúc sau, người nhà gia chủ ra, nhìn thấy từ xa, cứ tưởng ma, hò nhau chạy, ngã lên ngã xuống. "Tôi chưa kịp gọi họ lại, đã thấy chạy hết, không còn một ai. Làm mình vừa buồn cười, vừa thương thương" - chị kể lại.
Vào “mùa” bốc mộ, là khoảng tháng 10, tháng 11 âm lịch. Có hôm, 1 ngày có những 7-8 ca, chạy sô không kịp ý chứ. Vừa xong nhà nọ, chưa kịp nghỉ ngơi, lại có người nhà khác tới đón. "Nhà nào có, họ trả 300.000đ, 500.000đ, có nhà không có, chị chỉ làm phúc, đưa bao nhiêu lấy ngần ấy, có khi chị chỉ lấy tiền găng tay, ủng mà thôi. Mình làm phúc, chỉ mang tính giúp người ta thôi, chứ cũng không đòi hỏi gì" - chị chia sẻ.
Có lần, bốc cho ông cụ ở Đại Cương, " mò" được mấy chỉ vàng ở trong túi áo cụ. Chị cũng thật thà, đưa trả hết cho gia chủ. Lần khác, lại "mò" được 9 tờ tiền mệnh giá 50.000đ, đưa trả lại người nhà, thì họ cho, nói là " bồi dưỡng" chị. Chị lại dùng số tiền ấy, mua hoa quả thắp hương người đã khuất, số còn lại thì không tiêu được. Nghề nào làm nhiều cũng thành quen, và cũng có thể đúc kết được kinh nghiệm. Như mỗi lần thấy phần mộ khô, đất cứng, người mất lại mắc bệnh, hay có dùng nhiều thuốc men, là trong "đồ nghề" của chị có thêm con dao, để tiện làm việc. Vì như thế, phần lớn là chưa phân hủy hết, phải dùng dao để "dóc".
Như thế, chị phải cẩn thận lần trong tấm áo quan đen ngòm, nước đặc sánh, mò theo thân hình chiếc áo, nhấc từng phần xương lên, rửa đi rửa lại cho sạch sẽ. Sau đó, phải rửa hết bộ xương bằng nước thơm đã pha sẵn, lau khô, rồi mới xếp vào tiểu sành. "Muốn làm nhanh mà sạch, cho xương vào rổ, cái loại rổ mau, rửa như rửa ốc ý, chả khác gì". Giọng chị ví von miêu tả. Chị bảo: "Hôm nào làm nhiều ca, mệt lắm chứ. Toàn ngửi hương khói, u hết cả đầu. Nhưng cũng phấn khởi, vì thấy người nhà họ cũng biết ơn, mình giúp họ phần nào làm tròn bổn phận với người đã khuất. Nên ở đâu gọi, là vẫn cứ đi”.
Chỉ mong để lại phúc về sau...
Gần gũi với xác chết đã quen, nên hầu như chị không biết sợ khi tiếp xúc. Cũng chính vì thế, mà lần ấy, ở sông Nhuệ gần nhà chị, có người chết đuối, chị cũng được gọi ra vớt giúp. Nhiều thành quen, hễ có người chết do tàu đâm, tai nạn, hay chết đuối trôi sông…, đều một tay chị "khâm liệm" giúp. Từ lần vớt xác ở trên sông Nhuệ ấy, cho tới nay, chị cũng không nhớ nổi là mình đã vớt bao nhiêu con người chết đuối trôi sông như thế, không biết bao nhiêu người chết đường, chết chợ được chị "bê" vào lề đường, lau chùi sạch sẽ rồi niệm cho họ. Dọc những con sông Đáy, sông Nhuệ, đoạn chảy qua Hà Nam, ai cũng biết danh chị Bình chuyên vớt xác này.
Biết có người chết đuối, chết trôi, là chị tới đó luôn. Có những cái xác đã chết gần 1 tuần, bụng trương phềnh lên rồi, bốc mùi khó chịu rồi. Đứng nhìn cũng thấy ớn, đằng này chị lại không nề hà, ngồi xuống lau chùi giúp người ta. Chị kể "vớt được xác người chết đuối lên, còn phải lấy tay, móc hết rớt, dãi, rác rưởi nếu có bám trong miệng họ. Xong rồi mới lau khô người, thay quần áo và liệm cho họ". Vừa kể lại, mắt chị đỏ ngầu lên, giọng có vẻ trầm hẳn xuống.
Những vụ tai nạn trên đường, chị Bình cũng được gọi đến, khâm liệm cho nạn nhân. Lần gần nhất, ở chân cầu Ba Đa, Phủ Lý, có vụ tai nạn làm một cậu thanh niên chết ngay tại chỗ. Chị bảo: "Xe tải chạy qua, cán bẹp người cậu đó, bẹp như cá thè be luôn, nhìn mà thương lắm". Xúc cát chùi rửa chỗ máu xong, chị lại giúp cán bộ pháp y giữ người chết, cởi quần áo để mổ cho dễ dàng. Vì thế mà mấy ông pháp y "nhẵn" mặt chị lắm rồi, ở đâu có người xấu số chết đường chết chợ, là họ lại gọi cho chị tới giúp ngay.
"Nhìn thấy dáng người to to, lại cao lớn, dáng đi như đàn ông, là mấy ông pháp y nhận ra tôi ngay. Có ông còn trêu, bảo tôi là trợ thủ của nhân viên pháp y" - chị vừa cười vừa nói. Những lần vớt xác người trôi sông, niệm cho người chết do tai nạn, giúp pháp y, chị cũng không đòi hỏi tiền công gì cả. Người nhà nạn nhân có bao nhiêu đưa chị thì đưa, không thì chị lại làm không, công cáng không kể gì.
Chị kể tiếp: "Tháng trước, ở gần xóm chị, có bà cụ sống một mình, chết trong nhà lúc nào không hay. Phát hiện ra, thì giòi bọ đã bâu đầy lên mặt, thối hoắc lên trong nhà. Chị lại xắn tay áo, vào làm cho bà cụ đi đỡ tủi thân". Con cháu của bà cụ, hàng xóm láng giềng chỉ đứng từ xa nhìn chị làm, có người không chịu được mùi của xác chết bốc lên, vội bịt miệng, chạy ra ngoài. Mình chị Bình ở trong, làm những động tác như thay quần áo, lau rửa người, chân tay cho bà cụ, như không có gì.
Ngay từ khi làm nghề bốc mộ, vớt xác trôi sông này, chị cũng đã luôn tâm niệm trong đầu, mình làm phúc cho người, rồi sau này con cháu sẽ được hưởng. Vì thế, nhìn những người chết sông, chết do tai nạn, chị luôn tới và làm hết mình. Với chị, giúp được nhiều người là càng tích đức về sau. Cũng mong muốn có một bến đỗ, một bờ vai nương tựa như bao người phụ nữ khác. Nhưng chị lại nghĩ, làm cái nghề bốc mộ, nghề vớt xác này có hay ho gì đâu mà đòi lấy chồng. Người ta lại chả chạy mất dép khi nghe thấy ấy chứ.
Chị vẫn bảo, cuộc đời dù thế nào vẫn phải sống tiếp, bởi chị còn cái Hoa (Phạm Thị Hoa), năm nay 18 tuổi. Hoa có dáng người cao giống mẹ, nhưng có vẻ hiền hơn. Dừng lại một lát, chị bỗng cất lời nói như tâm sự: "Cái Hoa là chị xin người ta đấy. Cưới cheo làm gì cho mệt. Nó không thích chị làm cái nghề này đâu. Nhưng, còn giúp được mọi người ngày nào, chị vẫn cứ giúp, cốt là để lại phúc cho con cháu về sau ý mà..."