Ông Nguyễn Văn Phong, trưởng thôn Hồng Lam: "Không biết đến bao giờ làng mới hết khổ" |
Ký ức về làng anh hùng
Cách TP. Vinh khoảng chừng nửa cây số theo đường chim bay, thế nhưng ngôi làng ấy dường như đang dần bị lãng quên bởi sự cô lập của mênh mông sóng nước. Để đến được với người dân thôn Hồng Lam, cách duy nhất là đi từ bến đò Xuân Giang rồi "lụy đò" để vào làng. Mọi sinh hoạt của người dân nơi đây đều dựa vào con đò cũ kỹ, rách nát luôn tiềm ẩn nguy cơ chìm bất cứ lúc nào.
Đứng trên cầu Bến Thủy nhìn về phía Đông sẽ thấy một mô đất mọc lên giữa dòng Sông Lam, người xưa đặt tên là thôn Hồng Lam, thuộc địa phận xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Để đến được ngôi làng này chúng tôi phải hành trình từ Vinh ngược về thị trấn Nghi Xuân, sau đó mới tới được bến đò Xuân Giang. Con thuyền máy duy nhất để qua sông nó đã cũ nát nhưng chủ tàu vẫn cố "cõng", chất đầy hàng hóa, vật liệu xây dựng, xe máy lên đó khiến những ai mới ngồi trên chiếc thuyền ấy cũng phải thót tim giật mình vì sợ hãi.
Có mặt hôm đó, anh bạn đi cùng cũng phải thốt lên: "Đi bằng cái thuyền này à?. Nó có chìm không đấy, sợ chìm lắm". Tôi chưa kịp nói gì thì một người đàn bà trấn an: "Chú yên tâm đi, chúng tôi đi cả mấy chục năm qua không khi mô chìm thuyền. Dân ở đây khổ thế đấy chú à. Cái phương tiện cho cả làng mà cũng chẳng nên hồn. Làng ni có ai quan tâm mô…". Lời giới thiệu ban đầu của dân gốc tại làng khiến tôi và anh bạn càng tò mò hơn.
Ốc đảo Hồng Lam nhìn từ bên bờ sông Lam. |
Sau một hồi lênh đênh, vật lộn với những đợt sóng dữ, cuối cùng chúng tôi cũng cập bến đột nhập vào làng "ốc đảo". Bao quanh ngôi làng là những rặng tre ngà chắn sóng. Thế nhưng những trận lũ lớn, những con sóng dữ khiến nhiều điểm xung quanh làng đang bị sạt lở nghiêm trọng, đặc biệt là nạn cát tặc hoành hành đang đe dọa đến nguy cơ biển xâm thực làng nơi đây.
Được sự giới thiệu của trưởng thôn Nguyễn Văn Phong, chúng tôi tìm đến cụ cố Hương (SN 1911), người cao tuổi nhất làng để tìm hiểu về sự ra đời của thôn đặc biệt này. Theo lời cụ cố Hương, thôn Hồng Lam vốn có từ rất lâu, từ khi sinh ra cụ đã là đứa con của làng. Ông bà xưa kể lại rằng làng hình thành cách đây khoảng 300 năm trước. Trong ký ức của nhiều bậc cao niên như cụ cố Hương thì thôn Hồng Lam khi xưa là nơi buôn bán tấp nập, tàu thuyền của các thương lái thường xuyên cập bến nơi đây để trao đổi hàng hóa, bởi đây có địa thế thuận lợi, là trung tâm của các tỉnh nên sầm uất vô cùng. Người dân Nghệ Tĩnh trước kia xem đây là nơi giao lưu gặp gỡ không chỉ về kinh tế mà còn là nơi giao lưu văn hóa trên đường thủy với các tỉnh bạn. Bến Giang Đình một thời nổi tiếng được lưu truyền trong câu thơ: "Ai về bến nước Giang Đình, Nhớ mua vỏ quýt cho mình muối rươi" cũng thuộc địa danh này.
Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của Tổ quốc, Hồng Lam được xem là vùng đất anh hùng. Trong phong trào cách mạng, Hồng Lam là địa phương đầu tiên đứng lên dành được chính quyền về tay người dân.
Với địa hình hiểm trở, bao quanh bốn bề là nước nên trong chiến tranh đây được chọn làm nơi tập kết quân, đạn dược, lương thực… Trải qua giông bão của chiến tranh, ngôi làng vẫn đứng vững hiên ngang, bất khuất, nhiều người con của làng đã anh dũng hi sinh quên mình để bảo vệ Tổ quốc. Cũng vì thế mà hiện nay làng là một trong những địa phương có số liệt sĩ, thương binh "khủng" nhất. Theo thống kê của ông Trần Đình Hòa, nguyên trưởng thôn Hồng Lam, xã Xuân Giang thì cả làng có trên 40 liệt sĩ, 26 thương binh và rất nhiều Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Với con số trên, chúng ta có thể thấy được người dân thôn Hồng Lam xưa kia yêu nước đến mức nào.
Duy nhất một con thuyền là phương tiện đi lại
Trưởng thôn Nguyễn Văn Phong cho biết, hiện thôn có tất cả 667 nhân khẩu với 224 hộ sinh sống trên địa bàn. So với năm 2010 thì giảm đi 14 hộ và nếu xa hơn so với hơn 10 năm trước thì con số chênh lệch là hơn 300 hộ. Điều đó muốn nói lên làng đang hao hụt dần dân số. "Chung quy lại cũng chỉ do vấn đề đi lại khó khăn, sản phẩm làm ra tiêu thụ khó hoặc muốn làm một công trình gì lại càng khó khăn hơn. Cả làng giao lưu với bên ngoài chỉ bằng một chiếc thuyền duy nhất, thành ra người dân cứ thế lần lượt bỏ làng đi nơi khác sinh sống", ông Phong buồn rầu tâm sự.
Có đến tận nơi mới biết được nỗi khổ của bà con nơi đây. Trên chuyến đò đưa chúng tôi vào làng Hồng Lam, ngoài người, hàng hóa, xe cộ còn có vật liệu xây dựng của ông Trần Đình Hóa, hơn chục bao xi măng, hàng trăm viên gạch táp lô làm cho con thuyền nặng trĩu, bập bềnh giữa mênh mông nước. Sóng cứ thế mà đập vào mạn thuyền, con thuyền tròng trành khiến mọi thứ trên chiếc thuyền ấy, kể cả người cứ lắc lư chao đảo.
Từ khi sinh ra, lớn lên để sang được thị trấn bên này bờ thì duy nhất chỉ đi bằng thuyền này mà thôi. Ông Hóa cho biết: "Tôi đang xây nhà mà khó khăn quá, mỗi lần chở vật liệu cũng chỉ chở được ít, đã mấy ngày rồi mà khâu giải quyết vật liệu vẫn chưa xong. Khổ thế đấy, để đưa được số vật liệu này về tới nhà tôi phải trải qua 3 lượt chở, 4 lượt bốc lên bốc xuống". Quả thực để xây được ngôi nhà như ông Hóa thì mất bao nhiêu là công sức, tiền của.
"Ở đây chúng tôi xây căn nhà cấp 4 thì bằng số tiền người ta xây nhà 2 tầng bên kia sông", anh Nguyễn Văn Liên, người dân thôn Hồng Lam nói như vậy. Không chỉ có xây nhà hay làm các công trình khác mà vấn đề tiêu thụ sản phẩm làm ra cũng khó khăn vô cùng.
Mọi giao lưu với thế giới bên ngoài của người dân Hồng Lam đều phụ thuộc vào chiếc thuyền này. |
Thôn Hồng Lam được xem là vựa lạc, ngô, đay, cói của xã Xuân Giang, thế nhưng người dân nơi đây nghèo vẫn hoàn nghèo vì sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, chi phí vận chuyển quá cao. Anh Hồ Văn Tường (SN 1976), người có thâm niên gần 10 năm lái đò đưa bà con qua sông cho biết: "Mỗi ngày tôi chở khoảng 50 chuyến đò, 500 đến 600 người qua sông, trong đó có hơn 80 học sinh, chưa kể hàng hóa, phương tiện giao thông và nhiều thứ khác”.
Anh Tường được người dân trong làng thường gọi vui là "chiếc cầu" nối làng với thế giới bên ngoài. Tôi hỏi anh trong đời làm nghề lái đò từng gặp nhiều nguy hiểm chưa, anh liền trả lời: "Nhiều lắm, có hôm thuyền ra giữa sông tự nhiên có sóng to, thuyền không vào bờ được mà cứ trôi lênh đênh giữa dòng. Đặc biệt là gặp thời tiết bão, lũ thì nguy hiểm vô cùng".
Mặc dù là nghề kiếm sống của mình, cả gia đình phụ thuộc vào mấy đồng tiền chèo thuyền nhưng anh Tường vẫn khao khát một điều: "Tôi chỉ mong sao làng xây được cây cầu để dân đỡ khổ, các cháu học sinh đi học an toàn, dễ dàng chứ đi đò này nguy hiểm lắm hoặc ít nhất cũng có cái bến đò cho đàng hoàng".
Ông Lê Lưu, Chủ tịch UBND xã Xuân Giang cho biết, xã có tất cả 5 thôn với hơn 1.450 hộ, gần 7 nghìn nhân khẩu, trong đó người dân thôn Hồng Lam là khó khăn nhất vì giao lưu với bên ngoài duy nhất chỉ bằng đường thủy. Vì thế người dân thôn Hồng Lam dù biết nguy hiểm nhưng vẫn phải đi đò. Theo ông Lưu, việc xây dựng cây cầu dân sinh qua sông Lam ở địa bàn thôn Hồng Lam là cần thiết và đang ngày càng trở nên cấp bách. Tuy nhiên, "dự kiến" xây dựng cầu là nằm ngoài khả năng ngân sách của xã nên cần sự đầu tư quan tâm của nhà nước. Từ nhiều năm, trong rất nhiều cuộc họp, tiếp xúc cử tri, lãnh đạo UBND xã Xuân Giang và bà con nhân dân đã kiến nghị lên cấp trên với lòng mong mỏi nhưng cho đến nay vấn đề này vẫn chưa được giải quyết.
Làng mười năm không một đám cưới
Chúng tôi tìm gặp ông Trần Đình Hòa, người có thâm niên làm trưởng thôn lâu nhất tại làng. Khi hỏi đến chuyện đám cưới ông Hòa nhìn chúng tôi mà phân trần: "Mười năm nay ở cái làng này chỉ có tang mà không có "hỉ". Tôi làm trưởng thôn lâu năm nhưng chỉ biết nói kính thưa tang quyến chứ chưa bao giờ được nói kính thưa hai họ, hay hôm nay là ngày vui của đôi bạn trẻ. Đó là sự thật ở cái cù lao này".
Như để người lạ khi mới nghe tin được đây là sự thật, cụ Đậu Lư (SN 1919), là một trong những cao niên trong làng thanh minh rằng: "Tôi sống từng này tuổi đầu rồi, từ khi sinh ra đến nay ở trên ốc đảo này chứ có đi đâu xa, nhưng chưa khi nào thấy buồn như một thập kỷ nay. Đám ma thì năm nào cũng có nhưng đám cưới sao mà hiếm thế. Lớp trẻ trong làng cứ lớn lên là đi ra khỏi làng làm ăn rồi cưới tận đâu đâu sau đó mới về báo cho làng biết. Cũng không trách được gì bọn chúng bởi làng này quá khổ, đi lại vô cùng khó khăn. Sống chừng này tuổi mà ước mong có được cây cầu nối làng với bờ của tôi vẫn chưa thành hiện thực. Chắc có lẽ khi đã về với tổ tiên ước mơ của tôi cũng sẽ không thực hiện được".
Trong trí nhớ của những người dân nơi đây, một đám cưới mà theo họ "gần đây nhất" hơn một thập kỉ nay. Cái đám cưới ấy diễn ra vào năm 2000, con gái của bà Ngô Thị Nguyệt lấy người trong làng. Kể từ đó đến nay làng vắng hẳn tiếng nhạc xập xình, lời chúc tụng cho những đôi trai gái sống hạnh phúc. Bà Nguyệt nhớ lại: "Năm đó con tôi lấy người trong làng nên tổ chức được tại làng. Đám cưới xong hai đứa dắt nhau vào Nam làm ăn, kể từ đó thì không có đám cưới nào được tổ chức nữa. Thằng con thứ hai của tôi cũng vào trong Nam làm ăn rồi lấy vợ, cưới xin trong đó luôn".
Cụ Lư còn nhớ những năm của thập kỷ 90, làng cũng có nhiều đám cưới lắm. Có cả đám lấy về bên kia sông, rước dâu bằng thuyền. Thế nhưng nó cứ thưa dần, thưa dần rồi bắt đầu từ cuối năm 2000 đến nay không được dịp ăn mừng đám cưới.
Có cuộc sống lam lũ ngay giữa cái xã "ốc đảo" bốn bên sông nước mênh mông khiến con người ta phải vượt sông mưu sinh xa xứ. Cũng chính vì khó khăn đủ bề ấy mà người dân nơi đây cứ lần lượt bỏ làng ra đi không quay về nữa. Dạo quanh một vòng trong làng, chúng tôi chỉ gặp hầu hết là người già, hoặc trung tuổi, còn lớp trẻ thì rất ít, chỉ là những em học sinh. Bóng dáng của những thanh niên đã nghỉ học tuyệt nhiên không có.
Xưa kia thôn Hồng Lam là làng nghề sản xuất chiếu cói nổi tiếng, sản phẩm làm ra cung cấp cho cả một vùng, có thời điểm còn xuất khẩu sang tận Trung Quốc. Thế nhưng cuộc sống bấp bênh, luôn phải đương đầu với đầu sóng ngọn gió, lũ lụt triền miên, đặc biệt là cơn bão năm 1989. Từ đó dân số của làng cứ giảm dần theo thời gian.
"Trẻ con sinh ra ở đây cứ đi vững là được đưa ra dòng sông Lam tập bơi nhằm cho chúng thích nghi với cảnh vượt lũ. Để khi lỡ có sự cố xảy ra thì may sao chúng còn bảo toàn được tính mạng. Ở cái làng này, điều đặc biệt là từ đàn bà, đàn ông, người già đến những đứa trẻ con ai cũng biết bơi hết. Ông Nguyễn Văn Phong, trưởng thôn cho hay. Và cứ như thế, không biết kỳ tích ngôi làng hơn 10 năm không có đám cưới không biết kéo dài đến bao giờ nữa thì chính người dân nơi đây cũng không biết được.
Trường học có… 31 học sinh
Đó là ngôi trường có một không hai ở cái ốc đảo Hồng Lam này, Trường tiểu học Xuân Giang 2, một phân hiệu của Trường tiểu học xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân. Năm 2002, Hồng Lam được Bộ Công an vận động cán bộ, chiến sĩ quên góp tiền xây cho một ngôi trường khá khang trang, kiên cố. Ngôi trường gồm hai dãy nhà, có một dãy hai tầng là nơi để các em từ lớp 1 đến lớp 5 theo học. Đây cũng là nơi tránh bão của người dân mỗi khi lũ về.
Năm học 2011 - 2012 tuy chưa khai giảng nhưng nhà trường đã tổ chức học từ đầu tháng 8. Thấy chúng tôi thắc mắc, cô Trần Thị Thúy Trà, Hiệu trưởng trường cho biết: "Phải học sớm để phòng khi mưa bão các em không đi học được, như thế mới theo kịp chương trình và hoàn thành đúng thời gian". Một sự thật khá bi hài là năm học này Trường tiểu học Xuân Giang 2 có 5 lớp từ 1 đến 5, nhưng số học sinh chỉ là 31 em. Bước vào lớp học chỉ có 3 em ngồi nghe cô giáo giảng bài, chúng tôi ngỡ ngàng cứ tưởng các em vắng học nhưng khi nhìn lên phía góc trái của bảng thấy dòng chữ: sĩ số 3, vắng 0 thì mới biết là lớp chỉ có… 3 em theo học, đó là lớp 1.
Cô Nguyễn Thị Nga, chủ nhiệm lớp cho biết: "Lúc đầu tôi cũng không ngờ lớp chỉ có từng ấy em, hỏi bác trưởng thôn thế các em đâu hết thì nhận được câu trả lời gọn lỏn "chỉ có 3 cháu thôi". Tôi giật hết cả mình. Bởi tôi mới chuyển về và chưa bao giờ đứng lớp một lớp học như thế". Lớp hai cũng chỉ có 7 em, lớp 3 có 5 em, lớp 4, 5 đông nhất với mỗi lớp 8 học sinh. Cả trường vỏn vẹn có 31 học sinh, 6 giáo viên gồm 5 người giảng dạy và 1 giáo viên đặc thù.
Cô Nguyễn Thị Minh, người có thâm niên 29 năm dạy học tại trường này cho biết: "Trước đây trường có hơn 200 học sinh. Đến năm học 2008-2009, trường chỉ có 56 em, năm ngoái có 38 học sinh và nay thì chỉ có 31 em theo học. Cũng do khó khăn trong sinh hoạt, đi lại nên các em cứ theo cha mẹ di cư chạy đi nơi khác sinh sống, hơn nữa tỉ lệ sinh trong làng rất ít bởi những gia đình còn bám trụ làng chủ yếu là đã có con lớn hết cả rồi. Thành ra số học sinh cứ giảm dần theo từng năm học".
Theo phản ánh của các giáo viên dạy tại Trường tiểu học Xuân Giang 2 thì họ không được hưởng một chế độ trợ cấp, đặc thù nào, mặc dù để sang được đây dạy các cô phải vô cùng vất vả. Hàng ngày, để đến lớp đúng giờ, giáo viên trong trường phải dậy sớm, vượt qua ba chặng đường, từ nhà tới bến đò, gửi xe ở nhà dân, sau đó lên đò qua làng rồi đi bộ chừng 1km nữa mới tới trường.
Cá biệt ở đây có cô Tạ Thị Tố Oanh, nhà ở tận phường Hưng Bình, TP. Vinh, là giáo viên đặc thù dạy văn - thể. Cô Oanh cho biết cô phải thức dậy từ 5h sáng vượt gần 10 cây số mới đến được bến đò để qua làng. Vất vả là vậy nhưng các giáo viên ở đây luôn nhiệt tình với các em, không khi nào nghỉ trước giờ mà luôn tận tụy, yêu nghề. Sau khi tốt nghiệp tiểu học ở trường làng các em phải lụy đò qua bên kia sông theo học tiếp cấp 2 và cấp 3. Mặc dù con đường đến trường vô cùng gian nan nhưng các em vẫn không bỏ cuộc. Ốc đảo Hồng Lam từng có nhiều người đậu đại học, trở thành kỹ sư, bác sĩ… Thế nhưng với điều kiện hiện tại thì con đường đến trường của các em vẫn lắm sóng gió.