PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT

Luật Căn cước tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nhiều lĩnh vực

14:19, 22/04/2024 (GMT+7)

(Congan.nghean.gov.vn)-Luật Căn cước có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024 là dự án luật thể hiện rõ tính khoa học, bao quát, không chỉ đáp ứng các yêu cầu, mục tiêu về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân mà còn có ý nghĩa trong việc phát huy giá trị của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước, giá trị và tiện ích của thẻ căn cước, căn cước điện tử trong phát triển kinh tế - xã hội; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số.

Tác động tích cực tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân

Luật Căn cước được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 27/11/2023; có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. Luật có 07 chương và 46 điều, bao gồm 09 nội dung cơ bản nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục hành chính và giấy tờ công dân, tạo thuận lợi trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự của công dân; qua đó, tạo cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số.
Có thể khẳng định, việc ban hành Luật Căn cước là rất cần thiết. Bởi, thứ nhất, Luật Căn cước chính là cơ sở pháp lý để cơ quan chức năng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu (như lĩnh vực cư trú, hộ tịch, bảo hiểm xã hội, giáo dục, y tế, đất đai, lao động...) để phục vụ người dân, doanh nghiệp trên cơ sở sử dụng xác thực, chia sẻ bằng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Công an huyện Yên Thành cấp căn cước công dân và tài khoản định danh điện tử cho người dân
Công an huyện Yên Thành cấp căn cước công dân và tài khoản định danh điện tử cho người dân

Hai là, Luật Căn cước là cơ sở để nghiên cứu, triển khai việc ứng dụng các tính năng của chip điện tử trên thẻ căn cước đối với các lĩnh vực tài chính, ngân hàng và một số lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội khác. Tích hợp, phát triển các ứng dụng trên nền tảng hệ thống định danh điện tử với các ứng dụng cốt lõi như: ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, chứng khoán... lên ứng dụng VNeID, mã QR của thẻ căn cước gắn chip điện tử. Phát triển, hoàn thiện và triển khai hiệu quả ứng dụng di động công dân số từ VNeID trên cơ sở mở rộng tích hợp các thông tin, dịch vụ như y tế, bảo hiểm, giấy phép lái xe, ngân hàng, thanh toán điện tử, ứng cứu khẩn cấp, phản ánh hiện trường, tố giác tội phạm...

Ba là, Luật Căn cước phục vụ phát triển công dân số. Hiện nay, người dân có rất nhiều loại giấy tờ, như CCCD, thẻ bảo hiểm y tế, thẻ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, các loại bằng cấp, chứng chỉ... Nhằm tạo điều kiện cho công dân, cần phải xác thực 100% các thông tin thiết yếu, quan trọng trên ứng dụng VNeID hoặc qua thẻ căn cước gắn chip điện tử, từng bước thay thế các giấy tờ của người dân trong các giao dịch. Cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ thương mại phục vụ tiện ích số của công dân trên ứng dụng VNeID như: dịch vụ cư trú, CCCD, thương mại điện tử, thanh toán điện tử và các dịch vụ khác.

Bốn là, hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư. Triển khai hiệu quả việc kết nối, chia sẻ giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác, cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã có, như: cơ sở dữ liệu giáo dục, cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu thuế..., bảo đảm giải quyết các thủ tục phục vụ người dân chính xác và thuận lợi. Năm là, phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. Trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các thông tin đã được tích hợp, sử dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tổng hợp, phân tích, dự báo các thông tin phục vụ việc điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hoạch định chính sách kinh tế - xã hội...

Bước đột phá trong việc đổi mới quản lý dân cư

Từ những tiện ích trên cho thấy, Luật Căn cước sẽ là bước đột phá trong việc đổi mới quản lý dân cư, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao hiệu quả, giá trị sử dụng của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ CCCD vào công tác quản lý Nhà nước.

Cụ thể, việc đổi mới quản lý dân cư là sự thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về căn cước nhằm tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta. Qua đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu quốc gia về dân cư. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là nguồn thông tin chính xác và đầy đủ về toàn bộ công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch. Cơ sở dữ liệu này sẽ được liên kết và chia sẻ cho các cơ quan, tổ chức có nhu cầu sử dụng thông tin về dân cư để phục vụ công tác quản lý Nhà nước, bảo đảm an ninh quốc gia và phòng, chống tội phạm, cung cấp dịch vụ công và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật.

Công an huyện Kỳ Sơn gấp rút hoàn thành cấp CCCD cho người dân trên địa bàn, phấn đấu về đích sớm trong chiến dịch “70 ngày đêm”
Công an huyện Kỳ Sơn gấp rút hoàn thành cấp CCCD cho người dân trên địa bàn, phấn đấu về đích sớm trong chiến dịch “70 ngày đêm”

Thực hiện Luật Căn cước còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của công dân, tạo điều kiện để công dân tham gia vào các giao dịch điện tử thuận tiện và an toàn. Mặt khác, việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch là một biện pháp nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân của nhóm đối tượng này. Đồng thời, việc lược bỏ vân tay và một số thông tin không cần thiết trên thẻ căn cước là một biện pháp nhằm tôn trọng quyền riêng tư của công dân, giảm thiểu rủi ro về việc lộ thông tin cá nhân khi sử dụng thẻ căn cước. Qua đó, góp phần vào việc xây dựng một xã hội công bằng, văn minh, tiến bộ. Ngoài ra, Luật còn bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ căn cước trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số.

Với những ý nghĩa thiết thực, có thể khẳng định, Luật Căn cước là một sáng kiến mang tính đột phá trong việc đổi mới quản lý dân cư, ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý Nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của công dân và phát triển chuyển đổi số quốc gia.
     

Hồng Hạnh

Các tin khác