PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT
Sơ cứu cho nạn nhân bị đuối nước được thực hiện như thế nào?
Mùa hè nóng bức là thời điểm mà nhiều người, đặc biệt là thanh thiếu niên thường ra sông, hồ hoặc ao để tắm, trong quá trình tắm do không biết bơi, hoặc bị chuột rút… nên nhiều người đã bị đuối nước. Điều đáng nói là, sau khi những nạn nhân đuối nước được cứu đưa lên bờ rồi, nhưng do người tham gia cứu không biết cách sơ cứu cho nạn nhân nên dẫn đến nhiều trường hợp tử vong. Bộ Công an cho tôi hỏi, các bước sơ cứu cho nạn nhân bị đuối nước được thực hiện như thế nào?
Câu trả lời
Khi người bị đuối nước đã được đưa lên bờ (hoặc lên tàu, thuyền…), nếu người cứu nạn nhanh chóng tiến hành các bước sơ cấp cứu đúng cách, đúng kỹ thuật thì cơ hội cứu sống được nạn nhân sẽ cao. Ngược lại, nếu sơ cấp cứu không đúng cách thì cơ hội sống sót của người bị nạn sẽ rất thấp hoặc nếu sống sót thì có thể bị những di chứng nặng nề như: bị chết não và sống dạng thực vật… Để sơ cấp cứu đúng cách và đạt hiệu quả, chúng ta cần chú ý một số vấn đề sau:
- Đặt người bị nạn nằm ở vị trí bằng phẳng, thoáng khí và kiểm tra tình trạng nạn nhân xem có còn thở hay không (quan sát lồng ngực, sử dụng tai để nghe hơi thở nạn nhân). Trong trường hợp người bị nạn còn thở thì đặt họ ở tư thế nằm nghiêng (Hình 60) để nếu nạn nhân có nôn, ói thì chất nôn sẽ thoát ra ngoài và không trào ngược lại. Cởi bỏ dần quần áo ướt và bằng mọi cách làm ấm cơ thể người bị nạn; nhanh chóng đưa người bị nạn đến cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc.
- Trong trường hợp nạn nhân đã ngừng thở nhưng tim vẫn đập và mạch vẫn còn thì phải nhanh chóng hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt) để cấp ôxy cho nạn nhân thở trở lại.
- Nếu trường hợp nạn nhân ngừng thở hoàn toàn, kiểm tra thấy tim đã ngừng đập và không thấy mạch thì phải lập tức tiến hành hô hấp nhân tạo kết hợp ép tim ngoài lồng ngực theo các bước sau đây:
Bước 1: Khai thông đường thở và loại bỏ những dị vật trong miệng nạn nhân bằng cách đặt nghiêng đầu nạn nhân, sử dụng ngón tay lùa trong khoang miệng để loại bỏ các dị vật và đẩy bỏ đờm, dãi nhằm khai thông đường thở (Hình 61). Tiếp theo đặt thẳng đầu nạn nhân, một tay để lên trán và đẩy ra phía sau, một tay nâng cằm nạn nhân lên sao cho cổ được ưỡn tối đa.
Bước 2: Mở miệng nạn nhân, một tay bịt mũi nạn nhân, tay còn lại đỡ cằm và dùng miệng bịt kín miệng nạn nhân rồi thổi ngạt hai lần liên tiếp (Hình 62). Trước mỗi lần thổi ngạt, người thực hiện sơ cứu nên hít hơi đầy không khí vào phổi của mình.
Bước 3: Đặt một tay lên giữa vùng ngực của nạn nhân (vị trí giữa hai núm vú hoặc vị trí dưới mỏm xương ức khoảng 1,5 cm), tay còn lại đặt phía trên và đan các ngón tay vào tay phía dưới (Hình 63). Tiến hành ấn liên tục 30 lần (tốc độ ấn khoảng 100 lần/phút), sau đó tiếp tục lặp lại quy trình thổi ngạt 02 hơi liên tiếp và ép tim 30 lần cho đến khi nạn nhân có thể tự thở hoặc có sự hỗ trợ của nhân viên y tế.
* Một số điểm cần tránh khi sơ cứu nạn nhân đuối nước
- Không dốc ngược nạn nhân hoặc vác nạn nhân lên vai rồi chạy. Các hành động này thường ít mang lại hiệu quả, vì quá trình đó sẽ làm mất thời gian vàng để hô hấp nhân tạo cứu sống bệnh nhân. Đồng thời, với hành động như vậy sẽ chỉ ra nước trong bụng là chính, nước trong phổi chỉ thoát ra ngoài khi ta tiến hành hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực và khi nạn nhân thở trở lại.
- Phải tận dụng thời gian vàng để nạn nhân có thể thở lại bằng cách hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực trước khi vận chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an