PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT
Sử dụng tần số vô tuyến điện phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh kết hợp phát triển kinh tế - xã hội
Trình bày tờ trình của Chính phủ tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện nhằm quản lý chặt chẽ, phân bổ hợp lý, hiệu quả quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông, thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông, góp phần tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.
Toàn cảnh phiên họp |
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân trong việc sử dụng tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh (QPAN) và hoạt động thông suốt của các hệ thống thông tin vô tuyến điện. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý tần số vô tuyến điện, bảo đảm việc chấp hành và tuân thủ pháp luật của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng tần số vô tuyến điện.
Dự thảo Luật bảo đảm tính thống nhất với các Luật và Điều ước quốc tế có liên quan, trong đó bổ sung 2 điều, sửa đổi 15 điều, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số cụm từ tại một số điều để bảo đảm tính thống nhất trong toàn bộ dự thảo.
Qua thẩm tra, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) tán thành với sự cần thiết ban hành và phạm vi sửa đổi của dự án Luật; đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục tham khảo kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện dự án Luật.
Về chính sách sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ phục vụ mục đích QPAN theo hướng cho phép kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) trong trường hợp cần thiết (bổ sung khoản 4 tại Điều 45), Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy cho biết, có ý kiến tán thành bổ sung chính sách này, nhưng có nhiều ý kiến đề nghị cần cân nhắc việc đưa chính sách này vào dự thảo luật.
Thường trực Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy, đây là chính sách mới so với quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện hiện hành. Việc sử dụng tần số phân bổ phục vụ mục đích QPAN theo hướng kết hợp với phát triển KTXH phải được phân định rõ ràng theo các mục đích sử dụng khác nhau. Việc sử dụng cùng một tần số, cùng một băng tần phân bổ với hai nhiệm vụ khác nhau là không tách bạch rõ ràng về mục đích, khó kiểm tra, giám sát việc sử dụng ngân sách nhà nước dành cho từng loại nhiệm vụ và tài chính doanh nghiệp.
"Việc sử dụng tần số, băng tần cho mục đích QPAN được ưu tiên, bảo mật đặc biệt; còn việc sử dụng tần số, băng tần cho mục đích phát triển KTXH theo cơ chế công khai, minh bạch, cạnh tranh. Do đó, việc gộp sử dụng tần số, băng tần cho hai mục đích này là rất khó khăn, phức tạp trong việc thực hiện và có thể dẫn đến hệ quả không mong muốn. Đề nghị báo cáo thêm kinh nghiệm quốc tế cụ thể về cho phép phân bổ cùng một tần số, cùng một băng tần vô tuyến điện vừa phục vụ mục đích QPAN vừa kết hợp với phát triển KTXH", Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT cho hay.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng phát biểu tại phiên họp |
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết, Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ từ đầu với Ban soạn thảo và các cơ quan liên quan tham gia góp ý vào dự thảo Luật. Về điều khoản cụ thể tại khoản 4 Điều 45: "Trong trường hợp cần thiết, căn cứ quy định của Luật này, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ phục vụ mục đích QPAN để kết hợp với phát triển KTXH theo nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ QPAN và đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông", đồng chí Thứ trưởng cho rằng, từ ngữ và thiết kế điều khoản này đảm bảo chặt chẽ, rõ ràng.
Thứ nhất, việc kết hợp chặt chẽ đảm bảo QPAN và phát triển KTXH là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta, trong đó mục tiêu xây dựng nền QPAN hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc, vừa góp phần quan trọng phát triển KTXH cũng đã được cụ thể hóa trong nhiều văn bản của Đảng, pháp luật Nhà nước. Qua đó, góp phần quan trọng hiện đại hóa lực lượng vũ trang và sử dụng tài nguyên quốc gia, sử dụng ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả, thúc đẩy phát triển KTXH...
Thứ hai, việc sử dụng tần số vô tuyến điện phục vụ mục đích QPAN kết hợp phát triển KTXH sẽ giúp tạo lập kênh thông tin liên lạc dự phòng quan trọng, khi xảy ra các tình huống ANQP; đồng thời đây cũng là kênh quan trọng để thực hiện đảm bảo an ninh quốc gia, đấu tranh phòng, chống tội phạm trong giai đoạn chuyển đổi số rất mạnh mẽ ở nước ta hiện nay.
Thứ ba, việc bổ sung quy định này tại dự án luật cũng không xung đột và không trái với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; không mâu thuẫn với pháp luật về thuế, pháp luật về phí, các cam kết quốc tế trong Hiệp định CPTPP. Đồng thời, đảm bảo yếu tố bí mật trong thực hiện Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, trong thực hiện nhiệm vụ ANQP, vì có thể công khai thông tin tổng thể đoạn băng tần cấp cho QPAN, nhưng bí mật về mặt mục đích sử dụng.
Đồng thời, thực hiện Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cũng có trách nhiệm đảm bảo an ninh cho các băng tần; có những băng tần cấp chuyên biệt cho thực hiện nhiệm vụ QPAN, hay có những khoảng băng tần được cấp theo chế độ nhất định. Bộ Công an cũng đã có báo cáo cụ thể gửi Ban soạn thảo về đánh giá tác động chính sách, nâng cao hiệu quả khai thác các tần số vô tuyến điện phân bổ mục đích QPAN theo hướng cho phép kết hợp với phát triển KTXH...
Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, quan điểm lớn nhất cần phải quán triệt và khẳng định trong dự thảo Luật là, tần số vô tuyến điện là tài sản quốc gia quan trọng và ngày càng có giá trị, có ý nghĩa KTXH, ANQP, chủ quyền quốc gia, nhất là trong bối cảnh nước ta đang thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển kinh tế số, xã hội số…; đồng thời, phải phù hợp với thông lệ quốc tế.
Về nhóm chính sách sử dụng tần số vô tuyên điện phục vụ mục đích QPAN và phát triển KTXH, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu lưu ý thêm ý kiến của Bộ Công an. Theo đó, thực tế hiện nay có những doanh nghiệp phục vụ nhiệm vụ QPAN được sử dụng băng tần, như Viettel, hay các doanh nghiệp thuộc Bộ Công an. Do vậy, chúng ta không nên đặt vấn đề "băng tần vừa phục vụ cái này, vừa phục vụ cái kia", mà chúng ta nên đặt vấn đề, nếu cấp những băng tần này cho các doanh nghiệp QPAN thì việc sử dụng cần điều kiện, tiêu chuẩn như thế nào?
Theo Chủ tịch Quốc hội, tất cả những băng tần đã cấp rồi thì trong điều kiện khẩn cấp như trường hợp chiến tranh, thiên tai, thảm họa... Nhà nước có quyền yêu cầu các doanh nghiệp phục vụ các mục đích nêu trên trong thời gian nhất định. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo rà soát pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp, quy định rõ việc áp dụng pháp luật trong tình trạng này cho phù hợp.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an