Diễn đàn pháp luật
Quốc hội nghe Báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức
Chiều ngày 24/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội nghe Báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung làm việc.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo thẩm tra |
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, thời gian qua, cơ quan soạn thảo dự án Luật đã chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu các chủ trương, định hướng, yêu cầu của Đảng trong các nghị quyết Trung ương 4, 5, 6, 7, 8; khẩn trương tổng kết thực tiễn thi hành các quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp và đã nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu nhiều ý kiến góp ý để xây dựng dự án Luật. Ủy ban Pháp luật thống nhất với việc trình Quốc hội dùng một luật sửa hai luật với các lý do như phương án Chính phủ trình. Hồ sơ, tài liệu về dự án Luật đã được chuẩn bị đầy đủ, đáp ứng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nội dung dự án Luật cơ bản đã bám sát, thể chế hóa được yêu cầu trong các nghị quyết Trung ương về tiếp tục đổi mới công tác xây dựng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật và tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Nhiều ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Pháp luật đã được tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật.
Về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức theo đề xuất của Chính phủ cơ bản bao quát được các vấn đề cần được thể chế hóa đã được xác định trong các nghị quyết Trung ương 4, 5, 6, 7, 8 về tiếp tục đổi mới công tác xây dựng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời, khắc phục được những bất cập nổi lên trong thực tiễn thi hành Luật, đã rõ, cần phải sửa ngay. Phạm vi sửa đổi như vậy cũng là phù hợp với quỹ thời gian vật chất tương ứng để kịp chuẩn bị dự án Luật bảo đảm chất lượng trình Quốc hội thông qua chậm nhất là vào kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019) như đã được xác định trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, cụ thể hóa Kế hoạch của Bộ Chính trị và Kế hoạch của Đảng đoàn Quốc hội.
Bên cạnh đó, một số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan trình dự án tiếp tục rà soát nội dung các nghị quyết, kết luận của Trung ương để báo cáo với Quốc hội cụ thể hơn, sát hơn yêu cầu thể chế hóa trong các nghị quyết, kết luận; trong đó, làm rõ vấn đề nào cần thể chế hóa trong Luật này, vấn đề nào sẽ thể chế hóa trong đề án, văn bản khác, như yêu cầu nghiên cứu thực hiện cơ chế, chính sách liên thông, bình đẳng nhất quán trong hệ thống chính trị; liên thông giữa cán bộ, công chức cấp xã với cán bộ, công chức nói chung, giữa nguồn nhân lực ở khu vực công và khu vực tư; có cơ chế cạnh tranh vị trí việc làm để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tiến tới bỏ “biên chế suốt đời”; ưu đãi để phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài có trọng tâm, trọng điểm; gắn chế độ tiền lương với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; quản lý chặt chẽ biên chế trong các cơ quan thuộc bộ máy hành chính nhà nước...
Đối với việc sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức, về nội dung đối tượng là công chức, Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng là công chức theo hướng: không tiếp tục quy định đối tượng lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập là công chức; đối với lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước được thực hiện (áp dụng) chế độ công chức và tương ứng bãi bỏ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 32, bổ sung quy định chuyển tiếp tại Điều 85 của Luật Cán bộ, công chức.
Ủy ban Pháp luật tán thành với đề nghị trên đây của Chính phủ. Vì theo pháp luật hiện hành những người thuộc bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập được xác định là công chức nhưng lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập và theo báo cáo của Chính phủ thực tế những người này không được tính trong tổng số biên chế công chức, không được hưởng phụ cấp công vụ. Do đó, để thống nhất trong việc áp dụng chế độ, chính sách đối với cùng đối tượng quản lý (công chức) và phân biệt rõ hơn việc quản lý nhà nước với quản trị sự nghiệp công lập thì quy định về đối tượng công chức như dự thảo Luật là phù hợp với thực tế và yêu cầu tại Nghị quyết số 19-NQ/TW “Không thực hiện chế độ công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập (trừ các đơn vị phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước)”.
Toàn cảnh phiên họp |
Đối với việc sửa đổi, bổ sung Luật Viên chức, về nội dung đánh giá viên chức, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành sửa đổi, bổ sung các quy định về đánh giá viên chức trong dự thảo Luật. Tương tự như đã đề nghị trong phần về đánh giá cán bộ, công chức, Ủy ban Pháp luật cho rằng cần nghiên cứu bổ sung nội dung đánh giá mang tính định lượng với các tiêu chí rõ ràng hơn; việc đánh giá cần được dựa trên kết quả, mức độ hoàn thành công việc và tính đến sự gắn kết, liên thông giữa kết quả đánh giá với công tác thi đua, khen thưởng viên chức. Đồng thời phải lưu ý việc đánh giá phù hợp với quyền và nghĩa vụ, cũng như chế độ được hưởng của viên chức bảo đảm thật sự sát thực, hiệu quả, làm rõ sự khác biệt trong đánh giá cán bộ, công chức với đánh giá viên chức.
Về xử lý kỷ luật đối với viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu, Chính phủ đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật nguyên tắc xử lý kỷ luật đối với viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu nhưng thể hiện trong cùng nội dung xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức tại khoản 16 Điều 1 của dự thảo Luật - sửa đổi, bổ sung Điều 84 của Luật Cán bộ, công chức. Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết bổ sung trong dự thảo Luật quy định về việc xử lý kỷ luật đối với viên chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu nếu phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian công tác để thể chế hóa yêu cầu trong nghị quyết Trung ương. Tuy nhiên, hoạt động của công chức là “hoạt động công vụ”, hoạt động của viên chức là “hoạt động nghề nghiệp”, chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức là khác nhau nên cần tách, đưa nguyên tắc về xử lý kỷ luật đối với viên chức vào Điều 2 về sửa đổi Luật Viên chức và nghiên cứu, cân nhắc để thể hiện được những điểm khác nhau trong xử lý kỷ luật cán bộ, công chức với xử lý kỷ luật viên chức.
Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, những nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết trong dự thảo Luật tương đối nhiều và rất quan trọng nhưng hồ sơ dự án Luật mới có 03 dự thảo Nghị định quy định chi tiết. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo sát sao việc xây dựng, chỉnh lý và ban hành các văn bản quy định chi tiết, bảo đảm văn bản được ban hành khả thi, có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Đồng thời, tiếp tục rà soát bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của dự thảo Luật với các luật, các dự án luật có liên quan như Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Giáo dục, Luật Công an nhân dân, Bộ luật Lao động...; bổ sung làm rõ về các vấn đề liên quan đến tính khả thi và nguồn nhân lực, tài chính để bảo đảm điều kiện thi hành Luật./.
Nguồn: Cổng TTĐT Quốc hội Việt Nam