Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/dien-dan-phap-luat/201808/nhung-noi-dung-co-ban-cua-luat-quan-ly-su-dung-vu-khi-vat-lieu-no-va-cong-cu-ho-tro-nam-2017-807439/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/dien-dan-phap-luat/201808/nhung-noi-dung-co-ban-cua-luat-quan-ly-su-dung-vu-khi-vat-lieu-no-va-cong-cu-ho-tro-nam-2017-807439/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Những nội dung cơ bản của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 03/08/2018, 10:56 [GMT+7]

Những nội dung cơ bản của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017

(Congannghean.vn)-Ngày 20/6/2017, tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (VK,LVN&CCHT) năm 2017 và chính thức có hiệu lực vào ngày 1/7/2018, thay thế cho Pháp lệnh quản lý, sử dụng VK,LVN&CCHT năm 2011 (gọi tắt là Pháp lệnh 2011) và các văn bản hướng dẫn thi hành. Mục tiêu chính của việc ban hành Luật là để đảm bảo quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013; khắc phục những điểm hạn chế, chưa phù hợp với thực tiễn của Pháp lệnh 2011; tăng cường công tác quản lý  VK,LVN&CCHT, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.

Công an tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị trực tuyến báo cáo kết quả thực hiện Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2011 và triển khai Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017
Công an tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị trực tuyến báo cáo kết quả thực hiện Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2011 và triển khai Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017

Ngay sau khi hoà bình lập lại, mặc dù Nhà nước đã có các chủ trương thu hồi vũ khí, vật liệu nổ nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên việc thu hồi vẫn chưa triệt để. Nhằm đảm bảo tình hình an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, trong đó có công tác quản lý, sử dụng VK,VLN&CCHT, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản để quy định, hướng dẫn về vấn đề này như Pháp lệnh quản lý, sử dụng VK,VLN&CCHT năm 2011; Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng VK,VLN&CCHT năm 2013 và các nghị định, văn bản hướng dẫn thực hiện có liên quan.

Sau hơn 4 năm tổ chức triển khai thi hành Pháp lệnh, công tác quản lý Nhà nước về VK,VLN&CCHT đã đạt được những kết quả quan trọng. Theo đó, việc quản lý các loại VK,VLN&CCHT được đảm bảo chặt chẽ, trang bị đúng đối tượng và sử dụng đúng mục đích; công tác bảo quản, kiểm kê đã đi vào nền nếp; công tác tuyên truyền, đăng ký, quản lý VK,VLN&CCHT đã được các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ được giao; hoạt động đấu tranh phòng, chống sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép VK,VLN&CCHT được đẩy mạnh; công tác kiểm tra, vận động giao nộp VK,VLN&CCHT được Bộ Công an, các bộ, ngành và UBND các cấp thường xuyên thực hiện.

Tuy nhiên, sau hơn 4 năm tổ chức triển khai thực hiện, Pháp lệnh hiện hành có nhiều nội dung hạn chế quyền cơ bản của công dân như: Quy định cấm cá nhân sở hữu vũ khí (hạn chế quyền sở hữu); quy định sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ (liên quan trực tiếp đến quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân); quy định về nghiên cứu, sản xuất, chế tạo, kinh doanh VK,VLN&CCHT (hạn chế quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân).

Trước yêu cầu của tình hình mới, ngày 20/6/2017, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Quản lý VK,VLN&CCHT. Luật này được ban hành đã góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý theo hướng đồng bộ với hệ thống pháp luật liên quan, nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước về VK,VLN&CCHT, đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; đồng thời đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ luật Hình sự về các tội liên quan đến sản xuất, mua bán, tàng trữ, sử dụng vũ khí và là căn cứ pháp lý để các cơ quan bảo vệ pháp luật thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực này; phục vụ công tác tiếp nhận, thu gom, thanh lý, tiêu hủy đối với các loại vũ khí tồn đọng sau chiến tranh, trôi nổi ngoài xã hội và không tạo khoảng trống về luật pháp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác thực thi quản lý Nhà nước liên quan đến quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ của Việt Nam.

Luật Quản lý, sử dụng VK,VLN&CCHT có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018, bao gồm 8 chương, 76 điều. Trong đó, chương 1 là những quy định chung, gồm 16 điều (từ điều 1 đến điều 16) quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nguyên tắc; các hành vi bị nghiêm cấm; trách nhiệm của người đứng đầu; điều kiện, trách nhiệm của người được giao quản lý; vấn đề quản lý, thu hồi, giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng… Chương 2 quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, bao gồm 18 điều (từ điều 17 đến điều 34); cụ thể là quy định về nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, sửa chữa vũ khí; đối tượng được trang bị; loại vũ khí được trang bị cho các đơn vị có liên quan; thủ tục trang bị; thủ tục cấp giấy phép sử dụng; các trường hợp nổ súng quân dụng…

Tiếp đó, chương 3 của Luật này quy định về quản lý, sử dụng vật liệu nổ, gồm 11 điều (từ điều 35 đến điều 45), quy định về nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, bảo quản, sử dụng vật liệu nổ quân dụng, vận chuyển vật liệu nổ quân dụng; sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; dịch vụ nổ mìn; trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp… Chương 4 quy định về quản lý, sử dụng tiền chất thuốc nổ, gồm 6 điều (từ điều 46 đến điều 51), quy định về nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất thuốc nổ; các thủ tục cấp giấy phép; trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp…

Chương 5 của Luật này quy định về quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ, gồm 11 điều (từ điều 52 đến điều 62), quy định về nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, sửa chữa công cụ hỗ trợ; thủ tục trang bị công cụ hỗ trợ, thủ tục cấp giấy phép… Tại chương 6 quy định về tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy VK,VLN&CCHT, gồm 9 điều (từ điều 63 đến điều 71); Chương 7 quy định về quản lý Nhà nước về VK,VLN&CCHT gồm 3 điều (từ điều 72 đến điều 74) và chương 8 là hiệu lực thi hành, gồm 2 điều (điều 75 và 76) quy định về hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp.

Như vậy, với sự ra đời của Luật Quản lý, sử dụng VK,VLN&CCHT đã tạo cơ sở pháp lý đồng bộ nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng VK,VLN&CCHT, đảm bảo tính hợp hiến và tương thích của Luật này với các quy định của pháp luật hiện hành. Bên cạnh đó, Luật ra đời đã đảm bảo tính kế thừa và phát huy tác dụng tốt của Pháp lệnh; hạn chế được những bất cập trong công tác quản lý, sử dụng VK,VLN&CCHT, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực này trong tình hình hiện nay.

Cùng với đó, với sự ra đời của Luật đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội; quy định rõ, cụ thể các trường hợp được sử dụng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ trong khi làm nhiệm vụ của các lực lượng chức năng có liên quan, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

.

P.V (tổng hợp)

.