Diễn đàn pháp luật
Đảm bảo môi trường an toàn, lành mạnh
(Congannghean.vn)-Sáng 12/6, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, với đa số phiếu tán thành của các đại biểu, Quốc hội đã thông qua Luật An ninh mạng. Với nội dung chặt chẽ, cụ thể, mục tiêu của Luật An ninh mạng (có hiệu lực từ ngày 1/1/2019) là xây dựng không gian mạng an toàn, tạo động lực phát triển KT-XH với đảm bảo quyền tự do, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Việc xây dựng Luật An ninh mạng rất cần thiết trong bối cảnh các đối tượng xấu sử dụng internet để kích động, xuyên tạc, gây bất ổn trong nhân dân (Ảnh minh họa) |
Tại sao phải có Luật An ninh mạng?
Báo cáo của Cục An ninh mạng, Bộ Công an cho thấy, Việt Nam là quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất trong khu vực. Từ năm 2016 đến nay, có hàng chục nghìn cuộc tấn công mạng nhằm vào hệ thống thông tin nước ta. Đó là chưa kể một số đối tượng lợi dụng mạng internet để tuyên truyền, xuyên tạc, kích động các hoạt động chống phá Nhà nước, xúc phạm nhân phẩm cá nhân, bịa đặt thông tin gây hại về kinh tế, tài chính. Rất nhiều thông tin có nội dung xúc phạm nhân phẩm, đạo đức người khác, trong đó có không ít bài viết, chia sẻ hướng đến các lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Vì vậy, xây dựng và ban hành Luật An ninh mạng là nhiệm vụ cấp bách, làm cơ sở pháp lý để đấu tranh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng có các hành vi trên. Trong quá trình xây dựng Luật, đã được tiếp thu ý kiến xây dựng của các chuyên gia, tổ chức và doanh nghiệp để đảm bảo tính chặt chẽ và thống nhất với các bộ luật khác.
Luật An ninh mạng có 7 chương, 43 điều, quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Trong đó, bên cạnh những nội dung về quyền lợi của người dân khi tham gia mạng internet, Luật cũng đề cập đến hành vi bị nghiêm cấm. Tại Điều 8, Luật An ninh mạng quy định cấm sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội như chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; hướng dẫn, xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội hoặc hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác...
Luật cũng cấm tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; đồng thời, nghiêm cấm việc tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người khác chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc…
Trả lời những thắc mắc của đại biểu Quốc hội và cử tri, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các hiệp định cơ bản của WTO và Hiệp định CPTPP đều có điều khoản ngoại lệ về an ninh. Vì vậy, việc áp dụng các điều khoản ngoại lệ về an ninh trong Luật An ninh mạng là hết sức cần thiết để bảo vệ lợi ích của người dân và an ninh quốc gia. Theo đó, Việt Nam có quyền yêu cầu các doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam phải lưu trữ tại Việt Nam đối với dữ liệu quan trọng của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam; đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài tham gia các hoạt động này phải đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Một trong những vấn đề khiến dư luận lo ngại là khi Luật này được ban hành, mọi tài khoản cá nhân của người sử dụng có thể bị cơ quan chức năng giám sát, nhưng các chuyên gia công nghệ thông tin cho rằng, tài khoản sẽ được bảo vệ tốt hơn. Tuy nhiên, trong nội dung Luật đều có điều khoản nghiêm cấm hành vi xâm phạm dữ liệu riêng tư của người dùng. Vì thế, mọi quyền tự do của công dân trên không gian mạng tiếp tục được đảm bảo và không bị ảnh hưởng.
Cảnh giác với chiêu bài kích động của các đối tượng xấu
Cùng với Dự thảo Luật Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt, Luật An ninh mạng cũng thu hút sự quan tâm của người dân. Trên thực tế, mối quan tâm này là điều dễ hiểu, bởi hiện nay, việc sử dụng mạng internet nói chung và mạng xã hội nói riêng đã trở thành nhu cầu, thói quen của người dân. Lợi dụng điều này, các đối tượng xấu đã ra sức kích động, xuyên tạc nhiều nội dung trong Luật để gây lo lắng, hoang mang trong nhân dân.
Điểm mấu chốt nhất mà các thế lực và đối tượng phản động tiếp tục xuyên tạc là Luật An ninh mạng sẽ cấm Facebook, Google… Trên thực tế, Luật An ninh mạng chỉ yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam phải lưu trữ tại Việt Nam đối với dữ liệu quan trọng của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam. Tìm cách điều chỉnh để phù hợp nhằm phát triển thị trường tiềm năng tại Việt Nam sẽ là ưu tiên hàng đầu của các nhà mạng nước ngoài.
Một luận điểm cũng được các đối tượng xấu tích cực tuyên truyền là chỉ có Việt Nam và Trung Quốc mới yêu cầu phải đặt máy chủ lưu trữ dữ liệu người dùng trong nước. Trên thực tế, đã có 20 quốc gia trên thế giới (trong đó có Hoa Kỳ, Canada, Úc, Đức, Pháp…) đã quy định bắt buộc phải lưu trữ dữ liệu trong lãnh thổ quốc gia. Mới đây nhất có thêm Ấn Độ cũng yêu cầu điều tương tự. Điều này sẽ hết sức cần thiết để bảo vệ không gian mạng của Việt Nam trước sự tấn công của các “tin tặc” trên thế giới. Đó cũng là cách bảo vệ quyền tự do mỗi người dân trong không gian mạng đầy rẫy những thông tin đa chiều, phức tạp như hiện nay.
Thứ ba, chúng tiếp tục tìm cách đánh lạc hướng người dân vì cho rằng, khi Luật An ninh mạng có hiệu lực, người dùng sẽ phải cung cấp toàn bộ thông tin cá nhân cho Nhà nước, vì thế, là “xâm phạm quyền tự do mỗi cá nhân”. Xin được khẳng định lại, trong nội dung Luật An ninh mạng ghi rõ, người dùng phải cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về An ninh mạng. Nghĩa là, nếu bạn chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật, việc phải cung cấp những thông tin trên cho các cơ quan chức năng là điều không bao giờ xảy ra.
Vì thế, nếu có lo sợ về nội dung Luật An ninh mạng thì chỉ có các đối tượng xấu. Còn những công dân chấp hành nghiêm theo quy định pháp luật, mong muốn phát triển KT-XH, thì Luật An ninh mạng chính là “chìa khóa” đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, không bị rơi vào “bẫy” của những kẻ có mưu đồ không tốt đẹp. Chúng còn xuyên tạc rằng, “Luật An ninh mạng vi phạm nhân quyền và không có quốc gia nào có luật này… Trên thực tế, rất nhiều quốc gia đã có luật An ninh mạng và còn gắt gao hơn nhiều ở Việt Nam. Điểm qua có Đức, Hàn Quốc… với những quy định nghiêm ngặt đối với những hành vi chửi bới, kích động bạo lực trên mạng internet.
Sẽ là lạ, nếu các đối tượng không phản đối và lợi dụng việc thông qua Luật An ninh mạng để xuyên tạc nhiều nội dung. Chọn lựa không gian mạng để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây phức tạp tình hình, thực hiện âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước đã được các đối tượng xấu sử dụng nhiều năm qua. Việc ban hành Luật An ninh mạng khiến bọn chúng mất đi phương thức quan trọng trong kế hoạch, âm mưu đen tối của mình. Vì thế, với những người dân, hãy cẩn trọng, hiểu rõ những nội dung cốt lõi của Luật An ninh mạng, tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng. Bởi mục tiêu quan trọng nhất của Luật An ninh mạng, với những nội dung cụ thể, chi tiết luôn là xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh, tạo điều kiện để người dân kinh doanh, phát triển, tuân thủ đúng quy định của pháp luật trong bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, giữ gìn TTATXH.
Mai Hậu