(Congannghean.vn)-Tại Nghệ An, năm qua, tình hình tôn giáo có nhiều yếu tố phức tạp, song bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó, có dấu ấn đậm nét của lực lượng Công an trong việc nắm tình hình, tham mưu giải quyết tốt các vấn đề nổi lên về tôn giáo.
Công an huyện Hưng Nguyên thăm hỏi các nữ tu của Tu viện Trang Nứa ở xã Hưng Yên Bắc, huyện Hưng Nguyên nhân dịp Noel 2017 |
Tỉnh Nghệ An hiện có 2 tôn giáo hợp pháp hoạt động là Công giáo và Phật giáo. Trong đó, Công giáo có khoảng 280.000 tín đồ và Phật giáo có khoảng 85.000 tín đồ. Năm 2017, các cấp, ngành, địa phương đã tập trung thực hiện công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo một cách nghiêm túc, hiệu quả, đảm bảo đúng chính sách pháp luật. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo; nhất là giải quyết các nhu cầu chính đáng của nhân dân như vấn đề đất đai liên quan đến tôn giáo. Các hoạt động tôn giáo luôn được tạo điều kiện và hướng dẫn các thủ tục pháp lý cần thiết. Từ năm 2012 - 2017, Nghệ An đã chấp thuận thành lập 37 cơ sở gồm 17 giáo xứ, 18 giáo họ và 2 cơ sở dòng; tổ chức giao đất, công nhận đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 42 giáo xứ, giáo họ, với 181.540 m2.
Nhận thức rõ nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng, việc tranh thủ gặp gỡ, vận động các chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo hành đạo theo đúng quy định pháp luật, đóng góp vào sự phát triển KT-XH của tỉnh cũng được các cấp, ngành triển khai tích cực. Vào các ngày lễ, sự kiện lớn của các tôn giáo…, các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền của tỉnh, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến xã đều tổ chức các đoàn đến chúc mừng, thăm hỏi, động viên chức sắc, nhà tu hành đứng đầu giáo hội và nhiều cơ sở thờ tự.
Cùng với đó, các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ với các giáo hội địa phương để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các chức sắc, nhà tu hành cũng được thực hiện thường xuyên; qua đó phát động các tín đồ tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, chung sức đồng lòng đóng góp vào sự phát triển KT-XH của tỉnh. Những hoạt động thiết thực như vậy đã thực sự tạo sự hiểu biết, gắn kết lẫn nhau và góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Cùng với việc tạo điều kiện thuận lợi để các tôn giáo hoạt động đảm bảo đúng quy định pháp luật, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết các vụ việc liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo cũng được chỉ đạo giải quyết kịp thời. Tuy nhiên, trong 2 năm qua, Nghệ An vẫn xảy ra 64 vụ việc vi phạm pháp luật về đất đai xuất phát từ nhu cầu tôn giáo. Cũng trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số vụ việc liên quan đến hoạt động truyền đạo và sinh hoạt tôn giáo trái phép bị lực lượng Công an và chính quyền địa phương phát hiện, xử lý.
Đơn cử như vụ việc xảy ra tại chung cư Mường Thanh, thị trấn Diễn Châu, huyện Diễn Châu hồi đầu tháng 1 vừa qua. Qua đấu tranh, nhóm đối tượng khai nhận đang tham gia tổ chức “Hội thánh đức chúa trời”. Đây là tổ chức chưa được Nhà nước công nhận là tổ chức tôn giáo hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; giáo lý mang tính chất tà đạo, có biểu hiện mê tín dị đoan, lợi dụng giáo lý để trục lợi cá nhân. Trước đó, Công an huyện Diễn Châu đã 4 lần bắt, xử lý hành chính các đối tượng cầm đầu về hành vi vận động, lôi kéo người dân tham gia, tụ tập đông người để truyền đạo trái phép nhưng nhóm này vẫn cố tình tái vi phạm.
Mỗi tôn giáo ngay từ khi ra đời đều mang mục đích tốt đẹp là mang lại sự công bằng, bác ái, hướng thiện cho con người, đồng thời nhằm gắn kết cộng đồng và chuyển giao văn hóa. Tuy nhiên, hiện nay, trên cả nước nói chung và Nghệ An nói riêng, những chức năng tốt đẹp của tôn giáo đã và đang bị nhiều đối tượng cơ hội lợi dụng để hoạt động, nhằm tạo sự bất ổn trong xã hội. Bởi thế, hơn lúc nào hết, sự thận trọng, kỹ càng trong xử lý các vụ việc có yếu tố tôn giáo cần được chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm, lưu ý.
Cùng với đó, các ngành, các cấp chính quyền cũng cần đẩy mạnh triển khai tốt Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; tham mưu, giải quyết kịp thời các vấn đề tôn giáo nổi lên và ngăn chặn, xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật, kiên quyết đấu tranh các hành vi, hoạt động lợi dụng tôn giáo để chống phá chế độ. Một nhiệm vụ không kém phần quan trọng khác là tăng cường củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng giáo nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tôn giáo vào sự phát triển KT-XH địa phương cũng như đáp ứng được tự do, nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân trong khuôn khổ của pháp luật.