Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh do Bộ Công an chủ trì, ngày 17/1/2017, tại Hà Nội, Tổ biên tập dự án Luật Công an xã đã họp cho ý kiến về dự án Luật Công an xã đã được chỉnh lý theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 03/9/2016, trong đó giao Bộ Công an “xây dựng phương án bố trí biên chế Công an xã chuyên trách cân đối trong tổng biên chế hiện nay của lực lượng Công an”.
Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh phát biểu kết luận tại cuộc họp. |
Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Tổ trưởng Tổ biên tập dự án Luật chủ trì cuộc họp. Đến dự có các thành viên Tổ biên tập đến từ Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…
Công an xã là lực lượng nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn cơ sở. Với vị trí, chức năng quan trọng của Công an xã nên ngay từ những ngày đầu của chính quyền cách mạng, Đảng và nước ta đã không ngừng quan tâm xây dựng lực lượng Công an xã ngày càng trưởng thành và lớn mạnh, trong đó có việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, củng cố tổ chức và hoạt động của Công an xã.
Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, tình hình đất nước đã có nhiều thay đổi, các quy định của Pháp lệnh Công an xã đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở trong tình hình mới.
Thực tế đòi hỏi phải có một văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn để quy định đầy đủ, toàn diện về tổ chức, hoạt động của Công an xã, cũng như chế độ, chính sách, bảo đảm các điều kiện hoạt động và những vấn đề khác có liên quan tới lực lượng Công an xã nhằm đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn cơ sở trong tình hình hiện nay và những năm tiếp theo.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số nội dung của dự thảo Luật Công an xã như việc chính quy hóa lực lượng Công an xã; mô hình tổ chức, tiêu chuẩn chức danh, biên chế, chế độ, chính sách đối với Công an xã quy định như dự thảo Luật đã bảo đảm phù hợp chưa; việc bố trí các chức danh Công an xã…, từ đó đưa ra các phương án, kế hoạch để tổ chức thực hiện chương trình xây dựng Luật Công an xã.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh nhấn mạnh, dự án Luật Công an xã là một dự án rất quan trọng có liên quan đến chính sách của lực lượng Công an xã và liên quan đến nhiều luật khác nhau. Do vậy, để xây dựng Luật này cần phải có đổi mới về tư duy, xác định rõ vị trí, vai trò chức năng, nguyên tắc, tổ chức của Công an xã trong tình hình mới. Phải nghiên cứu một cách cơ bản toàn diện gắn với lý luận và thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm của các nước trong khu vực có nét tương đồng với Việt Nam, diễn biến dự báo tình hình kinh tế, xã hội trong thời gian tới để xây dựng Luật Công an xã đảm bảo yêu cầu là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở.
Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh đề nghị, thời gian tới, Thường trực Tổ biên tập cần phối hợp các đơn vị chức năng rà soát lại toàn bộ văn bản chỉ đạo, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Công an xã, từ đó đánh giá khách quan các mô hình của Công an xã trong lịch sử, đồng thời đánh giá tác động của dự thảo Luật đến các mặt chính trị, xã hội... Ngay sau cuộc họp, Tổ biên tập cần tổng hợp ý kiến, đánh giá các phương án để báo cáo Đảng ủy Công an Trung ương, xin phương hướng chỉ đạo từ đó trình Thủ tướng Chính phủ để có lộ trình xây dựng dự án Luật này trong thời gian tới đảm bảo tiến độ, chất lượng./.