Sáng 29/7, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố điều tra vụ án liên quan đến vụ việc đường ống cấp nước sông Đà liên tục bị vỡ tới 9 lần trong thời gian qua. Theo Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Bộ Công an (C46), qua quá trình điều tra, thu thập tài liệu liên quan đến việc đường ống cấp nước sạch Sông Đà về Hà Nội liên tục bị vỡ trong mấy năm qua, ảnh hưởng tới nước sinh hoạt của hàng trăm nghìn người dân Thủ đô, cơ quan điều tra xác định có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc xây dựng hệ thống đường ống nước nên khởi tố vụ án để tiếp tục điều tra làm rõ trách nhiệm các cá nhân có liên quan.
Theo tài liệu, gói thầu thi công đường ống truyền tải số 1 cấp nước sông Đà về Hà Nội do Vinaconex làm chủ đầu tư, có 4 Công ty thành viên của Vinaconex tham gia thi công gồm Công ty cổ phần xây dựng số 6, 7, 11, 12. Trước đó, Thanh tra Chính phủ cũng nêu quan điểm cần thiết phải thanh tra toàn diện đối với dự án này để làm rõ trách nhiệm trong việc để xảy ra sự cố liên tục trong thời gian qua.
Tổng công ty Vinaconex cũng đã nhận trách nhiệm về vụ việc này. Ngoài ra, Tổng Công ty yêu cầu các đơn vị có liên quan đến xây dựng công trình đoạn tuyến ống dẫn nước Sông Đà để xảy ra sự cố bao gồm: Nhà thầu sản xuất và cung cấp ống dẫn nước, các nhà thầu thi công xây dựng tuyến ống, Nhà thầu giám sát thi công xây dựng, Đơn vị tổng thầu thiết kế và Ban quản lý dự án (Đại diện chủ đầu tư) nghiêm túc kiểm điểm, có báo cáo giải trình, xác định rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân vi phạm và xử lý theo quy định.
Vấn đề cần trao đổi là: Ai là người phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trong vụ án này và các vi phạm sẽ được truy tố theo tội danh nào?
Ý kiến bạn đọc:
Đây là một vụ vi phạm các quy định về xây dựng, gây hậu quả nghiêm trọng
Dự án Đường ống dẫn nước sông Đà có tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng do Vinaconex làm chủ đầu tư, mới đưa vào sử dụng chưa lâu đã liên tục 9 lần xảy ra sự cố, ảnh hưởng tới việc cấp nước hàng chục nghìn hộ dân các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân. Quan trọng hơn, việc vỡ đường ống này được các đơn vị giám sát kỹ thuật khẳng định sẽ tiếp tục xảy ra, nghĩa là đường ống này trong tương lai sẽ không sử dụng được. Như vậy tổng lãng phí ngân sách Nhà nước đã lên đến 1.500 tỷ đồng chưa kể thiệt hại do việc mất nước gây ảnh hưởng cho các doanh nghiệp và các hộ dân. Là đơn vị được giao làm chủ đầu tư, lại trực tiếp thi công công trình, Vinaconex phải chịu trách nhiệm là đúng. Với những thiệt hại lớn như chính Vinaconex đã nhận, rõ ràng đã có sự vi phạm các quy chuẩn trong xây dựng, gây thiệt hại. Cần truy tố những người phải chịu trách nhiệm theo tội danh: Tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, theo Điều 229 Bộ luật Hình sự.
Nguyễn Lê Chi (Hà Đông, Hà Nội)
Các nghi can đã phạm tội: Tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế
Rõ ràng mấu chốt của vụ án chính là chất lượng quá kém của ống composite cốt sợi thủy tinh nhập của Trung Quốc. Cần thấy loại đường ống này không thích hợp với việc vận chuyển nước với áp lực cao, trên tuyến dài với địa hình phức tạp. Vậy ai là người khảo sát về chất lượng vật liệu đường ống này và những người này đã báo cáo ra sao? Rất có thể họ đã báo cáo gian dối về chất lượng đường ống và nếu vậy, họ đã phạm tội theo điều 167 Bộ luật Hình sự với tội danh: Tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế. Nội dung điều luật này quy định: Người nào vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác mà báo cáo với cơ quan có thẩm quyền những số liệu, tài liệu rõ ràng không đúng sự thật gây hậu quả nghiêm trọng cho việc xây dựng hay thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội của Nhà nước hoặc đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm. Nhưng nếu những người có trách nhiệm khảo sát đã báo cáo loại đường ống này không sử dụng được mà người có trách nhiệm vẫn quyết định sử dụng, thì người ra quyết định sẽ bị truy tố theo điều 165, Bộ Luật Hình sự: Tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Phan Bá Vinh (Đại Từ, Thái Nguyên)
Cần điều tra về khả năng có lợi ích nhóm
Đây là một dự án lớn với tổng giá trị đầu tư lên đến 1.500 tỷ đồng. Là chủ đầu tư và là tổng thầu, Vinaconex có toàn quyền mua bán vật liệu, sử dụng công nghệ. Dự án đường ống thứ hai, sử dụng công nghệ ống thép Nhật Bản cũng chỉ có tổng giá trị là 1.200 tỷ đồng. Qua hai con số người ta có thể đi đến nhận định là đường ống sử dụng ống composite cốt sợi thủy tinh, chất lượng thấp nhưng tốn kém hơn nhiều. Có hay không có tiêu cực, tham nhũng trong vụ án này? Đề nghị các cơ quan điều tra cần điều tra kỹ những dấu hiệu này.
Vũ Nam Kha (TP Vinh, Nghệ An)
Bình luận của luật sư:
Trước hết cần khẳng định, đây là vụ án nghiêm trọng và phức tạp. Các cơ quan điều tra chỉ mới khởi tố vụ án, nhưng quan trọng là khởi tố bị can. Nguyên tắc của Luật Hình sự Việt Nam là cá thể hóa. Ai phạm tội vụ nào, thì điều tra, truy tố, xét xử vụ đó. Nghĩa là không có cái gọi là Vinaconex phạm tội mà chỉ có người nào chịu trách nhiệm về vụ vi phạm pháp luật này sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tham gia việc xây dựng đường ống này ngoài lãnh đạo Vinaconex, còn có Ban quản lý dự án, các nhà thầu sản xuất và cung cấp ống dẫn nước, các nhà thầu thi công xây dựng tuyến ống, nhà thầu giám sát thi công xây dựng, đơn vị tổng thầu thiết kế... Theo những quy định pháp luật, lãnh đạo các đơn vị này và những người trực tiếp gây ra thiệt hại phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi vi phạm pháp luật trong phạm vi phụ trách của mình.
Theo nội dung vụ án, đã có những sai sót nghiêm trọng trong việc xây dựng đường ống nước Sông Đà - Hà Nội với số tiền thiệt hại đến trên 1.000 tỷ đồng sau khi trừ đi giá trị đã khấu hao từ 2009 đến nay. Đây là một vụ việc trong ngành xây dựng và thất thoat, sự cố xảy ra trên một công trình xây dựng cụ thể. Vì vậy, trước hết các nghi can có thể bị truy tố theo Điều 229 Bộ luật Hình sự với tội danh: Tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.
Về tội danh này, chủ thể của tội phạm chính là những người chịu trách nhiệm đơn vị và những người đã vi phạm pháp luật trong chức trách, trong phần trách nhiệm của mình. Tội vi phạm quy định về xây dựng là tội xâm phạm đến sự an toàn về xây dựng mà cụ thể là sự an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản trong quá trình khảo sát, thiết kế thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, nghiệm thu công trình hoặc trong các lĩnh vực khác. Người phạm tội vi phạm quy định về xây dựng có thể thực hiện một trong các hành vi sau đây: Vi phạm các quy định về khảo sát là khảo sát không đúng, không đầy đủ các quy định của Nhà nước về khảo sát. Vi phạm các quy định về thiết kế công trình, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định của nhà nước về thiết kế. Vi phạm các quy định về thi công, thi công không đúng với thiết kế đã được phê duyệt. Vi phạm các quy định về việc sử dụng nguyên liệu, vật liệu, sử dụng không đúng các chủng loại vật liệu theo quy định Nhà nước hoặc thiết kế công trình. Vi phạm các quy định về sử dụng máy móc, sử dụng máy móc trong khi thi công không đúng quy định. Vi phạm các quy định về nghiệm thu công trình, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định về nghiệm thu công trình. Ngoài ra, các hành vi vi phạm khác như hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định của Nhà nước về xây dựng ngoài các hành vi vi phạm đã kể trên cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của điều luật này.
Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này, nếu hành vi vi phạm các quy định về xây dựng mà chưa gây thiệt hại cho tính mạng hoặc chưa gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì chưa cấu thành tội phạm. Trong vụ việc này, hậu quả là rất nghiêm trọng, tác động là vô cùng lớn, tiêu tốn ngân sách Nhà nước 1.500 tỷ đồng, công tác sửa chữa và đặc biệt là vấn đề an sinh xã hội của người dân Thủ đô. Qua phân tích ở trên chúng ta thấy, gần như tất cả những người tham gia quản lý, điều hành, xây dựng công trình này đều nằm trong phạm vi điều tra của cơ quan điều tra.
Tuy nhiên, trong thực tế, các vụ án vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng thường có rất nhiều loại tội có thể xảy ra như “tham ô tài sản”, “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng”... Trong quá trình điều tra, cơ quan công an sẽ làm rõ vai trò của từng cá nhân liên quan có dấu hiệu của các tội này hay không và có thể khởi tố bổ sung hoặc thay đổi tội danh.
Đặc biệt trong việc quyết định sử dụng công nghệ và ống composite cốt sợi thủy tinh, nếu là nguyên nhân chính gây ra sự cố dẫn đến thất thoát tài sản Nhà nước thì trách nhiệm cụ thể sẽ là của những người khảo sát, đề xuất và người quyết định việc sử dụng công nghệ và vật liệu này sẽ phải chịu trách nhiệm chính. Nếu có hành vi tham nhũng trong việc đề xuất, quyết định sử dụng công nghệ và vật liệu này sẽ bị truy tố thêm các tội danh tương ứng với các hành vi tham nhũng đó.
Luật sư Nguyễn Văn Hướng (Đoàn luật sư Hà Nội)
.