Bài 1: Chế định Thừa phát lại tại Việt Nam qua các thời kỳ
(Congannghean.vn)-Kết quả thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại TP Hồ Chí Minh trong thời gian qua bước đầu đã cho thấy mô hình này là cần thiết cho người dân, xã hội nói chung, cho hoạt động tư pháp nói riêng; là một hướng đi đúng về xã hội hóa hoạt động tư pháp, hoạt động thi hành án dân sự mà chủ trương của Đảng, nghị quyết Quốc hội đã đề ra. Việc triển khai chế định Thừa phát lại đã giảm tải đáng kể cho hoạt động của các cơ quan Nhà nước, nhất là cho tòa án và cơ quan thi hành án dân sự. Ngoài ra, mô hình Thừa phát lại còn giúp Nhà nước tiết kiệm được nhân lực, góp phần tinh giảm bộ máy công quyền và về lâu dài sẽ tiết kiệm được ngân sách Nhà nước.
*Bài 2: Kết quả hoạt động thí điểm của mô hình Thừa phát lại tại TP Hồ Chí Minh
Sau hơn bốn năm thực hiện Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh, các Văn phòng Thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được kết quả trên 3 phương diện chính như sau:
- Về tống đạt giấy tờ: Đã thực hiện tống đạt 103.218 văn bản với tổng chi phí thu được 6.568.650.000 đồng. Về cơ bản, các văn phòng Thừa phát lại đã thực hiện tốt, đúng pháp luật việc tống đạt các văn bản, giấy tờ cho Tòa án và các cơ quan Thi hành án dân sự.
- Về lập vi bằng: Tổng số vi bằng đã lập và đăng ký tại Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh là 5.020 vi bằng, tổng thu là 9.586.248.000 đồng.
- Về xác minh điều kiện thi hành án và tổ chức thi hành án theo yêu cầu của đương sự: các Văn phòng Thừa phát lại đã thực hiện được 147 vụ xác minh điều kiện thi hành án với tổng số phí thu được là 682.550.000 đồng; tổ chức thi hành án xong 26 vụ với giá trị thi hành 7.318.317.933 đồng, với chi phí thu được là 359.966.288 đồng.
Kết quả thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại TP Hồ Chí Minh trong thời gian qua bước đầu đã cho thấy mô hình này là cần thiết cho người dân, xã hội nói chung, cho hoạt động tư pháp nói riêng; là một hướng đi đúng về xã hội hóa hoạt động tư pháp, hoạt động thi hành án dân sự mà chủ trương của Đảng, nghị quyết Quốc hội đã đề ra.
Đối với người dân và xã hội: Việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại đã góp phần nâng cao nhận thức không những đối với cơ quan Nhà nước mà còn đối với người dân về một chủ trương mới của Đảng và Nhà nước. Chế định Thừa phát lại đã tạo cơ chế tăng cường tính chủ động, tích cực của công dân trong các quan hệ dân sự, tố tụng dân sự. Trong đó việc lập vi bằng của Thừa phát lại đã được người dân đón nhận hết sức tích cực vì đã tạo thêm một công cụ pháp lý để người dân tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong thực hiện các giao dịch dân sự và trong quá trình tố tụng tư pháp. Bên cạnh đó, sự hiện diện của các Văn phòng Thừa phát lại bên cạnh các cơ quan Thi hành án dân sự của Nhà nước đã tạo điều kiện cho người dân có thêm sự lựa chọn phù hợp với năng lực, điều kiện của cá nhân khi yêu cầu thi hành án dân sự.
Đối với hoạt động tư pháp và liên quan: Hoạt động Thừa phát lại bước đầu hỗ trợ tích cực cho hoạt động tư pháp được nhanh hơn, hiệu quả hơn, góp phần làm giảm tải công việc của các cơ quan tư pháp, trước hết là của cơ quan Tòa án và của cơ quan thi hành án dân sự. Đối với Tòa án, việc tống đạt văn bản của Thừa phát lại đã giúp Tòa án tập trung vào xét xử, việc lập vi bằng góp phần tạo lập nguồn chứng cứ, góp phần đảm bảo cho xét xử khách quan, kịp thời và chính xác. Đối với cơ quan THADS, việc thực hiện các công việc về tống đạt văn bản thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án, trực tiếp tổ chức thi hành án của Thừa phát lại đã nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ quan thi hành án dân sự, tạo cơ chế phối hợp hỗ trợ vừa cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực thi hành án, bước đầu góp phần hạn chế một số tiêu cực trong hoạt động thi hành án.
Qua kết quả đạt được ban đầu đã khẳng định việc khôi phục lại chế định Thừa phát lại là chủ trương hoàn toàn đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Việc triển khai thí điểm chế định Thừa phát lại trong thời gian qua đã đi đúng định hướng. Sự hiện diện của các Văn phòng Thừa phát lại bên cạnh hệ thống cơ quan thi hành án dân sự của Nhà nước đã tạo điều kiện cho người dân được lựa chọn cơ quan, tổ chức để thi hành án một cách thích hợp và hiệu quả nhất. Đồng thời, sẽ tạo ra môi trường thi đua, cạnh tranh lành mạnh trong công tác thi hành án dân sự, tạo động lực to lớn nhằm thúc đẩy các cơ quan thi hành án dân sự của Nhà nước trong việc đổi mới phương thức hoạt động nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân.
Tại Báo cáo số 49/BC-ĐĐB ngày 14/5/2012 về Kết quả giám sát việc thực hiện thí điểm về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại trên địa bàn TP Hồ Chí Minh của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có liên quan đã khẳng định: “...Qua giám sát, Đoàn Đại biểu Quốc hội nhận thấy, tuy Thừa phát lại là chế định còn khá mới mẻ ở nước ta, nhưng quá trình triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả rất khả quan, đặt nền tảng và niềm tin vào khả năng nhân rộng mô hình này trong phạm vi cả nước trong thời gian tới...”.