Vụ việc hơn 14 nghìn thuê bao di động bị cài phần mềm theo dõi Ptracker do Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng (Công ty Việt Hồng) cung cấp đang thực sự gây chấn động dư luận. Bởi nó ảnh hưởng trực tiếp không chỉ đến quyền lợi cá nhân, mà còn cực kỳ nguy hiểm nếu các đối tượng sử dụng những thông tin cá nhân này phục vụ cho những mục đích xấu như lừa đảo rút tiền, xâm hại đời tư…
Hiện hồ sơ vụ việc đã được chuyển sang Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội, các điều tra viên tại đây đang khẩn trương xác minh, điều tra về hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng để xử lý theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Công ty Việt Hồng sẽ bị xử lý như thế nào?
Hiện cơ quan điều tra đang xác minh và chưa công bố chính thức về vấn đề này. Thế nhưng, theo chúng tôi, trong vụ việc này, cần phân biệt rõ 2 loại đối tượng vi phạm pháp luật khác nhau. Thứ nhất, đó là các đối tượng vi phạm tại Công ty Việt Hồng. Theo ông Nguyễn Văn Minh, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền Thông Hà Nội, thông qua việc tạo ra, cài đặt, phát tán, duy trì phần mềm Ptracker, Công ty Việt Hồng đã cố ý truy cập bất hợp pháp vào máy điện thoại của rất nhiều người để chiếm quyền điều khiển và can thiệp vào chức năng của máy điện thoại (điều khiển từ xa: tắt/bật 3G, tắt/bật Wifi, bật/tắt chức năng ghi âm, chụp ảnh, quay video...) lấy cắp thông tin riêng để lưu giữ tại máy chủ.
Cán bộ Đội 5, đơn vị phát hiện xử lý vụ việc |
Mục đích của việc làm trên là cung cấp cho khách hàng các thông tin riêng của người khác để thu lợi bất chính. Kết quả xác minh của Đoàn thanh tra tại VNPT ePay và một số ngân hàng, Công ty Việt Hồng đã thu lợi bất chính từ hoạt động này khoảng trên 900 triệu đồng trong khoảng thời gian từ tháng 9 năm 2013 đến thời điểm thanh tra. Căn cứ Điểm c Khoản 2 Điều 226a Bộ luật Hình sự, Công ty Việt Hồng có dấu hiệu phạm tội truy cập bất hợp pháp vào thiết bị số của người khác. Vì vậy đơn vị này đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc đến cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thành phố Hà Nội để tiếp tục điều tra làm rõ hành vi vi phạm.
Trao đổi với báo chí, Luật sư Mai Đức Tân, Công ty Luật Hợp Danh INCIP, cho biết, hành vi này có dấu hiệu phạm tội theo Điều 125 Bộ luật Hình sự: Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác. Theo đó, người có hành vi phạm tội này nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự có thể phải chịu hình phạt tù cao nhất là 2 năm và bị phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ từ 1 đến 5 năm. Tuy nhiên, theo ông Tân thì để xử lý hành vi trên, cơ quan Công an phải tiến hành điều tra mới có thể xác định được người phạm tội và hành vi phạm tội. Còn theo Luật sư Nguyễn Duy Dụ, ngoài Điều 125, hành vi trên còn chịu sự điều chỉnh của Điều 226a quy định về tội truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số của người khác. Tuy nhiên, cơ quan điều tra vẫn phải xác định hậu quả của việc nghe lén là gì, thu thập tài liệu làm gì, đã gây ra hậu quả như thế nào, ảnh hưởng đến uy tín danh dự của những ai, có gây tổn thất gì về tiền bạc hay không?
Luật sư Bùi Đình Ứng, Trưởng Văn phòng Luật sư Bùi Đình Ứng thì cho rằng, trước hết, có thể xử lý Công ty Việt Hồng về hành vi kinh doanh trái phép, vì chắc chắn công ty này kinh doanh các loại phần mềm nghe lén nói trên không nằm trong danh mục cho phép của Nhà nước.
Khách mua phần mềm nghe lén của Công ty Việt Hồng có bị xử lý?
Hiện nay, danh sách các thuê bao bị cài đặt phần mềm theo dõi cũng như các cá nhân cài phần mềm theo dõi đang là vấn đề bạn đọc quan tâm. Theo Đại tá Lê Hồng Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội (PC50) cho biết, đây là những thông tin nhạy cảm liên quan đến những bí mật đời tư cá nhân của rất nhiều người, rất nhiều gia đình. Nếu như công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng thì sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới bản thân người bị cài đặt. Chính vì vậy, Phòng PC50 mới chỉ lưu giữ toàn bộ các nội dung liên quan đến cơ sở dữ liệu của Công ty Việt Hồng, để phục vụ công tác điều tra.
Sau khi sàng lọc các đối tượng sử dụng phần mềm của Công ty Việt Hồng, cơ quan Công an sẽ phân định ra từng trường hợp cụ thể căn cứ vào mục đích sử dụng của họ và hậu quả. Chẳng hạn, nếu bố mẹ muốn theo dõi để biết con đang ở đâu, làm gì nhằm mục đích quản lý con, hay cá nhân muốn tự lưu giữ các thông tin của mình lại thì có thể được xem xét, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhưng với các mục đích khác như tổ chức nghe lén điện thoại, xâm nhập điện tử, điện báo để mục đích xấu như vụ lợi, lừa đảo…. đều có thể bị truy vấn trách nhiệm.
Tuy nhiên, để sàng lọc và xử lý các đối tượng còn là một bài toán vất vả cho cơ quan điều tra. Nhưng thiết nghĩ, cần phải xử lý thật nghiêm vụ việc này, để thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, tôn trọng cuộc sống của con người và làm gương cho kẻ khác, nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng nghe lén điện thoại ở Việt Nam. Đồng thời, tạo tâm lý yên tâm, tin tưởng của người dân khi mua sắm, sử dụng các thiết bị số.
.