Thông tư gồm 6 Chương, 19 Điều.
Chương I, gồm 3 Điều (từ Điều 1 đến Điều 3) quy định phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, yêu cầu, tiêu chuẩn của cán bộ làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ.
Chương II, gồm 3 Điều (từ Điều 4 đến Điều 6) quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong công tác của cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ;
Chương III, gồm 2 Điều (từ Điều 7 đến Điều 8) quy định về trang bị và sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ của CSGT đường bộ.
Chương IV, gồm 4 Điều (từ Điều 9 đến Điều 12) quy định hình thức tuần tra, kiểm soát; trong đó quy định rõ tuần tra, kiểm soát công khai; tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hoá trang. Kiểm soát thông qua thiết bị giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Chương V, gồm 5 Điều (từ Điều 13 đến Điều 17) quy định nội dung tuần tra, kiểm soát, hiệu lệnh dừng phương tiện và các trường hợp dừng phương tiện, các nội dung tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm.
Chương VI, gồm 2 Điều (từ Điều 18 đến Điều 19) quy định tổ chức thực hiện, hiệu lực thi hành, trách nhiệm thi hành.
Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 22/12/21012.
CSGT đang điều tiết giao thông. Ảnh tư liệu. |
Việc Bộ Công an ban hành Thông tư 65 quy định trách nhiệm, quyền hạn của CSGT đường bộ trong tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trong giao thông đường bộ. Từ đó góp phần làm rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát giao thông đường bộ trong giữ vững an ninh trật tự, an toàn giao thông, xử lý vi phạm. Góp phần đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia giao thông.
Theo Thông tư, lực lượng CSGT tuần tra kiểm soát công khai được kết hợp hóa trang mặc thường phục, sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong khi làm nhiệm vụ tại địa bàn đã được phân công. Khi phát hiện vi phạm, cán bộ, chiến sỹ CSGT hóa trang phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra kiểm soát công khai để tiến hành kiểm soát, xử lý theo quy định của pháp luật. Bộ phận hóa trang và bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai trong một tổ tuần tra, kiểm soát phải giữ một khoảng cách thích hợp để luôn có sự phối hợp chặt chẽ nhằm bảo đảm việc xử lý vi phạm kịp thời, đúng pháp luật.
Trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi vi phạm thì phải sử dụng Chứng minh Công an nhân dân để thông báo cho người vi phạm biết về việc đang thực hiện nhiệm vụ; thông báo về hành vi vi phạm và yêu cầu người vi phạm về trụ sở đơn vị để giải quyết hoặc thông báo cho lực lượng tuần tra, kiểm soát công khai đến để tiếp nhận và xử lý theo quy định của pháp luật. Thông tư 65 cũng quy định nghiêm cấm CBCS lạm dụng việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang trái quy định của pháp luật để sách nhiễu, phiền hà, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Điều kiện tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang cũng như kế hoạch, địa bàn hoạt động của các tổ công tác này phải được trưởng công an cấp quận, huyện, thị xã trở lên phê duyệt.
Trước khi Thông tư 65 được ban hành và có hiệu lực, lực lượng CSGT ở một số địa phương đã áp dụng biện pháp này trong công tác đảm bảo an toàn giao thông và đã đạt được kết quả rất tích cực.