Thứ Sáu, 10/01/2020, 11:07 [GMT+7]
Nghị định 100

Hãy chấp hành, đừng ngụy biện!

(Congannghean.vn)-Nghị định 100/2019/NĐ-CP được ban hành cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ nhằm đẩy lùi tai nạn giao thông (TNGT) qua việc ngăn chặn các hành vi vi phạm nguy hiểm cao độ, đặc biệt là do rượu, bia.

Công an TP Vinh kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe - Ảnh: Đình Hưng
Công an TP Vinh kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe - Ảnh: Đình Hưng

Nghị định quy định các mức phạt tăng nặng gấp nhiều lần so với trước kia, được đánh giá là “liều kháng sinh” để trị “căn bệnh” nhờn luật, chặn đứng các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT. Sau 1 tuần triển khai, Nghị định 100 của Chính phủ đã tác động mạnh mẽ đối với người dân khi tham gia giao thông. Hầu hết người dân bày tỏ sự đồng tình với mức phạt tăng cao, bởi điều này sẽ góp phần nâng cao ý thức chấp hành các quy định an toàn giao thông, giảm tai nạn đáng tiếc. Rất nhiều người ủng hộ khi chứng kiến lực lượng chức năng đang quyết liệt ngày đêm xử lý nghiêm tình trạng uống rượu bia khi tham gia giao thông. Tuy vậy, có một bộ phận rất nhỏ còn tỏ ra băn khoăn, ý kiến trái chiều theo kiểu ngụy biện, thậm chí lan truyền nhau các "chiêu trò" để né tránh, đối phó lực lượng chức năng khi bị kiểm tra kiểm soát.

Có người cho rằng, việc xử lý mạnh khiến cho công việc kinh doanh (nhất là các quán nhậu) gặp nhiều khó khăn; lượng khách hàng giảm nên sẽ tác động đến sự phát triển kinh tế nói chung... Thực ra đây là sự ngụy biện ngây thơ. Nghị định 100 chỉ quy định phạt các hành vi điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu bia; chứ không cấm hoặc phạt việc uống rượu bia của người dân. Có thể, thời gian đầu, người dân chưa thể hình thành thói quen “đã uống bia rượu thì không lái xe”. Bởi lẽ, lâu nay, việc lái xe mà miệng vẫn sặc sụa mùi cồn còn khá phổ biến. Từ giờ, mọi người sẽ phải hình thành một thói quen mới: Đi nhậu thì không cầm lái. Tất nhiên, để từ bỏ hay hình thành thói quen không phải trong ngày một ngày hai.

Một số người lại cho rằng, việc đưa mức nồng độ cồn về 0 là quá cực đoan; hoặc cho rằng uống một vài chai bia thì không ảnh hưởng. Thậm chí, có người còn viện cớ là nên quy định theo nhóm người, có người khỏe, người yếu, không nên áp dụng mức nồng độ cồn thấp cho tất cả. Thực tế, Nghị định 100 là để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, đặt lợi ích người dân lên trên hết. Hơn nữa, quy định của luật pháp là mang tính phổ biến, không phải cá biệt hay dị lập, nên không thể có mức nồng độ cồn áp dụng cho từng đối tượng cụ thể; đó chỉ là cách ngụy biện của các “thánh nhậu” mà vẫn muốn lái xe.

Theo các chuyên gia tâm lý, một người tham gia giao thông trong tình trạng sử dụng rượu bia, dẫu uống ít, uống nhiều thì về tâm lý và ứng xử đều ở mức độ căng thẳng hoặc kích thích hơn mức bình thường. Với tinh thần của Nghị định mới này thì dù ở mức độ nồng độ bao nhiêu, cứ sử dụng rươu bia thì đều bị xử lý.

CSGT Công an Nghệ An tăng cường kiểm tra vi phạm về nồng độ cồn trên tất cả các tuyến đường
CSGT Công an Nghệ An tăng cường kiểm tra vi phạm về nồng độ cồn trên tất cả các tuyến đường

Trong lúc đó, một vài đối tượng quá khích lại lợi dụng Nghị định 100 để chống phá, gây hiểu nhầm và mất đoàn kết. Chúng rêu rao rằng, Nghị định ra đời là để tăng thu ngân sách; là để bóp nghẹt túi tiền của người dân... Sự thật là, trên thế giới, không có quốc gia nào tăng thu ngân sách từ việc xử phạt vi phạm an toàn giao thông; mà ngược lại, TNGT đã khiến nhiều quốc gia thâm hụt ngân sách để xử lý hậu quả.

Ở Việt Nam, lần đầu tiên trong ngày nghỉ lễ (Tết Dương lịch 2020), TNGT xuống ở mức bình thường, đó thực sự là một kết quả rất bất ngờ. Trước khi có Nghị định 100, TNGT trong các ngày nghỉ lễ thường tăng gấp nhiều lần; thiệt hại về tinh thần và tác động đến xã hội là không thể đo đếm. Rõ ràng, Nghị định 100 sẽ giúp cho các địa phương, mỗi gia đình tiết kiệm được rất nhiều chi phí để xử lý hậu quả do TNGT. Nghị định cũng một phần giúp điều chỉnh lại sinh hoạt cộng đồng, bớt đi những cuộc rượu, bia là bớt đi những xích mích, mâu thuẫn không đáng có; đồng nghĩa với việc mỗi gia đình tiết kiệm được kha khá các khoản tiền chi cho mỗi cuộc nhậu.

Rõ ràng, Nghị định 100 là một trong những nghị định đi vào cuộc sống nhanh nhất và hiệu quả nhất. Tương tự như quy định cấm đốt pháo hay bắt buộc đội mũ bảo hiểm trước đây. Thời gian đầu, một số người cũng phản ứng, nhưng rồi chúng ta cũng làm được. Nguyên nhân chính là những chính sách, quy định đó thực sự để đảm bảo an toàn và lợi ích của mỗi người dân. Và bây giờ, chuyện cấm sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông sẽ không phải là ngoại lệ.

.

Mai Hậu

.