An toàn giao thông

Báo động tình trạng học sinh sử dụng xe môtô

10:01, 30/12/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Trước thềm năm học mới, học sinh THCS và THPT trên địa bàn tỉnh đều được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) nói riêng. Đồng thời, đối với học sinh THPT còn thực hiện ký cam kết không vi phạm Luật, không sử dụng xe môtô khi chưa đủ điều kiện... Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhiều học sinh vẫn “phớt lờ” những cam kết đã ký, ngang nhiên sử dụng xe môtô có dung tích trên 50 cm3, phóng nhanh, vượt ẩu trên đường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT.

Trong những năm gần đây, khi kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, điều kiện sống của các gia đình được nâng cao, nhiều phụ huynh sẵn sàng cho con sử dụng xe môtô. Đó là hành vi “tiếp tay” cho con em vi phạm pháp luật.

Việc phụ huynh giao xe môtô cho con em khi chưa đủ điều kiện sử dụng chính là đang “tiếp tay” cho hành vi vi phạm pháp luật
Việc phụ huynh giao xe môtô cho con em khi chưa đủ điều kiện sử dụng chính là đang “tiếp tay” cho hành vi vi phạm pháp luật

Học sinh sử dụng xe môtô tràn lan

Hiện nay, trên địa bàn TP Vinh, cứ vào đầu buổi sáng sớm hoặc cuối buổi trưa, người tham gia giao thông rất dễ bắt gặp tình trạng học sinh THPT mặc đồng phục, điều khiển xe môtô trên các tuyến phố. Qua tìm hiểu được biết, điều khiển các loại xe môtô có dung tích trên 50 cm3 đến trường, học sinh phải gửi nhờ ở các ki-ốt, nhà riêng xung quanh khu vực trường học.

Khoảng 11 giờ 30 phút ngày 18/12/2018, khi tiếng trống Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng vừa dứt, hàng trăm học sinh ùn ùn đổ ra đường Lê Hồng Phong. Trong số này, có nhiều em đi thẳng về ngõ số 18 - nơi có nhiều ki-ốt, nhà riêng nhận giữ xe môtô, xe đạp điện của học sinh. 1 học sinh thường xuyên gửi xe môtô ở đây cho hay, chi phí cho 1 lần gửi là 3.000 đồng, nếu gửi cả tháng là 90.000 đồng. Tình trạng học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng gửi xe tại con ngõ này tồn tại  từ nhiều năm qua mà không vấp phải trở ngại nào.

Giữa trưa 21/12/2018, phóng viên hết sức bất ngờ khi chứng kiến 3 nam sinh điều khiển 3 xe môtô, trên đầu không đội mũ bảo hiểm, phóng xe với tốc độ cao trên Quốc lộ 1A, đoạn qua thị trấn Quán Hành, huyện Nghi Lộc.

Theo ghi nhận của chúng tôi, các dãy nhà riêng, quán cóc phía trước và xung quanh Trường THPT Nguyễn Duy Trinh luôn có nhiều xe môtô, xe đạp điện của học sinh gửi nhờ. Tại đây, từ sáng sớm đã có người túc trực nhận xe môtô, xe điện vào gửi, đến giờ học sinh vào học, các ki-ốt này được đóng, khóa cẩn thận, khi tan trường sẽ mở ra để học sinh lấy xe. Thời điểm chúng tôi có mặt ghi hình, nhiều học sinh gửi xe môtô không dám lấy xe ra về mà đứng tụm lại thành từng nhóm nói chuyện, khi phóng viên di chuyển, các em mới lấy xe về.

Tình trạng học sinh gửi xe môtô ở khu vực gần cổng trường học diễn ra lâu nay và ở nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh. Tại Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn (thị trấn Diễn Châu); Trường THPT Quỳ Hợp 3 (xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp)..., chúng tôi cũng ghi nhận tình trạng tương tự.

Khó xử lý triệt để

Thầy giáo Cao Đức Tài, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Duy Trinh, thị trấn Quán Hành, huyện Nghi Lộc cho biết: Trường có hơn 1.400 học sinh với 36 lớp học. Hiện tại, nhà trường không cho bất cứ học sinh nào gửi xe môtô trên 50 cm3 bên trong nhà xe. Tuy nhiên, nếu có học sinh sử dụng xe môtô thì các em gửi xe ở ngoài và nhà trường khó có thể kiểm soát tình trạng này.

Theo lời thầy Tài, trước đây nhà trường cũng đã vận động các gia đình ở gần khu vực trường không cho học sinh gửi xe nhưng không hiệu quả, bởi nhà riêng của họ, nhà trường không có quyền can thiệp. Do đó, “Đội xung kích” của trường đã phải bí mật ghi tên những học sinh sử dụng xe môtô, báo với Ban giám hiệu để xử lý “nguội”, tuy nhiên vẫn không thể xử lý dứt điểm.

Tại Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn, qua trao đổi, thầy giáo Hoàng Đình Tám, Phó Hiệu trưởng cho biết, hàng năm, nhà trường phối hợp với các đơn vị Công an trên địa bàn tuyên truyền, giáo dục pháp luật và GTĐB. Đồng thời, tổ chức cho học sinh và giáo viên ký cam kết không vi phạm Luật. Tuy nhiên, một số học sinh không chấp hành, vẫn gửi xe môtô gần khu vực cổng trường để đi lại, việc này nhà trường cũng đã nắm được nhưng không có cách nào để xử lý.

Cũng theo lời thầy giáo Tám, từ đầu năm đến nay, có 14 học sinh của trường bị Công an gửi thông báo vi phạm Luật GTĐB, trong đó có 8 học sinh sử dụng xe môtô khi chưa đủ điều kiện. Đối với các học sinh vi phạm, nhà trường sẽ trừ thi đua lớp và tùy mức độ để hạ hạnh kiểm cuối năm.

Nhiều học sinh không chấp hành Luật Giao thông đường bộ
Nhiều học sinh không chấp hành Luật Giao thông đường bộ

Trung tá Nguyễn Duy Hà, Đội trưởng Đội CSGT Công an TP Vinh cho biết, năm 2018, Đội đã bắt giữ, xử lý 195 trường hợp học sinh điều khiển xe máy điện, xe môtô vi phạm Luật GTĐB. Trong đó, chủ yếu là học sinh điều khiển xe môtô không đội mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe... Theo Trung tá Nguyễn Duy Hà, đối với các trường hợp nói trên, ngay sau khi bị xử lý, đơn vị sẽ thông báo về trường học, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban ATGT... để kịp thời nhắc nhở.

Tuy nhiên, hiện nay, để xử lý triệt để tình trạng học sinh sử dụng xe môtô gặp rất nhiều khó khăn. Theo Thiếu tá Nguyễn Thanh Bình, Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Nghi Lộc thì cơ quan Công an chỉ được phép xử lý khi phương tiện lưu thông trên đường, nếu phương tiện đang gửi ở nhà người dân thì không xử lý được. Ngoài ra, nếu thấy CSGT mặc sắc phục đứng tại các cổng trường để xử lý thì nhiều học sinh sẽ tìm cách né tránh, chờ khi lực lượng chức năng về mới sử dụng xe môtô.

Đâu là giải pháp hữu hiệu?

Để nâng cao hiệu quả việc chấp hành Luật GTĐB, hàng năm, tại các trường đều phối hợp tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; đồng thời, học sinh và giáo viên đều ký cam kết việc chấp hành Luật. Ngoài ra, hàng tuần, hàng tháng các trường còn tổ chức nhiều hoạt động gắn với việc tuyên truyền Luật cho học sinh các cấp.

Bên cạnh đó, hàng năm Ban ATGT tỉnh và Công an các đơn vị trong tỉnh cũng tổ chức hàng trăm buổi tuyên tuyền Luật GTĐB cho học sinh, cấp phát hàng nghìn mũ bảo hiểm miễn phí, tổ chức các hội thi tìm hiểu kiến thức, chấp hành pháp luật, phát tờ rơi... Cùng với đó, qua công tác tuần tra, kiểm soát đã kịp thời phát hiện, xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm về điều khiển xe môtô, gửi thông báo vi phạm về các trường.

Đầu năm học mới, học sinh các cấp đều được tuyên truyền, giáo dục về Luật Giao thông đường bộ và ký cam kết không sử dụng xe môtô có dung tích trên 50 cm3
Đầu năm học mới, học sinh các cấp đều được tuyên truyền, giáo dục về Luật Giao thông đường bộ và ký cam kết không sử dụng xe môtô có dung tích trên 50 cm3

Thực tế cho thấy, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật GTĐB đã được các nhà trường quan tâm, triển khai quyết liệt; đồng thời, các lực lượng chức năng cũng đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, tuy nhiên, vẫn còn không ít học sinh THPT không chấp hành, cố tình sử dụng xe môtô khi chưa đủ điều kiện.

Về lâu dài, giải pháp quyết liệt nhất cho vấn đề trên chính là nâng cao nhận thức pháp luật cho các bậc phụ huynh, kiên quyết không giao phương tiện cho con khi chưa đủ điều kiện sử dụng, tiềm ẩn rủi ro về tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần nghiên cứu, tăng mức xử phạt đối với người giao phương tiện cho người chưa có giấy phép hoặc chưa đủ độ tuổi điều khiển phương tiện tham gia giao thông... Nếu có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa gia đình, nhà trường và xã hội, tin rằng tình trạng học sinh sử dụng xe môtô khi chưa đủ điều kiện sẽ hạn chế đến mức thấp nhất.

Nghị định 146/2016/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe môtô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên. Đồng thời, phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 - 2.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe môtô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe môtô khi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 1, Điều 58, Luật GTĐB điều khiển xe tham gia giao thông.

 

Trần Đức Thắng

Các tin khác