(Congannghean.vn)-Theo thống kê của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Nghệ An, từ đầu năm đến nay, tình hình giao thông trên địa bàn tỉnh được đảm bảo, tai nạn giao thông (TNGT) giảm trên cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ. Có được kết quả trên, ngoài ý thức chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia giao thông có chuyển biến, còn phải kể đến nỗ lực của các cấp, ban, ngành và lực lượng chức năng trong việc chủ động bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát (TTKS), điều tiết giao thông đảm bảo an toàn, thông suốt.
Lực lượng CSGT Công an tỉnh kiểm tra, xử lý vi phạm chủ phương tiện trên QL7A |
Tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí
Ông Nguyễn Hồng Kỳ, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT), Phó Trưởng Ban ATGT tỉnh cho biết: Tính từ ngày 16/12/2016 - 15/11/2017, trên địa bàn tỉnh xảy ra 271 vụ TNGT, làm chết 171 người, bị thương 208 người. So với cùng kỳ năm 2016 giảm 7 vụ, số người chết giảm 7 người, số người bị thương giảm 10 người. Để có được “con số biết nói” này, trong năm qua, Văn phòng Ban ATGT tỉnh đã tham mưu đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban ATGT tỉnh ban hành nhiều kế hoạch chuyên đề cũng như các văn bản chỉ đạo triển khai công tác đảm bảo TTATGT. Nhất là phối hợp với Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh tiếp tục tổ chức ký kết Chương trình phối hợp về "Vận động toàn dân tham gia giữ gìn TTATGT", chương trình phối hợp được phổ biến đến từng khu dân cư, tổ dân phố. Đặc biệt, các lực lượng Công an, Giao thông - Vận tải đã chủ động xây dựng các kế hoạch triển khai thực hiện các biện pháp đảm bảo TTATGT. Bên cạnh đó, các sở, ngành và các thành viên Ban ATGT đã đẩy mạnh công tác chỉ đạo, nâng cao công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đổi mới tuyên truyền trực quan qua các Hội thi: “Thanh niên với ATGT trực tuyến”, “Thanh niên với ATGT”, chú trọng tuyên truyền, cổ động bằng pano, áp phích, tổ chức các đợt nói chuyện chuyên đề về ATGT tại các trường học…
Bên cạnh đó, tổ chức nhiều đợt cao điểm trong các dịp lễ, Tết, các sự kiện lớn của đất nước, của tỉnh, huy động lực lượng ra quân xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT. Sở GTVT đã tham mưu UBND tỉnh nhiều giải pháp đảm bảo TTATGT, tập trung công tác tổ chức giao thông, cải tạo các nút giao thông trọng yếu, tăng cường công tác quản lý hoạt động vận tải, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra toàn diện về công tác quản lý Nhà nước về đảm bảo TTATGT đối với các địa phương, đơn vị trong các lĩnh vực như: Công tác giải tỏa lấn chiếm hành lang ATGT; khai thác cát, sỏi gây ảnh hưởng dòng chảy trên các tuyến sông; công tác đảm bảo ATGT đường thủy nội địa; kiểm tra, xử lý bất cập về ATGT đường sắt…; qua đó, đã kịp thời chấn chỉnh các vấn đề tồn tại, vướng mắc, góp phần nâng cao hiệu quả Nhà nước trong lĩnh vực đảm bảo TTATGT, nhất là đề xuất các giải pháp khắc phục hạ tầng giao thông, xử lý vi phạm hành lang đường bộ, chỉ đạo lực lượng triển khai công tác giải tỏa hành lang vỉa hè, lập lại trật tự đô thị trên địa bàn quản lý...
Cũng trong năm 2017, lực lượng CSGT đã tổ chức 25.562 ca TTKSGT với 90.940 lượt CBCS tham gia. Phát hiện lập biên bản vi phạm hành chính 90.324 trường hợp, trong đó: người điều khiển xe ôtô: 32.656 trường hợp; người điều khiển xe môtô - xe máy: 55.520 trường hợp; xe đạp điện: 2.032 trường hợp; tạm giữ 1.353 xe ôtô, 17.663 môtô, xe máy, 692 xe đạp điện; 88 xe tự chế. Các đối tượng vi phạm đã chấp hành quyết định xử phạt 87.154 trường hợp, chuyển ngân sách Nhà nước thu 67.946.015.000 đồng. Lực lượng Thanh tra giao thông kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm TTATGT với 2.065 lượt tổ chức, cá nhân, xử lý 1.906 trường hợp vi phạm; nộp Kho bạc Nhà nước 6.247.700.000 đồng; từng bước xóa bỏ nạn “xe dù”, “bến cóc”, “xe hợp đồng chạy trá hình”...
Có thể nói, TNGT năm 2017 trên địa bàn tỉnh giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương là kết quả đáng khích lệ, ghi nhận sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và người dân. Tuy nhiên, tình hình TTATGT vẫn còn diễn biến phức tạp, phương tiện cơ giới đường bộ tăng nhanh, dẫn đến mật độ lưu thông của các loại phương tiện tăng cao, nhất là các loại xe tải chở quá khổ, quá tải gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Bên cạnh đó, ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao, tình trạng đỗ xe không đúng quy định, vượt đèn đỏ, đi sai làn đường, phần đường, phóng nhanh, vượt ẩu, việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường… vẫn còn xảy ra; hiện tượng ùn tắc giao thông cục bộ xảy ra vào giờ cao điểm ở một số nút, đường phố chính, tai nạn giao thông vẫn còn tiềm ẩn...
Tăng cường xử lý phương tiện quá khổ, quá tải
Thực hiện Công điện số 95 và Công điện số 1966/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh tình trạng phương tiện vận tải đường bộ vi phạm chở hàng quá tải trọng và tăng cường kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ, ngày 21/11/2013, liên Bộ Công an - Bộ GTVT đã ban hành Kế hoạch số 12593 về phối hợp thực hiện kiểm soát, xử lý vi phạm chở hàng vượt quá tải trọng của xe ôtô, đồng loạt thực hiện từ ngày 1/4/2014 trên phạm vi cả nước. Sau hơn 3 năm thực hiện, cơ bản tình hình vi phạm về tải trọng phương tiện đã được kiểm soát, giảm trên 90% so với thời điểm trước khi thực hiện chủ trương này.
Những năm qua, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng địa phương, công tác kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực; phần lớn các doanh nghiệp, chủ phương tiện đã chủ động cắt bỏ phần thành thùng xe cơi nới, chở đúng tải trọng. Theo báo cáo của Sở GTVT Nghệ An, chỉ trong đợt cao điểm từ ngày 25/10 - 25/11, lực lượng Thanh tra giao thông đã xử lý 73 trường hợp vi phạm vận tải hàng hóa (trong đó chở quá khổ, quá tải 45 trường hợp, làm rơi vãi đất, cát 5 trường hợp), vi phạm tiêu chuẩn, điều kiện phương tiện lắp thùng xe không đúng kích thước 9 trường hợp, xe hết hạn kiểm định dưới 1 tháng 1 trường hợp và 38 trường hợp dừng, đỗ đón, trả khách, đi vào đường cấm; tước giấy phép lái xe 46 trường hợp…
Tuy nhiên, qua ghi nhận, tình hình phương tiện vận tải vi phạm về kích thước thùng xe và chở quá tải trọng cho phép đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng tái diễn trở lại; vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, kiểm soát nhưng có biểu hiện tiêu cực, bao che các đối tượng vi phạm… Để kịp thời chấn chỉnh tình trạng trên, thời gian tới, Sở GTVT sẽ tăng cường quản lý, vận hành các trạm kiểm tra tải trọng; củng cố và nâng cao năng lực của lực lượng Thanh tra giao thông; tổ chức ký cam kết về không chở hàng quá trọng tải, không xếp hàng hóa lên xe quá trọng tải cho phép của các doanh nghiệp; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện cam kết đã ký và xử lý nghiêm các đơn vị vận tải, đầu mối hàng hóa vi phạm cam kết về xếp hàng hóa lên xe ôtô không vượt quá tải trọng cho phép.
Theo đồng chí Thượng tá Nguyễn Đức Hải, Phó Giám đốc Công an tỉnh, để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch 156/KH-BCA-C67 của Bộ Công an và Kế hoạch 200 của Công an tỉnh về tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý hành vi vi phạm chở hàng quá tải trọng của phương tiện giao thông, Công an tỉnh đã ban hành Kế hoạch 320/KH/CAT-PC67-PV11 ngày 10/12 về mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý chuyên đề xe ôtô vi phạm chở hàng quá khổ, quá tải trên địa bàn tỉnh.
Lực lượng Công an sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của ngành GTVT trong việc triển khai thực hiện công tác kiểm soát tải trọng phương tiện; huy động tối đa lực lượng, phương tiện để tăng cường công tác TTKS tất cả các tuyến đường giao thông trên địa bàn; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm chở hàng quá tải trọng, chiều cao, chiều dài, chiều rộng cho phép; chở hàng siêu trường, siêu trọng; không thực hiện đúng các quy định về an toàn trong giấy phép lưu hành xe; tự ý cải tạo thiết kế kỹ thuật của nhà sản xuất; lắp, ráp thành thùng xe không đúng quy định.